Trang chủ    Thực tiễn    Tổng quan kinh tế năm 2015 và triển vọng 2016
Thứ hai, 25 Tháng 1 2016 10:28
1986 Lượt xem

Tổng quan kinh tế năm 2015 và triển vọng 2016

(LLCT) - Năm 2015 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Năm 2015 cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn. Ngay từ đầu năm, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Thủ tướng Chính phủ đã ra các Quyết định giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN, trái phiếu chính phủ năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015.

(Thành phố Hồ Chí Minh)                                          

1. Kinh tế hồi phục rõ nét, tăng trưởng cao

Năm 2015 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Năm 2015 cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn. Ngay từ đầu năm, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Thủ tướng Chính phủ đã ra các Quyết định giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN, trái phiếu chính phủ năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015.

Thực hiện nghiêm túc sự điều hành của Chính phủ, trong năm 2015, các ngành các cấp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015, tuy hạn chế vẫn còn nhiều. Dưới đây là tình hình cụ thể:

a) Những thành tựu nổi bật

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước  tăng 6,68%. Đây là tốc độ tăng cao so với 3 năm trước đó (năm 2012 tăng 5,25% và 2013 tăng 5,4% và 2014 tăng 5,98%). Xu hướng tăng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 6,129%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87% và quý IV ước tăng 7,01). Tăng trưởng kinh tế đã vượt kế hoạch đề ra (6,2%).  

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%. Trong bối cảnh của năm 2015,kết quả đó là thành tựu to lớn, đáng ghi nhận.

Quy mô nền kinh tế năm 2015 đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng (2.109 USD), tăng 57 USD so với năm 2014.

Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: nông, lâm nghiệp và thủy sản: 17%; công nghiệp và xây dựng: 33,25%; dịch vụ: 39,73%. 

Do kinh tế tăng trưởng khá nên thu, chi NSNN chuyển biến tích cực, tài chính ngân hàng phát triển. Tổng thu NSNN (đến 15-12-2015)ước đạt884,8nghìn tỷ đồng(97,1% dự toán năm), trong đó thu nội địa đạt 657nghìn tỷ đồng, bằng 102,9%; thu từ dầu thô 62,4nghìn tỷ đồng, bằng67,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 160nghìn tỷ đồng, bằng91,4%.

Trong thu nội địa, nhiều khoản thu đạt khá và vượt dự toán năm: Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 186,1% dự toán năm; thu tiền sử dụng đất 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 139,1%; lệ phí trước bạ 21 nghìn tỷ đồng, bằng 135,9%; thuế thu nhập cá nhân 53,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 119,7 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1%.

Riêng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 128 nghìn tỷ đồng(89,8% dự toán); thu từ khu vực DNNN 204,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,5%. Thu ngân sách đạt 104% dự toán.

Tổng chi NSNN ước 1.064,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển 162 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1%; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9%. Bội chi ngân sách ước đạt mục tiêu đề ra khoảng 5%.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

Tính đến 18-12-2015, tăng trưởng tín dụng đạt 17,02% so với thời điểm cuối năm 2014, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 13,49%; tổng phương tiện thanh toán tăng 13,6%. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện, bảo đảm khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá hối đoái bình quân của đồng Việt Nam so với USD giữ ổn định sau khi biến động mạnh vào giữa tháng 8-2015.

Thị trường bảo hiểm có nhiều hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Các cơ chế, chính sách trong hoạt động bảo hiểm cũng từng bước được hoàn thiện và phù hợp hơn với mọi đối tượng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt mức tăng khá, ước tăng 12,6%.

Các ngành sản xuất và dịch vụ  hồi phục nhanh và tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp, tính chung cả năm 2015, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,8%, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, khai khoáng tăng 6,5% (2014 tăng 2,4%), chế biến, chế tạo tăng 10,6% (2014 tăng 8,7%); sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số tăng cao:

Ngành sản xuất

Mức tăng trưởng

Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học

37%;

Sản xuất xe có động cơ

26,7%;

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

17,4%;

Dệt

13,9%.

 

Một số sản phẩm công nghiệp năm nay đạt mức tăng cao so với năm 2014:

Ngành sản xuất

Mức tăng trưởng

Ô tô

54,5%

Tivi

 51,2%

Điện thoại di động

31,6%

Sữa tắm, sữa rửa mặt

19,8%

Thép thanh, thép góc

18,6%

Sữa bột tăng

18,5%

Giày, dép da

17,8%

Thép cán

17,8%

Thức ăn cho gia súc

 16,5%

Khí hóa lỏng (LPG) 

15,7%

Sữa tươi

15,4%

 

Chỉ số tiêu thụ ngành cả năm tăng 12,6% so với năm 2014. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 49,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,6%; sản xuất kim loại tăng 22,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-12-2015 tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014.

Giá trị sản xuất xây dựngđạt 777,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%, gồm: Khu vực nhà nước đạt 66,9 nghìn tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 660,8 nghìn tỷ đồng; khu vực FDI đạt 49,8 nghìn tỷ đồng. Thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng khá.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% và bằng 32,6% GDP, gồm: Vốn khu vực nhà nước đạt 519,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 38%), tăng 6,7%; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, (38,7%); vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 318,1 nghìn tỷ đồng (23,3%).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài,đến15-12-2015 cả nước đãthu hút 2.013dự án mới, vốn đăng ký 15,58 tỷUSD, tăng 26,8% số dự án và giảm0,4% về vốn. Vốn bổ sung với 7,18 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5%. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2.809,3 triệu USD, chiếm 12,4%; kinh doanh bất động sản đạt 2.394,7 triệu USD, chiếm 10,5%.

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.678,5 triệu USD, chiếm 17,2%; tiếp đến là Malaixia 2.447,5 triệu USD, chiếm 15,7%; Nhật Bản 1.285 triệu USD, chiếm 8,2%.

 Nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị sản xuất năm 2015 theo giá so sánh 2010 ước đạt 858,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6%.

Sản lượng lúa cả năm đạt 45,2 triệu tấn, tăng 240,9 nghìn tấn so với năm 2014. Nếu tính thêm 5,3 triệu tấn ngô thì lương thực có hạt ước tính đạt 50,5 triệu tấn, tăng 319,8 nghìn tấn so với năm 2014. Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển. Diện tích và sản lượng một số cây chủ yếu tăng: sản lượng chè đạt 1 triệu tấn, tăng 1,9%; cà phê 1.445 nghìn tấn, tăng 2,6%; cao su 1.017 nghìn tấn, tăng 5,2%; hồ tiêu 168,8 nghìn tấn, tăng 11,3%. 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm chuyển dịch theo hướng tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả. Theo điều tra thời điểm 1-10-2015, sản lượng thịt trâu là 85,8 nghìn tấn, thịt bò 299,3 nghìn tấn, lợn 3,5 triệu tấn; gia cầm 908,1 nghìn tấn.

Diện tích rừng trồng tập trung đạt 240,6 nghìn ha, tăng 8,5%. Sản lượng gỗ khai thác 8.309 nghìn m3, tăng 11,9%. Công tác bảo vệ rừng được quan tâm với nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai.

Sản lượng thuỷ sản ước đạt 6.549,7 nghìn tấn, tăng 3,4%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3513,4 nghìn tấn, tăng 2,9%. Nuôi cá tra có sự chuyển dịch từ nuôi nhỏ lẻ sang mô hình nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, ASC.Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3036,3 nghìn tấn, tăng 4%.

Thương mại. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùngđạt 3.242,9nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1%. Khu vực FDI đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô, khu vực FDI đạt 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Khu vực trong nước đạt 47,3 tỷ USD.

Kim ngạch một số mặt hàng chủ lực thuộc nhóm gia công, lắp ráp tăng cao:

Sản phẩm

Mức tăng

Điện thoại các loại và linh kiện

29,9%

Điện tử máy tính và linh kiện

38,2%

Hàng dệt may

 8,2%

Giày dép

16,2%

Đóng góp chính vào mức tăng chung là nhóm hàng của khu vực FDI như: điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%, điện tử, máy tính va linh kiện chiếm 98,2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,5%, giày dép chiếm 79,7%; hàng dệt may chiếm 60,4%.

Về thị trường, năm 2015 Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước  33,5 tỷ USD, tăng 17% và chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu;EU với 30,9 tỷ USD, tăng 10,7% và chiếm 19%;Trung Quốc ước 17 tỷ USD, tăng 13,7.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12%, trong đó khu vực FDI đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước 151,2 tỷ USD, tăng 12,3% và chiếm 91,3%. Hàng tiêu dùng ước 14,4 tỷ USD, tăng 10,4% và chiếm 8,7%, giảm 0,2%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước 49,3 tỷ USD, tăng 12,9% và chiếm 28,8% tổng kim ngạch. Hàn Quốc ước 27,7 tỷ USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7%. ASEAN ước 23,8 tỷ USD, tăng 3,8% và chiếm 14,4%.

 Hoạt động của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc

Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký. Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm. Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm là 1.452,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.471,9 nghìn người, tăng 34,9%.

Trong năm 2015, cả nước có 21.506 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 39,5%. Điều này cho thấy hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 9.467, giảm 0,4% so với năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%).

Lạm phát đạt mức thấp nhất trong 14 năm qua

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,05%. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Mức tăng CPI tháng 12-2015 so với cùng kỳ năm 2014 và mức tăng CPI bình quân năm 2015 so với bình quân năm 2014 đều là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPI tăng 5%.

Kinh tế tăng trưởng khá đã tác động tích cực đến an sinh xã hội cả nước. Đời sống dân cư ổn định được cải thiện cả vật chất và tinh thần. Năm 2015, cả nước có 227,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 27,8% so với năm trước, tương ứng với 944 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 29,6%. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh trên cả nước,đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến hết tháng 6-2015, cả nước có 889 xã (9,94%) đã được công nhận Chuẩn nông thôn mới (cả năm 2014 có 785 xã). Giáo dục đào tạo có bước phát triển mới. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

b) Những hạn chế bất cập

Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa đều, chưa vững chắc. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,41% là không tương xứng. Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm nông sản giảm khá mạnh cả về lượng và giá trị như: Cà phê giảm 24,3% về lượng và giảm 27,8% về giá trị; chè giảm 6% và giảm 7%; dầu thô giảm 0,6% và giảm 47,3%; than đá giảm 76,1% và giảm 66,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 15,6% so với 2014

Hàng nông, lâm sản đạt 17 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 10,5%; hàng thủy sản ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 15,6% và chiếm 4,1%.

Trong công nghiệp, tuy tăng trưởng cao nhưng một số ngành có chỉ số tiêu thụtăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 3,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 2,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 1,7%; dệt tăng 1,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,8%. 

 Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao.

Khách quốc tế đến giảm 0,2% và là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 8,1% là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua và không đạt kế hoạch (10%).

Có cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý: khu vực FDI chiếm 70,9%. Nhập siêu cả năm 3,2 tỷ USD, mức cao sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Nhập siêu cả năm hoàn toàn thuộc về kinh tế trong nước 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD trong năm.

Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn..

Trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2015 tại Nghị quyết của Quốc hội, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt.

Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế-xã hội năm 2015 đã đạt được những thành tự to lớn, đáng ghi nhận và tự hào. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp  phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao. Thu NSNN vượt dự toán. Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt một số kết quả tích cực bước đầu.

2. Dự báo năm 2016 và một số giải pháp

Theo dự báo của IMF, năm 2016 kinh tế thế giới tăng trưởng 3,8%; OECD tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 từ 3,8% xuống 3,6%. OECD cho rằng hoạt động kinh tế của Mỹ yếu kém và vốn đầu tư của các chính phủ và doanh nghiệp giảm sút mạnh là một phần nguyên nhân kéo kinh tế toàn cầu đi xuống; WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 xuống 3,3%; tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2016 là 5,2%.

Bước vào năm 2016, kinh tế nước ta sẽ phát triển theo hướng hội nhập sâu vào kề kinh tế thế giới và khu vực do tác động của nhiều yếu tố cả thuận lợi nhiều hơn và khó khăn không ít.

Về thuận lợi: Các động lực tăng trưởng chủ yếu trong năm 2016 tiếp tục được phát huy: sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhờ giá đầu vào thấp và sức mua của thị trường trong nước tăng như quý IV năm 2015.

Thực hiện các FTA, nhất là TPP, cộng đồng ASEAN... nên các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước có những cải thiện, nhờ tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn, xuất khẩu được đẩy mạnh. Khu vực FDI phát triển nhanh với khả năng cạnh tranh cao và nhờ thị trường ổn định, giá xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo của khu vực này không có biến động lớn. Sức mua và tổng cầu thị trường trong nước tiếp tục tăng, nhờ lòng tin vào phục hồi nền kinh tế, tăng trưởng cao, lạm phát thấp, việc làm và thu nhập của dân cư tăng; và là tăng trưởng của đầu tư và tận dụng phát huy được năng lực sẵn có đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp khi triển khai, đưa các chế định của các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,... và thực hiện trong đời sống kinh tế xã hội.

Về khó khăn: Giá dầu thô và giá nông sản giảm thấp và thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu và nguồn thu của NSNN. Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của nước ta vào thị trường này, trong điều kiện nhập siêu lớn với Trung Quốc. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các FTA cũng đặt ra những thách thức rất lớn. Sự nắm bắt, hiểu biết về hội nhập cũng như tác động đến nền kinh tế, đến đầu tư, kinh doanh của từng doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, trình độ công nghệ phổ biến là còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, khả năng cạnh tranh thấp sẽ là những khó khăn rất lớn cho sự phát triển, cần có các giải pháp để khắc phục trong năm 2016 và trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh trên, dự báo tình hình kinh tế nước ta năm 2016 sẽ đạt các chỉ tiêu tổng quát sau: Nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục đà phục hồi ổn định theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước đã hình thành từng năm 2013-2015. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định hơn; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2015. Cụ thể:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8-7,0% .

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng  10-12 % .

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5-6 tỷ USD.

Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP là 4,9-5,0%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31-32% GDP.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng  4-5 %.

Tốc độ tăng vốn FDI đạt 10-12% (kể cả các dự án tăng vốn).

Vốn FDI thực hiện khoảng 14 tỷ USD.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt khoảng 9-10 triệu lượt người, tăng 11% so năm 2015.

Các dự báo trên đây tuy có cao hơn so năm 2015 nhưng với thế và lực mới được tạo ra trong những năm gần đây, với bối cảnh mới, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu trên.

Nhìn chung, triển vọng của kinh tế nước ta trong năm 2016 có nhiều yếu tố tích cực nhưng các ngành, các cấp và các doanh nghiệp phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục vượt qua, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo, tập trung vào những công việc trọng tâm sau:

Một là, tập trung nguồn lực và chính sách để phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng thị trường, bảo đảm nông sản hàng hóa Việt Nam đứng vững khi tham gia cạnh tranh với các nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Năm 2016, cần tập trung xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, xuất khẩu, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao. Tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Hai là, thực hiện rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để chủ động hội nhập và hội nhập có hiệu quả với nền kinh tế thế giới.Kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ về Cộng đồng ASEAN, FTA, TPP. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để sẵn sàng tham gia thị trường cạnh tranh toàn cầu trên mọi mặt: Trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa xuất nhập khẩu, thương hiệu sản phẩm... Phát triển mạnh thị trường nội địa với nhiều loại sản phẩm được sản xuất trong nước đi đôi với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào, góp phần kiểm soát tình trạng nhập siêu, tiến tới giữ và ổn định cán cân thương mại ở mức hợp lý.

Ba là, trong thời gian tới, xu hướng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh, vì vậy các doanh nghiệp trong nước phải chủ động và tích cực khai thác thông tin và tìm kiếm đối tác để có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh toàn cầu; đồng thời trang bị kiến thức cần thiết trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và gay gắt hiện nay. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu hướng tới hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn hóa trong quy trình sản xuất sản phẩm cùng ngành nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, bảo đảm cạnh tranh bền vững..

Thứ tư, tăng cường các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; chủ động triển khai các giải pháp cân đối thu chi NSNN phù hợp với tình hình thực tế., chống gian lận thương mại trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thực hiện các giải pháp điều hành thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh.

____________________

Tài liệu tham khảo chính:

1. Tổng cục Thống kê: Tổng quan kinh tế - xã hội năm 2011-2014.

2. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIII.

3 .Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội các tháng năm 2015.

4. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về vốn FDI năm 2014, 2015 

5. Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 8, 9 và 10 (khóa XIII) về phê chuẩn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm, kế hoạch 5 năm 2011-2015 và 2015

6. Niên giám thống kê năm 2006 - 2015

7.  Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2015 và 2016 của WB, IMF, ADB.

8. Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2015, Tổng cục Thống kê 27-12-2015.

9. Báo cáo tổng kết kinh tế-xã hội của các bộ, ngành và một số địa phương và các tài liệu khác có liên quan.

 

       PGS, TS Nguyễn Sinh Cúc

                                                   Hội Thống kê Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền