Trang chủ    Thực tiễn    Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Kết quả, thách thức và giải pháp
Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 16:13
3387 Lượt xem

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Kết quả, thách thức và giải pháp

(LLCT) - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty (TCT) nhà nước được xác định rõ với các quan điểm chỉ đạo là:

Tái cơ cấu DNNN không phải là hạn chế, làm giảm vai trò của DNNN, mà phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các DNNN được cổ phần hóa (CPH) nhằm tăng thêm nguồn vốn, đổi mới quản trị, hoạt động của doanh nghiệp (DN) sau CPH được rõ ràng, minh bạch hơn.

Tái cơ cấu DNNN thực hiện trên cả phương diện vĩ mô (điều chỉnh lại chính sách, khung pháp lý, phân bổ lại nguồn lực, cơ cấu sở hữu, quản lý của khu vực DNNN) và cả phương diện vi mô (điều chỉnh lại sở hữu, mô hình, cơ chế hoạt động, quản trị, bố trí lại nguồn lực ở từng TĐKT, TCT nhà nước), gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Thực hiện tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, theo nguyên tắc giảm về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đổi mới triệt để hệ thống nông, lâm trường quốc doanh gắn với giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hiệu quả quản lý, sử dụng đất và các mục tiêu quản lý, khai thác rừng của Nhà nước.

Trên cơ sở các mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), tái cơ cấu DNNN nhằm đạt các mục tiêu sau:

Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực DNNN và từng DNNN tương xứng với nguồn lực được giao.

Lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của DNNN.

Đặt DNNN đặc biệt là TĐKT, TCT nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN khác; nhất quán và kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường trong hoạt động của DNNN.

Đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; từng bước hình thành hệ thống DNNN dưới hình thức công ty cổ phần trong đó Nhà nước chi phối và điều hành theo mục tiêu đặt ra.

Thực hiện nghiêm túc kế hoạch tái cơ cấu DNNN ở các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, xây dựng các DNNN có quy mô lớn, hầu hết đa sở hữu, mục tiêu đến năm 2020 hình thành một số TĐKT lớn của  nhà nước, có thể dẫn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia.

1. Những kết quả đạt được

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) về tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được triển khai mạnh mẽ. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng phương án, tập trung vào 3 trụ cột chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và DNNN (trọng tâm là TĐKT, TCT nhà nước). Tháng 7-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, TCT nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Việc triển khai Đề án được thực hiện đồng bộ.

Về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách

Chính phủ và các bộ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung các nghị định, chính sách về đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý đối với DNNN: chế độ giám sát, kiểm tra. Theo đó, nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hội đồng thành viên các TĐKT, TCT nhà nước được phân định rõ hơn; xác định rõ bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.

Để hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách về hoạt động quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, giải quyết khó khăn, vướng mắc; các quyết định về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Năm 2014, Chính phủ phê duyệt thêm 5 nghị định điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Viettel và 3 Tổng Công ty; phê duyệt Đề án tái cơ cấu các TĐKT, TCT nhà nước theo thẩm quyền. Các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn tất việc phê duyệt đề án tái cơ cấu các TCT trực thuộc (riêng Bộ Quốc phòng còn 14 TCT chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu)(1[1]).

Bộ Tài chính ban hành 3 thông tư về: Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Quy chế hoạt động của Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN; Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC. Bộ Nội vụ thực hiện việc hoàn chỉnh dự thảo quy định về người giữ chức danh quản lý tại DN 100% vốn nhà nước và DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước

Qua sắp xếp, cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm từ 5.655 DN 100% vốn nhà nước (2001) xuống còn trên 1.300 DN (cuối năm 2011), không kể các công ty nông, lâm, trường quốc doanh(2[1]). Tính đến hết năm 2013, cả nước có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó, có 8 TĐKT; 100 TCT nhà nước; 25 công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 309 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 543 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại(3[1]).

Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN (2011 - 2013), Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, trong 2 năm 2014 và 2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DN, trong đó: CPH 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN. Đến cuối năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, trong đó CPH 143 DN, chuyển 1 DN thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN([1]4).

Năm 2014, có 76 DN đã bán đấu giá cổ phần lần đầu. Đã có 69/109 đề án tái cơ cấu của TĐKT, TCT nhà nước được Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở các phương án, đề án đã được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các TĐKT, TCT tích cực triển khai thực hiện với mục tiêu năm 2015 đưa số DNNN xuống còn 692 DN, tiến tới năm 2020 cơ bản các DNNN được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn giữ khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, công ích, an ninh - quốc phòng...; đồng thời, tạo ra những DNNN có cơ cấu hợp lý, có sức cạnh tranh cao, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô(5[1]).

Về thoái vốn nhà nước của các TĐKT, TCT nhà nước, tính đến cuối năm 2014, cả nước đã thoái được 6.076 tỷ đồng tại 233 DN, thu về 8.002 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá. Số vốn thoái được phân theo các lĩnh vực: chứng khoán (204 tỷ đồng); bảo hiểm (297 tỷ đồng); bất động sản (185 tỷ đồng); tài chính (1.489 tỷ đồng); ngân hàng (1.308 tỷ đồng); bán phần vốn nhà nước tại các DN không cần nắm giữ (4.519 tỷ đồng)(6).

Các đơn vị, địa phương triển khai thoái vốn đạt kết quả cao có thể kể đến như: Tập đoàn Than - Khoáng sản (1.732 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (151 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su Việt Nam (523 tỷ đồng); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (gần 2.017 tỷ đồng); Bộ Xây dựng (1.321 tỷ đồng); Bộ Giao thông vận tải (595 tỷ đồng); TP. Hồ Chí Minh (318 tỷ đồng). Số tiền thu được từ thoái vốn là khá cao (gấp 3 lần năm 2013) nhưng tiến độ vẫn chậm và thấp so với yêu cầu đặt ra. Hệ quả đó, một phần là do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thị trường chứng khoán chưa hồi phục mạnh; phần nữa là do các khoản đầu tư ngoài ngành của DN có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên vẫn khó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

Về việc triển khai tái cơ cấu của các TĐKT, TCT

Các TĐKT, TCT nhà nước tập trung xác định lại mục tiêu, nhiệm vụ, làm rõ vai trò, vị trí của từng TĐKT, TCT nhà nước trong nền kinh tế; rà soát, xác định lại ngành, nghề kinh doanh, loại bỏ các ngành, nghề ít hoặc không liên quan để tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, các TĐKT, TCT nhà nước tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, tránh cạnh tranh nội bộ, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành, nghề.

Các TĐKT, TCT nhà nước đã xây dựng phương án tài chính để triển khai ngành, nghề kinh doanh chính phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp và xử lý tồn tại về tài chính; chủ động bán vốn, chuyển vốn hoặc tìm kiếm đối tác để thoái vốn phù hợp với đặc điểm, điều kiện và tình hình của doanh nghiệp. Tính đến tháng 9-2013, các TĐKT, TCT đã thoái hơn 4.164 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành, nghề kinh doanh chính là 21.796,8 tỷ đồng. Một số TĐKT, TCT có sự phối hợp trong việc thoái vốn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tái cơ cấu Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam theo hướng hợp nhất với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây và thoái vốn theo lộ trình; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Rau quả nông sản... phối hợp với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) xử lý các khoản nợ tồn đọng của doanh nghiệp.

Về đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh

Cùng với sắp xếp các DNNN, việc sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh được triển khai mạnh mẽ từ năm 2003. Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh đã làm giảm đáng kể số lượng các nông, lâm trường và cơ bản được chuyển đổi sang mô hình tổ chức công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 145 DN nông nghiệp gồm 2 công ty TNHH một thành viên và 3 công ty cổ phần; có 91 nông trường quốc doanh được chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng; 14 DN bị giải thể trong quá trình sắp xếp lại. 

 Năm 2013, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW để đánh giá việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến, mô hình hoạt động của các nông, lâm trường sau khi chuyển đổi ở một số địa phương, đơn vị cũng như việc quản lý sử dụng đất trong các nông, lâm trường quốc doanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn việc sắp xếp các doanh nghiệp thuộc khu vực này.

2. Những thách thức

Hoạt động CPH, sáp nhập, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, hợp nhất DN chưa có cơ sở luật định. Cho đến nay, chủ trương tái cơ cấu DNNN mới chỉ được thể hiện ở các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa ở các văn bản dưới luật của Chính phủ. Ở nhiều nước trên thế giới, để thực hiện cải cách DNNN, họ ban hành Luật tư nhân hóa. Trong Luật Doanh nghiệp của Việt Nam, quy định hợp nhất DN chỉ mang tính chung nhất, việc chuyển dịch hoạt động của khối DNNN sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hay mô hình khác chưa có quy định rõ ràng. Phần lớn những nội dung này chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật, tính pháp lý chưa cao.

Vấn đề đầu tư vốn nhà nước vào DN hiện chưa có văn bản luật thống nhất quy định về các nguyên tắc, phạm vi, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào DN nhằm thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng điều hành sản xuất kinh doanh đối với DNNN. Các quy định hiện hành còn nằm rải rác và không khả thi tại một số điều của luật, nghị định, thông tư. Cụ thể như: Khoản 1, Điều 68 Luật Đầu tư quy định việc đầu tư vốn từ ngân sách vào tổ chức kinh tế thực hiện thông qua SCIC. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thực hiện theo phân công, phân cấp của Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN là Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty theo quy định tại Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20-10-2005; Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21-8-2006; Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15-11-2012”(7). Như vậy, việc luật hóa các văn bản dưới luật đối với vấn đề vốn nhà nước đầu tư tại DN, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu DNNN là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hướng tới hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam có luật riêng cho vấn đề vốn Nhà nước trong DN sẽ thực hiện được cam kết tương tự như nhiều quốc gia khác, DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhất định (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược gắn với an ninh - quốc phòng) và được luật hóa.

Công tác cổ phần hóa DNNN trong hai năm 2014 - 2015 được đẩy mạnh với quyết tâm rất cao thể hiện trong Hội nghị tái cơ cấu DNNN ngày 18-2-2014 là phải thực hiện 432 DNNN theo phương án đã được phê duyệt (trong số này có nhiều DN vừa và lớn). Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát, bổ sung các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối vào diện CPH theo tiêu chí mới phân loại DNNN.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, đến hết tháng 7-2014, cả nước sắp xếp được 76 DN, trong đó CPH 55 DN. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2015, trung bình mỗi ngày các bộ, ngành, địa phương phải chuyển đổi được hơn 1 DNNN. Đây là một thách thức rất lớn. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc phải hoàn thành CPH số lượng DNNN lớn như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chạy theo số lượng, không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, đang tồn tại những vướng mắc, bất cập như: các DNNN, nhất là DN có ưu thế độc quyền, người đứng đầu DN chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu thường e ngại CPH; hoặc có trường hợp muốn CPH nhanh với phương án có lợi nhất cho cá nhân và nhóm để tiếp tục quản lý lâu dài DN trong mô hình mới; lợi ích về ngân sách nhà nước từ CPH không rõ ràng và có sự vướng mắc giữa hai cấp Trung ương và địa phương khi DNNN ở tỉnh CPH nhưng lại phải nộp tiền thu được về Trung ương cho SCIC quản lý; bất cập trong việc định giá DN mà nổi cộm là giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế đắc địa, thương hiệu...

Mục tiêu được Chính phủ xác định đến hết năm 2015 là thoái được khoảng 40% - 45% vốn nhà nước (trong tổng số vốn khoảng 790 tỷ đồng) thông qua hình thức CPH, bán bớt, thậm chí bán hết cổ phần tại những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Đây là hình thức phân bổ lại các nguồn lực giữa khu vực DNNN và khu vực DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Điều đó tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tiếp cận và tham gia góp vốn, đặc biệt là các DN có quy mô lớn, đang hoạt động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chiếm lĩnh được thị trường trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ quan trọng. Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng còn thiếu ổn định, thị trường chứng khoán ảm đạm, vấn đề đặt ra là bán một khối lượng lớn cổ phần của DNNN có hiệu quả, không làm thất thoát tài sản nhà nước sẽ là một thách thức không nhỏ.    

3. Một số giải pháp

Để thực hiện có kết quả các nội dung mà Đề án tái cơ cấu đề ra, cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất,về hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII, Quốc hội đã thông qua 3 luật: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Luật Đầu tư (sửa đổi). Do vậy, các bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, ban hành các nghị định hướng dẫn phù hợp với luật mới liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện nghị định về Quy chế quản trị Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định về Quy chế đánh giá về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động, tổ chức công đoàn đối với DN chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng trong lần đầu ngay; tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xác định giá trị DN để CPH như: xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển DN thành công ty cổ phần; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp...

Thứ hai, căn cứ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014 - 2015 đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh đẩy nhanh sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có phương án xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCT nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được phê duyệt.

Thứ ba, đối với các DNNN, phải xây dựng và kiểm tra, giám sát việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhằm gia tăng lợi nhuận để bảo toàn, phát triển vốn của DN, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Thường xuyên phối hợp với các ngân hàng thương mại, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu. Thay đổi nhận thức lâu nay, ngân hàng không chỉ là đơn vị lá chắn, chủ nợ của các DN mà ngân hàng cần phải hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN thông qua thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm, đầu tư nguồn tài chính… để đưa DN phát triển.

Thứ tư, chủ động hơn với vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ thông qua hoạt động của SCIC. Để thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN, phát huy có hiệu quả vai trò nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, SCIC cần chủ động, tích cực hơn nữa, nâng cao năng lực quản trị để tham gia quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả tại các DN, trong đó có các TĐKT, TCT.

Thứ năm, tăng cường việc kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các công việc đã đề ra, nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo theo định kỳ để kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu.

Việt Nam đang tập trung cao độ đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường có hệ thống pháp luật tiên tiến, bảo đảm cho tất cả các loại hình DN hoạt động bình đẳng, lành mạnh; đồng thời chuẩn bị tham gia hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng để đạt được mục tiêu CPH DNNN có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1), (4), (6) Xem: Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tình hình tái cơ cấu DNNN năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015,Tài liệu Báo cáo tại Hội nghị giao ban ngày 27-12-2014, tr.2. 

(2) Xem: Hồ Sỹ Hùng, “Đổi mới, sắp xếp DNNN và một số thách thức đặt ra”, Tạp chí Cộng sản, số 10, 2012, tr.47.

(3) Xem: Bộ Tài chính, Báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, Tài liệu phục vụ Hội nghị giao ban năm 2014 đánh giá tiến độ tái cơ cấu DNNN và nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 ngày
27-12-2014, tr.1.

(5) Xem: Vũ Văn Ninh “Tái cơ cấu DNNN, những kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015”, Tạp chí Cộng sản,2014,  số 2, tr. 28.

(7) Thu Hằng: “Tuyên ngôn cải cách DNNN”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số 6, 2014, tr.36.

 

TS Ngô Văn Vũ

Tạp chí Khoa học xã hội,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền