Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở Hà Nội và những vấn đề đặt ra
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 08:46
4428 Lượt xem

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở Hà Nội và những vấn đề đặt ra

 
(LLCT) - Một trong những vấn đề trọng tâm, đột phá trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 là thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến là một nội dung quan trọng và là một thành phần của triển khai “Chính phủ điện tử”.

Triển khai chủ trương hiện đại hóa hành chính, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2008/QĐ-TTg và 48/2009/QĐ-TTg về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan Nhà nước, Kế hoạch quốc gia về “Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày27-8-2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tích cực tạo dựng hành lang pháp lý cho triển khai ứng dụng CNTT, quan tâm triển khai dịch vụ công trực tuyến và đưa các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến vào Kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm của thành phố. Cụ thể, đã ban hành các văn bản: Quyết định số 6109/QĐ-UBND ngày 26-12-2012 của UBND Thành phố Hà Nội về ban hành Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 28-8-2013 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2012 - 2015,...

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Hà Nội đã đầu tư nguồn lực lớn cho hoạt động dịch vụ công trực tuyến.

 Nhờ vậy, đến năm 2014, Hà Nội đã có các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử như kết nối mạng WAN cho 100% cơ quan nhà nước, thiết lập và vận hành tốt trung tâm dữ liệu nhà nước thành phố theo chuẩn quốc tế; triển khai cổng thông tin thành phố là nền tảng tích hợp các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; triển khai một số phần mềm dùng chung như phần mềm 1 cửa liên thông; triển khai 17 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trọng điểm đúng tiến độ đề ra; triển khai các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, đã có 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 2 trở lên, trong đó 108 dịch vụ công cấp độ 3 - 4.

Ban Chỉ đạo Chương trình CNTT thành phố đã triển khai đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Việc đánh giá, xếp hạng được tiến hành trên 4 nhóm nội dung chính: hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp; nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT; cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT. Thành phố Hà Nội đã có văn bản nhằm tăng cường thực hiện họp trực tuyến, đưa tiêu chí ứng dụng họp trực tuyến của các sở, ngành, quận, huyện vào kết quả đánh giá xếp loại ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố hằng năm. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện xây dựng Đề án thí điểm thực hiện “cơ quan điện tử”.

Phát huy những kết quả đạt được, Thành phố Hà Nội đã ban hànhKế hoạch số 152/KH-UBND ngày 19-8-2014, về lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020, mục tiêu là mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức, tính minh bạch và hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội. Lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn:

Đến hết năm 2015:Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công mức độ 3 và 4 hiện có, các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ 15 - 20%; ưu tiên lựa chọn các thủ tục hành chính phù hợp để xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và đưa vào sử dụng;

Giai đoạn 2016-2018:Rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai, xây dựng các dịch vụ công mới mức độ 3 và hoàn thiện, nâng cấp các dịch vụ công mức độ 3 đã có lên mức độ 4, đảm bảo đạt mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ưu tiên các dịch vụ công có khối lượng giao dịch lớn, thành phần hồ sơ đơn giản.

Giai đoạn 2018 - 2020:Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai xây dựng các dịch vụ công mới mức độ 3 và hoàn thiện, nâng cấp các dịch vụ công mức độ 3 đã có lên mức độ 4, bảo đảm đạt mục tiêu cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Thực hiện lộ trình đã xác định, đến đầu năm 2015, Thành phố đã triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc 10 nhóm dịch vụ công cơ bản (theo Quy định số 1605 của Thủ tướng Chính phủ) và 72 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc nhóm dịch vụ đặc thù (trong đó 23 dịch vụ được triển khai năm 2014). Các dịch vụ công cấp huyện được triển khai thí điểm; dịch vụ công của các sở, ngành được giao các cơ quan, đơn vị trực tiếp triển khai.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị không đồng đều, một số đơn vị có lượng giao dịch lớn là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông. Thí dụ: thủ tục cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, số hồ sơ nộp qua mạng chiếm tới 80% (khoảng 2.500/3.000 hồ  sơ). Đạt được kết quả đó là do các đơn vị đã lựa chọn những thủ tục hành chính phù hợp, có nhu cầu giao dịch lớn, hồ sơ tương đối đơn giản, đối tượng phục vụ có khả năng tiếp cận dễ dàng.

Như vậy, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, số lượng dịch vụ công trực tuyến và số dịch vụ đạt mức độ 3 tăng: năm 2010 có tổng số 2.346 (có 8 dịch vụ mức 3); năm 2013 tăng lên 2.483 (số dịch vụ mức 3 tăng lên 103, mức 4 là 1 - thuế đất). Cùng với tăng về số lượng dịch vụ, số hồ sơ được xử lý cũng tăng theo thời gian. Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua trực tuyến lớn của cả nước.

Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013, Hà Nội xếp thứ 2 cả nước (sau Đà Nẵng). Riêng tiêu chí cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội xếp thứ 3 (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng)(3). Với những nỗ lực về cải cách hành chính, trong đó có thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội đã có sự cải thiện đáng kể, năm 2013 đứng thứ 5.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến còn một số khó khăn, hạn chế: Hà Nội là một trong những trung tâm tập trung nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của cả nước, tuy vậy, nhân lực này trong hệ thống chính trị còn chưa nhiều. Số lượng giao dịch trực tuyến còn ít do người dân vẫn có tâm lý muốn giao dịch trực tiếp với cơ quan hành chính; văn bản chính sách, biểu mẫu, thủ tục hành chính thường xuyên có sự thay đổi, dẫn đến cần liên tục cập nhật, chỉnh sửa phần mềm; việc lựa chọn các thủ tục để thực hiện dịch vụ trực tuyến còn khó khăn, nhiều thủ tục còn chưa phù hợp; Chính phủ, các bộ, ngành chưa có một lộ trình, danh mục cụ thể các thủ tục sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến. 

Để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyếnthành công, bảo đảm  hiệu quả,trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp:

Một là, iếp tục cải cách thể chế,tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp cần được tập trung triển khai. Tăng cường xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch và thuận tiện tạo điều kiện tăng số lượng các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần tinh giản tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước.

Hai là,phát triển khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực xã hội. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhân tố then chốt trong việc phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Tăng cường xã hội hóa công tác phổ cập tin học; phổ cập toàn dân, trước hết là học sinh về ứng dụng công nghệ thông tin.

Ba là, triển khai các giải pháp kỹ thuật - công nghệ, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hạ tầng mạng nội bộ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố,hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật truyền thông kết nối các cơ quan nhà nước sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực (công chức, viên chức) thực thi nhiệm vụcung cấp dịch vụ công trực tuyến.Hiện nay, trong các cơ quan khối xã, phường, thị trấn, số đơn vị có nhân lực công nghệ thông tin đạt chất lượng từ trung bình trở lên còn chiếm tỷ lệ thấp; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ công chức khối phường, xã đa số ở mức yếu.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức công nghệ thông tin, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến,...

Phát triển dịch vụ công trực tuyến là xu hướng chung trong tiến trình hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước, là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính. Với các nhóm giải pháp đồng bộ, lộ trình thực hiện cụ thể, hướng tới mục tiêu đồng bộ, thống nhất, đáp ứng các mục tiêu cải cách hành chính, trong thời gian tới dịch vụ công trực tuyến sẽ đem lại sự thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong giao dịch giữa công dân, tổ chức với chính quyền.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

Tài liệu tham khảo

(1) Bộ Nội vụ: Kết quả cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, Tài liệu Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức ngày 26-3-2015.

(2)Sở Nội vụ Hà Nội: Báo cáo tham luận về việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức thông qua hình thức thi trực tuyến tại thành phố Hà Nội, phục vụ Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Nội vụ.

(3) Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013, http://mic.gov.vn

(4) Các dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên của thành phố Hà Nội: Cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; Cấp giấy phép xây dựng; Cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài; Xác nhận đăng ký thang bảng lương cho doanh nghiệp; Đăng ký mới xe ô tô; Đăng ký tạm trú, tạm vắng; Cấp phép xuất bản bản tin; Cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm; Cấp phép triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm; Nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Nộp thuế nhà đất; Hải quan điện tử,...

 

ThS ĐINH NGUYÊN MẠNH

Quận ủy Đống Đa

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền