Trang chủ    Thực tiễn    Lối sống của công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 08:53
5783 Lượt xem

Lối sống của công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay

(LLCT) - Hiện nay, cả nước có 289 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang hoạt động và 98 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ thu hút khoảng 2,1 - 2,2 triệu lao động. Phần lớn công nhân, người lao động làm việc trong các KCN xuất thân từ nông thôn, hơn 70% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các KCN; số công nhân được ở trong các khu nhà lưu trú do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp (5%). Đa số các phòng trọ đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2 - 3m2 /người), không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về vệ sinh, an toàn; thiếu nhà trẻ, mẫu giáo. Trong khi đó, công nhân thường xuyên phải tăng ca nên không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí… Do vậy, đã xuất hiện những hệ luỵ đáng lo ngại trong lối sống. 

1. Thực trạng về lối sống của công nhân trong các KCN, KCX hiện nay

Lối sống tích cực, lành mạnh

Lối sống tích cực của công nhân thể hiện ở tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm như đi làm đúng giờ, giữ gìn bảo vệ tài sản của doanh nghiệp... Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về nhận thức của công nhân về các tiêu chí cho  thấy, lối sống của công nhân Việt Nam hình thành 9 xu hướng tích cực như: có niềm tin, sáng tạo trong lao động (63,7%); có lối sống văn hoá lành mạnh (49,6%); sống có ý thức pháp luật (48,3%); có trách nhiệm với doanh nghiệp (52,6%); có trách nhiệm với gia đình, người thân (59,6%); có trách nhiệm với xã hội (42,3%); có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp (46,8%); đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau (58%); sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (51,3%)(1). Trong 9 xu hướng trên, có thể thấy đa số công nhân có niềm tin, sáng tạo trong lao động, sống có trách nhiệm, gắn bó với doanh nghiệp, có trách nhiệm với gia đình, người thân và đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau.

Lối sống tích cực được thể hiện ở phẩm chất đạo đức và nhân cách. Đạo đức là gốc rễ của mỗi người, còn nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người trong lao động sản xuất, trong đời sống thường ngày. Mặt khác, nhân cách còn thể hiện trình độ văn hoá, nhân tính và nguyên tắc sống của người công nhân.

Qua khảo sát về chuẩn mực đạo đức của công nhân cho thấy, 50,1% số công nhân cho rằng lễ phép, kính trên nhường dưới, 57,3% có hiếu với ông bà, cha mẹ, 49,3% yêu thương, đùm bọc anh em và 49,9% giúp đỡ người khác đều thuộc phạm trù đạo đức. Điều này cho thấy nhận thức của công nhân về chuẩn mực đạo đức, nhân cách sống còn có sự khác biệt.

Sống có trách nhiệm với gia đình, người thân và xã hội là một phẩm chất tốt đẹp của công nhân. Đối với công nhân, đi làm không chỉ là để kiếm tiền nuôi sống bản thân mình, mà còn có nghĩa vụ với gia đình, người thân, mặc dù thu nhập hàng tháng của người lao động còn rất thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân. Chính sách tiền lươngcủa Nhà nướctuy đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa được cải cách căn bản, nên còn nhiều bất cập. Mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 68% đến 72% nhu cầu sống tối thiểu của công nhân. Theo khảo sát, có 13,3% công nhân trả lời thu nhập không đủ sống; 24,5% phải chi tiêu rất dè xẻn; 49,8% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 12,3% cho biết có dư dật và có tích luỹ(2).

Lẽ sống hay đạo lý sống, là biểu hiện quan trọng nhất của lối sống. Nếp sống được coi là tổng hòa những dạng hoạt động sống điển hình và tương đối ổn định được vận hành theo một thang giá trị xã hội nhất định và chịu sự quy định của các điều kiện sống. Nếp sống chính là mặt ổn định của văn hóa lối sống. Nó bao gồm những cách thức, những quy ước đã trở thành thói quen trong lao động, sinh hoạt và tổ chức đời sống xã hội. Quan điểm này được công nhân nhất trí đề cao: 54,1% công nhân cho rằng sống có lý tưởng vì đất nước, nhân dân; 60% tôn trọng pháp luật, kỷ cương; 57,6% say mê, tâm huyết, sáng tạo đối với công việc; 45,8% tiết kiệm trong công việc và cuộc sống; 46,6% sống, làm việc có nề nếp, khoa học, 48,1% tự giác học tập nâng cao trình độ mọi mặt; 54,9% đoàn kết, thân ái với đồng nghiệp, 54,5% rèn luyện đạo đức, tác phong công nghiệp và 59,1% không để kẻ xấu lợi dụng, kích động.

Bên cạnh đó, lối sống tích cực đã tạo nên hình ảnh đẹp về người công nhân Việt Nam, được thể hiện ở việc người lao động chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm nội quy, quy định nơi làm việc, có đời sống cá nhân trong sáng, lành mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống chan hòa, đoàn kết, không mắc các tệ nạn xã hội, sống có nghĩa tình.

Lối sống tiêu cực

Những hệ luỵ về văn hoá - xã hội đáng lo ngại trong lối sống công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay là: chưa yên tâm làm việc lâu dài, chưa gắn bó với doanh nghiệp, tình trạng di chuyển lao động diễn ra phổ biến. Riêng các KCN tập trung nhiều doanh nghiệp dệt, may, giày da... di chuyển lao động tới 15% - 20% hằng năm, gây bất ổn nghiêm trọng về lao động; một bộ phận công nhân thiếu hiểu biết về pháp luật, về quyền và lợi ích của mình; lập trường tư tưởng chưa vững vàng, tâm lý tự ti, thói quen tự do, vô kỷ luật; dễ bị kích động, lôi kéo tham gia vào những việc làm không tốt, thậm chí sống buông thả, thực dụng và mắc vào các tệ nạn xã hội; tình trạng hôn nhân và hạnh phúc gia đình của công nhân ở nhiều nơi có những hệ lụy đau lòng; tình trạng sống chung, sống thử trước hôn nhân có biểu hiện gia tăng, ngày càng nhiều nữ công nhân có con ngoài giá thú, tỷ lệ nạo phá thai tăng lên; phần đông nữ công nhân không nuôi nổi con, phải gửi về quê hoặc bỏ việc; các loại dịch vụ biến tướng như: gội đầu thư giãn, karaoke, cà phê, bia ôm trong các khu công nhân có chiều hướng gia tăng, là những cám dỗ, cạm bẫy đối với công nhân.

Qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về10 đặc điểm và xu hướng tiêu cực trong lối sống công nhân Việt Nam hiện nay, cho thấy: công nhân có lối sống buông thả, thực dụng (27,9%); ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân (22%); tâm lý hưởng lạc, chạy theo đồng tiền (30,2%); phai nhạt lý tưởng, giá trị sống (13,6%); có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống (18,7%);  có thái độ bi quan, chán đời (12,9); vô cảm trước bất công thường ngày xảy ra (20,3%);  ứng xử, giao tiếp kém (25,5%); lối sống gấp truỵ lạc (8,1%); đua đòi, lãng phí (29,4%).

Lối sống buông thả đã dẫn tới nhiều công nhân vi phạm kỷ luật lao động,như: không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, không chấp hành nội quy lao động, nhất là tình trạng trộm cắp tài sản. Qua khảo sátcho thấy, 45,2% công nhân cho rằng họ không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, 24,8% đi muộn, về sớm, 11,8% lấy đồ của công ty, 25,6% nghỉ làm tự do không xin phép, 25,6% không hoàn thành định mức công việc và 19,3% không chấp hành kỷ luật lao động. Như vậy, nhiều công nhân đã có biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hình ảnh người công nhân Việt Nam.

Một số không nhỏ công nhân suy thoái có lối sống thực dụng, thoả mãn nhu cầu trước mắt. Thực tế cho thấy, lối sống tiêu cực tác động đến thái độ và hành vi ứng xử của công nhân khu công nghiệp, làm cho công nhân Việt Nam bị đánh giá thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân dẫn đến lối sống tiêu cực của công nhân

Do các doanh nghiệp thiếu quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động; sự gia tăng nhanh chóng về số lượng công nhân, lao động nhập cư, tạo áp lực lớn và những diễn biến phức tạp trong đời sống văn hóa - xã hội ở các địa bàn dân cư; tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thuần túy chưa đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của hệ thống chính trị đối với công tác xây dựng đời sống văn hoá công nhân, lao động các khu công nghiệp; trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng; hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống công nhân, lao động hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, mới chỉ mang tính định hướng; công tác xây dựng, phê duyệt và cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho các khu công nghiệp chưa gắn với quy hoạch xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá - xã hội dành cho công nhân lao động; nội dung, mô hình về phương thức tổ chức và hoạt động văn hóa công nhân lao động ở các khu công nghiệp còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa sát với đối tượng, điều kiện của công nhân lao động.

2. Một số giải pháp xây dựng lối sống tích cực của công nhân hiện nay

Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân không đơn thuần chỉ là sự tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn lao động, mà nó còn thể hiện trong cách thức lao động, làm việc; các tập quán; cách thức giao tiếp, ứng xử; quan niệm về đạo đức và nhân cách... Cần phải xây dựng được lối sống hiện đại, phù hợp với truyền thống dân tộc và yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Để làm được như vậy cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền và công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân. Công đoàn phối hợp với các các cấp, các ngành trong việc  xây dựng đời sống văn hoá, phòng chống các tệ nạn xã hội; thực hiện chế độ chính sách, giải quyết việc làm cho công nhân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giải quyết chế độ tiền lương, tiền công, đóng nộp các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công tác bảo hộ lao động cho công nhân trực tiếp tại các doanh nghiệp; chủ động kiểm tra, giám sát việc ký và thực hiện thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ hai, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong công nhân, nhất là lý tưởng sống. Xây dựng công nhân Việt Nam hoàn thiện về nhân cách, lối sống là một công việc vừa rất cơ bản, chiến lược, vừa rất cấp bách, trong đó, bốn giá trị lớn là: lý tưởng sống; năng lực trí tuệ; vẻ đẹp đạo đức; bản lĩnh văn hóa phải trở thành nền tảng nhân cách vững chắc của công nhân Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp, truyền thống và bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt Nam là nền tảng vững chắc để xây dựng và vun đắp những giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của công nhân.

Thứ ba, nâng cao đời sống vật chất của công nhân: chăm sóc sức khỏe, chính sách lương - thưởng, bảo đảm an sinh xã hội. So với các nước trong ASEAN, lao động Việt Nam vẫn bị đánh giá là thấp bé, thể lực kém, thích nghi chậm với những công việc cường độ cao. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao tầm vóc, thể lực cho người lao động, để có đủ sức khỏe, tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bản thân.

Thứ tư, quy hoạch KCN phải gắn với quy hoạch khu nhà ở của công nhân. Khu nhà ở công nhân cần đáp ứng quy hoạch chung của đô thị, là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị. Cùng với vấn đề nhà ở, Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống nhà trẻ, trường học, công viên, nơi vui chơi giải trí của công nhân và gia đình họ, có trường đào tạo nghề (đào tạo mới và đào tạo lại) nâng cao trình độ cho công nhân.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1)Báo cáo kết quả khảo sát đề tài Lối sống công nhân Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hoá, mã số KX.03.15/11-15.

(2) Báo cáo kết quả khảo sát Mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2014, Viện Công nhân và Công đoàn, 2014.

(3) Đề tài cấp nhà nước Xây dựng và phát triển văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, mã số: KX.03/06-10.

 

ThS Nguyễn Mạnh Thắng

Viện Công nhân và Công đoàn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền