Trang chủ    Thực tiễn    Một số kinh nghiệm từ thực hiện giảm nghèo bền vững ở tỉnh Hải Dương
Thứ năm, 24 Tháng 3 2016 08:57
6481 Lượt xem

Một số kinh nghiệm từ thực hiện giảm nghèo bền vững ở tỉnh Hải Dương

(LLCT) - Hải Dương vốn là tỉnh nghèo trong khu vực đồng bằng Sông Hồng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức độ gia tăng dân số khá cao, kết cấu hạ tầng thấp kém. Thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương đạt khá cao, cùng với việc triển khai thực hiện chương trình xóa đói gảm nghèo (XĐGN) có hiệu quả, đời sống các tầng lớp dân cư ở cả thành thị và nông thôn tiếp tục được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Trong 5 năm (2007-2011) tổng giá trị thu nhập bình quân của tỉnh tăng 9,4%/năm; năm 2012 tăng 5,3%. Quy mô kinh tế của tỉnh nâng lên, tổng sản phẩm năm 2011 gấp hơn 2,5 lần so với năm 2006. GDP bình quân đầu người tăng từ 9 triệu đồng/người (2006) lên 22,7 triệu đồng/người (2011). Đồng thời, với lãnh đạo phát triển kinh tế, triển khai Chương trình giảm nghèo, chống tái nghèo nhằm hỗ trợ những hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm thiểu những bất lợi do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và hộ chính sách; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc diện khó khăn; thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho người nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16% (2006) xuống còn 9,49% (2011), tiếp tục được giảm xuống còn 7,74% năm 2012(1). Tính đến năm 2010, tỉnh Hải Dương còn khoảng 4,9% hộ đói nghèo trong toàn bộ dân cư(2).

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện chính sách XĐGN với nhiều cách làm sáng tạo, những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, số hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng tăng nhanh, mô hình XĐGN của tỉnh là một trong những điểm sáng cần được triển khai nhân rộng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo bền vững đã và đang là một vấn đề quan trọng đòi hỏi tỉnh Hải Dương phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

1. Yêu cầu khách quan của việc giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu cần hướng tới của các quốc gia trên thế giới nhằm chống lại tái nghèo hoặc giảm nghèo không ổn định. Ở Việt Nam, giảm nghèo bền vững là hướng tới việc “cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư”(3). Giảm nghèo bền vững chính là hoạt động làm cho người nghèo thoát khỏi nghèo khổ cả về vật chất, về văn hóa, tinh thần; bảo đảm không bị tái nghèo và vươn lên mức sống trung bình, khá giả.

Giảm nghèo bền vững đang là một bài toán khó cho tỉnh Hải Dương, nếu không giải quyết tốt sẽ gây ra tình trạng tái nghèo hoặc giảm nghèo không bền vững. Trong quá trình CNH và sự tác động của quá trình đô thị hóa làm cho số dân cư bị thu hồi đất phải chuyển đổi nghề nghiệp, phải tái định cư, phải tìm việc làm mới ngày càng cao. Các vấn nạn xã hội tiếp tục nảy sinh trở nên nhức nhối (số lượng thanh niên nghiện hút và số vụ án hình sự do buôn bán ma túy tăng nhanh qua các năm; tệ nạn trộm cắp, lô đề diễn ra phổ biến khu vực nông thuôn thuộc một số huyện nghèo...).

Theo điều tra cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn có 45.532 hộ nghèo, chiếm 8,9 % tổng số hộ, trong đó bao gồm: hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công; hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hộ có người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, gia đình không có khả năng thoát nghèo; hộ là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo có chủ hộ là nữ và có trên 4.200 hộ còn gặp khó khăn về nhà ở (nhà dột nát, xuống cấp), khó khăn về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, cần sự trợ giúp của cộng đồng.

Sự tác động của yếu tố rủi ro tự nhiên và xã hội (do thiên tai, kinh doanh thua lỗ, bệnh tật, ốm đau, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,..) cũng ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo. Ngoài ra, do không có kỹ năng, kinh nghiệm và phương pháp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ nên một số hộ nghèo có xu hướng “tái nghèo”.

Vấn đề nỗ lực “tự giảm nghèo” của người dân còn chưa cao, chưa thực sự hiệu quả ở một số vùng đặc biệt khó khăn trong Tỉnh. Theo kết quả thống kê, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo trong Tỉnh còn cao, năm 2007 có 15.994 hộ thoát nghèo thì có 9.808 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo mới; năm 2008 số hộ thoát nghèo 17.157 hộ, số hộ tái nghèo là 5.015 hộ(4).

Có thể thấy, giảm nghèo bền vững cho người dân trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH là một trong những bài toán khó đối với tỉnh Hải Dương. Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân trong công tác giảm nghèo, phải tìm được hướng và những giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tỉnh Hải Dương phải tạo bước đột phá trong từng bước đi, trong từng chính sách và đề án cụ thể của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

2. Thực trạng giảm nghèo theo hướng bền vững ở tỉnh Hải Dương

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách XĐGN và chương trình giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những bước đi, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Kết quả này được thể hiện ở một số thành tựu cơ bản sau:

- Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong một thời gian dài (trên 11%), hàng loạt các chính sách giảm nghèo đã được Tỉnh triển khai đồng bộ, làm cho bộ mặt nông thôn được cải thiện nhất là kết cấu hạ tầng, nhà ở và các cơ sở văn hóa - xã hội, cơ sở dịch vụ sản xuất… đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn được nâng cao và cải thiện rõ rệt. Với những bước đi sáng tạo, tỉnh Hải Dương đã có những chuyển biến quan trọng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Đời sống vật chất, điều kiện nhà ở, sinh hoạt của các hộ nghèo đã được cải thiện rõ rệt. Kinh tế nông thôn tiếp tục có bước chuyển dịch tích cực: tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được khuyến khích phát triển, số làng có nghề tăng, quy mô nhiều làng nghề được mở rộng.

Công tác khuyến nông, dạy nghề, tập huấn cho nông dân được duy trì. Cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến đáng kể. Toàn Tỉnh đã có 2.523 trang trại, tăng hơn 3 lần so với năm 2005, nhiều trang trại mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản xuất.

- Tỉnh Hải Dương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, góp phần vào bảo đảm bền vững: Nhiều phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và đạt hiệu quả cao, sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo như: “Ngày vì người nghèo”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo”,… Kết quả cho thấy, năm 2013, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã có 9.138 phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được giúp với nhiều hình thức: tiền, cây, con giống, ngày công, trị giá trên 23,2 tỷ đồng; có 1.459 hộ thoát nghèo(5).

- Chương trình giảm nghèo bền vững đã được nhiều địa phương trong tỉnh gắn với chính sách an sinh xã hội, góp phần làm cho chính sách giảm nghèo thêm hiệu quả và bền vững. Thông qua các chương trình giảm nghèo, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các chính sách trợ giúp, trợ cấp xã hội; chính sách đối với người cao tuổi và người tàn tật; chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã thực hiện chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo vay vốn để góp phần trang trải học phí; chương trình cho vay vốn để giải quyết việc làm; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ngoài ra, số hộ nghèo được cấp bảo hiểm y tế, học sinh con hộ nghèo học tại các trường tiểu học và trung học được miễn và giảm học phí.

Từ thực tế, đã xuất hiện một số mô hình hiệu quả, tích cực có thể nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững: mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của Hội phụ nữ xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ; nuôi cá đầm và mô hình cánh đồng bảy triệu/sào (huyện Đồng Gia); phát triển kinh tế gắn liền với du lịch (huyện Thanh Hà)...

- Quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo mặc dù có sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước, các cấp bộ, ngành, song hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn tài chính cho giảm nghèo bền vững còn thiếu hụt, thiếu sự đầu tư giải ngân kịp thời để hỗ trợ cho người nghèo ở các địa phương. Đầu tư hằng năm cho công tác dạy nghề không bảo đảm; kinh phí hỗ trợ khuyến nông, lâm, ngư, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo không bảo đảm. Đặc biệt, các nguồn vốn tín dụng mà người nghèo được tiếp cận còn thấp.

- Việc huy động các nguồn lực (đặc biệt nguồn lực tài chính) cho giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn. Việc kích cầu cho hoạt động sản xuất của người nghèo đã và đang ảnh hưởng lớn đến quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. Sự tác động này làm cho số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh, có xu hướng tăng, cao nhất là ở một số huyện khó khăn vốn có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh (huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Hà).

- Một số đơn vị chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thiếu đôn đốc kiểm tra, chưa huy động được nguồn lực tại chỗ cho giảm nghèo bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo chưa có những tổng kết sâu sắc, triệt để, khoa học về vấn đề giảm nghèo bền vững mà chủ yếu chỉ là những báo cáo tổng kết mang tính liệt kê số liệu. Một số đơn vị còn mang tính chất hình thức. Tỉnh chưa đi sâu nghiên cứu, phân tích đánh giá đầy đủ nguyên nhân thành công, hạn chế của chương trình giảm nghèo bền vững trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH.

Cán bộ làm công tác giảm nghèo ở một số cấp xã, huyện còn thiếu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; nhiệm vụ còn chồng chéo nhau, phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc… Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện chính sách giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều sai sót và chưa giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến khiếu kiện. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động là biện pháp căn bản để thoát nghèo bền vững, chưa được quan tâm kịp thời, triệt để. Sự lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của một số đơn vị chưa có sự thống nhất, chồng chéo giữa các cấp, ban, ngành.

Công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững chưa được chú trọng đúng mức (chưa phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức), chưa gắn liền với vấn đề “tự an sinh” của người nghèo. Chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân và việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho giảm nghèo. Công tác tuyên truyền không hiệu quả còn làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai về các chính sách trợ giúp, hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thúc đẩy, tạo đà cho họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều nơi, một bộ phận trong số họ lại hiểu là đây là quyền lợi nghiễm nhiên được hưởng của người nghèo dẫn đến tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nghèo để nhận sự trợ giúp của Nhà nước.

3. Một số kinh nghiệm

Giảm nghèo bền vững chống tái nghèo hoặc nghèo phát sinh; khắc phục chênh lệch mức sống giữa các khu vực, địa phương vừa là mục tiêu, vừa là chiến lược lâu dài, nâng cao đời sống nhân dân. Đây là công việc khó khăn, gian nan, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ của Đảng, chính quyền và nhân dân trong quá trình thực hiện. Từ quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, tỉnh Hải Dương đúc rút một số bài học kinh nghiệm bước đầu:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh và các huyện cần phải điều tra, khảo sát sâu sắc tình hình cụ thể từng địa bàn, rà soát từng nhóm đối tượng để trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng nhóm đối tượng để đưa ra những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Cần thu hút và huy động được được các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước giúp đỡ các đối tượng nghèo (hỗ trợ tài chính; kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật). Đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững thành tiêu chí quan trọng trong phương hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương. Công tác tuyên truyền phong phú về nội dung, cách thức, bao phủ rộng thì chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra hiệu ứng sâu rộng. Một trong những kinh nghiệm hiệu quả của Hải Dương là sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng đến người dân. Hình thức tuyên truyền: qua đài phát thanh, truyền hình; qua báo chí; qua các lớp tập huấn; qua các buổi họp thôn, làng...

Ba là, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế ổn định là sơ sở, tiền đề nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Vì thế, tỉnh Hải Dương tập trung khắc phục những khó khăn, huy động mọi tiềm năng để giữ ổn định và từng bước đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội: đẩy mạnh chính sách giải quyết việc làm cho người dân nghèo; hỗ trợ việc mua bảo hiểm y tế cho người dân nghèo; trợ giúp kịp thời những đối tượng gặp rủi ro... Do giảm nghèo là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội nên các trụ cột khác thuộc chính sách an sinh xã hội sẽ tác động, hỗ trợ chính sách giảm nghèo. Cho nên, phải có những biện pháp đồng bộ, phù hợp để thúc đẩy giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội hiệu quả, nhanh chóng.

Bốn là, thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giảm nghèo về: hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện; huy động và sử dụng các nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính); xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; kinh nghiệm về đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững;... Ngoài ra, phải thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các địa phương khác trong khu vực và cả nước để học tập những kinh nghiệm, sáng tạo.

Năm là, phát huy vai trò “tự giảm nghèo bền vững”, “tự an sinh” của những đối tượng thuộc hộ nghèo. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi, quan trọng, đóng vai trò là chủ thể của chính sách giảm nghèo bền vững. Tỉnh cần tuyên truyền giáo dục và có biện pháp hữu hiệu để mỗi hộ nghèo thấy được trách nhiệm trong việc giảm nghèo; tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Nâng cao ý thức tự lập vươn lên của mỗi hộ dân và cộng đồng dân cư để khẳng định mình trong xã hội, có trách nhiệm cải thiện và nâng cao đời sống của bản thân và gia đình trước sự phát triển, đi lên của xã hội.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1) Bùi Văn An: Một số kết quả đạt được của Hải Dương sau hơn 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, Sở Công thương tỉnh Hải Dương, báo điện tử www.sct.haiduong.gov.vn.

(2) UBND Tỉnh Hải Dương: Báo cáo kết quả thực hiện công tác BTXH và giảm nghèo năm 2010, phương hướng nhiệm vụ năm 2011, số 2151/LĐTBXH-BTXH ngày 28-12-2010.

(3) Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015, Số: 1489/QĐ-TTg, ngày 8-10-2012.

(4) Sở Lao động  Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương: Tài liệu tập huấn giảm nghèo và bảo trợ xã hội, Hải Dương, 5-2009, tr.106.

(5) Mạnh Minh: Hải Dương hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, báo điện tử dangcongsan.vn, ngày 5-4- 2014.

 

ThS Nguyễn Văn Tuân

Đại học Lao động - Xã hội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền