Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 10:59
2824 Lượt xem

Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(LLCT) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên…

Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ thông qua các hội nghị nhân dân, tổ chức nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, các văn bản luật, nghị định của Chính phủ… Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc đại diện các gia đình trên từng địa bàn dân cư, tổ chức hội nghị những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo để lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật.

Vai trò tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định cụ thể trong Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Điều 84 quy định: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Tại Điều 9, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật với các nội dung sau đây: (1) Kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; (2) Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh; (3) Cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nghị quyết, thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; (4) Tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nghị định và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật dưới các hình thức sau đây:

- Tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án chính sách, pháp luật, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, dự thảo văn kiện các hội nghị Trung ương Đảng, Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật...

- Tham gia góp ý kiến xây dựng dự thảo chính sách, pháp luật. Đây là hình thức phổ biến, có thể thực hiện bằng nhiều cách thức như nghiên cứu, gửi văn bản xin ý kiến tham gia, tham dự các hội thảo do cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức để phát biểu ý kiến tham gia.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức hội thảo, tọa đàm để tham gia góp ý kiến, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tác động, ảnh hưởng rộng lớn.

- Tham gia tư vấn, phản biện xã hội đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách quan trọng và các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc đã phát huy vai trò của mình trong góp ý vào các dự án luật. Mặt trận với cơ chế đại diện quyền làm chủ của nhân dân - tham gia xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Với các hình thức tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, hoạt động góp ý kiến và phản biện của 8 Hội đồng tư vấn của Đoàn chủ tịch trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tầng lớp nhân dân, liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận đến bộ máy nhà nước.

Hoạt động xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội lâu nay được thực hiện chủ yếu ở cấp Trung ương mà nòng cốt là Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở Trung ương là thành viên của Mặt trận.

Sự tham gia, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng pháp luật là nhu cầu tự thân của các cơ quan nhà nước, thể hiện bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước dựa vào Mặt trận để phát huy được đầy đủ quyền làm chủ và sức mạnh của toàn dân, cũng chính là sức mạnh của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý xã hội của mình.

Trước yêu cầu thực tế, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế như:

Việc tham gia xây dựng pháp luật chỉ tiến hành khi được cơ quan nhà nước yêu cầu, chưa chủ động kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét hủy bỏ những văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn hoặc những văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật ở nhiều nơi còn hình thức, chưa thực sự phát huy đầy đủ trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý, ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Mặt trận các cấp am hiểu luật pháp còn ít; kinh phí hạn hẹp nên các cuộc tổ chức lấy ý kiến nhân dân chưa được sâu rộng, việc tập hợp ý kiến nhân dân để phản ánh với cấp trên và với cơ quan có thẩm quyền của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp nhìn chung là còn yếu và không kịp thời.

Sự phối hợp, thống nhất hành động giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia góp ý kiến, phản biện xây dựng các dự án luật, pháp lệnh còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa tạo ra tiếng nói chung.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ chị của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc  trong giai đoạn mới. Tập trung ban hành đối với những lĩnh vực chưa được điều chỉnh đầy đủ, những lĩnh vực còn thiếu tính đồng bộ như giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, trong hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, cần có những quy định nêu rõ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong việc đưa ra sáng kiến pháp luật, nhất là góp ý kiến về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm ban hành những văn bản pháp luật có tính cấp bách, kịp thời đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội; chủ trì việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án, dự thảo pháp luật có liên quan; giám sát tính hợp pháp của quá trình xây dựng pháp luật.     

Thứ ba, cần quy định đầy đủ hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền các cấp; trách nhiệm của chính quyền trong việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, trình tự, thủ tục tiếp thu giải trình các ý kiến đó; phản ánh đầy đủ ý kiến, thái độ của nhân dân về các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước có liên quan đến lợi ích của nhân dân. Nhà nước cần xây dựng cơ chế và những bảo đảm cho sự tham gia, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền các cấp về công việc này.

Thứ tư, chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan xây dựng các quy phạm pháp luật trong các đạo luật có liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận;  nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền hạn đó.

Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc đóng góp xây dựng các văn bản liên tịch phục vụ việc tham gia quản lý nhà nước của Mặt trận, đặc biệt là xây dựng các quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp.

Thứ năm, xây dựng, thực hiện tốt Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên và phát huy vai trò chủ trì phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên các cấp, khắc phục tình trạng chồng chéo, hình thức; phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động.

Thứ sáu, xây dựng quy trình chuẩn về lấy ý kiến đối với các dự án luật, thời gian lấy ý kiến cần được tính toán phù hợp, có như vậy mới huy động được trí tuệ và phát huy được vai trò tích cực của mọi tầng lớp nhân dân nhất là những đối tượng trực tiếp thụ hưởng và chịu tác động của chính sách, pháp luật.

Thứ bảy, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng công tác mặt trận cho cán bộ cơ sở; hình thành ở cấp huyện, thị xã tổ tư vấn về dân chủ, pháp luật để hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ mặt trận, đảm bảo việc tiếp nhận và giải trình ý kiến của người dân trong việc tham vấn, đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với việc theo dõi, giám sát thi hành pháp luật và tổ chức tổng kết đánh giá thường xuyên về thực hiện văn bản pháp luật nhằm bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật một cách kịp thời.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999).

3. Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển: Tăng cường cơ chế lấy ý kiến của dự án Luật,Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền