Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 11:02
4817 Lượt xem

Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế do các "nút thắt" gây ra. Để tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung; sớm hình thành hệ thống các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các tỉnh, thành phố , cần thực hiện một số giải pháp trọng yếu.

 

1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, nhiều xã đã về đích, bình quân đạt các tiêu chí ở mức cao hơn bình quân cả nước, xóa được “xã trắng tiêu chí” trong xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2013, đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân các xã đã đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (bình quân cả nước đạt 8,36 tiêu chí). Trong đó:

Có 18 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 1,4%

Số xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 4,7%

Số xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 36%

Số xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 53%

Số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 132 xã bằng 10%.

Thứ hai, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về chương trình đã có chuyển biến rõ nét, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nông thôn không ngừng được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức, quản lý xây dựng nông thôn mới. Nhiều nơi, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được tổ chức sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, như thông qua các phong trào văn nghệ quần chúng (đờn ca tài tử, cải lương), tuyên truyền lưu động, gần gũi với bà con nông dân, người dân đã nhận thức rõ hơn về nông thôn mới, góp phần huy động nguồn lực từ người dân đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng. Đến cuối năm 2013, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 95% số hộ gia đình và 97% số xã, ấp đạt tiêu chí văn hóa.

Thứ ba, phát triển sản xuất với nhiều mô hình có hiệu quả, nâng cao thu nhập, thực hiện giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng như lúa, trái cây, thủy sản... Nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả được hình thành và phát triển như: mô hình “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa nâng cao lợi nhuận cho nông dân từ 2,2 - 2,7 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình;  nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp; mô hình trang trại, hợp tác xã... được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2 nghìn trang trại, trên 1 nghìn hợp tác xã (khoảng 11 nghìn xã viên), gần 5 nghìn tổ hợp tác (khoảng 600 nghìn tổ viên), trong đó có gần 100 tổ hợp tác tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.

Nổi bật là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang.... đã bước đầu tạo ra hướng đi mới cho nông nghiệp trên cơ sở chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, thủy sản), trọng tâm là sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, như: chuỗi giá trị lúa, gạo, chuỗi giá trị rau màu (cà tím, đậu bắp giống Nhật, mô hình trồng bắp - nuôi bò), chuỗi giá trị thủy sản (cá tra, tôm càng xanh), cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ha. Góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của khu vực lên trên 34,6 triệu đồng, tăng hơn 2,3 triệu đồng so với năm 2012. Hộ nghèo còn 7,24%, giảm 2% bình quân chung cả nước là 9,6%, hộ cận nghèo là 6,5%.

Thứ tư, hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, điện, thay thế cầu tạm ... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Các địa phương đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi; cùng với sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ và người dân, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn vùng, đã làm thay đổi vượt bậc về hạ tầng, góp phần tạo động lực trong phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.

Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách như tỉnh Cà Mau đã huy động các nguồn lực xã hội để hoàn thành đề án 1.588 cầu giao thông nông thôn; tỉnh Bến Tre đã huy động nguồn lực từ trong dân và các nhà tài trợ để xây dựng hàng nghìn cây cầu bê tông nông thôn mà không sử dụng vốn ngân sách; tỉnh Hậu Giang đã huy động được hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp chiếm 43,4% để nâng số xã có đường ô tô về đến trung tâm đạt 96%, v.v... qua đó, góp phần hạn chế sự phụ thuộc vào ngân sách đầu tư cho hạ tầng.

Thứ năm, huy động được nguồn lực lớn thực hiện chương trình. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 03 năm đạt 124.340 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 1.832 tỷ đồng (chiếm 1,5%), ngân sách địa phương 4.982 tỷ đồng (chiếm 4%), vốn tín dụng 58.932 tỷ đồng (47,4%), vốn lồng ghép 31.968 tỷ đồng (chiếm 25,7%), doanh nghiệp tài trợ 5.313 tỷ đồng (chiếm 4,3%), đóng góp của dân cư 21.345 tỷ đồng (chiếm 17,2%). Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo trong việc huy động nguồn lực như huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu phát động phong trào “Toàn dân xây dựng gia đình nông thôn mới”, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất (trên 346.250m2) để làm đường.

Thứ sáu, công tác đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn ngày càng ổn định. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở ở các địa phương về tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh trật tự là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc củng cố hệ thống chính trị và bảo đảm cho sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương được nâng lên rõ rệt. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng phát huy mạnh mẽ, chất lượng hoạt động ngày càng cao. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các địa phương đã có những cách làm, mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt thu hút được người dân tham gia như: Cổng chào xanh-sạch-đẹp; mô hình “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà”...góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

2. Những “nút thắt” cần được tháo gỡ

Quá trình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, nhằm tiến tới thực hiện thành công chương trình này. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên lớn, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nền đất yếu; cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sạch.... còn thiếu và yếu kém; mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc còn thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, đang là những tác động làm chậm tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh ĐBSCL.

“Nút thắt” lớn nhất là nguồn vốn. Với 1.269 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tính toán, trung bình mỗi xã phải đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để hoàn thành 19 tiêu chí, thì toàn khu vực cần 380.700 tỷ đồng, gấp 3,06 lần số tiền được huy động xây dựng nông thôn mới trong 3 năm 2011-2013 (số tiền huy động trong 3 năm là 124.340 tỉ đồng).

 “Nút thắt” thứ hai  là nguồn nhân lực phục vụ chương trình còn nhiều hạn chế. Đến cuối năm 2013 đã có gần 70% số cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới được tập huấn. Tuy nhiên, công tác tập huấn còn hạn chế. Qua khảo sát, nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã còn chưa nắm được đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới.  

“Nút thắt” thứ  ba là một số tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tiễn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, tiêu chí chợ nông thôn, các địa phương cho rằng không nhất thiết một xã cần phải có một chợ để phục vụ người dân. Thực tế cho thấy, đối với nhiều xã chợ khu vực đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Hoặc tiêu chí về giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống 20%, điều này bất hợp lý với các xã thuần nông, có nhu cầu cao về lao động trong nông nghiệp... Bên cạnh đó, tính bền vững của các tiêu chí còn chưa ổn định. Thực tế, có những tiêu chí năm nay đạt nhưng những năm sau chưa hẵn đạt, chẳng hạn tiêu chí về an ninh trật tự...

“Nút thắt” thứ  tư là kết cấu hạ tầng của khu vực yếu kém. Các tiêu chí lĩnh vực này còn rất thấp. Chẳng hạn, số xã đạt tiêu chí về giao thông chỉ đạt 10,5%, tiêu chí nước sạch là 10,6%, cơ sở vật chất văn hóa 5,9%, chỉ bằng 50-60% so với cả nước. Nguyên nhân chính là do điều kiện đặc thù về tự nhiên của vùng (hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu...), hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ và thiếu vật liệu xây dựng tại chỗ nên giá thành đầu tư cao.

“Nút thắt” thứ năm là vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân còn nhiều khó khăn. Đây là khu vực có tiềm năng lớn nhất cả nước về nông nghiệp, nhưng vẫn còn phổ biến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh, còn cảnh “trúng mùa, rớt giá”.

3. Một số giải pháp

Để tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung; sớm hình thành hệ thống các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các tỉnh, thành phố (tối thiểu mỗi tỉnh có 1 xã đạt 19 tiêu chí/năm), cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân hiểu và tin rằng xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích cho chính họ. Từ đó phát huy được sức mạnh cộng đồng, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú kết hợp với sự vào cuộc của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tính gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Việc tuyên truyền phải thiết thực, gắn với những hành động cụ thể, lựa chọn các mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, cần vận động người dân chủ động tham gia thực hiện một số tiêu chí không cần nguồn kinh phí hỗ trợ như: tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, khang trang...

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng địa phương, khu vực. Xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài, do đó việc thực hiện các tiêu chí ở địa phương cần có kế hoạch và căn cơ cụ thể. Việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới phải dựa trên sự tiến bộ xã hội, dựa trên sự thay đổi cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tránh việc chạy theo thành tích mà thiếu thực chất. Để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, cần quan tâm đến những vấn đề bức xúc trong dân để từ đó có sự lựa chọn đầu tư hoàn thiện, những tiêu chí có ý nghĩa cấp thiết làm thay đổi đời sống của người dân.

Thứ ba, tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trung ương cần nâng mức phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ đầu tư cho các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nên có cơ chế đặc thù cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, do đặc điểm của khu vực này có suất đầu tư cao hơn các khu vực khác. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, cần có các chính sách đặc thù thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huy động nguồn đóng góp sức người, sức của từ người dân thông qua việc đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng...

Thứ tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất lớn có hiệu quả như “cánh đồng lớn”, các hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, các trang trại gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp (sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP,...) nhằm tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Tăng cường “liên kết 4 nhà” theo chuỗi giá trị, giải quyết tốt vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ và lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình xóa đói giảm nghèo... Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn những nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ này, bởi lẽ đây là đội ngũ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, thường xuyên sơ kết, tổng kết chương trình, qua đó rút ra những bài học từ thực tiễn, phát hiện những mô hình triển khai có hiệu quả từ đó tổ chức nhân rộng. Công tác sơ kết, tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc, thực chất, không chạy theo thành tích, hình thức để có thể rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Đẩy mạnh liên kết vùng trong trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xúc tiến thương mại, giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ, trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Báo cáo tóm tắt kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long,2-2014.

2. baocantho.com.vn

3. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, ngày 24, 25-2-2014.

4. Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 18-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngày 15-7-2014.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Báo cáo sơ kết mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và định hướng phát triển trong thời gian tới,11-2012.

 

ThS Phan Việt Châu

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền