Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín (Hà Nội) - kết quả bước đầu và một số giải pháp thời gian tới
Thứ tư, 29 Tháng 6 2016 16:03
2536 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín (Hà Nội) - kết quả bước đầu và một số giải pháp thời gian tới

(LLCT) - Chương trình Xây dựng nông thôn mới được triển khai trên toàn quốc, thực chất là cuộc cách mạng toàn diện ở nông thôn với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự góp sức, chung tay của toàn xã hội. Những kết quả đạt được từ chương trình ở mỗi địa phương có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với nông thôn, nông dân, mà có ý nghĩa to lớn tới sự phát triển chung của đất nước.

Thường Tín là huyện ngoại thành, nằm phía Nam thành phố Hà Nội. Diện tích tự nhiên của huyện là 127,59 km2, dân số 214.000. Toàn huyện có 1 thị trấn và 28 xã. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy Thường Tín tập trung chỉ đạo các ngành, các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện ủy đã ban hành và triển khai Chương trình số 09-CTr/HU ngày 30-12-2011 về “phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 26-6-2012  về “dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp”; Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 18/7/2012 về “tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Thường Tín giai đoạn 2012-2015”; Ra thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy số 351-TB/HU ngày 02/7/2013 về công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông  nghiệp.

Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện đã thông qua các nghị quyết phê chuẩn các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Hội đồng nhân dân huyện Thường Tín đã ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 15-12-2011 về việc phê chuẩn đề án xây dựng nông thôn mới huyện Thường tín giai đoạn 2011-2020 và định hướng 2030; Nghị quyết chuyên đề số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05-7-2012 về tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp và thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 21-12-2011 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới huyện Thường Tín và Kế hoạch số: 40/KH-UBND ngày 10-4-2012 về thực hiện Chương trình “phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015”; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 26-6-2012, Hướng dẫn số: 01/HD-UBND về công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín năm 2012-2013; UBND huyện đã ban hành Đề án số: 02/ĐA-UBND ngày 10-10-2013 áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, ngày 02-12/2013 UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4106/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các công trình xây dựng được áp dụng thực hiện theo Đề án số 02/ĐA-UBND(1).

Triển kahi Chương trình xay dựng nông thôn mới, các xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban phát triển thôn, tiểu ban xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa trên cơ sở hướng dẫn của Ban chỉ đạo huyện, đồng thời triển khai các dự án thành phần theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, các cấp ủy chính quyền và sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể và đặc biệt là đã khơi dậy được sức mạnh của toàn thể nhân dân, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn  huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới được thể hiện rõ trong việc đạt các tiêu chí (đến hết năm 2015):

Nhóm tiêu chí về Quy hoạch:100% các xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đã tổ chức bàn giao, công bố xây dựng quy chế quản lý quy hoạch theo quy định.

Nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng:hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 95%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa 79%; đường ngõ, xóm đạt 87%. Hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với tổng số hơn 1.084 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đã được đưa vào khai thác, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.Hệ thống điện nông thôn được cải tạo, củng cố, nâng cấp cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất, dân sinh. Cơ sở trường lớp từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Toàn huyện có 39 trường đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn huyện có 2 siêu thị và 21 chợ. 100% số xã có điểm bưu điện xã. Đã có 116/165 nhà văn hóa trên toàn huyện hoàn thành xây mới và sửa chữa nâng cấp, đạt tỷ lệ 70,3%(2).

Nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất:trước khi xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện Thường Tín có 1 xã cơ bản đạt tiêu chí thu nhập, 1 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 11 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ cấu lao động, 25 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Đến nay, đã có 11 xã đạt tiêu chí thu nhập, 22 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, 28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, 23 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

Nhóm tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường:28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giáo dục, 20/28 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 25 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí y tế; 18 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí văn hóa, 15 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường.

Nhóm tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh: 100% các xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đã vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động xây dựng NTM(3).

Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, cả về tổ chức triển khai và vận động nhân dân tham gia phong trào. Toàn huyện đã huy động gần 1.000 tỷ đồng (tổng kinh phí theo Đề án được phê duyệt: 5.826,5 tỷ đồng), tổng kinh phí đã giải ngân: 831 tỷ đồng (tính đến tháng 9-2015)(4). Diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới và phát triển tích cực. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Trước khi xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện có 1 xã đạt từ 6 tiêu chí, 15 xã đạt từ 4- 5 tiêu chí và 12 xã đạt dưới 4 tiêu chí. Đến nay 6 xã (Nhị Khê, Hồng Vân, Liên Phương, Duyên Thái, Vạn Điểm, Hà Hồi) đã được công nhận xã nông thôn mới, 11 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí, 11 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí.

Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Huyện tập trung chỉ đạo các xã dồn điền đổi thửa đạt theo đúng tiến độ đã đề ra. Đã dồn được 4.391,5 ha/4.302,19 (đạt 102,08%) kế hoạch thành phố giao. Năm 2015, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt 125 triệu đồng/ha. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: lúa hàng hoá tập trung, vùng sản xuất rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thuỷ sản.

Công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, đến nay còn 1.569 hộ nghèo (2,35%).Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Một thành công lớn trong công tác xây dựng nông thôn mới đạt được, đó là, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi; vai trò của người dân qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh những thành công lớn, toàn diện, việc triển khai Chương trình nông thôn mới ở Thường Tín còn một số tồn tại, hạn chế: Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với nhu cầu, nhất là nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân chưa được nhiều. Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn đối ứng ngân sách cấp xã đầu tư cho nông thôn mới là chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính chất truyền thống nên thu nhập của người nông dân còn thấp, không ổn định. Các dự án nâng cao năng lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thực hiện chậm. Sản phẩm sản xuất đầu ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản. Cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Để vượt qua những khó khăn, hạn chế, tiếp tục thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thường Tín phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, trong thời gian tới, huyện Thường Tín tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, rà soát, bố trí nguồn vốn các dự án trọng tâm, trọng điểm để xây dựng nông thôn mới. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý, khai thác nguồn thu từ đất, từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã, tư nhân và vốn đầu tư từ cộng đồng nhân dân, đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương, thành phố và cơ chế huy động, hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

Huyện tiếp tục bố trí ngân sách và huy động kinh phí của các doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp với nguồn kinh phí theo Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tập trung đào tạo nghềtrong đó ưu tiên phát triển làng nghề truyền thống. Tiếp tục tuyên truyền Chương trình xây dựng nông thôn mới huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình nhất là nguồn huy động xã hội hóa và nhân dân đóng góp.

- Tiếp tục triển khai Đề án 02 để hoàn thiện hệ thống giao thông, đường làng ngõ xóm, nhằm đạt mục tiêu không còn đường đất lầy lội.

- Tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quản lý sử dụng đất có hiệu quả.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã căn cứ Thông tư số 40/TT-BNNPTNT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hướng dẫn số 456/HD-SNN của Sở nông nghiệp Hà Nội thực hiện chấm điểm, họp thống nhất tại các thôn, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Ban chỉ đạo huyện để thẩm định, trình Hội đồng thẩm định Thành phố xem xét, công nhận theo quy định.

- Tập trung chỉ đạo các xã rà soát điều chỉnh dự án, đề án xây dựng nông thôn mới.

- Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cá giống cây con có năng suất, chất lượng vào sản xuất theo đúng quy hoạch; tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung, đẩy mạnh đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư.

__________________

(1), (3), (5) Huyện ủy Thường Tín: Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” huyện Thường Tín, lưu Văn phòng Huyện uỷ.

(2) Trước khi xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn có 1 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông, 1 xã cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, 28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí điện, 1 xã cơ bản đạt tiêu chí trường học, 7 xã đạt và cơ bản tiêu chí chợ, 28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí bưu điện, 24 xã và cơ bản đạt tiêu chí nhà ở dân cư, chưa có xã nào đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Đến nay có 17 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, 14 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thuỷ lợi, 100% các xã đạt tiêu chí điện, 14 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí trường học, 28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí chợ, 13 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% các xã đạt tiêu chí bưu điện, nhà ở dân cư.

(4) Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội  về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” huyện Thường Tín giai đoạn 2011-2015, lưu Văn phòngUBNDhuyện Thường Tín.

 

 

                                        ThS Trần Lệ Phương

                              Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền