Trang chủ    Thực tiễn    Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thái Nguyên đến vấn đề việc làm của người lao động
Thứ tư, 29 Tháng 6 2016 16:06
3802 Lượt xem

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thái Nguyên đến vấn đề việc làm của người lao động

(LLCT) - Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thái Nguyên trong những năm gần đây đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có vấn đề việc làm của người lao động. Bên cạnh những tác động tích cực như giải quyết việc làm mới cho người lao động, nâng cao chất lượng, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động,... cũng nảy sinh những bất cập cần giải quyết.

Mở cửa đất nước để đón nhận những luồng gió mới nhằm chấn hưng nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Do đó, Luật Đầu tư nước ngoài đã sớm được ban hành, đã tạo lập môi trường pháp lý để huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Và từ đó tới nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành kênh có ý nghĩa quan trọng đối sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hòa chung với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng đã và đang khởi sắc với việc gia tăng nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Lĩnh vực kinh tế này đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết một vấn đề kinh tế - xã hội, đó là vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

1. Vấn đề thu hút FDI

Một trong những bước ngoặt quan trọng của quá trình đổi mới tư duy đối với việc thu hút đầu tư FDI là vào năm 2005 Việt Nam đã ban hành Bộ luật Đầu tư thống nhất áp dụng cho cả đầu tư trong và ngoài nước. Bộ luật này là sự thay đổi về cả tư duy và nhận thức, chi phối toàn bộ hành vi ứng xử đối với đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đổi mới tư duy của Đảng và Nhà nước về vấn đề thu hút nguồn vốn FDI, tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận tiện, thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút những dự án FDI công nghệ cao, những dự án lớn của tập đoàn xuyên quốc gia.                     

Tính đến năm 2015, Thái Nguyên nổi lên như một hiện tượng trong cả nước về việc thu hút vốn đầu tư FDI với một số dự án rất lớn của Tập đoàn Samsung – Hàn Quốc. Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài trong cả nước thì đến hết tháng 12/2013, với việc thu hút 2 dự án lớn của tập đoàn Samsung, Thái Nguyên đã vươn lên đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Và trong năm 2014, Thái Nguyên tiếp tục thu hút được dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên – giai đoạn 2 đã khẳng định được vai trò và nỗ lực của tỉnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê, năm 2014 đã có 22 dự án được cấp phép đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng số vốn đăng kí là 3,42 tỷ USD. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 120 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 72 dự án trong nước và 48 dự án nước ngoài, nâng tổng số vốn đăng kí lên 6,92 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng. Trong năm 2015, Thái Nguyên tiếp tục thu hút hơn 20 dự án với số vốn đăng kí khoảng 50 triệu USD, giá trị xuất nhập khẩu đạt 13 tỷ USD. Với con số này, Thái Nguyên vươn lên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, bằng sự năng động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện với các nhà đầu tư trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên xứng đáng là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư FDI của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, FDI được coi là nguồn lực đầu tư chủ yếu, quan trọng; đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của tỉnh là: “sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”.

2. FDI và vấn đề việc làm

Tác động mạnh mẽ nhất của các dự án đầu tư FDI là góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động, trên cả  hai phương diện: trực tiếp và gián tiếp.

Tác động trực tiếp từ nguồn vốn FDI thể hiện qua các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong những năm qua, số việc làm trực tiếp trong các doanh nghiệp FDI liên tục tăng lên, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho người lao động trên toàn tỉnh. Năm 2010, số lao động trong các doanh nghiệp phân theo loại hình doanh nghiệp như sau: Lao động trong doanh nghiệp Nhà nước là 18.044 người, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 47.133 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.003 người. Năm 2014 con số này tăng lên theo thứ tự là 18.327, 57.004, 8.316 người. Có thể thấy, lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhất, kéo theo là doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho thấy tác động tích cực từ việc xuất hiện và mở rộng thêm doanh nghiệp FDI ở toàn tỉnh.

Tác động gián tiếp, bởi sự có mặt của các doanh nghiệp FDI đã kéo theo sự xuất hiện và phát triển mạnh các ngành khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, từ đó cũng tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, vốn đầu tư FDI đã tạo cơ hội cho người dân có thêm khả năng tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, mở thêm ngành nghề mới, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đồng thời tạo cơ hội và điều kiện cho sự hình thành và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư FDI kéo theo sự gia tăng nhu cầu về các dịch vụ sản xuất và đời sống với những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vì vậy đã tạo cơ hội và điều kiện cho người dân, nơi các doanh nghiệp hoạt động phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Đây là bước chuyển lớn về hình thức kinh doanh của người dân từ chỗ nhỏ lẻ, biệt lập lên sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, với năng suất, chất lượng cao theo phương pháp công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, ngoài khả năng giải quyết việc làm cho lao động trực tiếp thì nguồn vốn FDI cũng đóng vai trò quan trọng đối với lao động gián tiếp của các thành phần kinh tế khác. Vì thế, số lượng lao động tăng thêm từ nguồn vốn FDI vào tỉnh Thái Nguyên gia tăng đáng kể. Giải quyết được khối lượng lớn việc làm như trên không chỉ tác động lớn đến kinh tế và còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội liên quan.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thái Nguyên góp phần nâng cao chất lượng lao động. Chất lượng lao động có ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự có mặt của các doanh nghiệp không những góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động, mà còn góp phần gia tăng chất lượng nguồn lao động, kể cả lao động quản lý và kỹ năng của người lao động trực tiếp theo phương pháp công nghiệp thông qua việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân ở doanh nghiệp FDI. Thực tế cho thấy, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI, người cán bộ quản lý và công nhân phải rèn luyện về chuyên môn, tay nghề, từng bước tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong công nghiệp hiện đại, có lỷ luật lao động cao v.v. Có hai hình thức đào tạo nâng cao chất lượng lao động. Thứ nhất, các doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động địa phương, vì thế họ đã mở những khóa học do các chuyên gia của công ty trực tiếp giảng dạy hoặc có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước. Hai là, các doanh nghiệp FDI yêu cầu đầu tư vào quốc gia, địa phương có chất lượng lao động cao để không mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo. Điều này đặt ra yêu cầu cho Thái Nguyên hoặc bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước đều phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả, đáp ứng được những đòi hỏi của doanh nghiệp FDI.

FDI còn góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đã tạo điều kiện cho Thái Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, các nhà máy, khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động, góp phần thay đổi cơ cấu lao động. Thứ nhất, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế. Nếu như vào năm 2010, lao động nông nghiệp chiếm 66,72%, lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 15,61%, lao động dịch vụ 17,67% thì đến năm 2014, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn 55.34%, công nghiệp và xây dựng tăng lên thành 23,26% và dịch vụ là 21.39%. Thứ hai, phân theo cấp quản lý và loại hình kinh tế cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Năm 2010, lao động làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0.8% trong tổng dân số của tỉnh, trong khi đó lao động ở Nhà nước là 10,5% và ngoài Nhà nước là 88,7% thì đến năm 2014 con số này tăng mạnh lên tới 7.3%, Nhà nước là 10,1%, lao động ngoài Nhà nước giảm còn 82,6%.

Góp phần giải quyết vấn đề xã hội. Việc làm là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Nguyên đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ ở tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo bền vững an sinh xã hội.

Bên cạnh những tác động tích cực tới vấn đề việc làm mà nguồn vốn FDI mang lại cho tỉnh Thái Nguyên thì việc thu hút với một lượng vốn quá lớn trong thời gian ngắn đã tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực khó có thể kiểm soát được. Đứng trước thực trạng này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có sự nhận thức rõ ràng hơn với vấn đề “mở cửa đón khách” như hiện nay.

Quan hệ giữa người quản lý và công nhân trong các doanh nghiệp FDI vẫn có những căng thẳng nhất định. Thái Nguyên tạo ra quá nhiều chế độ ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Samsung. Với chế độ ưu đãi đặc biệt, Samsung được hưởng thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% (các doanh nghiệp khác là 25%) trong 30 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Mặc dù được tạo nhiều ưu đãi, nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn thường xuyên thực hiện chế độ làm việc tăng ca, tăng giờ trong khi đó thu nhập không tương xứng với thời gian và cường độ lao động, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.

Mục đích của nhà đầu tư là kiếm lợi nhuận, vì thế họ chủ yếu đầu tư vào những ngành có lợi nhuận cao, vì thế, điều này sẽ làm gia tăng sự mất cân đối giữa các vùng kinh tế, giữa nông thôn và thành thị, giữa các ngành, lĩnh vực kinh doanh.

Tình trạng lao động được tuyển dụng một cách ồ ạt và sau một thời gian bị sa thải hàng loạt cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, cường độ lao động cao, không được đóng bảo hiểm xã hội. Khi nghỉ việc tự nguyện hoặc không tự nguyện thì vấn đề tìm việc làm mới là không hề dễ dàng.

Những mặt trái của FDI về vấn đề việc làm không có nghĩa là phủ nhận những lợi thế cơ bản của nó mà chúng ta chỉ lưu ý rằng không nên quá hy vọng vào FDI và cần phải có những chính sách, những biện pháp kiểm soát hữu hiệu để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của FDI. Bởi vì mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp FDI gây ra cho nước chủ nhà nhiều hay ít lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, năng lực, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của quốc gia nhận đầu tư.

3. Một số giải pháp góp phần thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI với vấn đề việc làm ở Thái Nguyên hiện nay

Trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và hạn chế như trên, có thể thấy để nâng cao hiệu quả của vấn đề việc làm cho người lao động trong khu vực FDI, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể như sau:

- Nhóm giải pháp về nguồn vốn FDI

Tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp với thực tiễn của địa phương; đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững xã hội.

Thái Nguyên cần tận dụng triệt để những cơ hội mà các dự án đầu tư FDI mang lại, đặc biệt là những dự án tỷ đô; tạo cho các dự án này có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong tỉnh, biến các doanh nghiệp đó trở thành những vệ tinh tạo nên sự phát triển đồng đều và bền vững; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI làm gây ô nhiễm môi trường, cố tình sử dụng những công nghệ lạc hậu, bắt tay với nhau để làm giá, chuyển giá, trốn lậu thuế, đối xử hà khắc với công nhân nước, bỏ trốn, xù nợ v.v.  Muốn vậy, cần phải đào tạo, xây dựng đội ngũ kiểm tra, kiểm soát đủ trình độ, năng lực và phẩm chất; trang bị các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để phát hiện những sai phạm, tạo cơ sở để xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật tại Thái Nguyên cũng như trên cả nước.

 - Nhóm giải pháp về vấn đề việc làm trong khu vực FDI

- Đa dạng hóa các ngành đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI vào việc giải quyết vấn đề thất nghiệp, cụ thể tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề cần nhiều lao động như dệt may, chế tạo linh kiện v.v bằng cách tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, phân xưởng v.v với quy mô lớn.

- Hoàn thiện cơ chế pháp lý, hướng các doanh nghiệp FDI đến mục tiêu tạo nhiều việc làm và phải đảm bảo tính ổn định của việc làm cho người lao động.

- Tạo nên những chuyển biến tích cực từ phía người lao động. Do nguồn vốn FDI đổ vào Thái Nguyên ngày một nhiều, do vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì thế, vấn đề cần quan tâm ở đây là cần có những biến chuyển tích cực từ phía người lao động, cụ thể là: nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm và tinh thần lao động v.v để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, từ đó thu hút ngày càng lớn nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh.

 - Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục để chủ động về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp này. Thái Nguyên là trung tâm lớn thứ ba của cả nước về giáo dục, đào tạo với lực lượng lao động dồi dào và có chất lượng. Để thực sự là trung tâm của cả vùng và cả nước, Thái Nguyên cần quyết liệt và quyết tâm thực hiện một số giải pháp sau đây:

-  Các đơn vị đào tạo trên địa bàn cần nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đổi mới tư duy để thu hút các nhà đầu tư, nhân tài nhằm liên kết, liên doanh đào tạo và xây dựng mới cơ sở đào tạo, phương pháp, chương trình v.v đảm bảo đạt chất lượng cao; khai thác thị trường giáo dục đào tạo đầy tiềm năng này để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao và sức cạnh tranh cao.

- Khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn để có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về nguồn lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó đặc biệt các các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, các nhà máy của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên; từng bước chuyển từ lao động thủ công lạc hậu sang sử dụng lao động với công nghệ (phương tiện, phương pháp) tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng trí tuệ cao và gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực có sức sáng tạo với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở cửa thu hút những nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài là một tất yếu. Thái nguyên là một tỉnh được đánh giá cao về những tiềm năng vốn có cũng như những chiến lược thu hút đầu tư FDI hiệu quả, điều quan trọng là cần có cái nhìn mới về những tác động mà nguồn vốn này đem lại để góp phần giải quyết vấn đề việc làm hiệu quả, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

_______________

1.      Lê Xuân Bá (2006), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

2.      Bộ Tư pháp (2006), Luật Đầu tư năm 2005, NXB Tư pháp, Hà Nội.

3.      Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên (2015), Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2014, NXB Cục Thống kê Thái Nguyên, Thái Nguyên.

4.      Nguyễn Tiến Long (2011), Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

5.      GS.TS. Ngô Thắng Lợi (2013), Kinh tế phát triển, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

6.      Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến (chủ biên) (2014), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất lao động và trình độ công nghệ của Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

ThS Bùi Đức Linh

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền