Trang chủ    Thực tiễn    Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Quảng Nam hiện nay
Thứ tư, 29 Tháng 6 2016 16:17
2829 Lượt xem

Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Quảng Nam hiện nay

(LLCT) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xác định là tiền đề quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là lĩnh vực CNHT phục vụ trực tiếp các ngành công nghiệp chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Ngày 24-4- 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trên cơ sở các doanh nghiệp đang hoạt động tốt trên địa bàn, như: Công ty sản xuất, lắp ráp ôtô Trường Hải, Công ty công nghiệp nặng Doosan, công nghiệp giày da, may mặc,… tỉnh Quảng Nam kỳ vọng phát triển CNHT sẽ tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp thời gian tới.

1. Những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh

Là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam sở hữu đầy đủ những tiềm năng và lợi thế của địa phương duyên hải. Quảng Nam lâu nay được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là địa phương duy nhất trên cả nước sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp cổ Mỹ Sơn. Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Trung ương chọn thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai, là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

Xét về địa lý, Quảng Nam có vị trí mang tính chiến lược, kết nối các địa phương khác cũng như quốc tế. Cụ thể, phía Bắc giáp TP. Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận lợi cho vận chuyển bằng đường bộ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường biển sang các nước khác thuộc ASEAN, Đông Á,…

Hạ tầng của tỉnh khá đồng bộ, bên cạnh các tuyến huyết mạch giao thông như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, đường ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai, đường sắt Bắc - Nam… Quảng Nam còn rất thuận lợi khi nằm giữa hai sân bay lớn là Sân bay quốc tế Đà Nẵng và Sân bay Chu Lai, trong đó Sân bay Chu Lai được quy hoạch thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế cấp 4F và là trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng duy nhất tại Việt Nam.

Quảng Nam tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp. Ðiển hình là Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, KCN Ðiện Nam - Ðiện Ngọc. Đến nay, KTM Chu Lai đã có 5 khu công nghiệp(1) với tổng diện tích khoảng 4.500 ha. Trong đó, 3 KCN đã đi vào hoạt động: KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 1 đã lấp đầy 90% và đang khai thác giai đoạn 2, KCN Tam Hiệp giai đoạn 1 cũng đã lắp đầy khoảng 60%, KCN cơ khí ô tô Trường Hải đã lắp đầy 100%.

Bên cạnh đó,Quảng Nam đã chủ động xây dựng những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng… Trên cơ sở đó, Quảng Nam đã thu hút được những dự án đầu tư hiệu quả như Nhà máy Ô tô Trường Hải, Kính nổi Chu Lai, Gạch men Đồng Tâm, các dự án du lịch lớn của Indochina Capital, VinaCapital, Victoria, Golden Sand, Palm Garden… là cơ sở tạo nên những bước phát triển bền vững cho địa phương.

2. Những lựa chọn ưu tiên

- CNHT ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 24tháng 4 năm 2014, đã xác định phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo là nền tảng, động lực chính để thúc đẩy công nghiệp chế tạo của tỉnh phát triển, đó là: CNHT cơ khí cho các ngành chế tạo, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là ngành sản xuất lắp ráp ô tô; CNHT cơ khí cho công nghiệp sản xuất, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, thiết bị sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Định hướng cụ thể cho từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn từ nay đến 2020: Tập trung thu hút đầu tư vào CNHT ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt ở các khâu chế tạo cơ bản như đúc, rèn, dập, gia công chính xác, nhiệt luyện,… chú trọng sản xuất linh phụ kiện cơ khí phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Tập trung hoàn thành và phát triển Trung tâm Cơ khí ô tô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CNHT ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn tại địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từng bước phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp. Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực CNHT cơ khí đòi hỏi công nghệ cao và hiện đại.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng lĩnh vực sản xuất. Tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực CNHT cơ khí đòi hỏi công nghệ cao và hiện đại. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.

- CNHT ngành dệt may. Theo đó, các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may sẽ được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất, giá thuê đất thích hợp; trong các khu, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khâu xử lý rác thải môi trường… Phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may xuống mức 50% và đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.800 tỷ đồng; hình thành Trung tâm Dệt may Quảng Nam với các nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ quy hoạch khoảng 10.000ha trồng cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 2.000ha cây bông. Dự kiến năm 2020 doanh thu từ sản xuất của các nhà máy may sẽ đạt từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 200 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu và các dự án về trồng cây nguyên liệu, cây bông trên địa bàn.

3. Một số giải pháp

Để thực hiện được chiến lược CNHT của tỉnh, trước hết Quảng Nam cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng của tỉnh càn sớm tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp cụ thể với trung ương về phát triển ngành CNHT, coi đây là một trong những khâu đột phá về cơ chế nhằm thu hút các nguồn lực và tiềm năng cho CNHT của tỉnh. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đề xuất nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế cho các dự án đầu tư tại các khu CNHT. Cụ thể là: áp dụng thuế Thu nhập doanh nghiệp với thuế suất cao nhất là 10% trong thời hạn 20 năm kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, áp dụng thuế suất 5% trong 10 năm tiếp theo và 10% trong 6 năm kế tiếp; đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành công nghiệp ô tô; máy móc phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, có quy mô vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng hoặc thu hút trên 4.000 lao động, có khả năng thu hút doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp 10% kéo dài thêm 10 năm; đề nghị được áp dụng nhiều ưu đãi khác về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, về tín dụng... cho các dự án trong  khu CNHT ngành cơ khí.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, theo đó càn tập trung vào các công việc cụ thể như: công bố công khai quy hoạch đầu tư xây dựng và thủ tục hành chính về quy hoạch, xây dựng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư. Rút ngắn đến mức có thể thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: thủ tục thỏa thuận địa điểm, chủ trương kinh doanh bất động sản, thẩm định quy hoạch, góp ý thiết kế cơ sở; có cơ chế, chính sách tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng để giao đất cho các nhà đầu tư có dự án khả thi, có cam kết tiến độ triển khai, có năng lực tài chính; nâng cao chất lượng hỗ trợ thực hiện cá thủ tục về đất đai theo cơ chế một cửa, nhằm đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cần sự phối hợp của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo. Đối với các nước như Thái Lan, Malaysia, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty mẹ là một giải pháp để phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ các nước đều có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động, trong đó, đặc biệt ưu tiên xuất khẩu lao động kỹ thuật. Sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, có thể ở chính công ty mẹ, người lao động sẽ nắm được kỹ thuật, tác phong làm việc và trở về nước. Có thể nói, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quảng Nam nên chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của người sử dụng lao động và nhu cầu của thị trường

Thứ tư, tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX xác định: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư là ba nhiệm vụ đột phá để phát triển Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp trước năm2020. Trước hết cần cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển hạ tầngvới phương châm: cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước; đồng thời đẩy nhanh khớp nối các hệ thống hạ tầng giao thông tạo ra những vùng động lực thúc đẩy phát triển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường huy động các nguồn vốn phát triển khác; thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, tích cực huy động các nguồn đóng góp trong dân và các tổ chức xã hội; không thể để tình trạng manh mún hay dở dang, tiếp tục “điệp khúc” đợi vốn. Có thể tạm dừng các dự án có nguồn vốn quá lớn hoặc loại bỏ những dự án thiếu khả thi. Không để tràn lan, kiểm soát quy mô và đầu tư dứt điểm, xúc tiến tìm nguồn vốn từ các tổ chức, định chế tài chính để có thể phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hoàn thiện kết nối các tuyến giao thông nam - bắc, đông - tây và hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá...

Thứ năm, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trên phạm vi cả nước. Tổ chức các chương trình xúc tiến, hội chợ, triển lãm về các ngành công nghiệp chế tạo, tổ chức các hội chợ, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ.

Tạo ra các cơ chế khuyến khích cần thiết để “uốn” dòng vốn FDI vào các “đích” phát triển CNHT được chọn, trong đó, nên rất chú trọng công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Các động cơ khuyến khích chủ chốt cần được lưu tâm là tăng cường nghiên cứu triển khai, phát triển nhân lực, phát triển mối liên kết công nghiệp và sử dụng công nghệ cao. Đây là những “điểm nhấn” chiến lược mà không nước nào trong số các nước Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc bỏ qua.

Xác định rõ đối tượng FDI cần được ưu tiên thu hút đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tập trung thu hút đầu tư từ các công ty nắm bí quyết công nghệ, có năng lực chế tạo và có thị trường đầu ra ổn định. Lực lượng này là i) các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia có vị thế là các nhà cung ứng toàn cầu, chuyên chế tạo linh phụ kiện; ii) các công ty đa quốc gia đứng đầu các mạng sản xuất song vẫn còn giữ lại chức năng chế tạo.

Có phương thức tổ chức hoạt động hợp lý, hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình thu hút dòng vốn của các công ty đa quốc gia, một trong những bài học quan trọng từ các nền kinh tế Đông Á là thiết lập các cụm công nghiệp lớn hội tụ cơ sở chế tạo, thậm chí cho phép các công ty đứng đầu mạng sản xuất toàn cầu thiết lập cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung các nhà cung ứng riêng của họ.

___________

(1) Gồm: Bắc Chu Lai, Tam Anh, Tam Hiệp, Tam Thăng và An Phú

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 34/2007/QĐ-BCN ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.

2.Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ”.

3. Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020”.

4. Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

5. Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

6. Quyết định 1286/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

 

ThS Đinh Văn Bảo

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai

 

 


[1]

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền