Trang chủ    Thực tiễn    Kiểm tra, giám sát của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ở cấp xã
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:36
3199 Lượt xem

Kiểm tra, giám sát của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị ở cấp xã

(LLCT) - “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được xác định là cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, thể hiện rõ bản chất ưu việt của nền dân chủ XHCN ở nước ta. Bản chất của cơ chế đó cho thấy, nhân dân làm chủ là mục đích, cơ sở cho sự ra đời và tồn tại vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý là để bảo đảm cho nhân dân thực sự có quyền làm chủ, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, các chủ thể này thường có xu hướng lạm quyền. Đặc biệt là trong hoạt động của bộ máy nhà nước và những người nắm giữ quyền lực nhà nước “thường có xu hướng lạm quyền, chuyên quyền, bất kể là trong chế độ quân chủ hay dân chủ”(1). Điều này đã được Đảng ta chỉ rõ: “Thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...”(2). Thực trạng trên không được giải quyết kịp thời sẽ “gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(3). Chính vì vậy, Đảng ta khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước luôn phải chịu sự giám sát của nhân dân; phải tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Quan tâm xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát từ phía nhân dân là nhu cầu cấp thiết đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền hiện nay, trước hết là ở cấp xã.

Cấp xã (xã, phường, thị trấn) là cấp cơ sở, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Cấp ủy và chính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất, trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhân dân. Có thể nói, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã. Cấp xã có vai trò trực tiếp đưa chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện những vướng mắc, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị giúp Đảng, Nhà nước điều chỉnh kịp thời chủ trương, chính sách, bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp xã còn nhiều hạn chế, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, nhiều nơi tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là trên lĩnh vực quản lý đất đai, thực hiện chính sách xã hội và xây dựng hạ tầng. Hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân chưa được bảo đảm và thực hiện hiệu quả.

Ở nước ta, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng: “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân… và chịu sự giám sát của nhân dân”(4) và “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,... chịu sự giám sát của nhân dân”(5). Quan điểm của Đảng được pháp chế hóa, cụ thể hoá trong Hiến pháp và pháp luật. Ở cấp xã được cụ thể hoá trong Quy chế và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó quy định rõ nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với công việc của cấp ủy và chính quyền, trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân, cơ chế để nhân dân thực hiện quyền này.

Trong thời gian qua, việc thực hiện Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị cấp xã, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả thực hiện quyền làm chủ của nhân dân nói chung và hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân ở cấp xã nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, nhận thức và năng lực thực hiện kiểm tra, giám sát của nhân dân nhìn chung còn rất hạn chế. Phần lớn nhân dân chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề chính trị, chủ yếu quan tâm đến việc sản xuất, làm ăn kinh tế, nâng cao đời sống. Chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tác dụng của thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Tâm lý e ngại, nể nang còn chi phối rất lớn trong lối sống của nhân dân. Trên thực tế, những vi phạm trong quản lý của chính quyền, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng hạ tầng chủ yếu do mâu thuẫn nội bộ, hay do cơ quan truyền thông, báo chí phát hiện.

Thứ haicấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu chưa có nhận thức đầy đủ ý nghĩa việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đó, chưa chủ động, tích cực trong thực hiện cơ chế và điều kiện cần thiết để động viên nhân dân thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát. Thậm chí tình trạng gây khó khăn cho nhân dân khi tiến hành kiểm tra, giám sát còn khá phổ biến hiện nay.

Thứ baviệc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân xã và các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa hiệu quả. Tình trạng e ngại, né tránh và hình thức trong thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân chậm được khắc phục. Ở nhiều xã, Hội đồng nhân dân có tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, tuy nhiên số vụ việc sai phạm được phát hiện rất ít, kết luận kiểm tra mang tính chung chung. Trong khi đó, sai phạm trong lãnh đạo, quản lý ở cấp xã những năm qua có chiều hướng tăng lên cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức đại diện quyền lợi của nhân dân, có chức năng thay mặt nhân dân kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với quyết định lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền địa phương, chưa thực sự làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, hoạt động còn mang tính hình thức. Thực tế đó, ảnh hưởng lớn đến quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Thứ tưchất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã còn nhiều hạn chế, gây mất niềm tin và không động viên nhân dân thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là hình thức giám sát quan trọng của nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền địa phương, nhưng trên thực tế, nhiều vụ việc được nhân dân phát hiện thông qua giám sát và tố giác không được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, thỏa đáng, thậm chí có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Để thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, cần làm tốt những nội dung sau:

Một là, cấp ủy lãnh đạo chính quyền thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch hoạt động quản lý, đặc biệt là thực hiện nội dung của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức vi phạm, có hành vi cản trở hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và động viên nhân dân chủ động tham gia công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, tăng cường mối liên hệ giữa Hội đồng nhân dân với cử tri. Giám sát là một chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân, nhân dân thực hiện quyền giám sát trước hết thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân xã. Do đó, Hội đồng nhân dân cấp xã cần đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác giám sát và chất lượng các kỳ họp; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó thực hiện các cuộc giám sát theo chuyên đề sát với tình hình thực tế địa phương. Trong các kỳ họp, chú trọng tổ chức chất vấn của đại biểu đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, thực hiện trách nhiệm giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với hoạt động quản lý, điều hành.

Ba là, cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để nhân dân thực hiện hiệu quả việc  giám sát và đánh giá cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở địa phương.Hoạt động kiểm tra, giám sát quan trọng nhất của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị cấp xã hiện nay là nhân dân thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng cán bộ và chất lượng lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền. Hiện nay, Đảng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã. Tuy nhiên, chưa có quy chế, hướng dẫn thực hiện cụ thể, dẫn tới sự tùy tiện trong thực hiện và hiệu quả không cao, thậm chí là hình thức. Do vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần chủ động nghiên cứu xây dựng mẫu phiếu đánh giá, nhận xét với những tiêu chí đánh giá sát hợp; đổi mới phương thức thực hiện lấy nhận xét, đánh giá của nhân dân về cán bộ cấp xã và chất lượng lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về việc xử lý và sử dụng kết quả nhận xét, đánh giá của nhân dân trong công tác cán bộ.

Bốn là, nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền. Trong điều kiện nước ta hiện nay thì hình thức dân chủ gián tiếp vẫn là phương thức chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Cùng với Hội đồng nhân dân, nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Đảng ta đã ban hành Quyết định số 217 - QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội”, nhằm bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với cấp ủy và chính quyền, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Để triển khai có hiệu quả, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, trước hết là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Hệ thống chính trị các cấp cần phải đổi mới nhận thức, xác định rõ vị trí, vai trò của Đảng trong Mặt trận, có như vậy mới bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc có hiệu quả.

Trong những năm tới, cần xây dựng quy định bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ và thường xuyên có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, hoạt động thanh tra của chính quyền với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với cấp ủy. Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với cấp ủy và chính quyền từ khâu xây dựng đến tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách. Đồng thời, xây dựng quy định về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tạo cơ chế phối hợp bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, tham gia đóng góp ý kiến đối với cấp ủy, chính quyền. Khắc phục tính bị động “được mời” và thiếu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trước những ý kiến, kiến nghị của Mặt trận. Có như vậy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân mới thực hiện tốt, hiệu quả vai trò đại diện quyền, lợi ích của nhân dân.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1), (2), (3) Nguyễn Văn Huyên (chủ biên): Chính trị học những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr.127, 130, 130.

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.263, 12.

 

ThS Hoàng Đình Trung

Trường Chính trị tỉnh Nam Định

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền