Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển dịch vụ chất lượng cao - động lực cho phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:37
4009 Lượt xem

Phát triển dịch vụ chất lượng cao - động lực cho phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội

(LLCT) - Thực tế nền kinh tế thế giới hiện nay cho thấy, dịch vụ là ngành kinh tế, đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các nước, nhất là các nước phát triển và đó chính là đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao sẽ tạo động lực mới để phát triển kinh tế Hà Nội nhanh và bền vững.

1. Quan niệm về dịch vụ chất lượng cao

Dịch vụ phát triển càng đa dạng và với chất lượng cao sẽ đáp ứng tốt hơn, đầy đủ hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần phong phú của con người. Có thể nói, yêu cầu hàng đầu đối với dịch vụ là yêu cầu về chất lượng. Xét một cách chung nhất, chất lượng dịch vụ biểu hiện ở sự thoả mãn nhu cầu của khách hàng khi tiêu dùng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ có thể đánh giá thông qua các tiêu thức về trình độ, bí quyết, kỹ năng của người cung ứng dịch vụ; trình độ công nghệ trang thiết bị; trình độ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ và nhận định, đánh giá của khách hàng.

Một ngành dịch vụ hay loại hình dịch vụ được coi là chất lượng cao phải đáp ứng, hội tụ các yếu tố tạo nên chất lượng cao của dịch vụ: việc sản xuất và cung ứng dịch vụ dựa trên nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và trình độ công nghệ tiên tiến; đội ngũ nhân lực sản xuất và cung ứng dịch vụ có trình độ, tay nghề, tính chuyên nghiệp cao hoặc có kỹ năng, bí quyết đặc thù; trình độ tổ chức, quản lý sản xuất và cung ứng dịch vụ tiên tiến. Nói cách khác, dịch vụ chất lượng cao là dịch vụ kết tinh được trình độ chuyên môn, tay nghề, trình độ công nghệ và hàm lượng chất xám cao.

Dịch vụ chất lượng cao là khái niệm mang tính mở và tuỳ thuộc vào tiêu chí cụ thể của chủ thể đánh giá. Các tiêu chuẩn chất lượng cao của dịch vụ được thể hiện trên các mặt chất lượng phục vụ, trình độ phục vụ và kết quả, hiệu quả phục vụ.

Các dịch vụ chất lượng cao không phải là một ngành, phân ngành dịch vụ mới mà có ở trong tất cả các ngành, phân ngành dịch vụ; thực chất chính là tất cả các ngành dịch vụ hiện tại nhưng được phát triển ở một trình độ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, hướng đến các nhóm khách hàng có thu nhập cao. Như vậy, dịch vụ chất lượng cao có thể là cả một ngành dịch vụ đư­ợc phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại, ph­ương thức quản lý tiên tiến như­ vận tải hàng không, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm,... hoặc là những dịch vụ cụ thể trong mỗi ngành đư­ợc phát triển theo hướng hiện đại, như­ trung tâm thương mại, siêu thị, thương mại điện tử là dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực phân phối; dịch vụ e-banking là dịch vụ chất l­ượng cao trong lĩnh vực ngân hàng,...

Dịch vụ chất lượng cao có hai đặc điểm cơ bản là đem lại mức độ thỏa mãn cao cho khách hàng khi tiêu dùng dịch vụ và giá trị gia tăng cao. Phát triển dịch vụ chất lượng cao thường mang lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều lần so với dịch vụ thông thường cùng loại.

Dịch vụ chất lượng cao gắn liền với sự phát triển của kinh tế thị trường, của công nghệ sản xuất - kinh doanh và của chất lượng đời sống hiện đại. Phát triển các dịch vụ chất lượng cao có giá trị gia tăng lớn chính là động lực để phát triển kinh tế nhanh, là một trong những biện pháp thực thi hiệu quả chiến lược “đi tắt, đón đầu” để phát triển.

2. Phát triển dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội

Trong giai đoạn 2008-2013, tăng trưởng của khu vực dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đạt bình quân 10,1%/năm, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9,3%/năm của Thủ đô giai đoạn này. Tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2013 chiếm 53,4% trong cơ cấu GRDP Hà Nội và có xu hướng tăng do tốc độ tăng trưởng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và cao nhất trong cả ba nhóm ngành (Bảng 1).

Trong tổng thể khu vực dịch vụ, các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2008-2013 là: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (tăng bình quân 12,5%/năm); vận tải, kho bãi (tăng bình quân 11,5%/năm); thương mại bán buôn, bán lẻ (tăng bình quân 9,8%/năm); thông tin và truyền thông (tăng bình quân 9,8%/năm); du lịch, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng bình quân 9,9%/năm).

Năm nhóm ngành dịch vụ nêu trên cũng là các nhóm dịch vụ có giá trị tăng thêm lớn và giữ vai trò mũi nhọn trong toàn bộ khu vực dịch vụ của Hà Nội cũng như nền kinh tế Thủ đô. Tổng của 5 nhóm ngành dịch vụ trên chiếm khoảng 2/3 tổng giá trị của toàn bộ khu vực dịch vụ và chiếm 32,5% trong tổng GRDP Hà Nội (Bảng 2).     

Những năm qua, các dịch vụ chất lượng cao đã định hình và phát triển khá nhanh không chỉ theo bề rộng mà bắt đầu tập trung phát triển theo chiều sâu, từng bước phát huy vai trò động lực cho sự phát triển của khu vực dịch vụ nói riêng, nền kinh tế Thủ đô nói chung. Đồng thời, các dịch vụ chất lượng cao đang vươn lên chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dịch vụ ở Hà Nội.Ước tính một nửa trong các nhóm ngành dịch vụ nêu trên là dịch vụ chất lượng cao. Như vậy, tỷ trọng của dịch vụ chất lượng cao hiện chiếm khoảng 30% trong tổng giá trị của toàn bộ khu vực dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.

Sự phát triển dịch vụ chất lượng cao trong một số ngành dịch vụ như sau:

- Dịch vụ chất lượng cao trong ngành tài chính - ngân hàng: Hà Nội là nơi tập trung nhiều các ngân hàng, tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ và cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính; có trên 250 cơ sở giao dịch (gồm hội sở, sở giao dịch và chi nhánh) của các tổ chức tín dụng thuộc các thành phần kinh tế và 17 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài.

Bản thân tài chính - ngân hàng là dịch vụ chất lượng cao khi xét trong mối tương quan với các ngành dịch vụ khác. Tuy nhiên, nếu xét riêng thì trong ngành tài chính - ngân hàng gồm có các dịch vụ truyền thống, thông thường và các dịch vụ mới, chất lượng cao được ra đời và cung ứng trên cơ sở hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Đây là các dịch vụ hiện đại, hết sức thuận tiện và nhanh chóng cho khách hàng sử dụng, tạo giá trị gia tăng cao và đem lại nguồn thu lớn cho ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số dịch vụ chất lượng cao trong ngành tài chính - ngân hàng được phát triển mạnh ở Hà Nộigồm: dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử,... Ước tính, giai đoạn 2008-2013, các dịch vụ chất lượng cao chiếm khoảng 20-25% giá trị tăng thêm của ngành tài chính - ngân hàng.

- Dịch vụ chất lượng cao trong ngành thương mại: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm đã góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân khiến doanh thu thị trường bán lẻ tăng nhanh và mạng lưới phân phối bán lẻ ở Hà Nội phát triển mạnh, đặc biệt là dịch vụ phân phối bán lẻ hiện đại, chất lượng cao như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 25 trung tâm thương mại,121 siêu thị và hàng trăm cửa hàng tiện ích trong các khu dân cư, nhất là các khu đô thị mới. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam (năm 2011) cho thấy thị phần bán lẻ hiện đại tại Hà Nội đạt tỷ lệ 16%, hiện tại đạt khoảng 20%. Ước tính tốc độ tăng trưởng hàng năm của hệ thống siêu thị và các loại hình phân phối hiện đại cao gấp 2 lần so với tốc độ tăng của các loại hình bán lẻ truyền thống. Nhiều thương hiệu phân phối lớn trên thế giới đã có mặt ở Hà Nội như Metro, BigC, Lotte; đồng thời, nhiều doanh nghiệp phân phối trong nước cũng đã vươn lên, khẳng định được thương hiệu như Fivimart, Intimex, Hapro Mart, Vinmart...

- Dịch vụ chất lượng cao trong ngành thông tin - truyền thông: Ngành thông tin - truyền thông, đặc biệt viễn thông và công nghệ thông tin là dịch vụ chất lượng caobởi đây là dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin là dịch vụ hạ tầng có vai trò quyết định đối với sự phát triển của các dịch vụ khác. Hầu hết các dịch vụ chất lượng cao đều phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông hiện đại.

Hiện nay, thông tin - truyền thông là ngành dịch vụ chất lượng cao có giá trị tăng thêm cao nhất và đóng góp lớn nhất trong tổng GDP dịch vụ của Hà Nội, chiếm gần 20% GDP của toàn bộ khu vực dịch vụ Hà Nội. Những dịch vụ chất lượng cao, tiện ích với khách hàng được tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian qua như: dịch vụ điện thoại di động; dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL, 3G, 4G;  dịch vụ hội nghị trực tuyến,…

Ngoài ra, nhiều dịch vụ chất lượng cao khác trong các ngành vận tải (hàng không), du lịch - khách sạn, giải trí, y tế, giáo dục đào tạo,... cũng đã hình thành và có tiềm năng phát triển lớn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: chủng loại dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội ch­ưa phong phú, đa dạng. Chất lượng của phần lớn các dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, trong khi giá cả lại tương đối cao (nhất là dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ khách sạn) đã làm giảm tính cạnh tranh của dịch vụ.

Việc sản xuất và cung ứng hầu hết các dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội (kể cả hầu hết các dịch vụ nói chung) chư­a theo quy hoạch và kế hoạch, thiếu chiến lược dài hạn. Hệ thống bảo đảm chất lượng (công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng và hiệu quả quá trình cung cấp các dịch vụ) chưa được xây dựng và hoàn thiện ở cấp vi mô (từng cơ sở, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ) và vĩ mô (ngành, địa phương, quốc gia). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật dịch vụ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ chất lượng cao.

3. Định hướng và một số giải pháp

Định hướng:

Trong thời gian tới, phát triển dịch vụ chất lượng cao phải được coi là phương thức chủ đạo nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế Thủ đô, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

 Tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao làm hạt nhân, động lực cho phát triển dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu nội ngành dịch vụ Thủ đô nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.

 Phát triển dịch vụ chất lượng cao theo quy hoạch, kế hoạch và hệ thống tiêu chí phù hợp với từng ngành, từng sản phẩm dịch vụ. Lựa chọn phát triển một số dịch vụ chất lượng cao trong các ngành dịch vụ gắn với đặc thù, thế mạnh Thủ đô (thương mại, du lịch, tài chính - ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, tư vấn, khoa học - công nghệ...) để ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ, ngang tầm các nước trong khu vực, từng bước vươn lên trình độ và tiêu chuẩn thế giới.

 Phấn đấu mức tăng trưởng các dịch vụ chất lượng cao gấp 1,2-1,3 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành dịch vụ và cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Nâng tỷ trọnggiá trị các dịch vụ chất lượng cao từ khoảng 30% hiện nay lên trên 40% trong tổng giá trị toàn ngành dịch vụ của Thủ đô vào năm 2020. Từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Một số giải pháp:

- Đổi mới tư duy chiến lược về phát triển kinh tế đối với Thủ đô Hà Nội. Theo xu thế phát triển chung thì về lâu dài, dịch vụ mới là ngành kinh tế chủ đạo và có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu GDP của nền kinh tế. Nhiều đô thị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ, tiến hành “dịch vụ hóa” nền kinh tế. Với vị thế và các tiềm năng của Hà Nội thì việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang các ngành dịch vụ và đi đầu trong phát triển dịch vụ chất lượng cao là lựa chọn tối ưu. Việc phát triển dịch vụ thường chiếm ít diện tích, hiệu quả sử dụng đất cao hơn, đồng thời tạo nên cảnh quan đẹp cho đô thị như các khách sạn cao cấp, các siêu thị, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khu giải trí... sẽ hợp lý hơn trong tương lai. Tập trung đổi mới cơ chế, tạo lập môi trường chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển dịch vụ và các dịch vụ chất lượng cao.

- Xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng caotrên địa bàn Hà Nội phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập, tham gia các hiệp định kinh tế, thương mại quốc tế.

- Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho phát triển dịch vụ chất lượng cao. Hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cao của dịch vụ. Song, trên thực tế hiện nay, hạ tầng và cơ sở vật chất - công nghệ của các ngành dịch vụ ở Hà Nội còn yếu, nhất là trong các ngành thương mại, vận tải, khách sạn, vui chơi giải trí, y tế,... Trong thời gian tới cần phải nhanh chóng khắc phục hạn chế này bằng cách đầu tư phát triển mạnh hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải, kho bãi, trung tâm giao dịch, xúc tiến...

- Tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đặc thù của quá trình cung cấp các dịch vụ chất lượng cao là đòi hỏi kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nên sự gia tăng đầu tư vào các ngành này phần lớn đến từ bên ngoài, tức là thông qua vốn FDI. Cần tập trung xúc tiến, thu hút FDI vào một số dự án dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ quốc tế như các trung tâm thương mại, triển lãm, khu giải trí phức hợp,…

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành dịch vụ và dịch vụ chất lượng cao, coi đây là khâu quyết định trong việc phát triển dịch vụ chất lượng cao ở Hà Nội trong thời gian tới.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

 

ThS Nguyễn Thanh Bình

Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nộ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền