Trang chủ    Thực tiễn    Nâng chất lượng các chương trình tự sản xuất của các đài phát thanh - truyền hình địa phương
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:39
4115 Lượt xem

Nâng chất lượng các chương trình tự sản xuất của các đài phát thanh - truyền hình địa phương

(LLCT) - Đài phát thanh - truyền hình là công cụ rất đắc lực phục vụ công tác tư tưởng - tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Mặc dù được Đảng, Nhà nước đầu tư rất lớn, song những năm qua, hiệu quả của hệ thống phát thanh - truyền hình địa phương còn nhiều hạn chế.  Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025nêu rõ mục tiêu quy hoạch cụ thể đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình được xác định ở 3 nội dung chủ yếu, đó là:

- Tăng thời lượng tự sản xuất chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương; đảm bảo thời lượng tự sản xuất đạt tỷ lệ tối thiểu là 50%; tỷ lệ chương trình nước ngoài khai thác trên một kênh chương trình không vượt quá 30% trên tổng thời lượng chương trình phát sóng (70% chương trình sản xuất trong nước). Thực hiện tiếp sóng chương trình  của các Đài Trung ương vào các khoảng thời lượng chưa tự sản xuất được.

- Hệ thống phát thanh - truyền hình địa phương tổ chức lại theo hướng tinh gọn về tổ chức, chỉ làm nhiệm vụ sản xuất chương trình và cung cấp nội dung cho nhà cung cấp dịch vụ truyền thông đa phương tiện.

- Đến năm 2020, các đài phát thanh - truyền hình tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Ba mục tiêu chủ yếu nêu trên đối với lĩnh vực phát thanh - truyền hình cũng nhằm thực hiện mục tiêu chung của Quy hoạch báo chí là “Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của báo chí... phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của hệ thống báo chí để tiến đến xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ; đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, nâng cao dân trí và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân”.

Thực tế nhiều năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi đài, hệ thống các đài phát thanh truyền hình địa phương đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ cũng như về số lượng, chất lượng và thời lượng sản xuất chương trình. Thời lượng chương trình phát thanh và truyền hình đã tăng lên đáng kể. Riêng chương trình truyền hình của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du đã nâng tổng thời lượng phát sóng từ 6 giờ đến 10 giờ/ ngày của năm 2005 lên 16 giờ đến 18 giờ/ngày năm 2013; đặc biệt có kênh địa phương có tổng thời lượng phát sóng 24/24 giờ hằng ngày như kênh HTV (Đài Truyền hình TP HCM), kênh KTV (Đài PTTH Khánh Hòa), kênh QTV (Đài PTTH Quảng Ninh), kênh ĐNTV (Đài PTTH Đồng Nai)... Chất lượng chương trình cũng từng bước được nâng lên với nhiều chuyên mục, chuyên đề; tỷ lệ tự sản xuất của các đài cũng tăng đáng kể; chương trình khai thác từ nước ngoài giảm. Các chương trình giải trí đa dạng về thể loại, phong phú về hình thức thể hiện và hấp dẫn về nội dung kể cả phim truyền hình. Một số kênh truyền hình đã đưa phim Việt phát sóng vào “giờ vàng” và đạt hiệu quả khá tốt như kênh TRT (Đài PTTH Thừa thiên Huế), kênh LTV (Đài PTTH Lâm Đồng)... Hoạt động kinh tế của các kênh truyền hình địa phương có nhiều chuyển biến tiến bộ, doanh thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo tăng khá so với trước. Một số đài đã tự đảm bảo được nhu cầu chi thường xuyên hằng năm như Đài Truyền hình TP HCM, Đài PTTH Vĩnh Long, Đài PTTH Khánh Hòa... Nhiều đài đã tự chủ được một phần nhu cầu chi thường xuyên, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, số lượng và thời lượng các chương trình tự sản xuất của các đài địa phương còn ít, nội dung nghèo nàn, chất lượng hạn chế. Kết quả khảo sát ở một số đài địa phương thuộc nhóm phát triển khá ở khu vực miền Trung và Tây nguyên cho thấy tỷ lệ chương trình truyền hình tự sản xuất trên tổng thời lượng phát sóng rất thấp. Đài PTTH Thừa Thiên Huế là 18,98%, Đài PTTH Lâm Đồng là 25,46%, Đài PTTH Khánh Hòa 28,19%. Tỷ lệ chương trình truyền hình của các đài địa phương tự sản xuất khoảng từ 15-25% (trừ các đài mạnh như Đài Truyền hình TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...). Do vậy, thời lượng còn lại được các đài sử dụng các chương trình phim, văn nghệ, thể thao nước ngoài. Riêng phim truyện chiếm tỷ lệ bình quân từ 40-50% tổng thời lượng phát sóng trong ngày. Tỷ lệ phát sóng phim truyện ở Đài PTTH Thừa Thiên Huế chiếm 40,88%; Đài PTTH Khánh Hòa 45,13%; Đài PTTH Lâm Đồng chiếm 41,66%. Tỷ lệ phim nước ngoài ở hầu hết các đài địa phương đều trên 50% thời lượng phát sóng chương trình phim.

Mô hình tổ chức bộ máy của các đài địa phương cồng kềnh và kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây sẽ là một khó khăn lớn khi công nghệ truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số trở thành phổ biến và các đài địa phương chỉ tập trung vào sản xuất chương trình.

Về cơ chế tài chính, những năm qua, các đài địa phương thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ, hiện nay đang từng bước thực hiện theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực kể từ ngày 6-4-2015. Trừ một số đài có doanh thu cao đã đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên, còn lại hầu hết các đài địa phương đều chỉ có thể tự đáp ứng được một phần nhu cầu chi thường xuyên, bình quân khoảng từ 40-50%, còn lại vẫn dựa vào ngân sách nhà nước.

Những năm gần đây, doanh thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo của các đài địa phương giảm mạnh, ước tính từ 2012-2014, bình quân giảm từ 30-40%, thậm chí có đài giảm 50% doanh số, trong khi nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp hằng năm không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Từ thực tế hoạt động của các đài địa phương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, để nâng cao chất lượng và thời lượng chương trình tự sản xuất của các đài địa phương, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết, phải định vị kênh truyền hình, từng bước xây dựng thương hiệu và xác định đối tượng khán giả phục vụ của kênh. Đây là 3 yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững trong hoạt động của mỗi kênh truyền hình. Định vị kênh để tập trung sản xuất các chương trình theo chủ đề đã xác định, từng bước thực hiện chuyên nghiệp hóa kênh, tạo ra nhiều sản phẩm riêng và hấp dẫn người xem. Xây dựng thương hiệu để làm cho khán giả có ấn tượng tốt và luôn nhớ đến kênh, đến chương trình của kênh. Xác định đối tượng khán giả để tập trung sản xuất những chương trình  đáp ứng “trúng” nhu cầu của từng đối tượng, nhóm đối tượng.

Thứ hai, tăng thời lượng đồng thời với nâng chất lượng các chương trình thời sự chính luận, chuyên mục, chuyên đề của kênh. Kết quả khảo sát ở một số đài địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên cho thấy các chương trình tin tức thời, các chuyên đề, chuyên mục phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các đài địa phương vẫn được khán giả địa phương quan tâm theo dõi nhiều nhất. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thường xuyên cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức thể hiện để hấp dẫn người xem. Tin tức thời sự phải cập nhật, nóng hổi, gắn với thực tế đời sống của người dân, chuyển đến khán giả những thông tin khán giả “cần biết” chứ không phải những thông tin “đài có”. Bên cạnh các chương trình thời sự tổng hợp, cũng cần xây dựng các bản tin chuyên đề và bố trí phát sóng hợp lý vào các thời điểm thích hợp trong ngày. Các chuyên mục, chuyên đề cần đi sâu phản ánh, giới thiệu những đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của vùng miền và địa phương, những mô hình làm ăn điển hình, tiên tiến, xây dựng văn hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới... Quan tâm các chương trình hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, phát triển kinh tế, các chương trình tư vấn, chăm sóc bảo vệ sức khỏe... Cần mạnh dạn đổi mới hình thức thể hiện các chuyên mục, chuyên đề, khắc phục cách làm theo lối “hình ảnh minh họa cho lời bình”. Thực tế cho thấy các hình thức truyền hình thực tế, truyền hình tương tác, truyền hình trực tiếp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khán giả bởi tính chân thực, hấp dẫn, tạo điều kiện cho khán giả được tham gia vào quá trình sản xuất.

Thứ ba, từng bước thực hiện xã hội hóa sản xuất chương trình, huy động nguồn lực tổng hợp của xã hội để tạo nhiều sân chơi cho khán giả truyền hình thông qua tổ chức các cuộc thi, các chương trình giải trí, game shows... cũng là một cách để nâng chất lượng, tăng thời lượng và đa dạng hóa chương trình truyền hình địa phương. Chẳng hạn, phối hợp với các trường đại học trên địa bàn tổ chức các cuộc thi về người dẫn chương trình, trình diễn thời trang, duyên giáng giảng đường; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, bảo vệ môi trường... cho học sinh phổ thông các cấp; phối hợp với các ngành văn hóa, du lịch, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc thi giao lưu biểu diễn nghệ thuật, tìn hiểu về văn hóa, du lịch... Có thể nói đây là lĩnh vực đầy tiềm năng, các đơn vị ngành, đoàn thể ở địa phương đều rất cần nhưng chưa có nhiều đài làm trung tâm kết nối và tổ chức thực hiện.

Đối với các chương trình giải trí, các game show đòi hỏi yếu cầu đầu tư nguồn lực lớn, có thể thông qua hợp tác sản xuất, liên doanh liên kết. Phương thức liên kết cũng hết sức đa dạng và năng động, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ truyền thông, kêu gọi tài trợ và tổ chức sản xuất trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền lợi của mỗi bên tham gia hợp tác, kể cả lợi ích về quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm và lợi ích về kinh tế. Nhiều đài địa phương có thể cùng hợp tác sản xuất các chương trình phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền như chương trình kết nối các miền di sản giữa các đài địa phương nằm trong vùng có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hay kết nối các vùng dân ca... Việc liên kết giữa các đài địa phương để cùng sản xuất một hoặc nhiều chương trình vừa để chia sẻ nguồn lực đầu tư vừa tăng thêm cơ hội thu hút các nhà tài trợ cho nhu cầu sản xuất chương trình. Ngoài ra, việc hợp tác trao đổi chương trình giữa các đài địa phương với nhau cũng sẽ góp phần làm tăng thời lượng và chất lượng chương trình sản xuất trong nước của mỗi đài địa phương.

Thứ tư, nâng chất lượng chương trình tự sản xuất phải gắn với việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, kỹ thuật viên theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa; xây dựng đội ngũ có phẩm chất năng lực và nhiệt huyết với nghề. Đồng thời, cần có chính sách thỏa đáng để kích thích năng lực sáng tạo của mỗi nhóm, từng cá nhân tham gia sản xuất chương trình. Cần ưu tiên bố trí nguồn tài chính tốt nhất có thể cho nhiệm vụ sản xuất và hợp tác sản xuất chương trình. Đồng thời, có chính sách khen thưởng thích đáng đối với chương trình hay, tác phẩm tốt và cá nhân xuất sắc, kiên quyết loại bỏ những chương trình kém chất lượng.

Như vậy, để bảo đảm thực hiện mục tiêu cụ thể của lĩnh vực phát thanh truyền hình như  Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025, phù hợp với xu thế phát triển của truyền hình hiện đại trong quá trình thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn và phát sóng, đòi hỏi các đài địa phương phải nhận thức đúng, quyết tâm cao, bằng nhiều giải pháp tích cực và chủ động. Trong đó, giải pháp có tính quyết định là từng bước nâng cao chất lượng, tăng thời lượng chương trình tự sản xuất của các đài địa phương. Khi chất lượng chương trình được nâng cao, thời lượng tự sản xuất tăng lên chính là để hướng tới yêu cầu thu hút khán giả ngày càng nhiều hơn. Từ đó, yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ ngày càng có hiệu quả, thu hút khoản đầu tư  của ngân sách nhà nước theo cơ chế “đặt hàng”; đồng thời nguồn thu từ hoạt động dịch vụ quảng cáo cũng sẽ tăng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

 

ThS Trần Thị Hải Lý

Đài Phát thanh - Truyền hình

Thừa Thiên Huế

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền