Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở các huyện của Hà Nội - những kinh nghiệm bước đầu
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 17:07
2036 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở các huyện của Hà Nội - những kinh nghiệm bước đầu

(LLCT) - Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới,các huyện ngoại thành Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Hà Nội có 17 huyện(1),với 380 xã, 21 thị trấn. Tổng diện tích các huyện là 2.997,68 km2, chiếm 89,62% diện tích toàn thành phố; dân số 3.933.439 người, chiếm 59,37% dân số thành phố, mật độ trung bình 1.321 người/km2. Dân cư của các huyện phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng (Gia Lâm, Hoài Đức 3.031 người/km²); các huyện miền núi dân cư sống thưa thớt, rải rác (huyện Ba Vì 583 người/km²).

Trong những năm qua, quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nộ đã tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM với yêu cầu cao về chất lượng, hoàn thành sớm kế hoạch trong giai đoạn 2011 - 2015.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ nguồn lực từ Trung ương và thành phố, Chương trình xây dựng NTM của các huyện đã đạt được những kết quả quan trọng: Tính đến hết năm 2015, có 198/380 xã (đạt 64,29%) đạt chuẩn NTM, 121 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 61 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Các xã đạt chuẩn NTM đang tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí, triển khai xây dựng và thanh quyết toán các dự án thành phần theo đúng tiến độ. Đặc biệt, huyện Đan Phượng được công nhận là Huyện đạt chuẩn NTM, 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm còn 1,91% (giảm 5,61% so với năm 2011). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (2011) xuống còn dưới 1,5% (2015).Đời sống nông dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng/người/năm (2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (2015), vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu.Đa số các hộ gia đình nông thôn có nhà kiên cố, khang trang, không còn nhà dột nát. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 77,8%; 353/386 xã (91,5%) đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; trên 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; 100% số xã có máy tính kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015 là 63.553 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 52.661 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác…) là 10.892 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 là 34.465 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 23.573 tỷ đồng, đạt 186,5% kế hoạch (ngân sách thành phố là 10.166 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã là 13.407 tỷ đồng); nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác…) là 10.892 tỷ đồng, đạt 143% kế hoạch. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng cho vay để đầu tư khu vực nông thôn dư nợ bình quân đạt trên 73.000 tỷ đồng/năm.

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của từng huyện cũng như sự phát triển chung của Thành phố. Năm 2015, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 6,59%; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9,11%; giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 9,91%. Cơ cấu các ngành (nông, lâm nghiệp, thủy sản 4,9%; công nghiệp, xây dựng 41,7%; dịch vụ 53,4%) không thay đổi nhiều so với năm 2010 (nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,8%; công nghiệp, xây dựng 41,8%; dịch vụ 52,4%). Trong những năm qua, mặc dù diện tích nông-lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn Hà Nội liên tục giảm do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh mạnh mẽ, nhưng với tác động của những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp của ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì ở mức trên 20.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 1,75%/ năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số tiêu chí còn thấp, như: Thủy lợi (43,15%), môi trường (62,1%), chợ nông thôn (72,1%), cơ sở vật chất văn hóa (47,37%), trường học (40,26%). Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp (35,5%); vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề; việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là, xuất phát điểm xây dựng NTM của nhiều xã thấp; cơ sở vật chất yếu kém; hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật nông thôn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm nên khi tiến hành xây dựng NTM cần phải đầu tư nhiều mới đáp ứng được theo tiêu chí.

Nguồn lực cho xây dựng NTMchưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nếu không bổ sung thêm nguồn lực, nhiều địa phương sẽ rất khó khăn trong xây dựng NTM. Tỷ trọng đầu tư hàng năm từ ngân sách cho khu vực nông thôn còn thấp so với tổng đầu tư xã hội, chỉ chiếm khoảng 5%.

Còn tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung. Một số dự án hoàn thành nhưng khai thác chưa hiệu quả (điển hình là một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn). Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa vững chắc, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao. Có rất ít các dự án trong các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, xử lý rác thải, cấp nước sinh hoạt... được triển khai.

Công tác dồn điền đổi thửa tiến hành chậm, một số nơi làm chưa hợp lý dẫn đến tình trạng bức xúc trong nhân dân, như  tại các xã Kim Lũ và xã Xuân Thu (Sóc Sơn), xã Lệ Chi (Gia Lâm); xã Cao Viên, xã Xuân Dương (Thanh Oai)....

Các làng nghề khá đa dạng nhưng khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục.

Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; việc phối hợp, liên kết, liên doanh trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp còn khó khăn. Các hợp tác xã nông nghiệp chưa thể hiện được vai trò chủ thể trong sản xuất, phân phối sản phẩm.

Công tác quy hoạch chưa đồng bộ. Do quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mới được Chính phủ phê duyệt năm 2011, những năm qua các huyện phải tập trung triển khai thực hiện nhiều quy hoạch (phân khu, quy hoạch kinh tế - xã hội các huyện và các quy hoạch ngành/lĩnh vực), các quy hoạch chậm được duyệt ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm trong công tác xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, trong khi đó thủ tục hành chính tiếp nhận đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rườm rà, phức tạp.

Một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chưa sát với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn như việc xét công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, theo quy định của ngành giáo dục, mỗi xã phải có một trường mầm non trung tâm. Tuy nhiên, mỗi thôn đều đã có một điểm trường. Việc đặt điểm trường tại thôn phù hợp với điều kiện thực tế ở nông thôn để trẻ tiện đến lớp. Nếu tiếp tục xây thêm trường mầm non trung tâm là rất lãng phí, không cần thiết vì phải cần một nguồn vốn lớn hàng chục tỷ đồng, trong khi các công trình dân sinh thiết yếu khác còn đang rất thiếu vốn...

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các huyện của Thành phố Hà Nội có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, tổ công tác giúp việc, tiểu ban các thôn từ huyện đến xã. Định kỳ hằng tháng, quý, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, đề án của xã.

Hai là, công tác tuyêntruyền phải được Ban chỉ đạo các huyện và xã quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, tờ rơi…) có hiệu quả thiết thực; các đơn vị, tổ chức và nhân dân đồng thuận, phát huy được sức mạnh của toàn dân. Hầu hết các huyện và xã ở Thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”. Các huyện ủy xác định: Xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân.

Ban chỉ đạo các huyện mở nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, thôn;UBND các xã tổ chức họp dân tuyên truyền quán triệt nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện đề án; vận động doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, nguyên vật liệu, hiến đất, xây dựng các công trình phúc lợi cho xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền hướng dẫn xây dựng thiết chế văn hóa; tổ chức hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình văn hóa và làng, xã văn hóa; mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất.

Ba là, Ban Chỉ đạo các huyện, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện chương trình, tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành việc lập và phê duyệt đề án; lập quy hoạch xã nông thôn mới, xây dựng kế hoạch, phương án dồn điền đổi thửa; tạo điều kiện cho việc kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời với việc xây dựng đường làng ngõ xóm; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính; thường xuyên trao đổi, thảo luận tiếp thu lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân tạo sự đồng thuận trong nhân đân.

Công việc nào dễ thì tập trung làm trước, khó thì làm dần qua các năm; những nhiệm vụ không cần kinh phí mà vẫn có thể thực hiện đảm bảo “đạt tiêu chí” thì vận động toàn dân tích cực tham gia.

________________

(1)   Gồm các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn

 

Trần Văn Nghĩa

                                                      Ủy ban Kiểm tra huyện Hoài Đức, Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền