Trang chủ    Thực tiễn    Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2016 13:31
2553 Lượt xem

Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và những hoạt động của nông dân và nhân dân trong vùng, nhằm nâng cao và khai thác hiệu quả năng lực của nông dân phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững.

 

(Ảnh internet)

1. Một số vấn đề đặt ra đối với việc phát huy vai trò của nông dân

Trước những biến động nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều vấn đề cấp bách nảy sinh và đặt ra nhiệm vụ cần phải giải quyết trong phát triển nông nghiệp bền vững. Những vấn đề cấp bách phải giải quyết để phát huy vai trò của nông dân đó là:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao của quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững với trình độ và nhận thức còn hạn chế của nông dân

Để thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững đòi hỏi nông dân phải có sự am hiểu không chỉ về sản xuất mà cả về những vấn đề xã hội, môi trường để từ đó tham gia tích cực.

Đây thực sự là một mâu thuẫn lớn cần được giải quyết. Đa số lao động nông nghiệp trong khu vực chưa được đào tạo nghề một cách hệ thống. Hoạt động sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, trình độ tay nghề tương đối thấp. Trong khi đó, để ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao, được đào tạo bài bản.

Những đòi hỏi về trình độ là thách thức đối với chính bản thân nông dân và hệ thống chính trị các cấp.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa nhu cầu gia tăng nhanh lợi ích kinh tế với những bất cập trong xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của vùng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Trong phát triển nông nghiệp bền vững, vai trò định hướng của Nhà nước là rất quan trọng, thể hiện trong quy hoạch sản xuất, xác định cơ cấu kinh tế, quản lý, tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia thực hiện theo đúng quy hoạch và cơ cấu đã xác định.

Tuy nhiên đây là công việc khó khăn. Nó đòi hỏi phải vừa đáp ứng nhu cầu lợi ích ngày càng gia tăng của tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, vừa đảm bảo sự hài hòa, hợp lý trong sự gia tăng lợi ích này. Điều này càng khó khăn hơn khi một quy hoạch sản xuất, cơ cấu kinh tế, dù hoàn hảo thì vẫn cần có một bộ phận người dân phải hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung để đảm bảo cho quy hoạch và cơ cấu kinh tế này được thực hiện.

Chính vì những khó khăn này mà không ít nơi sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch, cơ cấu kinh tế được xác định nhưng thực hiện lại không thành công. Hơn thế, vì lợi ích kinh tế riêng mà nhiều chủ thể sẵn sàng tác động để điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu theo hướng có lợi cho mình. Những chủ thể khác không tác động được thì làm ngơ và không thực hiện.

Do vậy, nhu cầu gia tăng nhanh lợi ích kinh tế với những bất cập trong xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ cấu là mâu thuẫn lớn cần giải quyết nhằm phát huy vai trò của nông dân ĐBSCL trong phát triển bền vững.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa nông dân với các chủ thểkhác trong phân phối lợi ích  

 Để nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó nông dân là quan trọng nhất. Vai trò của nông dân trong vùng có được phát huy hiệu quả hay không tùy thuộc vào lợi ích mà họ nhận được trong quá trình này. Do vậy, việc phân phối hài hòa lợi ích giữa nông dân và các chủ thể khác là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nông nghiệp của vùng phát triển bền vững.

Tuy vậy, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các chủ thể kinh tế được tư do sản xuất kinh doanh theo tinh thần “làm những gì mà pháp luật không cấm”. Điều này một mặt, vừa tạo cơ hội cho nông dân và các chủ thể kinh tế khác phát huy khả năng của mình, thúc đẩy sản xuất phát triển. Mặt khác cũng dễ dẫn đến tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, thiếu sự phối hợp, liên kết và nghiêm trọng hơn là mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể.  Trong mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân là đối tượng dễ bị thiệt thòi. Sự thiệt thòi này ảnh hưởng đến tính bền vững của quá trình phát triển. Xét về lâu dài, nó làm tổn hại đến tất cả các chủ thể cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Thứ tư,mâu thuẫn giữa quá trình phát triển nông nghiệp bền vững với những vấn đề tiêu cực nảy sinh của quá trình CNH,HĐH và đô thị hóa tại ĐBSCL

CNH, HĐH và đô thị hóa là một quá trình tất yếu. Bên cạnh những giá trị tích cực của quá trình này mang lại thì nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh đã và đang tác động trực tiếp tới việc phát huy vai trò của nông dân ĐBSCL trong phát triển nông nghiệp bền vững. Tại ĐBSCL, hàng năm có hàng vạn ha đất nông nghiệp ĐBSCL bị thu hồi nhằm xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư và các công trình hạ tầng. Điều đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để làm các khu, cụm công nghiệp chủ yếu tập trung ở diện tích đất trồng lúa do giá cả đền bù thấp, gần đường giao thông và dễ giải phóng mặt bằng. Không chỉ mất diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi, mà các công trình này còn tác động xấu tới việc sản xuất nông nghiệp xung quanh. Những tác động tiêu cực này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đây là mâu thuẫn lớn trong quá trình phát triển tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực tới phát triển nông nghiệp bền vững của vùng, để hai quá trình này phát triển trong sự thống nhất, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Đây là nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách phải dự báo chính xác sự vận động của quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa cũng như là những tác động của nó tới sản xuất nông nghiệp để có chính sách thích hợp. Bởi quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa được thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch sẽ là cơ sở để người nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp đúng kế hoạch và quy hoạch.

Thứ năm,mâu thuẫn giữa nhu cầu đẩy mạnh sản xuất với những diễn biến bất lợi của điều kiện tự nhiên và việc bảo vệ nguồn tài nguyên nông nghiệp và môi trường sinh thái nông thôn ĐBSCL

Đẩy mạnh sản xuất, gia tăng thu nhập và lợi ích là mục tiêu lớn nhất của đa số các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp. Việc đẩy mạnh sản xuất trong điều kiện trình độ khoa học và công nghệ còn thấp kém sẽ tác động tiêu cực tới môi trường. Đó là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên nông nghiệp, tình trạng lạm dụng các chất hóa học độc hại trong sản xuất hoặc xả trực tiếp nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường. Nhu cầu đẩy mạnh sản xuất nếu không được giải quyết đúng đắn, kịp thời sẽ mẫu thuẫn với việc bảo vệ nguồn tài nguyên nông nghiệp và môi trường nông thôn.

Thực tế tại ĐBSCL hiện nay, việc đẩy mạnh sản xuất nhưng không theo kế hoạch đã và đang gây tổn hại tới nguồn tài nguyên nông nghiệp và môi trường nông thôn. Hiện tượng phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp đã làm cho các khu rừng tràm suy giảm nhanh chóng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và tại rừng U Minh. Việc phát triển hệ thống thủy lợi đã góp phần đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất, tỷ lệ lúa 3 vụ đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đến chế độ thủy văn bên ngoài hệ thống đê bao, còn bên trong thì độ phì của đất giảm sút, môi trường suy thoái. Tương  tự vậy, việc mở rộng các trang trai nuôi tôm đã dẫn đến hàng loạt các khu rừng ngập mặn bị chặt phá, nguồn nước mặn nuôi tôm đã làm biến đổi tính chất của đất. 

Hơn thế nữa, việc đẩy mạnh sản xuất trong nông nghiệp sẽ dẫn đến sự tập trung hóa cao độ trong sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự gia tăng sản lượng trong sản xuất, tuy nhiên cũng làm thay đổi các quy luật vốn có của tự nhiện, làm suy giảm tính đa dạng sinh học và không khai thác tối đa các lợi thế của tự nhiên. Đây là mâu thuẫn lớn và là vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nó đòi hỏi các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa để tạo ra một mô hình sản xuất thích hợp nhất, vừa có thể đẩy mạnh sản xuất, vừa duy trì được tính đa dạng và cân bằng sinh thái cũng như hiệu suất khai thác trong một hệ thống nông nghiệp tại ĐBSCL. Qua đó, bảo vệ nguồn tài nguyên nông nghiệp và môi trường sinh thái nông thôn.

2. Một số giải pháp

Nâng cao nhận thức cho các tầng lớp dân cư ĐBSCL, thúc đẩy sự đồng thuận, tạo cơ sở xã hội để phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững

Để phát huy vai trò của nông dân ĐBSCL trong phát triển nông nghiệp bền vững, trước hết những chủ thể của quá trình này cần phải có nhận thức đúng về phát triển nông nghiệp bền vững, nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình đối với quá trình này. Tuy nhiên, để cho việc phát huy vai tròcủa nông dân thực sự có hiệu quả và mang tính triệt để nhất. Cần nâng cao nhận thức cho cả những chủ thể hưởng thụ những kết quả của quá trình này, đó là toàn thể nhân dân ĐBSCL. Bởi khi tất cả người dân, tất cả hệ thống chính trị các cấp trong khu vực đều nhận thức được đầy đủ về nội dung, tính tất yếu và vai trò của phát triển nông nghiệp bền vững sẽ đạt sự đồng thuận cao, tạo động lực về mặt tinh thần, thúc đẩy người nông dân hành động nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nhận thức của người dân ĐBSCL nói chung, nông dân ĐBSCL nói riêng về phát triển nông nghiệp bền vữngvà vị trí, vai trò của họ cần thực hiện đồng bộ nhiềukênh thông tin, nhiềuhình thức tuyên truyền, giáo dục như: thông quacác phương tiện truyền thông;pa nô, áp phích...; các buổi sinh hoạt của các thành viên trong hệ thống chính trị,thông qua giảng dạy tại các trường học; tuyên truyền, vận động qua các phong trào thi đua; qua các hoạt động văn hóa truyền thống ...

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp ở ĐBSCL, đặc biệt là hệ thống chính trị cấp cơ sở, tạo nền tảng chính trị để nông dân phát huy vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp bền vững

Sự hoàn thiện và hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị, một mặt giúp phát huy quyền làm chủ của nhân dân với đa số là nông dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền làm chủ trong phát triển nông nghiệp bền vững, mặt khác đây là cơ sở quan trọng để xây dựng những chính sách đúng đắn, tạo môi trường thuận lợi để nông dân phát huy vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp bền vững. Do vậy, cần nâng caonăng lựclãnh đạo của tổ chức đảngcác cấp; nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền; đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, tạo đầu mối liên kết hiệu quả giữa các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp; Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt độngcủa các tổ chứcchính trị - xã hội ở nông thôn ĐBSCL.

Ba là,hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôntạo nền tảng kinh tế - xã hội nhằmphát huy vai trò của  nông dân ĐBSCL trong phát triển nông nghiệp bền vững

Phát huy vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu có tính toàn diện,cảnăng lực và phẩm chất của nông dân nhằm đạt được mục tiêu trên phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Do vậy,đòi hỏi phải có một chính sách tổng thể và toàn diện trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở chủ trương, đường lốicủa Đảng, chính sách chung,các cấp ở đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát,điều chỉnh và ban hành các chủ trương, biện phápphù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển nông nghiệp bền vữngcủa khu vực. Các chính sách đó phải đảm bảotính toàn diện,tính thống nhấtvà tính ổn định.

Tính toàn diện,các chính sách phải bao quát được tất cả các lĩnh vực trong phát triển nông nghiệp bền vững của ĐBSCL hoặc liên quan,trực tiếp hay gián tiếp.

Tính thống nhất,các cơ quanban hành chính sách phải có sự phối hợp, hợp tác với nhauđể ban hành chính sách,tránh tình trạng chồng chéo,trùnglặp hoặc không khớp nhau, làm giảm hiệu quả trong việc phát huy vai trò của nông dântrong phát triển nông nghiệp bền vững.

Tính ổn định, chính sách  phải có tầm nhìn xa và phải phù hợp và có hiệu quả trong thời gian dài, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, quá nhiều trong hoạch định chính sách.

Với những yêu cầu đó, cần tập trung hoàn thiện các chính sách cơ bản sau:

 Đổi mới, hoàn thiện chính sách đất đai nói chung và chính sách đất đai đối với nông dân có đất hoặc thiếu đất sản xuất nói riêng, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý đất đai; tổ chức, sắp xếp lại quỹ đất sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của vùng; thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân mất đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Triển khai tốt quy hoạch sản xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch sản xuất nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững; thực hiện liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất; Hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững;

 Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, tay nghề và trình độ sản xuất cho nông dân và dân cư nông thôn; phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nông dân và dân cư nông thôn; Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và lao động nông thôn; Phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân và dân cư nông thôn.

Bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn ĐBSCL; bảo vệ tài nguyên nông nghiệp và môi trường nông thôn ĐBSCL; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn khu vực ĐBSCL.

Để cho quá trình này thực sự thành công, các cấp, các ngành và nông dân ĐBSCL cần quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên. Trong đó, cần đặc biệt ưu tiên cho việc nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp cho nông dân ĐBSCL.

 

Nguyễn Kim Tôn,

Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền