Trang chủ    Thực tiễn    Hoàn thiện và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:35
2588 Lượt xem

Hoàn thiện và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Mô hình sản xuất “cánh đồng lớn” là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên cùng địa bàn, có quy mô ruộng đất lớn, với mục đích tạo ra sản lượng nông sản tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia(1). Theo đó, cánh đồng lớn là mô hình “liên kết bốn nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông. Trong mối liên kết đó, “mỗi nhà” đều có vai trò và lợi ích riêng.

Từ kết quả bước đầu thực hiện mô hình này ở đồng bằng sông Cửu Long, Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn”(2). Tuy nhiên, quá trình nhân rộng mô hình liên kết sản xuất “cánh đồng lớn” tại đồng bằng sông Cửu Long cũng bộc lộ một số vướng mắc từ cả “bốn nhà”. Doanh nghiệp thiếu vốn thu mua, chế biến nông sản, thiếu kho bãi, trong khi đó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng khó khăn. Nông dân thì kiến thức không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mỗi hộ mỗi khác, thiếu tính thống nhất về quy trình sản xuất. Vai trò của nhà khoa học và Nhà nước còn chưa rõ nét. Để hoàn thiện và nhân rộng mô hình này, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thể chế hóa quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể tham gia liên kết theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích

Đây là vấn đề rất quan trọng, vì trong bất cứ mối liên kết nào, các chủ thể cần được xác định và hiểu rõ vai trò cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình để thực hiện.

Đối với nông dân - người trực tiếp làm ra sản phẩm, tham gia liên kết còn thụ động; nội dung hợp đồng liên kết do doanh nghiệp đưa ra thiếu sự bàn bạc, thương thảo với nông dân, nên lợi ích của người nông dân chưa thỏa đáng. Do thiếu kiến thức về pháp luật, đã xuất hiện hiện tượng nông dân chưa tôn trọng các cam kết đã ký với doanh nghiệp... Để hoàn thiện mối liên kết này, cần thể chế rõ quyền và trách nhiệm của nông dân, trên cơ sở pháp lý đó, nông dân yên tâm tập trung vào việc sản xuất, các vấn đề về tài chính, thu mua sản phẩm, đầu tư và tìm kiếm thị trường do doanh nghiệp thực hiện thông qua hợp đồng. Qua đó, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập của nông dân. Người nông dân có trách nhiệm tuân thủ các quy trình sản xuất để bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nông dân có quyền và nghĩa vụ tham dự các lớp tập huấn và đào tạo nghề, qua đó nâng cao kỹ thuật sản xuất, năng lực tổ chức sản xuất, kết nối đầu vào và đầu ra sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, khi tham gia vào chuỗi sản xuất, Nhà nước có chế tài ràng buộc nông dân bán sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Mặt khác, cần có quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong nghiên cứu, xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu và giữ vững thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh.

Đối với các nhà khoa học, khi tham gia liên kết, việc nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp sẽ được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và sự đầu tư của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng rộng rãi và được định giá theo thị trường. Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm của các nhà khoa học trong liên kết. Đồng thời,  cũng có quy định cụ thể về trách nhiệm của các nhà khoa học trong nghiên cứu, đưa ra giải pháp tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu và chuyển giao quy trình canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân; sử dụng máy móc, công cụ phù hợp với từng đối tượng cây trồng và điều kiện về nông nghiệp của khu vực.

Trong liên kết, Nhà nước đóng vai trò tổ chức và điều phối các chủ thể; có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình hợp tác (hợp tác xã, câu lạc bộ, nhóm sản xuất); có chiến lược phát triển, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu có tiềm năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; cần quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện liên kết cánh đồng lớn.

Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các cam kết, thỏa thuận hay hợp đồng kinh tế đã ký giữa các bên tham gia.

Hiện tượng lỏng lẻo, yếu kém và bội tín trong ký kết và thực hiện hợp đồng đã xảy ra khi liên kết sản xuất và tiêu thụ thời gian qua. Thực trạng này gây những khó khăn, bất lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp. Hệ quả là đã gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp, gây trở ngại cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng từ cả phía doanh nghiệp và nông dân. Nhiều nông dân mặc dù đã nhận vật tư, giống của doanh nghiệp, nhưng do lợi ích trước mắt đã bội tín, bán sản phẩm cho thương lái với giá cao hơn giá của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích của người nông dân, không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết như cung ứng vật tư không đúng số lượng, tiêu chuẩn, đơn phương phá bỏ hợp đồng, ép giá gây thiệt thòi cho người sản xuất.

Hai là, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính tốt vào nông nghiệp

Thực tiễn cho thấy, mô hình cánh đồng lớn đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường nhưng thời gian qua việc nhân rộng mô hình này còn nhiều khó khăn vì số lượng doanh nghiệp tham gia ít, tiềm lực về tài chính chưa đủ mạnh nên chỉ liên kết được một số lượng ít hộ nông dân. Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng; thúc đẩy liên kết bốn nhà... chưa đủ mạnh, việc triển khai trong thực tế đôi khi còn những khó khăn, vướng mắc. Để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản tham gia liên kết.Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp tham gia vào cánh đồng lớn, cần xem xét, ưu tiên khi phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo hằng năm. Đặc biệt, Nhà nước nên có chế độ ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vật tư nông nghiệp, trực tiếp chế biến nông sản, trực tiếp tham gia kênh phân phối tiêu thụ... khi tham gia vào cánh đồng lớn. Áp dụng cơ chế thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên, khuyến khích đầu tư lâu dài.

Bên cạnh đó, để thu hút mạnh mẽ đầu tư, Nhà nước cần tạo điều kiện sản xuất thuận lợi như hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư thủy lợi và tạo điều kiện phát triển mô hình cánh đồng lớn trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa; hoàn thiện thủy lợi nội đồng, nâng cấp giao thông, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; ưu tiên bảo hiểm nông nghiệp. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, cán bộ cơ sở để dễ dàng tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất...

Ba là, tuyên truyền sâu rộng về vai trò, lợi ích của liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với nông dân và các doanh nghiệp nhằm động viên họ yên tâm thực hiện liên kết. Đồng thời, thu hút sự quan tâm đầu tư vốn của toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các hình thức hợp tác sản xuất (tổ, đội liên kết sản xuất, câu lạc bộ, hợp tác xã), bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của các nông hộ, tạo điều kiện cho việc triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào những chủ đề như: nâng cao nhận thức về xu hướng tất yếu khách quan và lợi ích của việc liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn và vai trò của nó trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực liên kết để bảo đảm quyền lợi của các đối tượng được thụ hưởng chính sách và biết cách tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp.

Tuyên truyền về cách làm hay, kinh nghiệm tốt để hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý thực hiện có hiệu quả; tuyên truyền và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; thu thập và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của nông dân, doanh nghiệp để các cơ quan hữu quan có giải pháp xử lý kịp thời.

Cần huy động nhiều lực lượng tham gia, với nhiều hình thức khác nhau, như: báo cáo viên các cấp, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề và nhất là thông qua chính đội ngũ cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp và nông dân.

Bốn là, phát huy vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn

Thực tiễn cho thấy, vai trò của Nhà nước và nhà khoa học còn chưa rõ nét trong mô hình cánh đồng lớn. Trong một số mô hình liên kết, nhà khoa học chủ yếu là của doanh nghiệp. Vai trò quản lý và thúc đẩy liên kết còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần quản lý và hỗ trợ liên kết, mở rộng hạn điền đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ liên kết; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện để hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tham gia tư vấn, phản biện, giám sát xã hội.

Xác lập cơ chế tham gia của các nhà khoa học trong mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn. Nhà nước và các doanh nghiệp chủ động đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu khoa học - công nghệ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Việc sử dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp hiệu quả sẽ tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, nâng cao giá trị cho nông sản. Để thực hiện tốt cơ chế đặt hàng này, cả nhà khoa học và Nhà nước cần phải quyết liệt đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong khối các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập, thực hiện xã hội hóa những lĩnh vực có tiềm năng, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai các đề tài nghiên cứu, có cơ chế đãi ngộ đối với nhà khoa học đầu ngành; đổi mới cơ chế thuê chuyên gia làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Năm là, hoàn thiện các hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hướng gắn chặt lợi ích của các chủ thể này

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng trong liên kết sản xuất là do nông dân và doanh nghiệp chưa gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro. Do đó, để mối liên kết này trở nên bền vững hơn, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa hộ nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn với doanh nghiệp theo hướng “cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro”. Việc tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần trong các doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn bằng chính sản phẩm mà họ làm ra là rất cần thiết. Nông dân vừa bán sản phẩm, vừa thu lợi tức từ doanh nghiệp. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp cần công khai rõ ràng, không còn tình trạng ép giá, những trường hợp doanh nghiệp bỏ rơi nông dân hoặc nông dân “bẻ kèo” bán cho thương lái sẽ được hạn chế. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu các hình thức như đấu thầu tiêu thụ nông sản trong cánh đồng lớn; một bộ phận nông dân ở cánh đồng lớn trở thành thương lái làm dịch vụ vận chuyển, thu mua lúa cho doanh nghiệp... giúp doanh nghiệp chuyên tâm hơn trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định đến tính bền vững của mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, khi thị trường gặp khó khăn thì mối liên kết dễ bị rạn nứt. Khi mô hình cánh đồng lớn được nhân rộng thì vấn đề thị trường càng trở nên bức thiết. Vấn đề rất quan trọng là cần giải quyết tốt thị trường “đầu ra” cho sản phẩm của cánh đồng lớn. Trong thời gian tới, song song với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cần chú trọng việc xây dựng, củng cố thương hiệu nông sản, đặc biệt là thương hiệu lúa gạo và phát triển hệ thống doanh nghiệp chế biến đủ mạnh. Tăng cường công tác dự báo, thông tin tình hình thị trường để tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Tăng tính pháp lý của các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân để giải quyết căn cơ vấn đề “đầu ra” cho nông sản.

Khi cánh đồng lớn được nhân rộng, cánh đồng lớn ngày càng nhiều thì vấn đề thị trường, đặc biệt là thị trường đầu ra sẽ càng trở nên khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ giải quyết “đầu ra” cho nông sản trên cánh đồng lớn. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực thu mua và có chính sách thu mua tạm trữ khi cần thiết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa trên cánh đồng lớn. Tuyên truyền, vận động người dân và cả doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết, có chế tài phù hợp đối với các trường hợp không thực hiện tốt hợp đồng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần chú ý đến việc cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp tham gia vào mô hình.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Xem: Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.196.

 

ThS Trần Hoàng Hiểu

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền