Trang chủ    Thực tiễn    Mạng lưới xã hội và hòa nhập xã hội của lao động nhập cư nghèo tại các đô thị Việt Nam
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:38
4000 Lượt xem

Mạng lưới xã hội và hòa nhập xã hội của lao động nhập cư nghèo tại các đô thị Việt Nam

(LLCT) - Cùng với đô thị hóa là sự gia tăng dòng di cư từ nông thôn ra đô thị, kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh; nổi bật là vấn đề hòa nhập của người di cư. Khảo sát về ảnh hưởng của mạng lưới xã hội (quan hệ gia đình, bạn bè, tổ chức, hiệp hội,..) đến hòa nhập xã hội: tìm kiếm việc làm, giao tiếp hằng ngày, nhờ cậy giúp đỡ khi khó khăn, trong thời gian rỗi,... cho thấy, người lao động nhập cư nghèo ở đô thị thường chỉ bó hẹp trong quan hệ với người thân, anh em, họ hàng, người cùng hoàn cảnh, ít chú ý sử dụng mạng lưới xã hội hiện đại (tổ chức, đoàn thể,..). Từ đó, kiến nghị: tạo dựng mạng lưới dịch vụ xã hội trợ giúp, thiết lập các mô hình dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp cá nhân - nhóm, trợ giúp đồng đẳng,... thúc đẩy hòa nhập xã hội của nhóm đối tượng này.

Hòa nhập xã hội là một chủ đích xã hội mà ở đó mọi cá nhân được tham gia vào các hoạt động chung của xã hội, được thể hiện vai trò, tiếng nói và sự ảnh hưởng của cá nhân, cũng như phát huy được cái chung của xã hội(1). Hòa nhập xã hội của nhóm lao động nhập cư không những giúp bảo đảm về quyền sống, cư trú và sự bình đẳng xã hội, mà còn tạo các điều kiện thuận lợi cho sinh kế và sự phát triển của họ, hướng đến duy trì ổn định đời sống đô thị và trật tự xã hội.

Theo hướng tiếp cận đa chiều, hòa nhập xã hội được xem như một định hướng nghiên cứu nhằm tạo dựng sự phát triển bền vững của xã hội, không chỉ được nhìn ở góc độ hòa nhập về kinh tế như thu nhập, việc làm mà còn cả ở các chiều cạnh khác như sự tham gia xã hội, mạng lưới xã hội (vốn xã hội), và các dịch vụ xã hội...Vì thế, nghiên cứu đánh giá về hòa nhập xã hội của lao động nhập cư nghèo không thể không đề cập mạng lưới xã hội của họ trong đời sống tại các đô thị. Mạng lưới xã hội là tập hợp các mối quan hệ xã hội do con người tạo nên và duy trì trong cuộc sống của mình,  bao gồm các quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè đến các quan hệ trong tổ chức, đoàn thể, hiệp hội...

Lao động nhập cư nghèo là nhóm người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị với động cơ chủ yếu là “kiếm sống”. Sự nghèo khó của họ được xác định một cách tương đối so với nhóm lao động nhập cư nói chung. Đặc trưng cơ bản của nhóm xã hội này là lao động giản đơn, không tay nghề hoặc mới học nghề, thu nhập thấp, hầu hết không hộ khẩu ở thành phố, thiếu các điều kiện về sinh hoạt, nhà ở, tiện nghi và các dịch vụ xã hội. Họ xa lạ với tâm lý, lối sống, văn hóa và cách ứng xử ở đô thị, vì vậy, trong đời sống cộng đồng cư dân đô thị, họ trở nên dễ bị tổn thương. Đó cũng chính là cơ sở tạo nên những đặc trưng trong mạng lưới xã hội của họ, ảnh hưởng lớn đến quá trình hòa nhập xã hội của họ với môi trường sống và làm việc tại các đô thị.

Cơ sở dữ liệu thực nghiệm chủ yếu cho phân tích các vấn đề liên quan trong nghiên cứu là kết quả điều tra với gần 1.100 lao động nghèo nhập cư vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây (xem Bảng 1).

1. Mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm

Việc làm, tìm kiếm việc làm và thu nhập luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với lao động nhập cư nghèo tại các đô thị. Đó là những yếu tố đầu tiên, đồng thời cũng là những thước đo không thể thiếu trong các nghiên cứu về hòa nhập xã hội của bất kỳ nhóm lao động di cư nào. Với nhóm lao động nhập cư nghèo tại các đô thị, mô hình mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của họ thiên về mô hình truyền thống (Bảng 2).

Nhóm lao động nhập cư nghèo ở thời điểm mới di cư đến đô thị, khả năng tự tìm kiếm việc làm thấp. Tuy nhiên, sau thời gian đầu bỡ ngỡ, phần đông lao động nhập cư đã đổi việc, cố gắng tự tìm cho mình một công việc phù hợp hơn. Qua khảo sát, trung bình mỗi lao động nhập cư nghèo đã có 1,1 lần chuyển công việc. Số đông lao động nhập cư nghèo có xu hướng tự tìm kiếm việc làm với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, người thân, người cùng làng quê, chủ nhà ở và người cùng làm, cùng trọ... (Bảng 2). Số lao động nhập cư sử dụng mạng lưới xã hội hiện đại như trung tâm giới thiệu việc làm, chính quyền, đoàn thể và các phương tiện truyền thông là rất ít (chỉ gần 5% số người trả lời).

Như vậy, nhóm lao động nghèo nhập cư vào các thành phố hiện nay, về cơ bản chỉ sử dụng mạng lưới xã hội kiểu truyền thống trong tìm kiếm việc làm và rất ít sử dụng mạng lưới xã hội kiểu hiện đại. Bên cạnh những hạn chế do đặc trưng của nhóm thì với việc chỉ sử dụng các mối quan hệ hạn hẹp trong mạng lưới xã hội kiểu truyền thống, người lao động nhập cư nghèo khó có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với thu nhập tốt. Có thể nói từ góc độ lao động, việc làm, đây là một trở ngại lớn cho quá trình hòa nhập của họ vào cuộc sống đô thị hiện đại.

2. Mạng lưới xã hội trong giao tiếp hằng ngày

Sử dụng mạng lưới xã hội trong quan hệ giao tiếp hằng ngày cũng là một chỉ báo quan trọng trong đánh giá mức độ hòa nhập cộng đồng của lao động nhập cư. Nó cho thấy mức độ tham gia vào các mối quan hệ xã hội thường nhật, cụ thể của các cá nhân, của nhóm. Các mối quan hệ đó sẽ chỉ ra rằng cá nhân, nhóm đó đã “xâm nhập” vào cộng đồng và được cộng đồng “tiếp nhận” ở mức độ nào. Nghiên cứu này xác định mức độ sử dụng các mối quan hệ cụ thể của lao động nhập cư qua mức độ thường xuyên thăm viếng (đi thăm và được thăm) các cá nhân, các tổ chức trong cuộc sống hằng ngày ở đô thị. Các mối quan hệ cụ thể/các biến số đó được đo lường bởi thang Likert 4 mức độ, trong đó mức độ 1 tương ứng với mức không bao giờ đi thăm và được thăm (yếu nhất) và mức độ 4 tương ứng với mức thăm viếng thường xuyên nhất (tốt nhất). Kết quả nghiên cứu được tính bằng giá trị trung bình chung các ý kiến của lao động nhập cư nghèo về mức độ thường xuyên thăm viếng ở nhóm lao động này (Bảng 3).

Khảo sát cho thấy, đối với việc đi thăm người khác, lao động nhập cư nghèo đi thăm những người cùng xóm trọ thường xuyên hơn, tiếp đó là người cùng làm, người cùng làng quê, bạn bè ở thành phố... Trong khi đó, mức độ đi thăm đại diện chính quyền địa phương hay các tổ chức đoàn thể gần ở mức không bao giờ. Tương tự đối với việc được thăm hỏi, người cùng xóm trọ cũng có xu hướng thăm người lao động nhập cư nghèo ở mức thường xuyên nhất. Nhóm người cùng làm, người cùng quê, bạn bè thân quen, họ hàng đến thăm ít thường xuyên hơn. Nhóm đại diện chính quyền sở tại, đoàn thể địa phương cũng rất hiếm khi đến thăm người lao động nhập cư. Việc đi thăm có xu hướng tích cực hơn so với việc được thăm ở hầu hết các biến số, trừ các biến số liên quan đến đại diện chính quyền sở tại.

Như vậy, ở góc độ giao tiếp hàng ngày, mối quan hệ của lao động nhập cư nghèo với những người cùng xóm trọ, cùng làm việc, cùng quê,... ở mức độ khả quan nhất, còn ở mức độ yếu nhất là mối quan hệ giữa lao động nhập cư nghèo với đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể.

Thực hiện phân tích nhân tố, các biến số trên được nhóm thành 2 nhóm nhân tố: Nhóm thứ nhất gồm các biến số theo thứ tự từ 1 đến 6 gắn với các quan hệ cá nhân, bạn bè, người quen, họ hàng, tạm coi là mạng lưới xã hội kiểu truyền thống; và nhóm thứ 2 gồm các biến số thứ 7 và thứ 8 gắn với các quan hệ có tính thiết chế, có thể coi là mạng lưới xã hội kiểu hiện đại. Mạng lưới xã hội kiểu truyền thống thường hướng người nhập cư đến lối sống co cụm, ít hòa nhập, còn mạng lưới xã hội kiểu hiện đại lại có khả năng trợ giúp nhiều hơn cho sự hội nhập của họ. Trong khi đó, giá trị trung bình chung của mức độ đi thăm và được thăm ở nhóm thứ nhất lần lượt là 2,53 và 2,51, ở nhóm thứ 2 là 1,77 và 1,86 cho thấy tính trội hơn của mạng lưới xã hội kiểu truyền thống trong quan hệ giao tiếp hằng ngày của nhóm lao động này.

Kết quả giá trị trung bình chung của từng nhóm nhân tố cũng cho thấy đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương rất ít khi thăm hỏi người nhập cư, và ngược lại người nhập cư thích thăm hỏi bạn bè là những người nhập cư khác hơn. Đây chính là một nhân tố tạo rào cản lớn đối với quá trình hòa nhập của lao động nhập cư nghèo vào các hoạt động, các mối quan hệ chung của đời sống ở đô thị.

3. Mạng lưới xã hội cho sự nhờ cậy, giúp đỡ khi gặp khó khăn

Người di cư, trong quá trình hòa nhập vào môi trường sống mới, thường gặp những khó khăn nhất định ở nhiều khía cạnh cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Với những khó khăn như vậy, rõ ràng mối quan hệ nào trong mạng lưới xã hội hiện có được người nhập cư nhờ cậy để giải quyết chính là mối quan hệ chặt chẽ, được họ tin cậy. Có tới hơn 75,0% số người di cư được khảo sát cho biết họ có họ hàng, người thân, bạn bè sinh sống tại nơi chuyển đến và những người thân đó là những đầu mối thông tin và nguồn hỗ trợ kinh tế - xã hội.

Các cách thức giải quyết những khó khăn mà người di cư gặp phải trong môi trường sống mới tính theo trung bình chung của các ý kiến, thể hiện qua thang đo Likert 4 mức độ (Bảng 4).

Như vậy, lao động nhập cư giải quyết những khó khăn gặp phải trong cuộc sống theo hướng tự giải quyết là chủ yếu, tiếp đó là trông cậy vào các mối quan hệ với bạn bè cùng làm việc và cùng trong xóm trọ, sau nữa là mối quan hệ với người thân, bạn bè ở quê hoặc cùng quê song hiện đang sống ở thành phố, rồi mới nhờ đến chính quyền, đoàn thể địa phương, cơ quan đang làm việc. Đa phần các đánh giá về việc nhờ cậy sự giúp đỡ của mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các tổ chức đoàn thể ở mức rất thấp.

Những kết quả phân tích ở các biến số của chỉ báo này không chỉ cho thấy sự hạn hẹp trong mạng lưới xã hội của người nhập cư, mà còn cho thấy sự nhờ cậy, niềm tin vào các mối quan hệ có tính thiết chế như với chính quyền, đoàn thể ở địa phương nơi sinh sống, làm việc là thấp, thậm chí rất thấp. Thiếu đi sự hỗ trợ và giúp đỡ này càng làm cho cuộc mưu sinh của lao động nhập cư nghèo ở thành phố và quá trình hòa nhập cộng đồng của họ thêm nhiều khó khăn, trở ngại.

4. Sử dụng mạng lưới xã hội trong thời gian nhàn rỗi

Việc đánh giá về hòa nhập xã hội của lao động nhập cư sẽ đầy đủ và chặt chẽ hơn khi phân tích chỉ báo về việc sử dụng mạng lưới xã hội trong thời gian nhàn rỗi. Sự tham gia của lao động nhập cư nghèo vào các quan hệ xã hội trong thời gian nhàn rỗi được thể hiện qua 8 mối quan hệ cụ thể và các mô hình giải trí. 8 biến số này cũng được đo lường theo thang đo Likert 4 mức độ, tương ứng các mức từ không bao giờ (mức độ 1) đến rất thường xuyên (mức độ 4) (Bảng 5).

Số liệu từ Bảng 5 cho thấy, khi rảnh rỗi, người lao động nhập cư nghèo thường lựa chọn ngủ, nghỉ ngơi và xem tivi. Hoạt động trong một số quan hệ/mô hình ít thường xuyên hơn là về quê với người thân, tán gẫu với bạn bè, thăm bạn bè, người thân, đọc sách báo. Các hoạt động như tập trung nấu ăn, nhậu, đi thăm phố xá, đi lễ, đi uống cà phê, quán xá được người di cư thực hiện ở mức thỉnh thoảng. Hoạt động ra quán internet ở mức thấp nhất. Có thể thấy, những hoạt động trong các quan hệ mà người dân thành phố thường thực hiện trong thời gian rảnh rỗi, thì người nhập cư rất ít thực hiện.

Kết quả trên không những cho chúng ta thấy tính cá nhân, tính co cụm, khép kín trong nhóm nhỏ của các quan hệ ở người nhập cư trong thời gian rỗi, mà còn nói lên được phần nào về sự hạn hẹp, nghèo nàn trong đời sống tinh thần của lao động nhập cư nghèo.

Tiến hành phân tích nhân tố, các quan hệ cụ thể trên được chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là hoạt động theo thứ tự từ 1 đến 5, gắn với hoạt động trong các quan hệ cá nhân, bạn bè, thân quen và có thể xem là mạng lưới xã hội kiểu truyền thống; nhóm thứ 2 gồm hoạt động thứ 6 đến thứ 8 gắn với hoạt động trong các quan hệ với phương tiện truyền thông có tính thiết chế có thể coi là mạng lưới xã hội kiểu hiện đại. Giá trị trung bình chung ở nhóm thứ nhất là 2,83 và ở nhóm thứ 2 là 2,46 cho thấy với hoạt động trong thời gian nhàn rỗi, nhóm lao động nhập cư nghèo sử dụng mạng lưới xã hội kiểu hỗn hợp truyền thống và hiện đại, song mạng lưới kiểu truyền thống vẫn có xu hướng nổi trội hơn.

5. Một số khuyến nghị

Sử dụng mạng lưới xã hội là một phần của quá trình hòa nhập, việc thường xuyên sử dụng mạng lưới xã hội kiểu truyền thống trong hầu hết các hoạt động, các quan hệ xã hội ở môi trường sống mới cho thấy lao động nhập cư nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình hòa nhập, ổn định cưộc sống tại thành phố.

Từ những kết luận trên, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị về các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình hòa nhập của người lao động di cư nghèo ở các đô thị ở một số khía cạnh: Tạo dựng mạng lưới dịch vụ xã hội cung cấp thông tin việc làm, trợ giúp xã hội - pháp lý cho người di cư từ các địa phương, lồng ghép vào các mô hình - trung tâm công tác xã hội hiện đang được triển khai từ Đề án 32 về phát triển công tác xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, lồng ghép các chủ đề trợ giúp người di cư nghèo ở các đô thị lớn trong các mô hình dịch vụ công tác xã hội; thiết lập các mô hình trợ giúp cá nhân - nhóm, đặc biệt với xu hướng người di cư co cụm theo mạng lưới cá nhân, việc có được các mô hình trợ giúp nhóm đồng đẳng ở chính các cộng đồng người di cư sinh sống là xu hướng bền vững trong việc trợ giúp và hướng đến thúc đẩy hòa nhập xã hội cho nhóm đối tượng này hiện nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Trần Văn Kham: “Nghiên cứu về hòa nhập xã hội: Một số hàm ý cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4 (24), tr.238.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Nguyên Anh: “Vai trò của mạng lưới xã hội trong quá trình di cư”, Tạp chí Xã hội học, số 2 (62), 1998, tr.8-19.

2. Andrew Mitchell Richard Shillington: “Poverty, Inequality and Social Inclusion”, The Laidlaw Foundation (Perspectives on social inclusion working paper series) Includes bibliographical references, 2002, ISBN 0-9730740-6-X

3. Trần Xuân Cầu: “Sức ép của lao động nhập cư trong các khu công nghiệp và chính sách đối với họ”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 124, 2007.

4. Diane Mulligan and Victoria Martin:“Sightsavers, Disability and Social Inclusion: Questions and Answers”, Registered charity numbers 207544 & SC038110, http://www.sightsavers.org.

5. Lê Bạch Dương, Nguyễn Thanh Liêm (Chủ biên): Từ nông thôn ra thành phố: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011, tr.168.

6. Lê Ngọc Hùng: Vốn xã hội, vốn con người và mạng lưới xã hội qua một số nghiên cứu ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 4 (37), 2008, tr.45-54.

7. Lê Ngọc Hùng: Lý thuyết và phương pháp tiếp cận mạng lưới xã hội: Trường hợp tìm kiếm việc làm của sinh viên. Tạp chí Xã hội học, số 2 (82), 2003, tr. 67-75.

8. Kollmair M. and St. Gamper: “The Sustainable Livelihoods Approach”, Input Paper for the Integrated Training Course of NCCR North - South Aeschiried, Switzerland, Development Study Group, University of Zurich (IP6), 2002.

 

PGS, TS PHẠM VĂN QUYẾT

TRẦN VĂN KHAM

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền