Trang chủ    Thực tiễn    Hồ Chí Minh với sự ra đời Mặt trận Việt Minh và những chính sách vì dân tộc và nhân dân
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 09:45
2689 Lượt xem

Hồ Chí Minh với sự ra đời Mặt trận Việt Minh và những chính sách vì dân tộc và nhân dân

(LLCT) - Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, hạnh phúc. Theo sáng kiến và đề nghị của Người, Trung ương Đảng quyết định thành lập Việt Minh, và đề ra “cách lãnh đạo” Việt Minh. Việt Minh đã được xây dựng có hệ thống; công bố chương trình, với những chủ trương, chính sách cụ thể, cơ bản vì độc lập dân tộc; hoạt động vì nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là phát huy tinh thần dân tộc, yêu nước để giành độc lập. Việt Minh đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

(Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22-12-1944. Ảnh tư liệu)

Khi xác định con đường cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu bật tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và sự cần thiết phải liên kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Người nêu rõ: “công nông là gốc cách mệnh, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh”(1). Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong Cương lĩnh được Hội nghị thành lập Đảng (2-1930) thông qua. “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,v.v”(2), cần tranh thủ cả trung, tiểu địa chủ, tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng. Đó là cơ sở rất quan trọng để xây dựng một tổ chức Mặt trận đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp có tinh thần yêu nước, phấn đấu cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng đó, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội “Phản đế đồng minh” - hình thức tổ chức Mặt trận đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng (3-1938) lập Mặt trận dân chủ, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng để liên hiệp hành động và hình thành một lực lượng mạnh mẽ. Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Khi còn ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh quan điểm Đảng phải lãnh đạo phát triển mạnh mẽ tổ chức Mặt trận và làm sao Mặt trận tin cậy và thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng.

“Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(3).

Sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp, sự nghiệp cách mạng phải bắt đầu từ vận động, tổ chức lực lượng của nhân dân, có dân là có tất cả. Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí bắt tay vào công tác vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng.

Từ tháng 2 đến tháng 4-1941, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng. Việc thí điểm lập Mặt trận Việt Minh đã được thực hiện ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Đồng chí Vũ Anh được Nguyễn Ái Quốc phân công phụ trách. Trong 3 tháng đã có khoảng 2 nghìn người tham gia các đoàn thể cứu quốc. Có 6/7 tổng của Hòa An lập được các Hội cứu quốc, Hà Quảng có 10/20 xã có đoàn thể cứu quốc. Nguyên Bình có 2 xã lập được tổ chức cứu quốc. Cuối tháng 4-1941, đồng chí Vũ Anh và đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức hội nghị ở Coọc Mụ (Pác Bó) để rút kinh nghiệm về xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh.

Hội nghị Trung ương 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Vũ Anh và một số đồng chí khác. Hội nghị đã phân tích tình hình cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, nhất là diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ II, phong trào đấu tranh của các dân tộc, phát triển quan điểm của các Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939 và 11-1940), đề ra những chủ trương, nhiệm vụ thiết yếu của cách mạng giải phóng dân tộc. Đặt mục tiêu giành độc lập và lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, quyền lợi của bộ phận, giai cấp phục tùng lợi ích dân tộc. Xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, lấy khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm. Phát triển phong trào cách mạng trên cả nước. Xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh để đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Tăng cường xây dựng Đảng và thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng. Theo sáng kiến và đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941). Quan điểm, đường lối mà Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Việt Minh hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc.

Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo, thơ tuyên truyền, giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh. Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Muốn tự do độc lập thì phải hy sinh tranh đấu. Vậy ngay từ đây, mỗi cán bộ, mỗi một hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; Phải làm cho các Hội cứu quốc ngày càng mạnh, làm cho các đội tự vệ, các đội du kích ngày càng nhiều. Toàn quốc đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, quý tiện đều phải vào các Hội cứu quốc. Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công”(4).

Để phát triển phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ động và tổ chức lực lượng. Ngày 1-8-1941, tờ báo Việt Nam độc lập gọi tắt là Việt Lập, cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập phát hành số đầu. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo nội dung của 30 số đầu đến khi Người ra nước ngoài công tác (8-1942). Các số tiếp theo do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Số đầu của báo Việt Lập (1-8-1941) đã nêu rõ mục tiêu “Cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.

Nghị quyết Trung ương 8 (5-1941) nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Ủy ban tuyên truyền với các phương pháp tuyên truyền, viết sách báo, truyền đơn, biểu ngữ để cổ động dân chúng. Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 25-1-1942, báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu. Báo Cứu quốc đặt dưới sự chỉ đạo của Ban tuyên truyền, cổ động Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Trường Chinh. Tờ báo đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh.

Quán triệt quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo Mặt trận, Nghị quyết Trung ương 8 (5-1941) đã nêu rõ:

“Cách lãnh đạo Việt Minh. Đảng ta lãnh đạo Việt Minh hai cách:

1/ Đảng ta nhân danh là một đoàn thể cứu quốc khác, ở đó Đảng ta có thể đưa chính sách cách mạng của mình ra đề nghị với Việt Minh, lại có thể hăng hái tham gia trực tiếp chỉ huy các cuộc tranh đấu của quần chúng trong Việt Minh. Ở đó nhờ chính trị đúng đắn của Đảng và tinh thần hy sinh của Đảng ta sẽ có ảnh hưởng lớn và uy tín mạnh để lãnh đạo toàn dân tranh đấu chống quân thù.

2/ Nhờ các đảng viên của Đảng ta tham gia các đoàn thể cứu quốc như công, nông, phụ nữ, thanh niên mà có thể đem chính sách của Đảng ta tuyên truyền phổ biến trong Việt Minh”(5).

Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh được xây dựng và hoạt động, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng:

Một là, Mặt trận Việt Minh được xây dựng và hoạt động trong nội bộ dân tộc Việt Nam nhằm phát huy cao nhất tinh thần dân tộc, yêu nước vì mục tiêu đấu tranh giành độc lập

Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là nêu cao ngọn cờ dân tộc “làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”, đồng thời chú trọng đoàn kết quốc tế. Từ năm 1930, khi Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, quan điểm của Quốc tế Cộng sản lại đề cao tính quốc tế, vì vậy phải xây dựng một Đảng lãnh đạo cách mạng cả 3 nước Đông Dương. Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa Xuân năm 1941, Hồ Chí Minh về nước chủ trương xây dựng Mặt trận riêng để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Nghị quyết Trung ương 8 (5-1941) nêu rõ:

“Chiến thuật hiện tại của Đảng ta là phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam). Cho nên cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tinh thần dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại; vậy mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh, hay gọi tắt là Việt Minh. Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh”(6).

Hai là, Mặt trận Việt Minh có hệ thống tổ chức được xây dựng từ Trung ương đến cơ sở

Mặt trận Việt Minh tỏ rõ sức mạnh bằng hệ thống tổ chức chặt chẽ để tập hợp, đoàn kết, rèn luyện mọi người Việt Nam yêu nước hành động cách mạng một cách có tổ chức. Cấp Trung ương có Tổng bộ Việt Minh lãnh đạo, tổ chức hành động chung thực hiện đường lối của Đảng. Ở các cấp đều lập ra Ủy ban Việt Minh. Thành lập các đoàn thể cứu quốc là thành viên của Mặt trận như Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc v.v.. Các đoàn thể đó tập hợp, rèn luyện giai cấp mình, giới mình và lĩnh vực hoạt động của mình để tham gia vào chương trình hành động của Mặt trận. Việc phát triển tổ chức Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được thực hiện theo Điều lệ và những quy định cần thiết bảo đảm sức mạnh và hiệu quả hoạt động.

“Cách tổ chức Việt Minh. Việt Minh lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức. Trong một làng có hai tổ chức cứu quốc trở lên ví dụ: Nông dân cứu quốc hội với Thanh niên cứu quốc đoàn hay với chi bộ đảng được quyền thành lập Việt Minh làng. Đoàn thể nào quan trọng hơn thì được nhiều đại biểu hơn. Nếu có một đoàn thể quốc gia nào mà họ thành thật đánh Pháp đuổi Nhật giành quyền độc lập cho nước nhà thì cũng được vào Việt Minh. Vào Việt Minh tất phải công nhận chương trình và điều lệ của Việt Minh”(7).

“Sự liên hiệp các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh là sự thống nhất lực lượng để tranh đấu thực hiện vấn đề độc lập cho đất nước, cho nên trong đó phải tránh sự tranh giành quần chúng giữa các đoàn thể đối với nhau mà chỉ có sự phê bình chỉ trích một cách huynh đệ để đi đúng đường lối chính trị và tránh những hành động sai lầm”(8).

Ba là, ngay khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã công bố Chương trình Việt Minh với những chủ trương và chính sách cụ thể, cơ bản vì nền độc lập dân tộc

“Chủ trương của V.N.Đ.L.Đ.M - Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”(9). Khi cách mạng thành công “sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”(10).

Chương trình Việt Minh cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ nhân dân tương lai sẽ thực hiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao và đối với các tầng lớp nhân dân. Về chính trị, đề cập 8 nhiệm vụ, trong đó hàng đầu là chế độ phổ thông đầu phiếu, quyền được bầu cử, ứng cử; ban hành các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, xuất bản, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong xứ và xuất dương; nam nữ bình quyền, các dân tộc bình đẳng và được quyền tự quyết. Về kinh tế, nêu rõ 7 nhiệm vụ, bỏ thuế thân và các thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt quan thuế độc lập; quốc hữu hóa ngân hàng, lập ngân hàng quốc gia thống nhất; mở mang kỹ nghệ làm cho kinh tế quốc gia phát triển, chú trọng thủy lợi, khai hoang làm cho nền nông nghiệp được phồn vinh; phát triển giao thông. Về văn hóa, hủy bỏ giáo dục nô lệ, lập nền giáo dục quốc dân, thực hiện giáo dục bắt buộc đến bậc sơ đẳng, các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ; chú trọng các trường chuyên môn để đào tạo nhân tài, giúp đỡ trí thức để họ được phát triển tài năng. Về xã hội, thi hành ngày làm tám giờ, lập ấu trĩ viên (nhà trẻ) để chăm nom trẻ em; phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để nâng cao trình độ tri thức của nhân dân; chăm sóc người dân về y tế. Về ngoại giao, hủy bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký với bất kỳ nước nào; quan hệ với các nước trên nguyên tắc bình đẳng và hết sức giữ gìn hòa bình; liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới. “Kiên quyết chống tất cả các lực lượng xâm phạm đến quyền lợi của nước Việt Nam”(11).

Chương trình Việt Minh cũng đề ra chính sách cụ thể với các giai cấp, tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, quân nhân, học sinh, phụ nữ, thương nhân, viên chức, những người già, tàn tật, nhi đồng và đối với Hoa kiều. Chương trình Việt Minh khẳng định:

“Cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chân chính dân chủ sẽ xuất hiện.

Cách mạng dân tộc giải phóng thành công, chúng ta sẽ thi hành bản Chương trình vĩ đại trên đây”(12).

Bản Chương trình Việt Minh thể hiện rõ tính chất chân chính, thành thựcdân chủ mà Đảng Cộng sản, những người yêu nước mong muốn trong sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập vững bền và phát triển đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nhiều nội dung, nhiệm vụ đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và đang phấn đấu thực hiện. Ở đây có sự thống nhất giữa các quyền dân tộc và quyền con người. Vì quyền lợi dân tộc, vì quyền và lợi ích của nhân dân, quyền con người là tư tưởng nổi bật và nhất quán của Hồ Chí Minh và của Đảng do Người sáng lập.

Tháng 8-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc để liên lạc với các nước Đồng minh phối hợp giúp đỡ dân tộc Việt Nam chống quân phiệt Nhật để giành độc lập, đồng thời đoàn kết với các lực lượng, đoàn thể người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài. Do sự hiểu lầm mà Người bị bắt. Sau khi ra khỏi nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc), Hồ Chí Minh tích cực hoạt động để tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng Đồng minh chống phát xít, củng cố quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống xâm lược của quân phiệt Nhật. Người cũng có những hoạt động thiết thực để đoàn kết rộng rãi các đoàn thể yêu nước của người Việt Nam ở Trung Quốc. Cuối tháng 9-1944, Hồ Chí Minh về nước. Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh có thư gửi đồng bào toàn quốc nêu rõ chủ trương muốn tiếp thu sự đồng tình, giúp đỡ quốc tế, cần thiết phải tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc gồm các tổ chức đoàn thể ái quốc “Có một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí cho toàn thể quốc dân ta”(13). Trong thư, Hồ Chí Minh khẳng định:

“Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(14).

Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong nước, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi, dự báo thời cơ và cả những nguy cơ, tạo ra những điều kiện, nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi mà điều kiện cơ bản nhất là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh. Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng tới Tân Trào (Tuyên Quang), cùng Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 14 - 15-8-1945 và Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (ngày 16 - 17-8-1945) quyết định Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8-1945, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Việt Minh tập hợp hàng chục triệu người: “Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo”, “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập”(15).

Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết toàn dân tộc. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”, “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(16). Với sức mạnh và ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi vẻ vang, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do, từng bước tiến lên CNXH.

Phát huy tinh thần, ý chí và những chính sách căn bản, thiết thực, có giá trị bền vững của Mặt trận Việt Minh 75 năm trước, ngày nay, sức mạnh toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra sức thực hiện Cương lĩnh, đường lối, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” r

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.288.

(2), (3), (4), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.3, tr.3, 168, 251, 537, 538, 595, 596.

(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.124, 122, 123, 123-124, 149, 150, 151, 153.

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền