Trang chủ    Thực tiễn    Công tác dân vận của Công an phường ở thành phố Hải Phòng: Thực tiễn và kinh nghiệm
Thứ năm, 05 Tháng 1 2017 17:45
5318 Lượt xem

Công tác dân vận của Công an phường ở thành phố Hải Phòng: Thực tiễn và kinh nghiệm

(LLCT) - Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là biện pháp nghiệp vụ quan trọng của lực lượng Công an nhân dân. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Công an các phường thành phố Hải Phòng đã thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sự bình yên cho nhân dân.

(Công an phường Trại Cau thường xuyên triển khai các biện pháp tuần tra, chốt điểm, nguồn: internet)

1. Tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng gồm 7 quận với 81 phường, có địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, là trung tâm kinh tế, cửa ngõ giao thương của vùng đồng bằng Bắc bộ. Người nước ngoài du lịch tạm trú khá đông; cơ quan đại diện ngoại giao, doanh nghiệp ngước ngoài, cơ sở kinh doanh dịch vụ do người nước ngoài quản lý nhiều; tập trung nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự như: ma túy, mại dâm, cướp giật; hoạt động của một số đối tượng chống đối chính quyền…; một số đồng bào Công giáo bị lợi dụng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn khá phức tạp

Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định, không xảy ra khiếu kiện, bãi công, đình công. Hoạt động kinh tế đối ngoại chưa phát hiện đối tượng hoạt động thu thập tin tức, tình báo, móc nối nội bộ, lũng đoạn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh nội bộ trên địa bàn quận. Tuy nhiên, hoạt động của một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có biểu hiện thiếu ổn định. Công nhân trong một số doanh nghiệp bị lôi kéo, kích động, nhất là khi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Hiện trên địa bàn thành phố có 3 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 12 trường trung học dạy nghề với tổng số khoảng 6.537 sinh viên. Một số học sinh, sinh viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống dễ bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, lợi dụng, gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Như vậy, các phường ở thành phố Hải Phòng có đặc điểm dân cư đa dạng, các hoạt động của bọn tội phạm rất phức tạp, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi chưa thật ổn định. Một số vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sự yên bình của nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, có tính chất quốc tế hóa, đã xuất hiện nhiều nhóm và loại tội phạm mới… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống bình yên của nhân dân. Mặt khác, với tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều quan hệ xã hội, phong tục, tập quán, lối sống, ý thức pháp luật… chưa thích nghi với lối sống hiện đại.

2. Thực trạng công tác dân vận của Công an phường ở thành phố Hải Phòng hiện nay

Công an các phường đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền phường bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), phát huy có hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý điều hành, nhân dân làm chủ, lực lượng Công an làm nòng cốt, các ban ngành phối hợp thực hiện; hoạt động của các tổ chức quần chúng tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nền nếp, góp phần thiết thực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Lực lượng Công an phường là cầu nối giữa các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc duy trì và thực hiện các mô hình, gắn nhiệm vụ bảo vệ với an ninh trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa dân cư, cơ quan đơn vị tại địa bàn giáp ranh, từ đó tạo thế trận liên hoàn rộng khắp, khép kín trong công tác phòng chống tội phạm. Hoạt động của các mô hình đã gắn chặt với thực hiện các nội dung trong thế trận an ninh nhân dân, triển khai thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, nên đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các hình thức tổ chức quần chúng tự quản về an ninh trật tự được nâng cao. Nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân và cộng đồng dân cư trong phòng chống tội phạm có bước chuyển biến rõ rệt. Thông qua hoạt động của các mô hình tự quản trong phòng chống tội phạm, việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội có chiều sâu và thực tế hơn, gắn trách nhiệm của cá nhân với tổ chức. Việc thực hiện các hình thức quần chúng tự quản đã tạo điều kiện thúc đẩy các phong trào thi đua khác trong quần chúng nhân dân phát triển.

Công tác nắm tình hình. Công an các phường đã xác định đây là một công tác quan trọng phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Nhiều chiến sĩ công an không ngại khó, ngại khổ để bám sát địa bàn, chủ động phát hiện, thu thập những thông tin tài liệu có liên quan đến ANTT. Thông qua công tác này, các tổ chức quần chúng tự quản đã thu thập, phát hiện nhiều tài liệu có giá trị của các đối tượng, các khu vực phức tạp về ANTT. Nhờ đó, chỉ huy Công an phường, quận, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp nắm được tình hình về ANTT, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết mâu thuẫn. Vận động nhân dân chấp hành các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương, tình hình đền bù, giải phóng mặt bằng, hoạt động của các đối tượng. Cung cấp nhiều tin phục vụ kịp thời cho các yêu cầu nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giải quyết các chế độ chính sách ở cơ sở.

Tổ chức vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTT, lực lượng công an phường đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh... tham gia công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở, đưa phong trào quần chúng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nhiều vụ việc về ANTT đã được các tổ chức quần chúng phối hợp cùng nhân dân giải quyết ngay tại địa bàn; nhiều nhân tố tích cực trong quần chúng và thành viên các đoàn thể lập thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, giáo dục cảm hoá đối tượng, phòng cháy chữa cháy, giải quyết vụ việc về ANTT... các tổ chức quần chúng tự quản đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của quần chúng trong công tác phòng ngừa tội phạm. Hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng và bằng nhiều hình thức khác nhau qua đó phổ biến cho người dân biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để cảnh giác và làm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Hiện nay, một số mô hình đang phát huy hiệu quả tốt gồm:

- Mô hình “Quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư”: Mô hình này được triển khai 100% các phường trên địa bàn thành phố. Đây là mô hình hoạt động chủ yếu có sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đại diện Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên và những người có uy tín trong cụm dân cư quản lý, giáo dục, giúp đỡ, lập hồ sơ theo dõ,i định kỳ nhận xét, đánh giá và kiểm danh, kiểm diện, nhắc nhở, giúp đỡ đối tượng chậm tiến bộ.

- Mô hình "Ban hòa giải": Hiện nay, 100% phường trên địa bàn thành phố đã có ban hòa giải. Nhiệm vụ chính của ban hòa giải là tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân mà chưa có sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc pháp luật, nhằm ổn định tình hình, giải quyết tận gốc các mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân.

- Mô hình “Tổ liên gia tự quản”: Tổ liên gia tự quản là hình thức những gia đình sống liền kề tự bảo vệ trật tự an ninh ở từng cụm dân cư. Hầu hết các phường trên địa bàn thành phố đều đang triển khai hình thức tổ liên gia tự quản. Kết quả đã xây dựng được 1.462 tổ liên gia tự quản với sự tham gia của 23.992 hộ. Nhiệm vụ chính của tổ liên gia tự quản là các gia đình cùng giúp nhau tự quản lý về nhân khẩu, hộ khẩu, tự quản về tài sản; tự quản về trật tự trị an.

- Mô hình “Tổ tự quản”: Tổ tự quản được thành lập ở các cụm dân cư, tổ dân phố với sự tham gia của các thành viên hoạt động trong các ban, ngành, đoàn thể và một số quần chúng tích cực, nhiệt tình có uy tín tham gia. 100% các phường đã xây dựng tổ tự quản, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền vận động quần chúng tham gia giữ gìn trật tự công cộng, tổ chức tuần tra canh gác để bảo vệ ngõ, xóm... Đã có 502 tổ tự quản với sự tham gia của hơn 3 nghìn thành viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, đó là:

Công tác tuyên truyền về chủ trương giữ gìn ANTT ở một số phường còn hình thức, chưa có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp uỷ, chính quyền, công tác triển khai chưa sâu rộng, nội dung tuyên truyền chưa cụ thể, thiết thực. Do đó, kết quả phong trào nói chung, công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT nói riêng còn chưa cao.

Việc thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa lực lượng Công an với các ban ngành, đoàn thể chưa được duy trì thường xuyên, có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn do lực lượng Công an tham mưu và tổ chức thực hiện.

Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng mô hình tự quản của quần chúng về an ninh trật tự còn hạn chế; các ban, ngành, đoàn thể có lúc, có nơi còn chưa chủ động tham gia, chưa tạo thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân tại địa bàn.

Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân chưa được thường xuyên, dẫn đến ý thức chấp hành và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành đối với người dân còn nhiều khó khăn, chưa kịp thời, chưa giải quyết được những vướng mắc của nhân dân khi áp dụng các văn bản vào cuộc sống dẫn đến tình trạng vi phạm  pháp luật.

Chưa nhạy bén trước những diễn biến mới của tình hình trên địa bàn, đặc biệt là chưa nắm bắt kịp thời âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm. Chưa thực sự phát huy vai trò của quần chúng trong việc tham gia phong trào bảo vệ ANTQ nên công tác nắm tình hình trong phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm còn hạn chế.

Công tác quản lý, giáo dục đối tượng gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được công ăn việc làm cho các đối tượng, vì vậy tỷ lệ đối tượng trong diện quản lý tái phạm cao.

Một số đơn vị Công an phường còn chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy phong trào tại các tổ dân phố, nên chưa phát huy được sự phối hợp giúp đỡ của cán bộ và nhân dân, chưa tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ.

3. Một số kinh nghiệm bước đầu

Một là, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an các phường phải nắm chắc tình hình nhân dân; thông qua quá trình quản lý trực tiếp tại địa bàn phải nắm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức hoạt động của các hình thức, tổ chức quần chúng tự quản về ANTT, từ đó có ý kiến kịp thời tham mưu giúp cho Đảng uỷ, chính quyền có biện pháp hỗ trợ cần thiết, điều chỉnh kịp thời. Thường xuyên tổ chức tham khảo, lấy ý kiến của các lực lượng quần chúng có liên quan, tranh thủ ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ có kinh nghiệm trong xây dựng các hình thức tổ chức quần chúng tự quản.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn sâu sát, kịp thời rút kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể các đơn vị về nội dung, quy trình, cách thức tiến hành công tác vận động nhân dân, trong việc xây dựng các tổ tự quản. Thường xuyên chấn chỉnh các tổ tự quản hoạt động không đúng mục đích hoặc trá hình.

Ba là, thường xuyên kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời những tấm gương tốt, mô hình tiêu biểu trong phong trào “dân vận khéo”, trong tổ chức và hoạt động có hiệu quả của các tổ nhân dân tự quản, từ đó nhân rộng các mô hình trong toàn địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức lợi dụng việc hình thành các mô hình tự quản nhằm thực hiện mưu đồ cá nhân hoặc chống phá chính quyền, gây mất ANTT xã hội. Thường xuyên quan tâm phối hợp các lực lượng chức năng trong việc điều chỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ đối với lực lượng công an và các tổ chức tự quản.

Để các tổ chứ quần chúng tự quản về ANTT hoạt động có hiệu quả cần nghiên cứu và xây dựng các văn bản quy định cụ thể, chỉ đạo thống nhất về công tác dân vận của lực lượng công an phường trong việc lựa chọn xây dựng thực hiện các hình thức, tổ chức quần chúng tự quản về an ninh trật tự xã hội

Văn bản cần quy định rõ, thống nhất tên gọi, chức năng nhiệm vụ mô hình hoạt động của các tổ chức quần chúng tự quản. Tránh hiện tượng nhiều tổ chức quần chúng có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, tổ chức quần chúng ra đời sau có cùng nhiệm vụ với tổ chức ra đời trước. Ngoài ra, cũng phải quy định rõ về chế độ đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật phù hợp đảm bảo cho những người tham gia vào các tổ chức quần chúng tự quản về ANTT được hưởng ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích động viên họ tích cực, nhiệt tình trong công tác, làm cho hoạt động của các tổ chức quần chúng có hiệu quả thiết thực.

_______________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Bộ Chính trị:Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-02-2010 về việc Ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

2.      Bộ Chính trị: Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành kèm theo Quy chế vềgiám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

3.      Bộ Chính trị: Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành kèm theo Quy chế việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

4.      Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013

5.      Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016

6.      Nguyễn Thế Trung: Một số vấn đề về công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay”,Nxb CTQG, Hà Nội, 2015.

7.       Lê Kim Việt: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa bàn Tây Nguyên giai đoạn hiện nayTạp chí LLCT, số 4năm 2013

 

Nguyễn Đăng Tỉnh

Công an quận Lê Chân, TP Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền