Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam trong giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản hơn nửa thế kỷ (1963-2017)
Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 17:47
2078 Lượt xem

Vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam trong giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản hơn nửa thế kỷ (1963-2017)

(LLCT) - Giao lưu văn hóa là quá trình diễn ra sự gặp gỡ, tìm hiểu, đối thoại, trao đổi các giá trị văn hóa. Lịch sử của văn hóa, văn minh nhân loại là kết quả của quá trình giao lưu đa dạng. Giao lưu văn hóa có thể làm cho các nền văn hóa xích lại gần nhau, làm đa dạng, lành mạnh và giàu bản sắc các nền văn hóa... Trong nhiều năm qua, giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước nói chung, với Nhật Bản nói riêng đã góp phần thực hiện tốt chức năng đó. Đài Tiếng nói Việt Namtrong những năm qua đã có nhiều  đổi mới, góp phần quan trọng vào công tác thông tin đối ngoại, trong đó có nhiều đóng góp vào thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

1. Chương trình phát thanh tiếng Nhật

 

Chương trình phát thanh tiếng Nhật là một trong những chương trình quan trọng của VOV, góp phần tích cực tuyên truyền về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam đến với nhân dân Nhật Bản, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

 Ngày 29-4-1963, Chương trình Tiếng Nhật đầu tiên được phát sóng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia vừa làm biên tập viên kiêm phát thanh viên của Đảng Cộng sản Nhật Bản và hãng Denpa News và 3 biên tập viên Việt Nam. Vào thời gian này, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân đánh phá miền Bắc. Với âm mưa đóng cửa, bịt mồm, đánh nhừ đòn, chúng tấn công vào cả các cơ quan truyền thông của ta. Đài Tiếng nói Việt Nam đã có lúc phải ngừng phát sóng 9 phút. Lúc này, nhiệm vụ của Chương trình phát thanh tiếng Nhật là tuyên truyền tình hình chiến sự, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tại Nhật Bản, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chương trình tiếng Nhật trở thành cầu nối quan trọng đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Trong những năm tháng này, trung bình mỗi tháng có 4 nghìn, 5 nghìn lá thư của thính giả Nhật gửi về ban biên tập, bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; khích lệ, động viên cán bộ tiếp tục làm nhiệm vụ chính trị quan trọng; thông tin về đời sống, tinh thần của người Việt Nam trong thời chiến. Đặc biệt, chương trình tiếng Nhật có nhiệm vụ kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản và quốc tế cho cuộc đấu tranh giải phóng con người Việt Nam.

Sau giải phóng, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục gửi một số chuyên gia sang hỗ trợ Chương trình tiếng Nhật, trực tiếp làm các phóng sự về cuộc sống của người Việt Nam sau chiến tranh. Các phóng sự của chuyên gia Nhật đi sâu hơn vào đời sống xã hội, việc xây dựng lại di sản, giáo dục tiếng Nhật ở Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân Nhật Bản hiểu rõ hơn về cuộc sống, phong tục tập quán, tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, chương trình tiếng Nhật tập trung vào tuyên truyền chủ trương, chính sách đổi mới, những thành quả xây dựng CNXH của Việt Nam. Năm 1993, Nhật nối lại viện trợ cho Việt Nam, không chỉ tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông, mà đầu tư nhiều cho việc xây dựng trường học. Nhiều bài báo của VOV viết về viện trợ này và hiệu quả mang lại. Nhiều thính giả gửi thư về bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật tiếp tục viện trợ xây dựng trường học cho Việt Nam.

Từ năm 2000 đến nay, cùng với hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá với Nhật Bản có điều kiện phát triển. Có thể nói Nhật Bản với quan điểm “truyền bá”, “hấp thụ”, “cộng sinh” đã tạo ra một trào lưu văn hoá tích cực tại Việt Nam. Và đây cũng là những nguồn thông tin quí giá và rộng lớn để cho Chương trình tiếng Nhật và các loại hình truyền thông khác ở Việt Nam hoạt động.

Chương trình phát thanh tiếng Nhật từ năm 2000 đến nay được cố định như sau:

Phần tin khoảng 10 phút, được phát hàng ngày. Một tuần có khoảng 10-15 tin liên quan tới Nhật Bản, hoạt động giao lưu giữa hai nước, trong đó có khoảng 5 tin (30%) liên quan tới hoạt động văn hoá, giáo dục, nghệ thuật... Trong những dịp lễ đặc biệt, như: Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, Chương trình đại nhạc hội Việt - Nhật, toạ đàm văn hoá... chương trình sẽ dành thời lượng của phần tin, hoặc cả chương trình cho việc phát sóng. Tin liên quan tới đời sống xã hội, văn hóa, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản thường là những tin “sống”, được thực hiện tại hiện trường, hoặc những tin phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo của Nhật Bản nhân các chuyến thăm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam… về chính sách văn hóa; đánh giá chung về những hoạt động văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, các sự kiện văn hóa, hoạt động giao lưu văn hóa của Nhật Bản tại Việt Nam và của Việt Nam tại Nhật Bản.

Thời sự bao gồm các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế, tập trung vào khai thác những sự kiện đặc biệt quan trọng như: Tổng quan quan hệ Việt - Nhật, Ngoại giao nhân dân trong quan hệ ngoại giao văn hoá Nhật - Việt.

Giới thiệu Việt Nam có thời lượng từ 5-7 phút được phát sóng đều đặn vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần chủ yếu tuyên truyền về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là chuyên mục được nhiều thính giả quan tâm nhất bởi nội dung của chuyên mục này tập trung vào giới thiệu văn hóa (phong tục tập quán, làng nghề truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian, âm nhạc…). Nhiều tờ báo của Nhật như: Kyodo, Nikkei… đã dẫn nguồn và làm tư liệu cho trang mục quảng cáo về Việt Nam. Nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước đã trích nội dung liên quan tới danh thắng, giá trị văn hóa vùng…làm nội dung cho ấn phẩm quảng cáo. Đây có thể coi là hiệu ứng tích cực của truyền thông Nhật Bản và nước ngoài trong việc quảng bá Việt Nam, cũng như kích thích nhu cầu tìm hiểu Việt Nam của các bạn Nhật.

Bức thư Hà Nội phát vào Chủ nhật hàng tuần là chuyên mục có thời lượng dài nhất, nội dung chủ yếu tập trung vào các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là diễn đàn của các nhà văn hóa, nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản trao đổi về các phương pháp nhằm phát triển hơn hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Hầu hết các thế hệ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, học giả hai nước đã tham gia trả lời phỏng vấn về các vấn đề này.

Ca nhạctheo yêu cầu cũng là chương trình được thính giả đặc biệt yêu thích. Chuyên mục này được phát vào thứ ba và thứ bảy hàng tuần, không chỉ tuyên truyền về các hoạt động giao lưu âm nhạc hai nước mà chương trình tiếng Nhật còn giới thiệu âm nhạc Việt Nam, giới thiệu âm nhạc Nhật Bản đến thính giả hai nước.

Nói chuyện với bạn nghe đài là chuyên mục phát vào thứ năm hàng tuần, giao lưu rất cao với thính giả Nhật Bản. Nội dung chủ yếu của chuyên mục này là trả lời thính giả về các vấn đề như: phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực (nhiều chương trình về dạy nấu ăn), mức sống, phong trào tình nguyện, hoạt động lễ hội, những vấn đề mà thính giả Nhật Bản muốn tìm hiểu về Việt Nam. Cuối chương trình là phần điểm tên các thính giả Nhật Bản. Nhiều thính giả Nhật Bản đã tỏ ra rất xúc động khi được nghe tên mình trên Đài.

Đặc biệt, VOV đã hai lần tổ chức cuộc thi “Bạn biết gì về Việt Nam”, thu hút hàng trăm thính giả từ Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Trung quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cu Ba, Tây Ban Nha… tham gia. Trong cuộc thi này, thính giả Nhật Bản tham gia đông nhất.

Các chuyên mục khác, như: Du lịch, Kinh tế, Điểm báo tuần phát vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần. Những chuyên mục này đều dựa trên tiêu chí hướng tới tuyên truyền toàn diện về Việt Nam. Riêng các chuyên mục phát sóng FM (nhằm vào các đối tượng người Nhật Bản và những người biết tiếng Nhật đang sinh sống tại Việt Nam), chủ yếu tập trung vào thông tin liên quan tới Việt - Nhật, truyền dẫn trực tiếp các lễ hội lớn như: Lễ hội Việt - Nhật, Đại nhạc hội Việt - Nhật, giao lưu với các họa sĩ, nhiếp ảnh gia có triển lãm tại Việt Nam, các nhà nghệ thuật gấp giấy Origami, cắt giấy Kirigami, nghệ thuật cắm hoa Ikeban. Chính sự tương tác trực tiếp này tạo sự tiếp xúc liên tục, hàng ngày với thính giả Nhật.

Các hoạt động khácNgoài nhiệm vụ tuyên truyền chương trình tiếng Nhật còn tích cực tham gia vào các hoạt động khác như: quyên góp giúp đỡ nạn nhân sóng thần Nhật Bản ngày 11 - 3 - 2011, tổ chức các cuộc tọa đàm, thi tìm hiểu về Việt Nam.. Đồng thời, cử những nhân tố trẻ do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức và lựa chọn tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa tìm hiểu đất nước Nhật Bản.

2. Trang website VOV 

Ngày 15 - 11 – 2011, VOV chính thức mở trang Web đối ngoại. Đây là Website gồm nhiều ngôn ngữ nhất Việt Nam với 11 thứ tiếng, bằng tất cả các thể loại truyền thông hình ảnh, âm thanh, chữ viết. Báo điện tử VOV góp phần tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới, thông qua những thông tin đầy đủ, phong phú, hấp dẫn. Là một trong những ngôn ngữ chính, Website tiếng Nhật mở ra một thời kỳ truyền thông mới trong việc tuyên truyền, tăng cường giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt - Nhật. Đây là một trong những thứ ngữ được nhiều người truy cập nhất và tăng khá đều đặn. Những thông tin được đăng tải giúp cho các bạn Nhật Bản ngày càng hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam, chính sách ưu tiên phát triển quan hệ với Nhật Bản... Qua đây, góp phần thể hiện quan điểm, Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam coi trọng củng cố mối quan hệ đó, tăng cường sự giao lưu giữa nhân dân hai nước trên lĩnh vực văn hóa bằng nhiều hình thức trong đó có truyền thông. Điều này cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa hai nước đã ở mức độ cao hơn, đòi hỏi công việc quảng bá cho hoạt động này cũng cao hơn.

Để phục vụ công tác tuyên truyền được tốt hơn, đặc biệt tăng cường sự giao lưu trực tiếp giữa nhân dân Việt Nam - Nhật Bản, năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức thành lập Cơ quan thường trú tại Tokyo. Cơ quan này có nhiệm vụ tuyên truyền những thông tin về Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, tham gia tích cực vào hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa, chương trình tình nguyện, homestay tìm hiểu văn hóa, phong cách sống của người Nhật… cung cấp thông tin để mỗi người Việt Nam có góc nhìn toàn diện nhất về Nhật Bản. Từ đó cùng thông cảm, sẻ chia với các bạn Nhật, tạo ra mối quan hệ thân thiện, hướng tới xã hội tốt đẹp.

3. Những chương trình phát thanh tiếng nước ngoài khác

Ngoài tiếng Nhật và tiếng Việt còn 10 ngôn ngữ khác của truyền thông VOV5 cùng phát sóng hằng ngày, đưa tin trên báo điện tử VOV5. Những sự kiện liên quan tới Nhật Bản, các hoạt động văn hoá, tài trợ giáo dục... giúp Việt kiều ở các quốc gia khác hiểu hơn cộng đồng người Việt ở Nhật. Từ đó, tăng cường khối đoàn kết dân tộc hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều thính giả Nhật đang ở các nước hoặc những độc giả, thính giả biết tiếng Nhật trên khắp thế giới được nghe chương trình. Có nhiều thính giả Trung Quốc, Ucraina, Thái Lan, Ả rập, Indonesia… nghe bằng ngôn ngữ bản địa nhưng lại bày tỏ quan tâm tới quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ, hoạt động truyền thông VOV5 không chỉ có tác dụng tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, mà còn có tác dụng nhân rộng ảnh hưởng của hoạt động đó với các nước khác, tạo sự gắn kết mang tính quốc tế hơn.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Chương trình tiếng Nhật từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, giàu bản sắc văn hóa trong lòng các bạn Nhật Bản; tham gia tích cực tuyên truyền các hoạt động giao lưu văn hoá; tăng cường sự thấu hiểu giữa nhân dân hai nước; góp phần phát triển ngoại giao nhân dân, tiến tới thực hiện chính sách ngoại giao văn hoá của Việt Nam. Chương trình tiếng Nhật đã trở thành người bạn thân thiết của các bạn Nhật Bản.

 

ThS Bùi Mạnh Hùng

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền