Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang - Kết quả và một số vấn đề đặt ra
Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 17:56
2977 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang - Kết quả và một số vấn đề đặt ra

(LLCT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang đã đạt những thành tựu bước đầu quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, kinh tế nông thôn có bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đến năm 2020, Kiên Giang phải nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Tỉnh Kiên Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 6.348,53 km2, dân số 1.721.763 người; giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Những năm qua, Kiên Giang tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng thạc chất, bền vững và đạt những kết quả quan trọng.

Về chỉ đạo, điều hành quản lý, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/02/2013 về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1857/QĐ-UBND ngày 29-7-2013,ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang; Quyết định 2016  ngày 15-8-2013 về Thành lập hội đồng thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; ban hành Quyết định 2453/QĐ-UBND ngày 14-10-2013 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định 17/2014/QĐ-UBND ngày 14-3-2014 ban hành Quy định cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2014 -2020. Trong quá trinh thực hiện, công tác sơ kết, tổng kết được quan tâm thực hiện. Tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Khen thưởng 20 cá nhân và 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới được quan tâm tăng cường. Chuyên mục Xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên trên báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đa dạng hóa hệ thống pano, khẩu hiệu,... Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế, góp công lao động, tiền, hiến đất xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; chỉnh trang nhà cửa, làm cột cờ, làm hàng rào, giữ gìn vệ sinh,... Công tác tuyên truyền, vận động có sự tham gia tích cực, với các nôi dung, hình thức đa dạng: Hội Phụ nữ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tổ chức các hội thi “Nông dân Kiên Giang tham gia xây dựng nông thôn mới”; Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp tuyên truyền nội dung xây dựng nông thôn mới cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, các cấp tổ chức tuyên truyền lồng ghép như qua tiếp xúc cử tri, hội nghị... Các hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận toàn xã hội về xây dựng nông thôn mới.

Các nguồn vốn được ưu tiên đầu tư phát triển giao thông, thuỷ lợi, điện, y tế, trường học, môi trường, hỗ trợ sản xuất, tập huấn,..

Kết quả là, đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có: 28/118 xã được công nhận chuẩn (23,7%), cao hơn mức bình quân chung của đồng bằng sông Cửu Long, có một huyện Tân Hiệp đạt chuẩn; 10 xã đạt 15-18 tiêu chí (8,5%); 58 xã đạt 10-14 tiêu chí (49,2%); 22 xã đạt 6 - 9 tiêu chí(18,6%). Trung bình mỗi xã đạt 13,3 tiêu chí, bằng mức bình quân chung cả nước; xã đạt thấp nhất chỉ đạt 7 tiêu chí. Các tiêu chí đạt thấp là: trường học, môi trường, cơ sở vật chất văn hoá, hộ nghèo. Cụ thể:

Về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: Hệ thống giao thông nông thôn, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 73 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, đạt 62%. Hệ thống điện, có 76 xã đạt tiêu chí 4 về điện, đạt 64%.

Về giáo dục - đào tạo,có 47 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học (đạt 40%), 105 xã đạt tiêu chí 14 về giáo dục (đạt 49%).

Về phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đến cuối năm 2016, đã triển khai 40 mô hình sản xuất, gồm: 20 mô hình trồng lúa cánh đồng lớn, 7 mô hình nuôi lợn, 3 mô hình trồng hồ tiêu, 2 mô hình trồng khóm, 1 mô hình nuôi cá lóc, 7 mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình hỗ trợ sản xuất đều kết quả. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn đã giúp hộ nông dân giảm chi phí sản xuất 10-15%; trong đó giảm lượng thuốc BVTV 15-20%, năng suất tăng bình quân từ 0,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 15-20%. Các loại mô hình khác đang phát triển tốt.

Về cơ giới hoá trong nông nghiệp, có 98% diện tích lúa làm đất bằng cơ giới, 30% khâu gieo sạ, 60% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, 50% sản lượng lúa sấy khô bằng máy, 100% diện tích lúa bơm tưới bằng máy, trong đó bơm điện khoảng 20%.

Về kinh tế tập thể, riêng năm 2016, toàn tỉnh thành lập mới 32 Hợp tác xã (HTX), giải thể 9 HTX, thành lập mới 29 Tổ hợp tác. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 241 HTX (nông nghiệp: 218; nuôi trồng thuỷ sản: 19; tiểu thủ công nghiệp: 4) với 23.770 thành viên tham gia, tổng số vốn điều lệ là 26.860 triệu đồng và diện tích sản xuất là 45.462 ha.

Tổng số THT toàn tỉnh 2.239 tổ, với 53.551 tổ viên, diện tích sản xuất là 76.003,78 ha; tổng vốn góp là 9.246,94 triệu đồng.

Toàn tỉnh có 625 trang trại (566 trang trại trồng trọt, 90,56%). Số lao động tại trang trại là 10.652 lao động, giá trị sản phẩm và dịch vụ thu được là 777,05 tỷ đồng.

Về đào tạo nghề, giải quyết việc làm,năm 2016, các cơ sở trong tỉnh đã dạy nghề cho 25.480 lượt người. Trong đó, cao đẳng 385 người, trung cấp nghề 1.482 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 23.613 người.

Do vậy, đến cuối năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% (tăng 2% so với năm 2015). Giải quyết việc làm cho 34.821/33.000 lượt người. Qua các mô hình sản xuất tiên tiến, các hình thức tổ chức phù hợp, công tác đào tạo, giải quyết việc làm kịp thời đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,78% xuống 8,41%. Toàn tỉnh có 104/118 xã đạt tiêu chí thu nhập và 57/118 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới).

Về xâydựng đời sống văn hoá, môi trường

Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức rộng khắp với nhiều hoạt động ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hoá, dịch vụ hoá được tăng cường. Đã có 44/118 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá và 100/118 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hoá. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường. do vậy đã có 115/118 xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện.

Các cấp các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường. Chỉ đạo xử lý các điểm gây ô nhiễm; tích cực thực hiệncác chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường. Kết quả là, đã có 43/118 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường.

Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chống chế các dịch bệnh; tuyên truyền vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế hộ gia đình được tăng cường chỉ đạo. Đã có 78/118 xã đạt tiêu chí 15 về y tế.

Về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Cấp ủy, chính quyền các xã đều có nghị quyết, kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đảm bảo an ninh trật tự. Năm 2016, đã có 71/118 xã đạt tiêu chí 18 về hệ thống chính trị; 92/118 xã đạt tiêu chí 19 về an ninh trật tự. Điểm nổi bật là, công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

Như vậy, một số tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá, trường học, môi trường đạt thấp do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, riêng tiêu chí hộ nghèo có tỷ lệ xã đạt thấp và năm 2016 giảm so với năm 2015 là do đánh giá theo chuẩn mới. Kinh tế nông thôn và đời sống của một bộ phận dân cư ở vùng sâu vùng xa, bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo còn khó khăn. Nhiều xã tập trung chủ yếu cho phát triển hạ tầng, chưa đạt kết quả trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường.

Thực tế công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang đang gặp những khó khăn thách thức đó là: Sản xuất có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, hiệu quả liên kết “4 nhà” chưa cao, tiêu chí thu nhập và giảm nghèo thiếu bền vững. Môi trường nông thôn bị ô nhiễm và có chiều hướng gia tăng, đến nay chỉ có 33% số xã đạt tiêu chí môi trường. Chất lượng gia đình văn hoá chưa thực chất. Một số tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu vẫn chưa có xu hướng giảm. Dịch vụ viễn thông, bưu chính còn yếu. Vốn đầu tư thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cơ chế triển khai còn lúng túng, chưa có sự hướng dẫn của Trung ương. Sự quan tâm chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, nhất là trong bố trí nguồn lực cho chương trình.

Trong năm 2017 và đến năm 2020, Kiên Giang phát huy kết quả đạt được, tập trung thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh xác định mục tiêunăm 2017 có thêm 11 xã đạt chuẩn, các xã còn lại nâng lên ít nhất từ 1-2 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5% (xã đặc biệt khó khăn 2%); thu nhập bình quân đạt 36,6 triệu đồng/người; giải quyết việc làm cho 35.000 lao động; đào tạo nghề cho 25.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 46,5%.  

Xuất phát từ tình hình thực tế, để đạt được các mục tiêu đè ra, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháplà:

Giám sát tình hình thực hiện các nguồn vốn được phân bổ. Rà soát, xây dựng kế hoạch vốn cho 33 xã đăng ký hoàn thành xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nâng cao chất lượng quy hoạch, đề án xã nông thôn mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm quy hoạch cấp xã phù hợp quy hoạch huyện và tỉnh.

Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gắn với xoá đói giảm nghèo bền vững. Ưu tiên điện khí hoá, cơ giới hoá; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Tạo cơ chế chính sách thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, như các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm phát triển hàng hoá bền vững, hiệu quả.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức, hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn. Xây dựng phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng; phát huy các truyền thống văn hoá tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm; xây dựng ấp văn hoá, xã văn hoá.

_______________                                                                                  

Tài liệu tham khảo:

1.Tỉnh ủy Kiên Giang: Đề án số 03-ĐA/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Rạch Giá, 8-3-2013;

2. UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013 và phương hướng, kế hoạch năm 2014, Kiên Gang, ngày 18-3-2014.

3. Tỉnh ủy Kiên Giang: Thông báo Kết luận của BCH  Đảng bộ tỉnh  (khóa X) về tiếp tục thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 8-3-2013 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa IX, Rạch Giá, tháng 7-2016.

4. UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM: Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và phương hướng, kế hoạch năm 2017, Kiên Gang, ngày 24-12-2016.

Nguyễn Trịnh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền