Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam
Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 18:17
3529 Lượt xem

Giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam

(LLCT) - Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm; cải thiện thu nhập, đồng thời nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý cũng như chất lượng nguồn lao động.

Nhật Bản là một trong số những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam sớm nhất, tính đến nay có số vốn đầu tư và dự án nhiều nhất tại Việt Nam. Tổng số vốn FDI đăng ký của Nhật Bản vào Việt Nam đạt hơn 35 tỷ USD với gần 2500 dự án thuộc 18 ngành khác nhau. Tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 nước. Do vậy, cần có những giải pháp hiệu quả để thu hút FDI của Nhật Bản vào ngành nông nghiệp Việt Nam.

1. Thực trạng  đầu tư FDI của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam

Trong 10 năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam.

Lũy kế đến tháng 12-2014, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 36,9 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện số dự án Nhật Bản đang đầu tư là 2.477 dự án, thuộc 18 ngành.

Cơ cấu đầu tư theo ngành của Nhật Bản tại nước ngoài xuất phát từ các yếu tố đặc trưng như: điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế Nhật Bản, đồng thời chịu ảnh hưởng từ yếu tố môi trường đầu tư của nước sở tại trong từng giai đoạn. Là một quốc gia khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế Nhật Bản phát triển chủ yếu dựa vào sự phát triển của công nghệ và các lĩnh vực công nghiệp. Do đó, vốn FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Từ năm 2014 đến nay, FDI của Nhật Bản có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chuyển dịch sang các ngành khác trong đó có nông nghiệp.

Mặc dù đã có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang ngành nông nghiệp nhưng vốn FDI vào lĩnh vực này tại Việt Nam chiếm tỷ trọng hầu như không đáng kể, chỉ có 2 dự án đã triển khai thành công.

Tuy nhiên, tình hình này sẽ có sự thay đổi khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện chiến lược đầu tư mạnh vào nông nghiệp, trước mắt là tại một số tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh

Tháng 11-2014, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm cơ hội đầu tư những mặt hàng nông sản, thủy sản như xoài, chôm chôm, tôm, cá... Tháng 10-2014, Công ty Công nghệ thông tin Fujitsu của Nhật Bản và Tập đoàn FPT đã ký kết văn kiện hợp tác triển khai dịch vụ đám mây Akisai của Fujitsu nhằm hỗ trợ quản lý nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2015 - 2016.

Tháng 2-2015, Phó Chủ tịch Tập đoàn ISE Food đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh để bàn việc chuyển giao, hợp tác kỹ thuật trong chăn nuôi và giới thiệu công nghệ sản xuất, chế biến trứng ở Việt Nam...

 Nguyên nhân vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam thấp là:

Việt Nam chưa có chiến lược thu hút FDI dài hạn với những ưu đãi hấp dẫn, trong khi kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn còn yếu kém và chính sách đầu tư thiếu nhất quán, tồn tại nhiều bất cập.

Nhiều dự án bị ách tắc bởi khâu giải phóng mặt bằng chậm và thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt là thủ tục cấp đất. Kết quả điều tra của JETRO đối với khoảng 10.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại 19 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam xếp ở vị trí 18/19, trong đó vấn đề bị than phiền nhiều nhất chính là thuế và hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật ở nông thôn hiện nay còn yếu kém, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư thêm nhiều hạng mục ngoài công trình, với chi phí lớn, nhất là đối với ngành lâm nghiệp (do chủ yếu phát triển tại các vùng, miền địa hình đồi núi, giao thông vận tải khó khăn) khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại.

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp, chưa tạo ra sức thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều kiện thời tiết Việt Nam luôn thay đổi thất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra; sản phẩm mang tính mùa vụ, dễ hư hỏng, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...

Số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản còn bất cập, Việt Nam chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, chưa phát huy hết vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng.

Quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn yếu, thiếu. Trên thực tế, tại các địa phương, đất đai đã được giao cho các hộ nông dân với quy mô sản xuất manh mún, phân tán, nhỏ lẻ, khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản FDI  bị động về nguồn nguyên liệu. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ ở Việt Nam chỉ đạt mức dưới 30%.

Mặc dù còn tồn tại nhiều bất lợi, nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng có những lợi thế cần phát huy để thu hút vốn FDI của Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản khác nhau.

Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển so với nhiều nước trong khu vực ASEAN; có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối hai thị trường tiêu dùng lớn là ASEAN và Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Nhu cầu phát triển và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang tăng mạnh. Đây cũng là điểm mấu chốt để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng được thị trường để xuất khẩu tại chỗ.

Ngoài ra, khi Việt Nam và Nhật Bản chính thức tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam thì xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản thuế suất sẽ bằng 0%, đồng thời đáp ứng tiêu chí sản phẩm xuất khẩu phải có 70% thuộc về nội khối TPP. Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp của Việt Nam tiếp thu được nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ mới và mở rộng
 thị trường.

2. Một số giải pháp nhằm thu hút vốn FDI Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam

Một là, xây dựng chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, Đại hội XI của Đảng xác định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu”(1).

Để thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát lại chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tạo cơ chế ưu đãi hấp dẫn, giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và triển khai trong thực tế nhằm thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp. Xây dựng chính sách đầu tư và chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và khoa học - công nghệ một cách hiệu quả. Đây là động lực cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước.

Hai là, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất tập trung quy mô lớn

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, do đó không thể áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật cao vào sản xuất. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải quy hoạch lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng sự liên kết giữa “4 nhà”: nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và người nông dân. Người nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp trên những cánh đồng mẫu lớn, trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Các khâu được thực hiện đồng bộ nhằm đưa việc sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa lớn.

Ba là, sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông nghiệp

Ở Việt Nam, sản xuất theo chuỗi mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây dưới hình thức một số doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất.

Để sản xuất chuỗi giá trị thành công thì cần nhiều thành phần tham gia. Nhà nước hỗ trợ thông qua các hoạt động dự án và chương trình nông thôn mới; nhà khoa học đảm trách ở các khâu: giống, quy trình kỹ thuật, tập huấn...; nhà nông liên kết trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị,  sản xuất theo quy mô lớn sẽ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bốn là, xây dựng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển lớn mạnh

Để thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần có những doanh nghiệp hay hợp tác xã có quy mô đủ lớn, đồng thời cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đón đầu xu hướng phát triển này, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, như dự án phát triển nông nghiệp của công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup, hay dự án của TH True Milk ở Nghĩa Đàn, Nghệ An... Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn ít, vì vậy cần có chính sách khuyến khích của Chính phủ để các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, đủ tầm liên kết, hợp tác quốc tế.

Năm là, thay đổi tập quán sản xuất theo quy mô lớn và hiện đại trong nông dân

Để làm việc với các doanh nghiệp FDI và đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản, người nông dân Việt Nam cần cải thiện tập quán sản xuất.

Các công ty Nhật Bản luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Global GAP, HACCP... Vì vậy, người nông dân Việt Nam cần thay đổi tập quán canh tác và tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm sạch đã được ký kết giữa doanh nghiệp FDI và người nông dân. Người nông dân cũng cần giữ chữ tín trong quá trình làm việc và kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Sáu là, xúc tiến thu hút đầu tư FDI  của Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp

Để thu hút vốn FDI Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp, trên cơ sở Chương trình Xúc tiến thương mại quốc giahằng năm, Cục Xúc tiến thương mại (VIETTRADE) cần tiếp tục tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại thị trường Nhật Bản. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên. Cần đẩy mạnh hoạt động giao lưu bao gồm các hội thảo đầu tư, triển lãm, các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp. Qua đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp xúc, giao dịch với các doanh nghiệp Nhật Bản, gặp gỡ các đối tác tiềm năng, ký kết được thỏa thuận hợp tác đầu tư với phía Nhật Bản.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.111-112.

2. http://vietstock.vn: Thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp năm 2015 - biến cơ hội thành vàng.

3. http://www.bvsc.com.vn: Vốn FDI vào nông nghiệp chưa nhiều vì sao?

4. http://fia.mpi.gov.vn: Môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

TS Phan Ngọc Trung

Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm

Thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền