Trang chủ    Thực tiễn    Kiên Giang nâng cao năng lực lãnh đạo hệ thống tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới
Thứ năm, 16 Tháng 2 2017 10:04
2185 Lượt xem

Kiên Giang nâng cao năng lực lãnh đạo hệ thống tổ chức cơ sở đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

(LLCT) - Hệ thống chính trị, mà hạt nhân là tổ chức đảng, trong sạch vững mạnh là 1/19 tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời là yếu tố có vai trò quyết định thành công của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Nhận thức sâu sắc vai trò tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Kiên Giang đã xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, sau 3 năm thực hiện đã đạt những kết quả quan trọng.

Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.Tuy vậy, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kiên Giang vẫn là địa phương có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn thách thức. Toàn tỉnh có 118 xã nông thôn, dân số nông thôn chiếm 78,4%. Có 6 xã biên giới, 15 xã đảo; có 23 xã khó khăn, 27 xã đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân năm 2013, đạt 24 triệu đồng/người. Xét theo tiêu chí nông thôn mới, tỉnh có 33 xã đạt 1-5 tiêu chí, 62 xã đạt 6-9 tiêu chí, có 22 xã đạt 10-16 tiêu chí, chỉ 1 xã đạt 17 tiêu chí.

Về tổ chức đảng, có 118 đảng bộ cơ sở xã với 814 chi bộ ấp, 18.607 đảng viên, chiếm 44,3% đội ngũ đảng viên Đảng bộ tỉnh. Chất lwongj đội ngũ cán bộ đảng viên còn nhiều hạn chế. Trong 5.087 cán bộ, công chức và không chuyên trách của 118 xã, có 21,56% chưa tốt nghiệp trung học phổ thông; có 7,9% cao đẳng, đại học, 48,5% trung cấp, 42,87% chưa qua đào tạo. Về chính trị, có 2,73% cao cấp, cử nhân, 30,96% trung cấp, 57,38% chưa qua đào tạo.

Chất lượng hoạt động của tổ chức đảng còn thấp, chậm đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhận thức rõ yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Kiên Giang khoá IX đã xây dựng và ban hành Đề án 03-ĐA/TU, ngày 8-3-2013 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”.

Đề án xác định mục tiêu thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấucủa tất cả các tổ chức đảng ở nông thôn đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và tổ thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đề án cũng xác định các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh, số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng  năm; tỷ lệ lớn các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến, hoạt động hiệu quả; với mục tiêu năm 2015 có 35 đảng bộ lãnh đạo xã đạt nông thôn mới, đến năm 2020 là 70 xã; phấn đấu năm 2015 có 80% cán bộ chuyên trách và công chức xã đạt chuẩn theo quy định, đến năm 2020 là 100%. Năm 2015, có 90% chi bộ ấp có chi ủy; 90% trưởng ấp, 60% các chức danh ấp là đảng viên.Năm 2020 là 100% chi bộ cso chi ủy, 100% trưởng ấp là đảng viên, 80% chức danh ấp là đảng viên.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án 03 đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể là:

Các cấp đã quán triệt, triển khai sâu rộng Đề án 03 trong toàn đảng bộ, đến đoàn viên, hội viên và nhân dân; chỉ đạo đảng uỷ các xã, các chi bộ ấp xây dựng kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo và tổ chức thực hiện; trên 98% đảng viên nông thôn được tiếp thu, quán triệt.

Qua triển khai thực hiện, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng uỷ các xã có sự chuyển biến khá toàn diện.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm thực hiện, hầu hết các huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trong quy hoạch và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2010-2015 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Đến năm 2016, toàn tỉnh có 81,05% bí thư, chủ tịch UBND xã có trình độ chuyên môn đại học và cao cấp lý luận chính trị; 82,85% cán bộ, công chức xã có trình độ cao đẳng, đại học và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Các cấp uỷ đã chỉ đạo thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ. Từ năm 2011 đến 2016, các huyện đã điều động, phân công, luân chuyển 108 cấp uỷ viên và cán bộ lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã. Trong đó có 12 bí thư đồng thời là chủ tịch UBND và 10 phó bí thư phụ trách công tác xây dựng đảng.

Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức đảng ở xã, ấp được các cấp uỷ tập trung chỉ đạo. việc thành lập chi uỷ và phát triển đảng viên trong các chức danh ấp được chú trọng. Hầu hết các chi bộ duy trì tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt trên 96%. Việc chuẩn bị nội dung, chương trình sinh hoạt từng bước được cải tiến nâng lên, sinh hoạt chuyên đề được quan tâm hơn.Trong 3 năm, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 8.555 đảng viên mới, trong đó đảng viên ở xã là 4.800, chiếm 56,11%.

Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ; tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, phản ánh kịp thời các đề xuất, kiến nghị của cử tri. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở tiếp tục được nâng lên, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả khá tốt.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có nhiều tiến bộ, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng, làm tốt công tác vận động quần chúng đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Các chỉ tiêu cơ bản hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư; văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Sự tiến bộ của hệ thống chính trị được thể hiện nổi bật trong kết quả xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy đã xác định được lộ trình, phân kỳ nội dung công việc để phấn đấu đạt các tiêu chí theo từng thời gian và đã tập trung huy động tốt các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. 35 xã điểm giai đoạn 2011-2015 đã được tập trung đầu tư với kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng. Đến hết năm 2016 toàn tỉnh đã có 28/118 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 9 đến 18 tiêu chí; huyện Tân Hiệp được Trung ương công nhận đạt chuẩn Huyện nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được,trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết, cụ thể là:

Công tác quán triệt, cụ thể hoá Đề án một số nơi tiến hành chậm; nhận thức của một số cấp uỷ và cán bộ, đảng viên về Đề án còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở có mặt còn hạn chế, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa kịp thời nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả.

Ở một số xã xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn khá cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt kế hoạch (còn 12 xã điểm chưa đạt chuẩn nông thôn mới theo Đề án).

Công tác sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn chậm. Việc bố trí tăng thêm chức danh phó chủ tịch UBND xã phụ trách xây dựng nông thôn mới và luân chuyển cán bộ trong quy hoạch cấp uỷ xã về làm bí thư, trưởng ấp hầu hết chưa thực hiện được. Một số trường hợp cán bộ từ huyện xuống xã làm lãnh đạo chủ chốt khi hết thời gian luân chuyển vẫn chưa bố trí, sắp xếp được.

Trình độ, năng lực của một số cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; còn một bộ phận cán bộ, công chức xã chưa đạt chuẩn. Công tác kết nạp đảng viên là nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, các chức danh ấp và tổ nhân dân tự quản còn ít. Sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ một số nơi chậm cải tiến; sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề chưa duy trì được thường xuyên.

Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở còn chậm được nâng lên, nội dung chưa phong phú; một số đoàn thể chưa xây dựng được mô hình có hiệu quả.

Xuất phát từ thực tế, để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cần thực hiện một số nội dung sau:

Đổi mới phương thức lãnh đạo một cách cụ thể, tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung chương trình, kế hoạch, nghị quyết và các văn bản của cấp uỷ cơ sở theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn toàn tổ chức, phân công, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy chế làm việc của đảng uỷ xã. Thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII.

Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó chú trọng bố trí chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở.

Tiếp tục thực hiện việc bố trí chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới và tăng thêm chức danh phó bí thư đảng uỷ xã phụ trách xây dựng đảng ở những nơi có điều kiện. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, chuyên viên trong quy hoạch lãnh đạo của các sở, ban ngành cấp tỉnh, huyện về giữ chức bí thư, phó b thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã.

Hội đồng nhân dân tiếp tục đổi mới, nâng lên chất lượng hoạt động; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. UBND các xã điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế làm việc; nâng lên năng lực cụ thể hoá, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ, hội đồng nhân dân; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng vào các tổ chức, tạo ra nhiều phong trào, mô hình mới gắn liền với lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; từng đoàn thể xã hằng năm phải xây dựng được từ 01 đến 02 mô hình mới, có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.

Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với cơ sở; thực hiện định kỳ ban thường vụ, thường trực cấp uỷ huyện, thị, thành phố làm việc với đảng uỷ xã theo quy chế. Huy động các nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và từ nguồn xã hội hoá để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc của đảng uỷ, uỷ ban nhân dân và khối vận các xã.

___________________

Tài liệu tham khảo:

1.Tỉnh ủy Kiên Giang: Đề án 03-ĐA/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sưc chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Rạch Giá, 8-3-2013.

2. Huyện ủy Hòn Đất: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, nhiệm kỳ 2010-2015; phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, Hòn Đất, ngày 20-8-2015.

3. Huyện ủy Hòn Đất: Báo cáo thực trạng tình hình củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền cấp huyện đến năm 2016, Hòn Đất, ngày 23-12-2016.

4.UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013 và phương hướng, kế hoạch năm 2014, Kiên Gang, ngày 18-3-2014.

5. UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM: Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và phương hướng, kế hoạch năm 2017, Kiên Gang, ngày 24-12-2016.

 

                                                                        Nguyễn Trịnh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền