Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm của một số nước về phòng, chống tham nhũng
Thứ năm, 23 Tháng 3 2017 11:25
2443 Lượt xem

Kinh nghiệm của một số nước về phòng, chống tham nhũng

(LLCT) - Tham nhũng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: là trở lực lớn đối với quá trình phát triển; gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhà nước, của tập thể và của công dân; xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Tham nhũng là hành vi xấu, có thể gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng đây cũng là hành vi khó kiểm soát và đấu tranh nhất, bởi nguyên nhân trực tiếp là lòng tham muốn vật chất gắn với quyền lực. Từ sự khó kiểm soát như vậy, nay tham nhũng đang trở thành vấn nạn có tính toàn cầu mà nhiều tổ chứcquốc tế và các quốc gia quan tâm giải quyết.

Để có thể thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng không chỉ có lòng tham muốn vật chất, mà phải có quyền lực. Người có quyền lực dù ít cũng có thể tham nhũng, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ chế xã hội và cộng đồng. Quyền lực mà chúng ta đề cập ở đây là quyền lực chính trị – chính là thứ quyền lực mà một cá nhân nào đó đạt được, hoặc đoạt được trong quá trình vươn lên nắm quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội, hoặc một nhóm người bị ảnh hưởng, chi phối về lợi ích trong xã hội.

Nhà triết học khai sáng Montesquieue đã từng chỉ rõ: “Mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực”. Điều này có nghĩa tham nhũng gắn với quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, còn nhà  nước thì còn tham nhũng. Nhưng mức độ tham nhũng đến đâu lại phụ thuộc vào cách quản lý, sự  kiểm soát quyền lực và các giải pháp phòng, chống tham nhũng của đất  nước đó. Trên thế giới, dù ở các mức độ khác nhau, nhưng không có quốc gia nào không có tham nhũng. Lực lượng lãnh đạo và chính quyền các nước đều xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, có ý nghĩa chiến lược và cần phải thắng lợi từng bước.

Về quan điểm chung, các  nước đều nhận thức rằng: muốn đấu tranh chống tham nhũng có kết quả, thì trước tiên các chính đảng và chính phủ phải có quyết tâm  chính trị và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp; mặt khác kiên quyết chống tham nhũng nhưng phải giữ vững ổn định chính trị - xã hội cần thiết cho sự phát triển.

Hiện nay, qua các nghiên cứu cho thấy, để hướng tới mục tiêu làm cho cán bộ, công chức, viên chức có quyền lực: Không cần tham  nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng; hầu như các nước trên thế giới đều đưa ra hai nhóm giải pháp sau:

1.  Nhóm giải pháp phòng, ngừa tham nhũng

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục

- Đối với cán bộ công chức: các nước đều coi việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để chống tham nhũng. Các nước Thụy Điển, Hàn Quốc, Malaixia, Cộng hòa liên bang Đức…đều ban hành luật hoặc bộ quy tắc về đạo đức của công chức. Trung Quốc đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và nhà nước. Đội ngũ công chức của Xingapo được Chính phủ ban hành cuốn sổ tay hướng dẫn giáo dục đạo đức tự răn mình.

- Đối với người dân: Giáo dục về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử văn minh lịch thiệp ngay từ nhỏ bằng cách bổ sung chương trình phòng chống tham nhũng đến tận học sinh phổ thông (Thái Lan, Philippin)

Thứ hai, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong ban hành các quyết định. Các nước Thụy Điển, cộng hòa liên bang Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ….đều quy định:

- Mọi người dân đều có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp hoặc cho xem bất cứ tài liệu nào có trong lưu trữ  của cơ quan dù tài liệu đó không liên quan đến mình.

- Tất cả tài liệu của chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và mạng Internet

- Thực hiện khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo qua mạng Internet (Hàn Quốc là nước áp dụng rất thành công hình thức này).

Thứ ba, nhóm biện pháp phong ngừa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung

- Xây dựng quy chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức dân chủ, công khai

- Quy định sau khi từ chức hoặc nghỉ hưu một thời gian nhất định, công chức không được thực hiện hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực công tác trước đây của mình (Trung Quốc, Malaixia, Xingaopo..)

- Quy định những điều công chức không được làm. Chẳng hạn công chức không những không được phép đưa quà hoặc nhận quà mà vợ, chồng, cha, mẹ con … cũng không được phép nhận hoặc đưa quà dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi quà tặng đó là diễn văn ca ngợi khi về hưu hoặc chuyển công tác. Trung Quốc có sáng kiến: Nếu công chức tự nguyện gửi vào tài khoản của nhà nước những khoản tiền tham nhũng (tài khoản do Chính phủ mở và công bố rộng rãi) thì sẽ được xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm án tùy theo mức độ.

Thứ tưquy định về việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Hầu hết các nước trên thế giới quy định cán bộ, công chức phải  kê khai tài sản, thu nhập. Có thể là trước  khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hoặc kê khai hàng năm. Hàn Quốc, Malaixia, Xingapo, Thái Lan…quy định nếu công chức nào  không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị tịch thu và công khai trên báo chí. Biện pháp này ở Trung Quốc xử phạt nặng hơn, ngoài việc tịch thu tài sản công chức sẽ bị kết án tù giam. Ở Úc thực hiện kê khai tài sản của cả người thân cùng chung sống. Đặc biệt họ rất coi trọng tính công khai minh bạch trong hoạt động đầu thầu, mua sắm tài sản công.

Thứ nămtrả lương cao cho công chức.

Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Xinhgapo…là những nước trả lương cao cho công chức để họ “không cần tham nhũng” mà vẫn đủ sống. Ví dụ: lương của sinh viên Xingapo vừa ra trường  là 2.200 USD, lương của Bộ trưởng là 1 triệu USD/năm. Và khi đang đương chức công chức chỉ được nhận 70/%  lương, 30/% về hưu mới được nhận nếu như không vi phạm pháp luật.

2. Nhóm giải pháp xử lý tham nhũng

Thứ nhấtcác biện pháp phát hiện tham nhũng

- Khuyến khích sự tham gia và phát  huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện tố giác các hành vi tham nhũng

Thiết lập đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng (Côlômbia, Braxin, Xingapo…)

Tiến hành xem xét cả đơn tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng (Thái Lan, Trung Quốc, Xingapo…). Trung Quốc có 60/% đơn thư tố cáo là thư nặc danh, trong đó có rất nhiều thông tin chính xác về tham nhũng và 80% các vụ án lớn ở nước này do dân tố cáo.

Quy định các biện pháp để bảo vệ người tố giác như: giữ bí mật lời khai, chuyển chổ ở, trích thưởng theo tỷ lệ nhất định (Cộng hòa liên bang Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Xingapo.)

Thứ hai, các biện pháp xử lý tham nhũng

Các nước trên thế giới đều coi tham nhũng là tội phạm hình sự để công chức  “không dám tham nhũng”. Các nước đã ban hành các bộ luật về phòng chống tham nhũng từ rất sớm. Malaixia có luật phòng chống tham nhũng từ năm 1961; Pakistan 1947, Trung Quốc 1988, Hồng Kông 1975, Xingapo 1970, Thái Lan 1975.

- Về trách nhiệm trong tội tham nhũng: Quy định trách nhiệm hình sự của cả pháp nhân. Theo đó cơ  quan, tổ chức nào có người phạm tội tham nhũng ngoài việc cá nhân phải chịu hình phạt  thì tổ chức cũng phải nộp tiền và người trực tiếp lãnh đạo quản lý cũng phải chịu trách  nhiệm hình sự.

- Pháp luật Xingapo quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả người đã chết. Theo đó họ không phải chịu hình phạt tù nhưng phải chịu trách nhiệm về kinh tế hoặc dân sự. Quan chức cấp cao mà tham nhũng  thì bị xử nặng hơn quan chức cấp thấp nếu tính chất mức độ tham nhũng tương đương.

Những biện pháp phòng, chống tham nhũng của một số nước nói trên đã mang lại những hiệu quả nhất định. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch thế giới, Xingapo, Thụy sĩ ... là một trong những nước ít tham nhũng nhất thế giới.

Việt Nam thời gian qua cũng đã nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm các nước về công tác phòng chống tham nhũng và cũng đã tạo được những chuyển biến tích cực. Trước thực trạng tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp tại nước ta, Đảng,  Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng và đã đưa lại nhiều kết quả đáng kể. Đặc biệt chúng ta đã học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài trích thưởng cho người tố cáo theo tỷ  lệ nhất định, để động viên khuyên khích người có công trong nhiệm vụ đấu tranh tham nhũng.

Theo Thông tư liên tịch số: 01/2015/TTLT-TTCP-BNV (có hiệu lực từ ngày 1-5-2015) của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, người tố cáo hành vi tham nhũng được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cùng với mức khen thưởng theo Luật thi đua còn được thưởng 60 lần mức lương cơ sở. Đây là một giải pháp mang tính  đột phá, thể hiện sự quyết  tâm của  Đảng và nhà nước nhằm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Tới đây, để nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩa ngoài việc học tập, áp dụng kinh nghiệm của các quốc gia, Đảng và Nhà  nước nên thành lập một tổ chức phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, đồng thời trao cho họ những quyền quyết định mang tính độc lập giống như các  nước trên thế giới thì việc phòng,  chống tham sẽ thuận lợi hơn.  Đặt ra thể chế và chế tài đủ mạnh để buộc tất cả mọi người giữ chức vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi và bổn phận của mình. Năng động hóa chính sách, không xơ cứng máy móc từ đó tạo kẻ hở cho sự lợi dụng. Đồng thời tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng theo hướng phải hình sự hóa một số hành vi tham nhũng để tránh bỏ lọt tội phạm như hiện nay, tạo điều kiện cho công cuộc phòng chống “quốc nạn” hiệu quả hơn.

_______________                                                                    

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Nội chính Trung ương: Một số văn bản của Đảng về phòng chống tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

2. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012.

3. Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Huy Hoàng: Pháp luật chống tham nhũng của cá nước trên thế giới, Nxb. Dân tộc, Hà Nội, 2003.

4.Phan Xuân Sơn và Phạm Thế Lực(đồng chủ biên): Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

5. Như Ý: “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, ngày 12-10-2016.

6. Ngọc Quyên: “Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng trên thế giới và 8 kinh nghiệm phòng, chống”, Tạp chí Công lý điện tử, ngày 31-01-2014.

7. Hồ Chu An: “Về phòng chống tham nhũng”, Đặc san Tuyên truyền pháp luật, số 1-2013.

8. Hồng Vĩ : Các biện pháp chống tham nhũng ở Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

 

Hồ Thị Hưng

                                                       Trường Chính trị tỉnh Nghệ An

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền