Trang chủ    Thực tiễn    Di cư từ nông thôn ra đô thị và các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội
Thứ tư, 26 Tháng 4 2017 11:44
7489 Lượt xem

Di cư từ nông thôn ra đô thị và các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội

(LLCT) - Quốc hội đã thông qua Luật cư trú mới ở Việt Nam, đã có nhiều kiến nghị xem xét lại tính thiết yếu của hộ khẩu trong việc quản lý người di cư cũng như cải cách hệ thống này. Một báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội ước tính có trên 420 văn bản pháp lý về những giao dịch có yêu cầu hộ khẩu của các bên liên quan (trong số đó có 380 văn bản vẫn còn hiệu lực). Điều đó chứng tỏ hệ thống hộ khẩu nhiều khi bị lạm dụng trong các hoạt động hành chính và vô hình chung gây khó khăn trực tiếp cho lao động nhập cư khi tiếp cận các dịch vụ khác mà không có hộ khẩu thường trú ở đô thị.

1. Tình hình di cư từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam hiện nay

Từ một quốc gia có tỷ lệ lạm phát phi mã và thiếu lương thực triền miên, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng nhanh, GDP tăng bình quân giai đoạn 2005-2015 là 6,5 %/năm; năm 2015, thu nhập bình quân đạt 2.109 USD/người(1). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015(2). Đây là một thành tựu lớn đã được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là một trong số ít các nước đã và đang thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy vậy, vẫn tồn tại thực trạng không đồng đều về mức sống và thu nhập giữa các khu vực, vùng miền: thu nhập bình quân đầu người ở vùng Đông Nam Bộ cao gấp 3,1 lần so với vùng Tây Bắc (2014) và cao hơn 2,6 lần so với cả vùng trung du và miền núi phía Bắc(3).

Khoảng cách thu nhập giữa 20% hộ nghèo nhất và 20% hộ khá giả nhất liên tục dãn rộng(4), mức dao động là từ 8,9 lần (2008) lên đến 9,7 lần (2014).

 Mặt khác, hệ số GINI (chỉ số phản ánh sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam cũng tăng từ 0,42 (giai đoạn 2004-2008) lên 0,43 (giai đoạn 2010-2014). Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn là 9,2%, gấp hơn 2 lần so với đô thị (2,5 lần)(5). Các nhóm người dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng bị tụt hậu trong quá trình tăng trưởng, dẫn đến nghèo tại Việt Nam ngày càng tập trung trong các nhóm DTTS. Nếu như năm 1998, người DTTS chiếm 29%, thì đến năm 2010 người DTTS chiếm đến 47% trong tổng số người nghèo tại Việt Nam(6). Vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 16% hộ nghèo cả nước, sau đó là khu vực Tây Nguyên với 11,3%(7). Trong khi đó, việc lấy đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án công nghiệp khiến số hộ nông dân không có đất canh tác ngày càng gia tăng; vùng Đông Nam Bộ là một thí dụ điển hình, năm 2006, số hộ dân không có đất canh tác ở đây là 17% năm 2010 đã tăng lên 40%(8); năm 2011, diện tích đất trồng lúa của vùng giảm 21,94%(9).

Hệ quả là tình trạng thiếu việc làm ngày càng gia tăng ở nông thôn, tính đến năm 2015, nông thôn Việt Nam có 86,5% lao động thiếu việc làm(10), tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn chỉ dao động từ 76,45% đến 80,92%, thời gian nông nhàn tương đối cao.

Sự dư thừa thời gian lao động ở nông thôn cũng như khoảng cách thu nhập chênh lệch lớn giữa đô thị và nông thôn là hai trong một số nhân tố chính thúc đẩy người dân di cư từ nông thôn ra đô thị. Mặc dù trong giai đoạn 2009-2014, cường độ di cư ở mọi loại hình có giảm so với giai đoạn trước, song riêng di cư giữa các tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình di cư khác, từ 37,4% (2009) lên 42,7% (2014)(11).

Cụ thể là, giai đoạn 2009-2014 cả nước có 1,8 triệu người di cư, trong đó gần 50% vì mục đích kinh tế hoặc có công việc mới, tỷ lệ nữ giới 57,5% cao hơn so với 42,5% nam giới và độ tuổi còn khá trẻ dao động từ 20-24,4(12). Một số lượng lớn lao động di cư từ nông thôn ra đô thị dẫn tới tỷ lệ nhập cư thuần và dân số thành thị gia tăng đáng kể, năm 2014 gia tăng dân số ở thành thị là 0,7%, trong khi đó ở nông thôn giảm 0,35%(13). Đối với những người di cư từ nông thôn ra thành thị, nơi đến phổ biến nhất là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Dòng di cư tới các khu đô thị này chiếm 1/3 mức  tăng dân số của các khu đô thị  trong giai đoạn 2005-2009. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở (2014) cho thấy trong giai đoạn 2010-2014 có 6,6 triệu người di cư giữa trong và ngoài tỉnh của Việt Nam; gia tăng đáng kể so với 4,5 triệu người ghi nhận từ cuộc tổng điều tra năm 2009. Điều này dẫn tới sự tăng dân số ở khu vực thành thị với tỷ lệ tăng dân số hằng năm lên tới 3,4% so với mức tăng dân số ở khu vực nông thôn là 0,4%. Theo đó, một loạt các vấn đề đô thị đặt ra, trong đó có vấn đề nhà ở và tiếp cận an sinh xã hội cho người di cư.

2. Thực trạng nhà ở và tiếp cận an sinh xã hội của người di cư

Hiện nay, nhu cầu nhà ở tại đô thị là một trong những nhu cầu bức thiết hàng đầu và ngày càng gia tăng. Năm 2014, ở các đô thị có khoảng 18,4% hộ gia đình đang ở nhà đi thuê(14). Đối với các thành phố lớn, nhu cầu nhà ở càng trở nên cấp thiết, theo khảo sát năm 2015, khoảng 22,2% số hộ ở thành phố Hồ Chí Minh, 13% số hộ ở Hà Nội, 5,7% ở Bình Dương... có nhu cầu mua nhà. Cùng với gánh nặng chi tiêu, khó khăn trong tiếp cận an sinh xã hội và các vấn đề liên quan đến việc thuê nhà càng khiến tâm lý của phần lớn người thuê nhà bất an, lo lắng.

Việc đăng ký hộ khẩu của người di cư

Qua khảo sát cho thấy, phần lớn người di cư không đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi đến, đặc biệt với nhóm tuổi dưới 30. Trong số 4.998 người được phỏng vấn, có 95% đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở nơi ở trước, nhưng ở nơi họ di cư đến, số người đăng ký hộ khẩu thường trú ít hơn hẳn so với số người đăng ký tạm trú ngắn hạn. Số người ở độ tuổi dưới 20 trên 30 đăng ký thường trú chỉ từ 6,2% đến 17%, việc đăng ký tạm trú ngắn hạn chiếm đa số, trên 50%(15) (xem Bảng 1).

KT1: Hộ khẩu thường trú; KT2: Hộ khẩu tạm trú dài hạn trong các tỉnh, thành thuộc Trung ương (khác với nơi đăng ký thường trú); KT3: Hộ khẩu tạm trú dài hạn trong một tỉnh, thành thuộc Trung ương (khác với nơi đăng ký thường trú); KT4: Sổ tạm trú ngắn hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khác với nơi đăng ký thường trú).

Một khảo sát khác cũng cho thấy: 53% số người nhập cư có nhu cầu đăng ký hộ khẩu tại đô thị. Tuy nhiên, việc đăng ký hộ khẩu được quản lý rất chặt chẽ, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, được xem là thông thoáng nhất trong việc đăng ký hộ khẩu, còn tồn tại những gia đình sinh sống hơn 20 năm vẫn chưa có hộ khẩu(16).

Về lý do không đăng ký hộ khẩu thường trú, phần lớn người di cư trả lời rằng họ không thuộc diện được đăng ký và bản thân họ nghĩ việc đó là không cần thiết. Bên cạnh đó, người di cư cũng nói họ thấy “mất thời gian”, “chi phí tốn kém” và không đi đăng ký. Hiện tại ở 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có tới 60% người nhập cư làm việc mà không có hợp đồng chính thức. Việc không đăng ký thường trú, tạm trú sẽ khiến họ đối mặt với việc bị vi phạm hợp đồng lao động và “hiếm khi nhận được các lợi ích khác như bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm, thai sản hay nghỉ phép năm. Luật Bảo hiểm Xã hội quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì mới đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc”(17).

Vấn đề nhà ở và tiếp cận an sinh xã hội của người di cư

Điều tra Di cư Việt Nam năm 2014 cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong tình trạng nhà ở của người di cư từ nông thôn ra đô thị. Nếu như 20% người di cư ở những căn nhà đơn sơ vào năm 1999 thì đến năm 2009, dạng nhà này giảm xuống 2,4% và 1,1% (2014), dạng nhà bán kiên cố có sự gia tăng đáng kể từ 52,7% (2009) lên 38,4% (2014)(18). Tuy vậy, tỷ lệ người di cư có được những căn nhà kiên cố lại giảm từ 28% (1999) xuống còn 20% (2009). Kết quả này có thể cho thấy có sự khó khăn không nhỏ trong việc tìm kiếm một chỗ ở an toàn và kiên cố đối với người di cư từ nông thôn ra đô thị. Hơn nữa, gần 45% người di cư nói rằng họ gặp khó khăn sau khi chuyển đến, và việc không có nơi ở thích hợp (nơi cư trú) được coi là vấn đề chính.

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011 có trên 30% số dân di cư đến từ nông thôn(19), mỗi năm thành phố tăng hơn 200.000 người, trong đó 130.000 người là dân nhập cư.

Tại các đô thị lớn còn nhiều người nghèo, đặc biệt là những người mới di cư đến, sống trong những căn nhà trọ xây tạm và ở những khu vực hạ tầng nghèo nàn hoặc không có hạ tầng. Nhiều người di cư khác lại sống trong những nhà trọ chất lượng thấp và trả tiền trọ hàng  ngày  hoặc  sống  tại  nơi làm việc mà thường là các công trường xây dựng. Những người di cư này cố gắng dành dụm tiền cho tương lai hoặc gửi về cho gia đình, vì thế phải giảm thiểu chi phí cho các nhu cầu khác của mình. Họ chỉ sử dụng rất ít tiền cho việc ăn uống và chăm sóc sức khỏe và thực tế này dẫn đến điều kiện sống tạm và không an toàn cho các cư dân và làm tăng các nguy cơ về các bệnh lây nhiễm và sức khỏe kém.

Về nhà ở của công nhân, có khoảng 50% lực lượng lao động  tại các khu công nghiệp và khu chế xuất tại miền Bắc và 65,8% lao động  tại các  khu vực miền Nam đang có nhu cầu về nhà ở(20). Đa số các nhà trọ của công nhân tại các khu công nghiệp đều rất chật chội, không an toàn và thiếu vệ sinh; người lao động không có nhiều lựa chọn các hình thức giải trí trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình; đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng tiêu cực như uống rượu, đánh bạc, gây hại cho sức khỏe và tinh thần của người lao động.

Ngay cả khi đã có chỗ ở, khả năng người di cư được hưởng các dịch vụ liên quan đến nhà ở thường phức tạp hơn vì lý do hộ khẩu. Người đi thuê nhà sẽ phải phụ thuộc vào việc chủ nhà có cho phép họ đăng ký hộ khẩu vào cùng với gia đình của chủ nhà hay không. Nếu chủ nhà trọ không đồng ý chứng nhận tình trạng hợp đồng, người thuê nhà sẽ phải chịu nhiều hạn chế. Thí dụ, họ không thể sử dụng đồng hồ tính điện, nước riêng và phải chấp nhận mức giá chủ nhà đưa ra. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà, người thuê nhà sẽ không đủ điều kiện đăng ký các dịch vụ liên quan đến sinh hoạt hàng ngày.

Việc không có nơi cư trú ổn định hoặc nơi cư trú không thích hợp, khiến người di cư không những bị cô lập về mặt xã hội mà họ còn bị cô lập về mặt không gian. Nếu người di cư không có hộ khẩu thường trú thì ngoài việc gặp khó khăn trong tiếp cận an sinh xã hội, họ còn bị một số doanh nghiệp cố tình ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để tránh đóng bảo hiểm xã hội, nhiều cơ sở còn không đóng bảo hiểm y tế cho họ.

Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay có 38% người di cư lâu dài, 40% người di cư tương đối lâu dài và 46% người di cư tạm thời đang sinh sống và làm việc ở đô thị không có thẻ bảo hiểm y tế(21). Nhiều trường hợp người lao động nhập cư còn không mua bảo hiểm y tế (BHYT), nguyên nhân là do những vướng mắc về thủ tục hành chính, khả năng tài chính riêng và những băn khoăn về dịch vụ. Đặc biệt ở các đô thị lớn, vấn đề tiếp cận BHYT cũng như bệnh viện công của lao động nhập cư càng trở nên khó khăn. 79,2% người lao động nhập cư không chính thức cho rằng họ khó tiếp cận với các bệnh viện công, chỉ có 29,2% cho rằng họ thấy thuận lợi khi khám chữa bệnh ở bệnh viện công.

Tìm hiểu về tiếp cận an sinh xã hội của người nhập cư từ nông thôn tại 2 thành phố lớn cho thấy: số gia đình chỉ có trẻ em hưởng BHYT còn cha mẹ không có chiếm tỷ lệ áp đảo, ở Hải Phòng là 79,7% và thành phố Hồ Chí Minh là 73,4%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lớn hộ gia đình không được tiếp cận các thông tin về BHYT, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 60% hộ gia đình trong diện điều tra không được biết đến các thông tin BHYT (bảng 2)(22)

Bên cạnh đó, lao động di cư tạm thời từ nông thôn ra đô thị còn đối mặt với việc không được khám sức khỏe định kỳ. Các cơ sở thuê họ làm việc hầu như không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.

Do những trở ngại về hộ khẩu nên việc tiếp cận với các dịch vụ giáo dục công của con cái người di cư cũng là một vấn đề nan giải. Con cái của những hộ gia đình được cấp hộ khẩu KT4 (tạm trú ngắn hạn ở một tỉnh thuộc Trung ương) hầu như không nhận được các hỗ trợ an sinh xã hội về giáo dục, điều tra ở quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) cho thấy chỉ có 14,3% con cái gia đình nhập cư tạm thời được trợ cấp sách giáo khoa, trong khi ở quận Dương Kinh (Hải Phòng), tỷ lệ này là 2,2%(23).

Như vậy, lao động di cư tạm thời từ nông thôn ra đô thị phải tự mình đối mặt với rất nhiều khó khăn vì họ không thể dựa vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại nơi nhập cư.

Gần đây, Quốc hội đã thông qua Luật cư trú mới ở Việt Nam, đã có nhiều kiến nghị xem xét lại tính thiết yếu của hộ khẩu trong việc quản lý người di cư cũng như cải cách hệ thống này. Một báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội ước tính có trên 420 văn bản pháp lý về những giao dịch có yêu cầu hộ khẩu của các bên liên quan (trong số đó có 380 văn bản vẫn còn hiệu lực). Điều đó chứng tỏ hệ thống hộ khẩu nhiều khi bị lạm dụng trong các hoạt động hành chính và vô hình chung gây khó khăn trực tiếp cho lao động nhập cư khi tiếp cận các dịch vụ khác mà không có hộ khẩu thường trú ở đô thị.

Bên cạnh đó, Nghị định 103/2003/NĐ-CP ban hành ngày 12-9-2003 của Chính phủ liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe và dược sĩ không yêu cầu người dân phải có hộ khẩu thường trú - nhưng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có người dân địa phương mới có thể xin được giấy phép hành nghề chăm sóc y tế và dược phẩm này. Theo Quyết định 71/2005/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành, điều kiện tiên quyết khi hộ gia đình xin vay tiền là phải có hộ khẩu thường trú…

Những năm gần đây, Chính  phủ và các thành phố lớn đã có những nỗ lực đáng kể nhằm cải thiện vấn đề nhà ở cho người lao động nhập cư, đã có một số sáng kiến xây nhà ở xã hội và nhà dành cho những người thu nhập thấp. Tuy vậy, chương trình này vấp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Hơn nữa, những nỗ lực này cũng không tới được những người nghèo nhất vì việc không có hộ khẩu sẽ không đủ điều kiện đăng ký mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, việc kiểm soát các hiện tượng tiêu cực như: lách luật, cố ý làm trái quy định để mua nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội cũng là những vấn đề gây nhức nhối(24).

Như vậy, trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tỷ lệ di cư nông thôn - đô thị không ngừng gia tăng, thì vấn đề nhà ở tại các đô thị lớn là một trong những vấn đề khó khăn chính trong việc bảo đảm các quyền cho người di cư nông thôn - đô thị. Điều này đặc biệt quan trọng khi vấn đề nhà ở gắn liền với các phúc lợi xã hội khác như y tế, giáo dục. Việc giải quyết được vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành. Về mặt lâu dài, vấn đề di cư trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cần được nhận thức đúng đắn để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi của người dân. Trước mắt, có những việc có thể cải thiện ngay. Đó là, các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu, BHYT, trường học công... cũng cần được cải thiện theo hướng đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả; chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trên tất cả mọi lĩnh vực theo luật quy định.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2016

(1) Tổng cục Thống kê: Báo cáo tính tình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015, Hà Nội, 2015, tr.21.

(2) ĐCSVN: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội, 2015.

(3), (4), (5), (7) Tổng cục Thống kê: Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm (2011- 2015), Nxb Thống kê, Hà Nội, 2016, tr.124, 126, 137, 127.

(6) Ngân hàng Thế giới: Báo cáo về tình hình đói nghèo ở Việt Nam, Hà Nội, 2014.

(8) Lê Quốc Hội: Bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách, Hà Nội, 2010.

(9) Trần Hữu Quang: Nông dân và ruộng đất ở Nam Bộ: Những đặc trưng và bài  toán phát triển, Tạp chí Xã hội họcsố 3 (127) - 2014, tr.25.

(10) Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động - việc làm quý IV năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2016, tr.5.

(11), (12), (13), (14), (18) Tổng cục Thống kê: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2015, tr.85, 91, 95, 105, 98.

(15) UNFPA: Chất lượng cuộc sống của người di cư Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr.18.

(16) Ngân hàng thế giới & Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam, Hà Nội, 2016.

(17) UNFDA: Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu ở Việt Nam 2014, Hà Nội, 2014, tr.16.

(19) Bùi Việt Thành: Một số vấn đề di cư nông thôn - đô thị: thách thức và cơ hội cho thành phố Hồ Chí Minh, Đô thị học và Quản lý đô thị, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, 2011.

(20) Thu Uyên: Bức thiết nhu cầu nhà ở của công nhân tại khu công nghiệp, báo Bắc Ninh, 2014.

(21) Lê Bạch Dương, Nguyễn Thanh Liêm: Từ nông thôn ra thành phố: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011, tr.105.

(22), 23) Aconaid:  Tóm tắt chính sách: Tiếp cận an sinh xã hội của người lao động nhập cư, Hà Nội, 2014, tr.4-5, 7.

(24) http://dantri.com.vn

 

ThS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Đại học Hải Phòng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền