Trang chủ    Thực tiễn    Tình hình đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Thứ sáu, 12 Tháng 5 2017 12:58
10213 Lượt xem

Tình hình đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

(LLCT) - Vượt qua những rào cản trong quá khứ, quan hệ Việt Nam -Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù vậy,vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế và tiềm năng, nhu cầu phát triển kinh tế của hai nước, còn nhiều khả năng phát triển hơn nữa trong tương lai.

Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.280 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký 42,05 tỷ USD (tính đến tháng 2-2017), chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt 30 tỷ USD năm 2016.

1. Tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

- Về quy mô đầu tư

Sau khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành (12-1987), Việt Nam đã đón nhận những dự án đầu tư từ Nhật Bản, dù số dự án và lượng vốn đầu tư còn rất thấp. Trong 3 năm (1989-1991), mỗi năm chỉ có một dự án và giá trị của dự án cũng không đáng kể. Từ năm 1992, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên cả về số lượng và giá trị. Năm 1993, quan hệ Việt - Nhật Bản có bước chuyển mới được mở ra sau một năm Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, đồng Yên lên giá mạnh đã mở ra thời kỳ các nhà đầu tư Nhật Bản ồ ạt vào Việt Nam. Năm 1994, số dự án FDI Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng lên 68 với số vốn hơn 200 triệu USD. Năm 1995, là năm “bùng nổ” về FDI Nhật Bản vào Việt Nam, đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam với giá trị vốn đăng ký vượt qua 1,3 tỷ USD. Năm 1996, vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản vào Việt Nam là 778,8 triệu USD, giảm nhiều so với năm 1995. Với hậu quả của cuộc khủng khoảng tài chính khu vực, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam giảm sút trong năm 1998 và 1999, từ 65 dự án với số vốn 657,3 triệu USD (1998), giảm còn 14 dự án đăng kí với tổng số vốn là 62,1 triệu USD năm 1999 (xem Bảng 1).

Bảng 1: Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam (1997 -2008)

                                                                     Đơn vị: triệu USD

Năm

Số dự án

Tổng vốn đầu tư

1997

65

657,3

1998

12

108,0

1999

14

62,1

2000

26

80,6

2001

40

163,5

2002

48

102,0

2003

53

100,4

2004

110

810,0

2005

131

1.064,3

2006

154

1.490,0

2007

154

965,2

2008

105

7.287,5

1997-2008

1.003

1.6849,3

Nguồn:JETRO (2009), White Paper on Foreign Direct Investment, (1997-2009), Tokyo.

Năm 2000 và 2001, FDI đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, các dự án vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất quy mô nhỏ. Mặc dù môi trường pháp lý đã được cải thiện từ khi Luật đầu tư nước ngoài được sửa đổi (5-2000), việc triển khai luật và các chính sách cụ thể về phát triển công nghiệp của Việt Nam trong năm 2002 đã làm môi trường đầu tư xấu đi nghiêm trọng. Đến năm 2002, nguồn FDI tiếp tục giảm, chỉ đạt 102 triệu USD, giảm 37,6% so với năm 2001. Năm 2003, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức 100 triệu USD giảm 1,7% so với năm 2002, xét về khối lượng đầu tư Nhật Bản đã chuyển từ nhà đầu tư lớn thứ tư sang thứ bảy. 

Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được thông qua ngày 10-12-2003, Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản được ký kết ngày 14-11- 2003 đã thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư năm 2004 tăng gấp 8 lần so với năm 2003, đạt mức 810 triệu USD với 110 dự án.

Luật đầu tư (2005) được Quốc hội thông qua và việc Việt Nam và Nhật Bản khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương Mại tự do đầu năm 2006 là tín hiệu tốt làm cho làn sóng đầu tư Nhật Bản “dữ dội” tràn vào Việt Nam. Năm 2006, số dự án đã tăng gấp 2 (146 dự án) so với năm 2005, với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD. Năm 2007, số dự án vẫn giữ ở mức 154 dự án, nhưng hầu hết có quy mô nhỏ nên tổng vốn có giảm so với năm 2006, đạt 965,2 triệu USD, tụt xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2008 đạt mức kỷ lục 7.287,5 triệu USD, tăng 1,26 % so với năm 2007. Xét về lượng vốn đầu tư tăng lên trong năm 2008 thì Nhật Bản chỉ đứng thứ 2 sau Cayman Island.

Năm 2009, FDI cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu song Nhật Bản vẫn đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 17.817 triệu USD, trong đó vốn điều lệ là 5.157.8 triệu USD. Như vậy, xét về vốn đầu tư, năm 2009 có tăng, song tỷ lệ tăng không đáng kể. Trong khi đó, vốn điều lệ lại giảm so với năm 2008.

Trong 3 năm (2011-2013), đầu tư của Nhật Bản liên tục tăng nhanh. Trong 2 năm liên tiếp (2011-2012) đạt mức cao nhất. Năm 2012, Nhật Bản chiếm tới 51% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 7,8 tỷ USD và 317 dự án được cấp phép (chiếm 25% tổng số dự án mới). Hơn 86% (19,3 tỷ USD) vốn FDI của Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam[1].

Năm 2014, FDI cấp mới và tăng thêm của Nhật giảm 65% từ 5,87 tỷ USD (2013) xuống 2,05 tỷ USD. Xét về đối tác đầu tư năm 2014, Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 4 (sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore). Đây là vị trí thấp nhất sau nhiều năm chiếm vị trí quán quân và á quân[2].

Đến hết năm 2015 Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 1,8 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư, sau Hàn Quốc và Malaysia. Bình quân 1 dự án là 13,88 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án.

Như vậy, mặc dù thứ hạng đã được cải thiện so với năm 2014, từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3, tuy nhiên, số vốn lại giảm 13,88%, từ 2,05 tỷ USD của năm 2014 còn 1,8 tỷ USD năm 2015.

Việc Nhật Bản, đối tác lâu năm cắt giảm đầu tư vào Việt Nam gây ra nhiều mối lo ngại, nhưng bởi nguyên nhân khách quan. Từ năm 2014 hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã suy giảm vì những khó khăn kinh tế tại Nhật Bản và vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu.Ngoài ra, đồng yên mất giá cũng ảnh hưởng đến dòng vốn từ Nhật Bản, khiến Chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu công và mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngay ở thị trường nội địa.

Tuy vậy, đến hết năm 2016, Nhật Bản đã có3.280 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đạt 42,05 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn FDI; xếp thứ 2 trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam[3].

Năm 2016, có 549 dự án của Nhật Bản đầu tư với số vốn trên 2,1 tỷUSD, đứng thứ 2 (sau Hàn Quốc) cả về số vốn và dự án, chiếm trên 10% tổng số vốn FDIđược cấp phép. Trong đó, có 336 dự án đầu tư mới với số vốn được cấp phép 867 triệu USD và 213 dự án đầu tư mở rộng với số vốn được cấp phép đạt trên 1,25 tỉ USD[4] (xem Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam từ 2006-2016

 

-       Cơ cấu vốn đầu tư

Cơ cấu ngànhchịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những yếu tố đặc trưng của các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế Nhật Bản cũng như các yếu tố môi trường đầu tư của Việt Nam trong từng giai đoạn và tương đối tương đồng với cơ cấu đầu tư của Nhật Bản vào các quốc gia khác trong ASEAN.

Là một quốc gia khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế Nhật Bản phát triển chủ yếu dựa vào sự phát triển của công nghệ và các lĩnh vực công nghiệp. Do đó, Nhật Bản chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, tiếp đến kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không đáng kể.

Ban đầu, các doanh nghiệp coi trọng ngang nhau giữa công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nhưng những năm tiếp theo, vốn vào ngành công nghiệp, xây dựng tăng dần lên. Từ năm 1998, công nghiệp và xây dựng luôn chiếm trên 80% tổng vốn FDI đăng ký của Nhật Bản. Từ năm 2004 trở lại đây, tỷ trọng ngành dịch vụ trong vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trở lại tuy còn chậm.

Tính đến hết tháng 2-2017, trong 19 chuyên ngành lĩnh vực đầu tư chủ yếu tại Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1.541 dự án với tổng số vốn đăng ký là 33,54 tỷ USD (chiếm 48,41% tổng số dự án và 80,02% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53 dự án và tổng số vốn là 1,91 tỷ USD (chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,17 tỷ USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác[5].

Như vậy, có thể thấy, lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản nhất hiện nay là công nghiệp chế biến chế tạo, sau đó là kinh doanh bất động sản và xây dựng.

Cơ cấu theo vùng

 Trước năm 1993, Nhật Bản đầu tư chủ yếu ở khu vực đồng bằng, nơi tập trung nhiều dân cư và nhu cầu tiêu dùng cao; cũng chỉ chú trọng vào những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi có môi trường, hạ tầng thuận lợi và nguồn nhân lực có trình độ.

Giai đoạn 1993-1999, phạm vi được mở rộng. Đến hết năm 1999, FDI của Nhật Bản đã có mặt ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Đồng Nai đứng đầu với 27 dự án, chiếm 22%; Hà Nội thứ 2 với 57 dự án.

Sau đó, dòng FDI Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển ra miền Bắc do sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, khu chế xuất trong khu vực này như: Khu công nghiệp Thăng Long, Khu công nghiệp Sài Đồng-Gia Lâm, Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Tây), Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng).

Đến tháng 2- 2017, FDI Nhật Bản đã có ở 52/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó, nhiều nhất là Hà Nội với 856 dự án, với tổng vốn là 5,02 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư). Nhưng Thanh Hóa lại thu hút nhiều vốn từ Nhật Bản nhất với 9,7 tỷ tại 13 dự án (chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư). Trong đó dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có tổng vốn đầu tư tới 9 tỷ USD. Thứ 3 là Bình Dương với 248 dự án, tổng vốn 3,85 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư)[6].

Cơ cấu theo hình thức đầu tư

Giai đoạn đầu, liên doanh là hình thức được các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng nhiều hơn cả, sau đó giảm dần. Đến tháng 2-2017, các dự án chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.678 dự án, tổng vốn đầu tư  24,17tỷ USD (chiếm 82,8% số dự án và 57,5% vốn). Thứ hai là hình thức liên doanh với  540 dự án, tổng vốn 16,16 tỷ USD. Còn lại là các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO…[7].

-Về viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam (1992), Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. Tính lũy kế đến 2015, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 2.600 tỷ Yên[8], chiếm trên 40% tổng nguồn vốn ODA của Việt Nam. Các chương trình viện trợ của Nhật Bản nhằm vào 5 lĩnh vực chính: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường.

Các dự án lớn như: cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tânvà mạng lưới quốc lộ nối các thành phố chính ở khu vực phía Bắc; cáccảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đà Nẵngvà nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất,… được xây dựng. Các dự án về môi trườngnhư dự án thoát nước của thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh,…

ODA của Nhật Bản đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Những đong góp đáng kể của ODA Nhật Bản gồm: Cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho sự phát triển kinh tế; góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển kinh tế xã hội; góp phần phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thể chế và chuyển giao công nghệ, quản lý; góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

2. Một số hạn chế, thách thức

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới tìm hiểu và đầu tư. Tuy vậy, tỷ trọng FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong tổng vốn vào châu Á vẫn khá khiêm tốn.  Thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI của Nhật Bản khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) (2008) thực thi thuộc về môi trường kinh doanh. Trong VJEPA hai bên đã có thoả thuận về cải thiện môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ là cơ hội tốt cho việc thu hút FDI. Hầu hết các các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đưa ra quyết định rót vốn đầu tư tại Việt Nam đều e ngại sự tồn tại của tệ quan liêu giấy tờ và thủ tục hành chính trong khâu cấp phép đầu tư đã ít nhiều khiến cho nhiều nhà đầu tư của nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng cảm thấy không hài lòng, và hệ lụy gây ra là sự chuyển hướng đầu tự sang một nước khác có môi trường đầu tư thông thoáng và ưu đãi hơn.

Bên cạnh đó là sự thay đổi chính sách và các thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư cũng tạo ra một tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư. Sự e ngại của các doanh nghiệp Nhật Bản về một môi trường đầu tư thiếu lành mạnh sẽ khiến cho hình ảnh về môi trường đầu tư bị vấy đục.

Thực tế Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực tới sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh đó là: Cơ sở hạ tầng kém phát triển; Thực thi pháp luật không rõ ràng; Khó tuyển dụng nhân lực cấp quản lý có chất lượng; Chi phí nhân công đang ngày một gia tăng; Hệ thống pháp lý lỏng lẻo và chưa phát triển. Lo ngại về giá nhân công ngày càng gia tăng là điểm đáng quan ngại của các nhà đầu tư.

3. Một số giải pháp

Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả thu hút FDI của Nhật Bản vào Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là,hoàn thiện môi trường đầu tư, trong đó hoàn thiện cả về mặt chính sách đầu tư và cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới. Cụ thể là cần hoàn thiện các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài; minh bạch hóa chính sách đầu tư; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng và thay thế lao động nước ngoài cũng như bảo đảm giá nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục - đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học - kỹ thuật cho người lao động.

Ba là, tiếp tục giữ vững môi trường kinh tế - xã hội ổn định nhằm tạo môi trường an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư nước ngoài thông qua việc tăng cường công tác quốc phòng và an ninh. Đây là việc làm cần thiết nhằm tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng như một số nước, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác triển khai đầu tư vào các nghành lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Công nghiệp hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản; tập trung vào 6 ngành: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, xản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Năm là, đẩy mạnh hình thức xúc tiến đấu tưtại chỗ như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư triển khai việc kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả, theo tinh thần của Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới.

Sáu là, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với Nhật Bản dưới nhiều hình thức: như thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản và nhà đầu tư của một số tỉnh của Nhật Bản nói riêng, xây dựng trang web xúc tiến đầu tưbằng tiếng Nhật,v.v,.. Chú trọng xúc tiến đầu tưđối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp. Các SME (4,7 triệu doanh nghiệp) chiếm 99,7% tổng số doanh nghiệp tại Nhật, có công nghệ kỹ thuật hiện đại và đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ lao động có khả năng ngoại ngữ và chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

    ______________________

[1]Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam sau khủng hoảng, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2013/23664/Dau-tu-truc-tiep-cua-Nhat-Ban-vao-Viet-Nam-sau-khung.aspx

[2]Vốn đầu tư Nhật giảm mạnh ở Việt nam, Thái Lan và Indonesia, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/von-dau-tu-nhat-giam-manh-o-viet-nam-thai-lan-va-indonesia-1425952062.htm

[3]http://www.vietrade.gov.vn/tin-tc/6118-thuong-mai-viet-nam-nhat-ban-ky-vong-dat-60-ty-usd-vao-nam-2020.html

[4]http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5185/Tinh-hinh-dau-tu-cua-Nhat-Ban-tai-Viet-Nam

[5]http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5185/Tinh-hinh-dau-tu-cua-Nhat-Ban-tai-Viet-Nam

[6]http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5184/Tinh-hinh-dau-tu-cua-Nhat-Ban-tai-Viet-Nam

[7]http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5185/Tinh-hinh-dau-tu-cua-Nhat-Ban-tai-Viet-Nam

[8]95 tỷ yên vốn ODA của Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam đợt 1 năm tài khóa 2015, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-5074-95-ty-yen-von-oda-cua-nhat-ban-vien-tro-cho-viet-nam-dot-1-nam-tai-khoa-2015.html

 

      ThS Trần Thị Hằng

                                                           Học viện Chính trị khu vực III

 
 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền