Trang chủ    Thực tiễn    Vấn đề quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng
Thứ tư, 14 Tháng 6 2017 14:30
3096 Lượt xem

Vấn đề quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng

(LLCT) - Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ của vùng đồng bằng sông Hồngđòi hỏi công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các tỉnh, thành phố phải đi trước một bước, bảo đảm phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia,  phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải nâng cao chất lượng, có tầm nhìn chiến lược và đổi mới kịp thời.

Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất(1).

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quản lý nhà nước về đất đai và là một trong những giải pháp lớn để sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước và các địa phương; khắc phục các mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch sử dụng các loại đất của các ngành, cân đối việc sử dụng quỹ đất quốc gia giữa các ngành, là cơ sở để các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch, kế hoạch phát triển; định hướng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đất đai.

1. Thực trạng quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng là một vùng rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, bao gồm 11 tỉnh và thành phố : Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Đây là khu vực chiếm toàn bộ địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (7 tỉnh và thành phố),là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và của cả nước;là khu vực có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh. Cùng với đó là quá trình thu hẹp đất nông nghiệp, gia tăng số hộ gia đình không có đất sản xuất, nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai (thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai,…). Tình hình trên đã tác động mạnh đến công tác quản lý nhà nước về đất đai và đặc biệt là công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của vùng đồng bằng sông Hồng.  

Hoạt động quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.  Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2016 được Chính phủ phê duyệt, UBND cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để các quận, huyện, thành phố trực thuộc hoàn hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2016 và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo cơ sở cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng… Quy hoạch đều chú trọng đến việc sử đất chuyên trồng lúa, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị,... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Một số chỉ tiêu thực hiện kế hoạch sử dụng đất đến năm 2016 của một số tỉnh, thành phố khá cao. Thái Bình: đấtnông nghiệp kế hoạchđược duyệtđến năm 2016 là 105.347,72 ha, kết quả thực hiện đến năm 2016 là 107.921,47 ha, vượt 2,44% so với chỉ tiêu kế hoạchđược duyệt (tăng 2.573,75 ha); đất phi nông nghiệp kế hoạch được duyệt đến năm 2016 là 52.810,34 ha, kết quả thực hiện được đến năm 2016 là 50.233,77 ha và đạt 95,1% so với chỉ tiêu kế hoạch đã được duyệt (còn 2.586,57 ha là chưa thực hiện được)(2). Hưng Yên: đất nông nghiệp kế hoạch sử dụng đất năm 2016 được duyệt là 58.190,67 ha, kết quả thực hiện là 60.553,53 ha, đạt 104,06% so với kế hoạch được duyệt; đất phi nông nghiệp kế hoạch sử dụng đất năm 2016 được duyệt là 34.585,46 ha, kết quả thực hiện là 32.222,77 ha, đạt 93,17% so với kế hoạch được duyệt(3).

Đến nay, UBND cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) và đang trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Nam Định là tỉnh đã hoàn thành việc điều chỉnh và trình Chính phủ khá sớm, thứ hai cả nước, sau Đồng Nai. Các điều chỉnh này về cơ bản là phù hợp với các nội dung mới của Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều bất cập như:

- Kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2015, 2016 của một số tỉnh, thành phố đạt thấp, một số các chỉ tiêu chưa đạt, như: chỉ tiêu sử dụng đất lúa và chỉ tiêu phát triển đất phi nông nghiệp (đặc biệt là đất công nghiệp và đất thương mại, dịch vụ). Tại Bắc Ninh, đất nông nghiệp giảm 113,15 ha (đạt 5,53 % kế hoạch); đất phi nông nghiệp tăng 114,29 ha (đạt 5,57% kế hoạch); đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng 1,14 ha (đạt 31,57%)(4).

- Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được ban hành khá chậm, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, sử dụng đất. Đến hết tháng 3-2013, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2016 của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng mới được Chính phủ phê duyệt. Tháng 5-2017, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) vẫn chưa được Chính phủ chính thức phê duyệt. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ còn chậm so với quy định của Luật Đất đai năm 2013.

- Quy hoạch sử dụng đất vẫn chung chung, không sát thực tế, không ổn định, bất cập và tính khả thi không cao. Một số địa phương vẫn quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp năng suất cao; quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp dàn trải, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp thấp, nhiều khu công nghiệp còn để hoang hóa; quỹ đất dành cho y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu; cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý; quỹ đất dành cho giao thông đô thị và công trình công cộng còn thiếu.

- Việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đấtchưa được UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạo thựchiện nghiêm túc, nhiều nơi mang tính hình thức, thủ tục, có những địa phương không tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Thí dụ:năm 2015, tỉnh Hà Nam có 4/6 huyện không lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 43 của Luật Đất đai và không có thông báo kết quả thẩm định theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

- Cơ quan tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn yếu về chuyên môn, chưa có tầm nhìn chiến lược; việc dự báo nhu cầu sử dụng đất đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa sát với thực tiễn, chưa đánh giá đúng tình hình phát triển kinh tế - xã hội để cân đối nhu cầu sử dụng đất cho phù hợp.

2.Một số phương hướng, giải pháp

- Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa bảo đảm quỹ đất phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước vừa bảo đảm môi trường, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quỹ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn và lâu dài.

- Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong đó, cần chú trọng việc đào tạo cán bộ chuyên môn tham gia vào công tác quy hoạch, bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất và cán bộ, chuyên gia thẩm định, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Cần chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng các phương pháp tiên tiến trong lập, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Nâng cao tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bằng cách tăng cường công tác điều tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, bảo đảm sự tham gia phản biện của các nhà khoa học, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

- Đề cao hoạt động lấy ý kiến nhân dân tham gia đóng góp về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cần coi đó là khâu trọng yếu trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Luật Đất đai cần xác định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của nhân dân; xác định rõ cách thức xử lý khi đa số nhân dân không đồng tình với phương án quy hoạch sử dụng đất cũng như trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu không tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoặc lấy ý kiến nhân dân không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

- Cần tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường với cơ quan quản lý các ngành kinh tế - xã hội khác.

_______________

(1) Luật Đất đai năm 2013: khoản 2, 3 Điều 3.

(2) Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình: Báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

(3) Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên: Báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường năm 2016.

(4) Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh: Báo cáo đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường năm 2016 tỉnh Bắc Ninh

 

 PGS,TS Nguyễn Cảnh Quý

ThS Mai Thị Thanh Tâm

Viện Nhà nước và Pháp luật

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền