Trang chủ    Thực tiễn    Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tập quán sản xuất đối với nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:08
1941 Lượt xem

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tập quán sản xuất đối với nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long(1) (ĐBSCL) có điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.Hằng năm,vùng đóng góp 56%sản lượng lương thực,hơn90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% diện tích nuôi trồng thủy sản và 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước(2). Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh sự tác động của thiên tai, các hoạt động của con người cũng đang tác động ngày càng tiêu cực đến nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đó là việc duy trì tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, chú trọng tới năng suất mà không quan tâm chất lượng và vấn đề bảo vệ môi trường. Những yếu tố trên đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp vùng ĐBSCL.

1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức về sinh kế, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước cho cả nước nói chung cũng như vùng ĐBSCL nói riêng.

Thứ nhất, hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, ĐBSCL chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, khiến năng suất, tốc độ tăng trưởng, diện tích sản xuất nông nghiệp, và nuôi trồng thủy sản; ước tính thiệt hại 6 tháng đầu năm 2016 gần 4.700 tỷ đồng(3). Theo kết quả khảo sát tháng 9-2016, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây, và ngày càng mở rộng ra các tỉnh trong vùng ĐBSCL, trong đó 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh (Xem bảng 1). Biến đổi khí hậu đã làm cho triều cường, mực nước biển ở ĐBSCL dâng cao hơn so với 5 năm trước, sự dâng cao của mực nước biển đã làm sạt lở bờ biển, gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của BĐKH, cụ thể là do hiện tượng El-Nino, nên tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện ở vùng ĐBSCL sớm hơn so với cùng kỳ trung bình hàng năm gần 2 tháng, nước mặn từ biển vào sâu trong đất liền hơn 90km. Xâm nhập mặn đã gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích thiệt hại là 126.798 ha; trong đó, 78.137 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%), 45.740 ha thiệt hại từ 30%-70% năng suất (chiếm 36%), 2.921 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 2%). Nhiều vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, tôm chết do nắng nóng kéo dài, thiếu nước ngọt bổ sung; nhiều vườn cây ăn trái bị khô héo; nhiều khu rừng đang trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, 5)(4).

Thứ hai, BĐKH dẫn đến sự phát triển không bền vững của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Do sức hút của nguồn lợi nhuận thu được từ các hoạt động khai thác tự nhiên (nuôi trồng thủy sản, khai thác đất tự nhiên), hoặc do những sai lầm trong các chính sách phát triển kinh tế trước đây đã tác động tiêu cực đến tính bền vững của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Dưới tác động của BĐKH, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất và diện tích sản xuất sụt giảm. Để đáp ứng nhu cầu lương thực cho vùng ĐBSCL, cũng như cả nước, người dân đã chuyển sang hình thức sản xuất mới ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại hơn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự chủ động của người dân trong ứng phó với BĐKH, tuy nhiên quá trình này cũng tác động tiêu cực đến tự nhiên khi vấn đề môi trường không được bảo đảm. Và đối tượng dễ bị tổn thương nhất là nông dân, người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khơ-me, Chăm.

2. Ảnh hưởng của tập quán sản xuất đối với nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ. Song người nông dân vẫn duy trì thói quen, kinh nghiệm canh tác cũ, lạc hậu hoặc áp dụng các biện pháp canh tác không hợp lý như: phun thuốc sâu nhiều lần, bón phân với liều lượng cao. Lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được sử dụng ngày càng nhiều. Hiện nay, trung bình mỗi năm, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân hóa học và hàng trăm nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, làm gia tăng khả năng ô nhiễm đất, suy thoái đất đai.

Theo kết quả khảo sát tháng 9-2016, trong số 197 người được hỏi thì có đến 179 người cho rằng hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp đã sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hơn trước (Xem bảng 2).

Việc sử dụng phân bón hóa học đã làm tăng đáng kể năng suất cây trồng, nhưng liều lượng sử dụng không hợp lý dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Dư lượng thuốc ngấm vào đất và hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch, gây ra nhiều tác hại cho các loài thực vật, động vật. Hiện nay, trên các cánh đồng ở ĐBSCL số lượng các loài cá, cua, ốc giảm đi đáng kể so với trước đây. Ngoài ra, phun thuốc trừ sâu trên diện rộng còn gây nên tác hại không nhỏ đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đã phá vỡ tính cân bằng của hệ sinh thái, gây nguy hại đến môi trường và cả sức khỏe của con người.

Việc phát triển quá mức ngành nuôi trồng thủy sản đã gây ra nhiều tác hại xấu đến môi trường, nhất là môi trường đất. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu vực nuôi thủy, hải sản là do chưa xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm trong nước thải. Tại ĐBSCL, chỉ riêng nghề nuôi tôm nước lợ đã thải ra 621.022 tấn BOD, 14.868 tấn Nitơ, 3.034 tấn Phốt phát(5).

3. Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới

Một là, các địa phương cần quán triệt, vận dụng một cách sáng tạoquan điểm phát triển bền vững, bảođảm sự kết hợp hài hòagiữa mục tiêu phát triển kinh tếvới mục tiêu bảo vệ môi trường. Cần chủ động trong các chương trình, kế hoạch hành động, tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở đó tạo ra những sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước, cũng như trên thế giới. Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng mà vùng có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái...

Hai là, chính quyền các địa phương cần thực hiện triệt để các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững vùng.Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về BĐKH đến người dân, phân tích vấn đề phát triển nông nghiệp của địa phương trước những tác động của BĐKH để có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, tổ chức quán triệt, phổ biến trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm đạt được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động về ứng phó với BĐKH.

Ba là, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng phó với những thay đổi của BĐKH, đặc biệt là ứng phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt. Đồng thời, các địa phương trong vùng cần xây dựng hệ thống đê kiên cố, hệ thống kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy có khả năng vận chuyển kịp thời các mặt hàng nông sản ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các ngành cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu, sử dụng những công nghệ hiện đại như công nghệ nhà kính, công nghệ giống, công nghệ chế biến các sản phẩm của nông nghiệp và công nghệ tưới nước nhỏ giọt,... để tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Bốn là, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao trình độ và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm của các địa phương và các nước trên thế giới cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ rất hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nói chung và các hoạt động công nghệ phục vụ nông nghiệp nói riêng. Ở vùng ĐBSCL đã xây dựng được mô hình liên kết “bốn nhà” và đã thực hiện được trong nhiều năm nhưng hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, để sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH, vùng ĐBSCL cần hoàn thiện mối liên kết giữa các “nhà” trong sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện của vùng. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là kiến thức về khoa học và công nghệ.

Năm là, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý. Trước ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều nơi trong vùng, các cấp quản lý, các cơ quan quy hoạch, các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất, đặc biệt đối với việc sản xuất lúa. Theo đó, tại vùng mặn hẳn thì nên đầu tư trồng rừng, tại vùng nước ngọt thì phát triển mô hình tôm - lúa, tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn thì phát triển trồng lúa... Các địa phương cần tăng cường các giải pháp về khoa học công nghệ để thích ứng với BĐKH, chẳng hạn nghiên cứu các giống tôm, cá chịu được hạn, mặn; các loại cây có thể trồng được trên vùng đất bị xâm nhập mặn. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “4 đúng” để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng và bảo vệ môi trường.

Sáu là, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mêkông và cộng đồng quốc tế để ứng phó với BĐKH.Một mặt, cần tăng cường hợp tác trao đổi với các quốc gia trong Ủy hội sông Mê Kông và Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin, khai thác nguồn nước của sông Mê Kông. Mặt khác, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán như Vương quốc Hà Lan, Ixraen, Ôxtrâylia nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL. Việc tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững .

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Bao gồm 13 tỉnh, thành: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

(2) Trần Hồng Hà: Phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Tuyên giáo, Số 5-2016, tr.75.

(3)  Hà Văn: Để ĐBSCL phát triển bền vững thời kỳ biến đổi khí hậu, Báo Cần Thơ, Số 277 (4579), ngày 12-10-2016, tr.6.

(4)  Phong Vân: Miền Tây trong thiên tai lịch sử, Tạp chí Cộng sản(Hồ sơ sự kiện), Số 324, ngày 10-4-2016, tr.16-17.

(5) Trương Hoàng Đan, Bùi Trường Thọ: Giáo trình quản lý chất lượng môi trường,Nxb Đại học Cần Thơ, 2011, tr.48.

 

Phạm Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền