Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:24
3709 Lượt xem

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc

(LLCT) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước. Đến nay, Chương trình xây dựng NTM đã thực hiện được 5 năm (2010 - 2015), các thành tựu và hạn chế bước đầu đã được đánh giá, tổng kết. Nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có nhiều khởi sắc, đạt được những thành tựu khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, hình thành một diện mạo nông thôn mới hiện đại, văn minh. Có được thành quả đó là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân, với nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo.

Tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục xác định “phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”(1), trong đó “cần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo và bộ máy tổ chức thực hiện các cấp ở Trung ương và các địa phương, ra sức tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới”(2).

1. Năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới

Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của những hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả(3). Năng lực là tổ hợp của ba yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ (4). Theo đó, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở Tây Bắc thể hiện trên những phương diện sau:

Kiến thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốtthể hiện ở tri thức, sự hiểu biết, khả năng tiếp nhận, phân tích, tổng hợp các vấn đề, xu hướng phát triển, những cơ hội và thách thức trong tương lai. Để lãnh đạo xây dựng NTMcó hiệu quả, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã phải là người nắm bắt tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM, am hiểu tình hình thực tế,  phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương mình để triển khai, vận dụng đúng,phù hợp vào các lĩnh vực mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Kỹ năngcủa cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốtcấp xã thể hiện ở phương pháp, cách thức xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý. Đó là sự nhanh nhạy nắm bắt, thu thập và xử lý tốt các thông tin có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, các thế lực thù địch thường lợi dụng trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số để lôi kéo, kích động chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta từ cơ sở. Do vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã phải có kỹ năng kiểm tra, kiểm soát, dự báo tình hình, phải có những phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp để đồng bào ủng hộ và tích cực tham gia. Chương trình xây dựng NTMcó nhiều tiêu chí, hạng mục khác nhau, đòi hỏi khi triển khai phải có kiểm tra, giám sát thường xuyên của cán bộ lãnh đạo, quản lý và sự vào cuộc của cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã.

Thái độlà cách ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với cấp trên, đồng cấp, cấp dưới, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc...với tư cách là đại biểu của dân,được nhân dân bầu ra và tin tưởng trao cho quyền lãnh đạo, vì vậy, cán bộ chủ chốtphải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Cách ứng xử này thể hiện ở việc cán bộ chủ chốt sâu sát tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe, suy ngẫm, chọn lọc những ý kiến của nhân dân để huy động tính tích cực, chủ động,sáng tạo của người dân trong mọi hoạt động nhằm hướng tới hiệu quả lãnh đạo của chính quyền,đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, người dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của chính quyền.

Hiện nay, ở các tỉnh Tây Bắc có hơn 50% số cán bộ xã, 77% số công chức xã đạt chuẩn về trình độ theo quy định và 44% số cán bộ không chuyên trách (phó các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản...) được đào tạo, bồi dưỡng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Tây Bắc: ở Hòa Bình (2011 - 2015), số cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp được đào tạo, bồi dưỡng là 11.750/26.192 lượt người; số cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài là 71/213 người, chiếm tỷ lệ 33,3%. Ở Yên Bái (2014 - 2015) đã mở 8 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho 534 người, trong đó có 292 người dân tộc thiểu số (chiếm gần 55%); bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho 4.881 lượt người, trong đó có 1.464 người là cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm gần 30%) (5) . Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, cán bộ xã có trình độ đại học ở mức rất thấp (5,87%)(6). Trong tổng số 48.200 cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã, số người có trình độ học vấn trung học cơ sở chiếm 45,7%, tiểu học 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học(7).

Thực trạng trên cho thấy,cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã ở các tỉnh khu vực Tây Bắc nước ta còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, đặc biệt đội ngũ cán bộ thôn, bản trình độ chuyên môn rất thấp, năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý của cán bộ sở tạiở một số địa phương còn nhiều bất cập, yếu kém, dẫn đến thụ động trong công việc; lúng túng khi xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lýtrong quá trìnhchỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Kết quả khảo sát ở 4 tỉnh Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái (6-2016)đã chỉ ra những khó khăn cơ bản củađội ngũ cán bộ cơ sở trong xây dựng NTM(8).

Số liệu biểu đồ cho thấy, hạn chế rõ nhất là trình độ, năng lực của cán bộ địa phương trong quản lý triển khai xây dựng NTM chưa đáp ứng được yêu cầu, chiếm 67,4%. Điều này phản ánh thực trạng đã đề cập ở trên, số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, lãnh đạo cấp xã chỉ có 1,9% đạt trình độ cao đẳng, đại học, dẫn đến năng lực triển khai thực hiện xây dựng NTM hiệu quả không cao. Khả năng xử lý các tình huống phát sinh trong triển khai xây dựng NTM của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt còn yếu (65,7%); thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Chương trình (51,7%); thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong triển khai xây dựng NTM (50%); ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng, chưa thể hiện rõ quyết tâm xây dựng NTM (28%). Chương trình xây dựng NTM ở Tây Bắc sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đạt kết quả chưa cao, tính ổn định, bền vững chưa đi vào thực chất, còn có biểu hiện chạy theo thành tích, phong trào, đội ngũ cán bộ xây dựng NTM chưa chuyên nghiệp, trình độ, năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện.

Chính vì vậy, cần có các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật, trau dồi phẩm chất đạo đức và uy tín đối với người dân ở địa phương và rèn luyện tốt khả năng ứng phó, xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lý xảy ra trong công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã ở Tây Bắc là cần thiết.

2. Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã trong xây dựng nông thôn mới

Để hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở Tây Bắc có hiệu quả đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xãphảihiểu rõ và nắmbắtđược các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai và thực hiện tại địa phương cũng như kiến thức về quản lý kinh tế, pháp luật,các chính sách dân tộc, tôn giáo, dân số, môi trường, an ninh, đặc thù của các tỉnh Tây Bắc...

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở Tây Bắc trong xây dựng NTM, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, từ đó nâng caokhả năng vàhiệu quả tuyên truyền, giáo dục của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nông dân, nông thôn;vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dânxây dựng NTM. Tăng cường tuyên truyền, vận động phong trào xây dựng NTMtrên các địa bàn xã, huyện trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là những xã, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những xã, thôn, bảnđặc biệt khó khăn.

Hai là, quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTMnhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTMở xã, thôn và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTMở địa phương.

Ba là, tổ chức các lớp tập huấn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTMcho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, trong đó cần trang bịnhững kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống lãnh đạo,quản lý gắn với đặc thù phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để đội ngũ này triển khai, vận dụng linh hoạtsự chỉ đạo của cấp trên vào các lĩnh vực họ trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Bốn là, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nguồn lãnh đạo,quản lý cấp cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn tại chỗ. Cầncóchính sách ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, năng lực tốt, am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ đồng bào dân tộc nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong xây dựng NTMở địa phương.

Năm là, xây dựng chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sởcấp xã. Cấp ủy đảng, chính quyền ở các tỉnh Tây Bắc cần rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiệm vụ triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn thiếu những tiêu chuẩn (trình độ văn hóa, kiến thức, nghiệp vụ quản lý xây dựng NTM, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ sở...) chưa được đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, xây dựng chính sáchưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằmchuẩnhóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình xây dựng NTM.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp trên (tỉnh, huyện) đối với các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM của cán bộ cấp xã để phát hiện kịp thờinhững tồn tại, yếu kém cần khắc phục.Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy, Hội đồng nhân dân xã trên các lĩnh vực kinh tế, xây dựng, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh... để phòng ngừa vi phạm, nhất là trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực xây dựng NTM. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ  của Ban Chỉ đạo xây dựng NTMở xã, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu như trưởng ban chỉ đạo NTMở xã, thôn;tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng NTMtại địa phương.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hộiđại biểu toàn quốc lần thứXII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.92.

(2) Anh Minh: “Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, Báo Nhân dân điện tử ngày 2-4-2016.

(3) Nguyễn Quang Uẩn: Tâm lý học đại cương,Nxb Đại học quốc giaHà Nội, 2010, tr.178.

(4) Chung - Herrera, B., Enz, C.A., & Lankau, M,J (2003), Grooming future hospitalily leaders: A competencies model, Cornell Hotel and Restaurant Administration Quarterly, pp 17-25.

(5) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thống kê giáo dục và đào tạo năm học 2014-2015, Hà Nội, 2015.

(6) Cao Anh Đô: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc”,
tapchicongsan.org.vn, ra ngày 2-11-2015. 

(7) Trần Quỳnh: “Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc vùng dân tộc, miền núi”.

http://daihoi12.dangcongsan.vn

(8) Kết quả khảo sát tháng 6-2016 của Đề tài cấp Bộ năm 2016: “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Tây Bắc hiện nay” .

 

TS Trần Nhật Duật

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

                                                                                    

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền