Trang chủ    Thực tiễn     Vĩnh Long phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thứ sáu, 22 Tháng 9 2017 14:14
3389 Lượt xem

Vĩnh Long phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

(LLCT) - Nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ công chức, viên chức, trí thức, doanh nhân và quản lý doanh nghiệp, càng giữ vị trí trung tâm của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

 

1. Chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trongtiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được tiến hành từ Đại hội VIII (1996) với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là quá trình chuyển từ sử dụng lao động thủ công là chính, sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động có tay nghề, trình độ cao cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao,bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện thành công, Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh giáo dục đào tạo, xây dựng phát triển con người Việt Nam toàn diện. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Trung ương Đảng các khóađã ban hành nhiềunghị quyết về phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, các giới thanh niên, phụ nữ,xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,...

Trung ương khóa VIII đã ra nghị quyết về chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định tư tưởng chủ đạo là xây dựng những con người gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trung ương Đảng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ cán bộ, trí thức và doanh nhân.

Tiếp đó, Trung ương Đảng xây dựng chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chỉ rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; xác định mục tiêu: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân. Quan tâm các đối tượng cán bộ làm việc trong những lĩnh vực đặc thù “cán bộ lực lượng vũ trang”, “cán bộ khoa học, chuyên gia”, “cán bộ quản lý kinh doanh” và đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp về quy hoạch, đào tạo - bồi dưỡng, sử dụng.

Đại hội IX xác định mục tiêu đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, phát huy nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh; hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Gắn kết giữa mục tiêu xã hội với tăng trưởng kinh tế, trong đó “phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, phát huy nhân tố con người, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh, nhà quản lý.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Trung ương Đảng đã xác định phương hướng tiếp tục phát triển giáo dục - đào tạo,tập trung một số nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo nhân tài. Thực hiện giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, nhất là trong các trường đại học, cao đẳng. Tăng cường giáo dục hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước và các địa phương, vùng, miền. Một số trường đại học phải sớm đạt chất lượng ở trình độ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển hợp lý quy mô giáo dục trên cơ sở bảo đảm chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh cơ cấu đào tạo, tăng nhanh dạy nghề và trung học chuyên nghiệp. Hiện đại hoá một số trường dạy nghề nhằm chuẩn bị đội ngũ công nhân bậc cao có trình độ tiếp thu và sử dụng công nghệ mới và công nghệ cao. Phát triển giáo dục không chính quy, các hình thức học tập cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời, hướng tới xã hội học tập.Trung ương Đảng đã đề ra một số giải pháp cơ bản để phát triển nguồn nhân lực, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đa dạng hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá, liên thông,gắn với yêu cầu của thị trường lao động,...

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã xây dựng, ban hành và tổ chứcthực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo;đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chứcvàđầu tư nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Vĩnh Long tập trung phát triển nguồn nhân lực

Vĩnh Long có dân số 1.124.219 người, mật độ 764 người/km2, dân cư nông thôn chiếm 85,33%; số người trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 60 tuổi đối với nam và từ 16 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ) là 727,3 nghìn người, chiếm khoảng 70% dân số (năm2010). Nguồn lực lao động với tỷ lệcao so với bình quân chung của vùng ĐBSCL và cả nước là tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là sức ép lớn về việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác trên địa bàn.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 đã được phê duyệt theo Quyết định số 195/QĐ-TTg, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng tỉnh theo hướng hình thành vùng đô thị sinh thái, xanh, sạch, đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghệ cao; từng bước hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, liên kết với Cần Thơ, phát triển thành vùng kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đào tạo, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xác định động lực phát triển là nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động số 09-Ctr/TU ngày 8-11-2011, về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện 6 nội dung trọng tâm: phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, của ngành giáo dục, của lĩnh vực y tế; phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp; phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 1375/QĐ-UBND, ngày 28-8-2012 về việc ban hành Kế hoạch phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra Quyết địnhsố: 1917/QĐ-UBND, ngày 21-11-2012 thành lập Hội đồng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2020 với nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh những biện pháp và điều kiện thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội; (2) Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo sở, ban, ngành và huyện, thành phố xây dựng các chính sách, chương trình, đề án đào tạo nhân lực, điều phối các hoạt động và nguồn lực để phát triển nhân lực phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; (3) Kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch nhân lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ; (4) Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh đôn đốc các sở, ngành và huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá kế hoạch và kết quả triển khai các hoạt động thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội hàng năm của sở, ngành, địa phương; (5)Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả hoạt động định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiệnđồng bộ nhiềugiải pháp cơ bản: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung đào tạo và đào tạo lại, bổ sung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong lĩnh vực kinh tế, xã hội tỉnh, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý hệ thống chính trị; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; đào tạo nghề; phát triển đội ngũ doanh nhân và văn hóa, thể thao và du lịch.

Chủ trương phát triển nguồn nhân lực được triển khai sâu rộng đã tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp,các ngành,cán bộ, đảng viênvà nhân dân, đã huy động nhiều nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả nguồn lực nhân văn.

Mạng lưới đào tạo được mở rộng, tỉnh có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 3 trường trung học chuyên nghiệp, 2 trường trung cấp dạy nghề và công nhân kỹ thuật. Nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và huyện, thành phố được nâng cấp, có khả năng đào tạo số lượng lớn học sinh, sinh viên cho tỉnh và các địa phương trong vùng.

Đồng thời với phát triển hệ thống cơ sở đào tạo tại địa phương, tỉnh có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, cán bộ thuộc diện quy hoạch được cử đi học; quan tâm thực hiện chính sách đãi ngộ đối với sinh viên, thành lập các quỹ học bổng Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa để hỗ trợ các sinh viên có thành tích cao. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức đi luân chuyểntớicác vùng khó khăn.

Thực hiện những chính sách trên, trong 5 năm (2011-2015), tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 174.600 người; tổ chức 2.277 lớp dạy nghề cho gần 67.500 lao động nông thôn; hơn 82% số lao động có việc làm sau khi học nghề; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt hơn 55%.

Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được 4.286 lượt người, tăng 3 lần so với nhiệm kỳ trước; đào tạo cao đẳng, đại học cho 2.383 người, tăng 7 lần. Đặc biệt là đào tạo sau đại học trên 1.000 người, tăng rất cao so nhiệm kỳ trước, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 33.000 lượt công chức, viên chức, tăng gấp 10 lần. Thực hiện Đề án Vĩnh Long 100, đã có 41 người về nước và phát huy trong công việc.Kết quả là, tỉnh Vĩnh Long có 100% số cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện có trình độ đại học, cao cấp lý luận chính trị; hơn 95% số công chức cấp xã được đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn.

Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát huy vai trò, đáp ứng công tác lãnh đạo, quản lý địa phương. Phong cách làm việc của cán bộ được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành, các thành phần kinh tế được nâng lên, tạo ra năng suất, hiệu quả cao hơn trong công việc,đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững.

3. Phương hướng và giải pháp trong thời gian tới

Công tác phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long những năm qua đã được Đảng bộ và cả hệ thống chính trị chú trọng, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và đã đạt những kết quả quan trọng. Song cũng còn một số hạn chế, thể hiện rõ nhất là mặc dù nhận thức rõ chất lượng cao có vị trí quyết địnhsự phát triển, nhưng vẫn chưa có đột phát trong chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả. Do vậy, một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020 là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với chỉ tiêu phấn đấu: tất cả công chức cấp xã qua đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn và được phân công nhiệm vụ phù hợp; 50% số giảng viên trường cao đẳng, 70% số giảng viên trường đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên; thành lập một trường đại học đạt chuẩn; đạt tỷ lệ 43 cán bộ y tế trên 10.000 dân. Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phấn đấu đào tạo nghề cho 315.400 lao động, trong đó 80% số lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 75%.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2020 có 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên (khoảng 128 người). Có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên (640 người), trong đó có 30% có trình độ thạc sỹ (khoảng 192 người).

Để đạt mục tiêu đề ra, Vĩnh Long cần xây dựng định hướng phát triển nguồn nhân lực sát với quy hoạch phát triển chung và các ngành nghề, chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, và kế hoạch đào tạo theo mục tiêu chung là đủ số lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu đồng bộ; xây dựng chương trình đào tạo, xác định ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu của tỉnh, vùng, bảo đảm chuẩn đầu ra.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trịvà nhân lực kế cận có phẩm chất, năng lực toàn diện.Trên cơ sở những kết quả đạt được, Tỉnh ủy quyết định kéo dài Đề án Vĩnh Long 100 đến năm 2020. Bảo đảm mỗi năm ít nhất có 100 cán bộ, công chức đi học sau đại học, trong đó có 30% là cán bộ công chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thành phố và cán bộ chủ chốt ở xã, đưa 30 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đi đào tạo đại học.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách đãi ngộ, thu hút người tài, cán bộ khoa học, quản lý về làm việc tại địa phương. Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đội ngũ trí thức nhằm thu hút và phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ làm nòng cốt phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương.

Phát huy tính sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh thành trong khu vực về công tác phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tranh thủ sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp trong công tác phát triển nguồn nhân lựcở địa phương.

______________________________                                                              

Tài liệu tham khảo:

1.Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long:Nghị quyết số 26/2006/NQ-HĐND“về việc quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức đi học và cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về công tác xã - tỉnh Vĩnh Long.

2.Tỉnh ủy Vĩnh Long:Chương trình hành động số 09-Ctr/TUnăm 2011 vềphát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

3.. http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/30107502-vinh-long-uu-tien-dao-tao-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc.html.

4. https://skhdt.vinhlong.gov.vn/nguon-nhan-luc

 ThS Trương Thị Hồng Nga

                                                                   Đại học Xây dựng Miền Tây

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền