Trang chủ    Thực tiễn    Đội ngũ trí thức trong quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên
Thứ ba, 03 Tháng 10 2017 16:11
2206 Lượt xem

Đội ngũ trí thức trong quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên

(LLCT) - Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với diện tích 54.641,0 km², chiếm 16,5% diện tích tự nhiên của cả nước; dân số hơn 5.525 ngàn người, chiếm khoảng 6% dân số cả nước. Số người trong độ tuổi lao động gần 3,2 triệu người. Cơ cấu xã hội - dân cư nơi đây gồm 3 cộng đồng chính: dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm hơn 26%); dân tộc thiểu số từ nơi khác đến (gần 12%) và dân tộc Kinh (chiếm 62% dân số).

(Các trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk tôn vinh, tháng 5-2017, nguồn: http://baodaklak.vn)

Số người có trình độ đại học trở lên ở Tây Nguyên là 110.705 người, chiếm 1,97% dân số và chiếm 3,33% lực lượng lao động. Trong đó, tiến sĩ có 355 người, chiếm 0,32%; thạc sĩ có 3.561 người, chiếm 3,22%; đại học có 106.789 người, chiếm 96,46%. Toàn vùng Tây Nguyên có 9.078 người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên, chiếm 7,08%.

Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những năm qua, đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên không ngừng tăng lên cả về số lượng, chất lượng và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị của vùng.

Tham gia quá trình củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.

Là địa bàn sinh sống của 47 thành phần dân tộc, các dân tộc ở Tây Nguyên sinh sống đan xen, gắn bó, đoàn kết với nhau.

Trí thức tích cực tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động người dân thực hiện, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời,ghi nhận, đề đạt nguyện vọng chính đáng của nhân dân hoặc đề xuất giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc đến các cấp uỷ đảng, chính quyền.

Đội ngũ trí thức đã phổ biến, áp dụng các sáng kiến cải tiến kĩ thuật, các phát minh, sáng tạo vào trong lao động, sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân, cũng như vận động người dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn và đời sống văn hoá mới.

Những đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức là nhân tố hết sức quan trọng nhằm tăng cường, làm sâu sắc, bền chặt hơn khối đoàn kết dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống ở mỗi buôn, thôn của Tây Nguyên.

Tham gia xây dựng hệ thống chính trị

Trí thức trong hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nguyên ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và năng lực công tác, qua đó từng bước nâng cao vị trí, vai trò của trí thức trong xây dựng hệ thống chính trị các cấp. Trí thức giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, phát huy tốt vai trò, khả năng lãnh đạo, quản lý và điều hành. Số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học ngày càng tang.

Tỉnh Đắk Lắk có trên 45.700 cán bộ công nhân viên chức; giáo sư 1 người, phó giáo sư 6 người; tiến sĩ 79 người (dân tộc thiểu số 6 người), thạc sĩ 591 người (dân tộc thiểu số 55 người), đại học trên 32.000 người. Riêng trong 2 năm (2014-2015), toàn tỉnh đã cử 139 cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học, trong đó có 13 cán bộ làm nghiên cứu sinh, 43 người được đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II; 18 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài..Hiện nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh có trình độ đại học trở lên; 97% công chức chuyên môn có trình độ đại học và trên đại học, tăng 20% so với năm 2010.

Tỉnh Lâm Đồng, trong số 29.811 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 3.172 người công tác trong các cơ quan hành chính các cấp, trong đó đại học 3.117 người, thạc sỹ 50 người, tiến sỹ 5 người. Số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong khối đảng, mặt trận và các đoàn thể là 1.460 người (chiếm 22% tổng số cán bộ, công chức, viên chức), đại học 1.438 người, thạc sỹ 20 người, tiến sỹ 02 người. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, số người có trình độ đại học trở lên là 11.945 người, trong đó, thạc sỹ 543 người; tiến sỹ 58 người.

Sự tham gia ngày càng nhiều của đội ngũ trí thức đã đóng góp to lớn vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, khoa học công nghệ lạc hậu... là những rào cản đối với sự đi lên của Tây Nguyên.

Từ nhận thức đó, các tỉnh ở Tây Nguyên đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, chú trọng đổi mới cách thức cử cán bộ đi đào tạo sau đại học theo hướng phù hợp với nhu cầu và vị trí công tác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tế công việc. Hằng năm, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với nhiều loại hình đào tạo phù hợp với từng đối tượng, theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn của ngạch công chức và hướng về cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Đội ngũ trí thức đã phát huy có tốt vai trò trong việc đề xuất chủ trương, chính sách nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế của vùng, tham gia vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cũng như chuyển giao, áp dụng nhiều thành tựu khoa học, công nghệ vào trong sản xuất và đời sống; góp phần vào duy trì tốc độ phát triển kinh tế luôn cao hơn mức chung của cả nước. Từ 2001 đến nay duy trì mức trên 11%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đến tận vùng sâu, vùng xa. Tỉ lệ hộ nghèo, đói ngày càng giảm; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên. Nhiều chính sách an sinh xã hội thực hiện có kết quả.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh đã huy động nhiều nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, như: Phản biện Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển khoa học côngnghệ; tham gia làm thành viên, dự các cuộc họp của hội đồng nghiệm thu các đề tài, đề án, dự án, công trình quan trọng, có liên quan tới lĩnh vực xã hội và môi trường như các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, quy hoạch dân cư...

Các hội tri thức đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện có giá trị, như: Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp đã tư vấn xây dựng phương án giao đất giao rừng ở vùng đệm vườn quốc gia Chư Yang Sin, tư vấn điều phối thực hiện dự án hỗ trợ sau giao đất, giao rừng để xóa đói giảm nghèo. Hội Kiến trúc phản biện các công trình: bảo tàng tổng hợp, khu công nghiệp, khu du lịch, quy hoạch trung tâm huyện; Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường phản biện các dự án tỉnh lộ 3, 8, 9; Hội Cơ khí tư vấn những giải pháp công nghệ, cung cấp thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp của chương trình khuyến công, v.v…

Nhờ thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đội ngũ trí thức đã giúp cấp uỷ, chính quyền từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng và động lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tây Nguyên.

Góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo

Do nhiều nguyên nhân, Tây Nguyên trước đây được coi là một trong những “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Tỉ lệ mù chữ, thất học cao, hệ thống trường lớp thiếu thốn, đội ngũ giáo viên bất hợp lý cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, tỉ lệ học sinh bỏ lớp cao, nhất là học sinh dân tộc và ở vùng sâu, vùng xa; nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với con em của một bộ phận người dân hạn chế.

Những năm trở lại đây, những khó khăn, bất cập trên đã dần được giải quyết, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở Tây Nguyên hội nhập cùng cả nước và đi vào phát triển, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Toàn vùng hiện có 20 trường đại học, cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề). Các trường đại học và phân hiệu đại học có tổng số 984 cán bộ giảng dạy, gồm 14 phó giáo sư, 86 tiến sỹ, 510 thạc sỹ và 374 cử nhân với 44 chuyên ngành đào tạo hệ chính quy và 8 chuyên ngành đào tạo sau đại học; tổng số sinh viên theo học là 40.347 người, trong đó có 3.731 sinh viên dân tộc thiểu số (chiếm 9,24%).

Các trường cao đẳng sư phạm: có 434 cán bộ giảng dạy, gồm: 10 tiến sỹ, 235 thạc sỹ, 189 cử nhân với 19 chuyên ngành đào tạo hệ cao đẳng chính quy và 19 chuyên ngành liên kết đào tạo đại học; tổng số sinh viên theo học là 10.442, trong đó có 1.649 sinh viên dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 15,79%).

Các trường cao đẳng chuyên ngành và cao đẳng nghề có 895 giảng viên, gồm: 02 tiến sỹ, 223 thạc sỹ, 670 cử nhân với 53 ngành, nghề đào tạo; ngoài ra các trường còn đào tạo liên thông, liên kết nhiều ngành, nghề khác. Tổng số sinh viên theo học là 15.554 người, trong đó có 2.794 học viên là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 17,96%).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, các trường đại học, cao đẳng đã góp phần quan đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Hàng năm, đã đào tạo, bồi dưỡng cho hàng vạn con em các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên cũng như cả nước, trong đó chiếm tỉ lệ không nhỏ là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách về giáo dục, đào tạo giữa các vùng, miền và các dân tộc.

Nhiều trường phổ thông trung học, trung học cơ sở ở Tây Nguyên những năm gần đây, tỉ lệgiáo viên có trình độ đào tạo sau đại học ngày càng tăng. Cùng với quá trình gia tăng đó thì chất lượng giáo dục, đào tạo cũng được nâng lên.

Những kết quả đạt được trong giáo dục, đào tạo đã đóng góp hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực, cũng như thực hiện các chính sách xã hội, qua đó tạo động lực cho sự đi lên bền vững của Tây Nguyên.

Là lực lượng nòng cốt trong bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc.

Tây Nguyên là vùng văn hoágiàu bản sắc, phản ánh quá trình sản xuất, sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc, trong đó, đặc sắc nhất là những giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trong những năm qua, đội ngũ trí thức nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở đây, đặc biệt là văn hoá của các dân tộc thiểu số tại chỗ như: Ê đê, Gia Rai, M’Nông… Đồng thời, trí thức ra sức tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống mới. Nhiều đồng bào đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, ngăn cản sự phát triển của cộng đồng, từng bước tiếp thu các giá trị văn hoá mới trong sinh hoạt và đời sống. Đời sống văn hoá ở nhiều buôn, thôn được khởi sắc. Trong quá trình bảo tồn, phát huy đã có sự tham gia tích cực của trí thức, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như già làng, trưởng thôn, trưởng các dòng họ - những người được coi là tinh hoa, trí tuệ của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

Đội ngũ trí thức đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Tại Đắk Lắk, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức, và đến nay toàn tỉnh đã xây dựng hơn 300 đội chiêng trẻ (từ 12 – 18 tuổi) với 2.100 em tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm, các địa phương đều tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng thu hút hàng trăm đội cồng chiêng, hàng nghìn nghệ nhân và cộng đồng buôn làng tham gia. Các liên hoan dân ca, dân vũ, hoạt động “buôn vui chơi, buôn ca hát” được tổ chức ở nhiều địa phương.

Công tác điều tra, khảo sát, thống kê các nghi lễ - lễ hội truyền thống liên quan đến không gian di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tiến hành.

Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản sử thi, truyện cổ, lời nói vần, nhạc cụ dân tộc… cũng được triển khai thực hiện.

Trong quá trình đó, sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu văn hoá tại chỗ và cả nước giúp các trí thức hiểu sâu sắc hơn về Tây Nguyên, qua đó phát huy tốt hơn vai trò của mình, tiếp tục phát triển văn hoá Tây Nguyên lên một nấc thang mới, vì đối với vùng đất này, không thể có văn hoá Tây Nguyên nếu không có những người am hiểu con người và văn hoá nơi đây.

Tham gia đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Trong công tác đấu tranh chống chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, đội ngũ trí thức nói chung và trí thức là người dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc vạch trần các âm mưu, luận điệu xuyên tạc và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tuyên truyền cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như âm mưu, bản chất phản động của các thế lực chống phá.

Các già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ không chỉ là cầu nối giữa Đảng với nhân dân các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên mà còn là mắt xích quan trọng trong việc gắn kết giữa các cộng đồng với nhau cũng như giữa cộng đồng với những người lầm đường, lạc lối trở về, giúp họ sớm hoà nhập trở lại cộng đồng. Sự tham gia của trí thức nói chung và trí thức là người dân tộc thiểu số tại chỗ cũng như người có uy tín đã góp phần đắc lực trong việc đấu tranh có hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch.

Đội ngũ trí thức đã đóng gópquan trọngvào các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước.

_________________

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kết luận tại hội nghị các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, 2013.

2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng:Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Lâm Đồng,2013.

3. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Kon Tum: Báo cáo về nguồn nhân lực và chính sách khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, Kon Tum, 2013.

4. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai: Thông tin về nguồn nhân lực trình độ cao ở tỉnh Gia Lai, 2014.

5. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Báo cáo Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đắk Lắk, 2011.

 

Ths Lương Hữu Nam

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền