Trang chủ    Thực tiễn    Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu đối với lãnh đạo chiến lược
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 15:25
3885 Lượt xem

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu đối với lãnh đạo chiến lược

(LLCT) - Hiện nay, thế giới bước vào ngưỡng cửa CMCN 4.0 với những thay đổi triệt để cách sống, làm việc và kết nối, tương tác với nhau. Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của nó sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã trải qua từ trước tới nay. Việc ứng biến với cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện, kịp thời và đồng bộ, liên quan đến tất cả các quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới; của khu vực công và tư; đặc biệt là của giới nghiên cứu khoa học và lãnh đạo chiến lược.

1. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 (The Fourth Industrial Revolution) đang được hình thành với đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học(1). GS Klaus Schwab (người Đức), Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, người đã đưa ra khái niệm cuộc CMCN 4.0 và đó cũng là chủ đề chính của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới năm 2016(2), khẳng định: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”. Nội dung của CMCN 4.0 là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối Internet và các hệ thống kết nối internet. Đặc trưng nổi bật của cuộc CMCN 4.0 chính là khả năng kết nối.

Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (3-10-2016), Chủ tịch nước GS, TS Trần Đại Quang đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến cuộc CMCN 4.0: Một là, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi căn bản mô hình phát triển theo hướng cân bằng hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Hai là,trước sự cạnh tranh gay gắt của các nền kinh tế mới nổi nhờ lợi thế chi phí lao động thấp, các nước công nghiệp phát triển đứng trước sức ép rất lớn phải tái cơ cấu kinh tế để tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt nền kinh tế thế giới, nhất là trong các ngành công nghệ cao. Ba là, do xu hướng già hóa dân số, lực lượng lao động giảm không những làm giảm tốc độ tăng trưởng mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của các nước công nghiệp phát triển và một số nền kinh tế mới nổi, đòi hỏi các nước này đầu tư nhiều hơn vào phát triển khoa học - công nghệ nhằm bù đắp thiếu hụt lao động. Bốn là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng(3). Như vậy, bên cạnh những yếu tố truyền thống giống như ba cuộc CMCN trước đó, cuộc CMCN 4.0 diễn ra dưới sự tác động của những bối cảnh hoàn toàn mới, chẳng hạn vấn đề già hóa dân số.

Theo một số nhà nghiên cứu, khác biệt cơ bản của CMCN 4.0 so với CMCN 3.0 chính là ở thông minh hóa và tự động hóa. Tự động hóa là công nhân thông qua chương trình máy tính điều khiển máy móc, hoàn thành sản xuất tự động, đây là loại chỉ lệnh một chiều. Thông minh hóa là loại “giao lưu” đa chiều, giữa công nhân, máy móc, sản phẩm, nguyên liệu, lưu thông, khách hàng và các khâu liên quan đến sản xuất, cung ứng và sử dụng luôn luôn duy trì thông tin tương tác hai chiều, làm tối ưu hóa tổ hợp sản xuất và dịch vụ(4). Đây là một đặc trưng rất quan trọng, thể hiện rõ tính ưu việt, nhất là về phương diện xã hội.

Để có thể chủ động và phát huy tối đa lợi thế, nhất là về phương diện kinh tế của cuộc CMCN 4.0, cần phân tích làm rõ những đặc trưng phổ biến của nó. Có thể khái quát bốn đặc trưng nổi bật: (1) Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. (3) Công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. (4) Trí tuệ nhân tạo có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn(5).

Ở một hướng tiếp cận khác, đặc trưng của CMCN 4.0 là: 1) Tính năng xử lý thông tin  được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực; 2) Tốc độ phát triển của cuộc CMCN 4.0 là theo hàm số mũ; 3) Thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm; 4) Chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người(6). Trong đó, đặc điểm về tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa và quy mô tác động của các công nghệ mới thời hiện đại đã và sẽ làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành(7). Một số nhà nghiên cứu nhận định: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ có những tác động to lớn về kinh tế - xã hội, môi trường trên phạm vi toàn cầu. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn và trung hạn.

Chúng ta phải đối phó một cách đồng bộ, toàn diện với sự tham gia của toàn cầu từ các khu vực công và tư cho tới giới học thuật, các tổ chức xã hội trong CMCN 4.0 này. CMCN 4.0 và những thay đổi hệ thống sẽ rất cần sự hợp tác và cam kết thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp một cách nhanh chóng trong thời đại công nghệ mới này. Chúng ta cần đến những cách thức mới để cùng nhau giải quyết những vấn đề đang được phát sinh nhanh hơn bao giờ hết; cần cung cấp sự minh bạch để vận hành kinh doanh; cần trao cho xã hội niềm tin rằng tất cả đều đang hướng đến tương lai công nghệ mà ở đó cơ hội và lợi ích lớn hơn rủi ro và những điều không biết trước(8). Như vậy, sức mạnh hàng đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là vấn đề thuộc về kinh tế hay khoa học, công nghệ mà chính là con người được kết nối để cùng hành động vì lợi ích và mục tiêu chung ngày càng tốt đẹp hơn.

Hiện nay, thế giới bước vào ngưỡng cửa CMCN 4.0 với những thay đổi triệt để cách sống, làm việc và kết nối, tương tác với nhau. Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của nó sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã trải qua từ trước tới nay. Việc ứng biến với cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện, kịp thời và đồng bộ, liên quan đến tất cả các quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới; của khu vực công và tư; đặc biệt là của giới nghiên cứu khoa học và lãnh đạo chiến lược.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính phủ, doanh nghiệp/kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh... Đối với kinh tế, là những thay đổi về tăng trưởng, việc làm và bản chất công việc. Đối với chính phủ, đó là những tác động tới chỉ đạo và điều hành trong thời đại số, sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đối với doanh nghiệp/kinh doanh, là kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu/thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh. Đối với xã hội, là sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng, và bất lợi cho tầng lớp trung lưu. Đối với cá nhân là quan hệ giữa người với người, vấn đề đạo đức, quản lý thông tin cá nhân...(9). Như vậy, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến Việt Nam là đa chiều, đa cấp độ, đa tính chất, đa mục tiêu. Điều này đặt ra yêu cầu của lãnh đạo chiến lược là phải tận tận dụng tốt cơ hội và vượt qua các thách thức, thực hiện được mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Khác với các cuộc CMCN trước đây, cuộc CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu, cũng như tạo ra cơ hội thuận lợi hơn, công bằng hơn cho tất cả các quốc gia, giai tầng, nhóm xã hội, lĩnh vực; từ chính phủ, doanh nghiệp đến cả người lao động. Trong đó, đặt ra yêu cầu đội ngũ lãnh đạo chiến lược những tố chất, tiêu chuẩn đặc trưng, như: lòng đam mê và có khả năng truyền cảm hứng cho xã hội về cuộc CMCN 4.0; sự sáng tạo và trực giác đối với những tác động đa chiều và những hệ quả mà cuộc CMCN 4.0 có thể tạo ra; sự khôn ngoan, tầm nhìn, sự hiểu biết và nhận thức của người lãnh đạo chiến lược trong việc nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của cá nhân đối với cộng đồng, xã hội và môi trường trong điều kiện CMCN 4.0. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức; đặc biệt là những kiến thức mới, hiện đại, định hướng vào việc nâng cao năng lực, trình độ tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược phù hợp với xu hướng của cuộc CMCN 4.0 đang là một yêu cầu bức thiết ở Việt Nam hiện nay.

Việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 có khả năng mở ra cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp. Song, đây vẫn đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam, do kinh tế thế giới đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình phát triển mới, hiện đại trong khi CMCN 2.0 và giai đoạn đầu của CMCN 3.0 vẫn đang chi phối mạnh ở mọi cấp độ quản lý và hệ thống chính trị ở Việt Nam(10). Có thể nói đây chính là một nghịch lý mà lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết.

2. Lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam trước những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Lãnh đạo chiến lược là lãnh đạo ở tầm vĩ mô, quốc gia, tổng thể và chỉnh thể. Lãnh đạo chiến lược là lãnh đạo việc xây dựng đường lối, hoạch định chiến lược và chính sách có quan hệ tới phát triển chung hay phát triển từng lĩnh vực trong phát triển quốc gia, trong đối nội và đối ngoại. Lãnh đạo chiến lược thể hiện tầm vóc, sức ảnh hưởng, quy mô, chiều kích tác động của nhà lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo đối với sự phát triển của cộng đồng xã hội. Biểu hiện dễ nhận thấy của lãnh đạo chiến lược là tác động, ảnh hưởng đối với xã hội, trên phạm vi toàn quốc và trong quan hệ với quốc tế, với thế giới bên ngoài(11).

Lãnh đạo chiến lược có các đặc điểm chính là: tạo dựng thể chế và sức ảnh hưởng, huy động, vừa phân bổ sử dụng các nguồn lực một cách tập trung (vào một số lĩnh vực chủ chốt) và nhất quán (hướng đến một tầm nhìn, một cục diện mới) trong khi ứng biến sáng suốt (với các biến đổi lớn của môi trường lãnh đạo).

Có 3 nhóm vấn đề cơ bản của lãnh đạo chiến lược: 1) Hiểu rõ tính chất các biến đổi của môi trường lãnh đạo (quốc tế, quốc gia, địa phương, lĩnh vực, ngành). Xác định các cách thức chủ yếu và tính chất của chúng, từ đó nhận thức được các yêu cầu đặt ra và vai trò của lãnh đạo chiến lược; 2) Xác định các ưu tiên về hoàn thiện tri thức, kỹ năng và phẩm chất cá nhân cần có để có năng lực xử lý ngày càng tốt hơn với các thách thức liên tục xuất hiện và khó lường; 3) Tự hoàn thiện, trải nghiệm và suy ngẫm về sự sáng suốt và bản lĩnh trong lãnh đạo thực tế(12).

Cuộc CMCN 4.0 chính là bối cảnh, nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu của lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam hiện nay. Do đó, có hai vấn đề đặt ra ở đây cần giải quyết. Một là, vai trò của hoạt động lãnh đạo chiến lược trong cuộc CMCN 4.0? Hai là,lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam cần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động như thế nào trong cuộc CMCN 4.0?

Vai trò của lãnh đạo chiến lược trong cuộc CMCN 4.0 được đặt ra trong bối cảnh những biến động toàn cầu. Chính tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống của một cuộc CMCN mới đang làm thay đổi cả cá nhân, xã hội, chính trị, kinh tế, doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Những xu hướng, thành quả, ứng dụng công nghệ số cũng như công nghệ cao khác đã phá vỡ ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và thế giới sinh học. Khi chúng ta tiến sâu hơn vào cuộc CMCN 4.0, hoạt động lãnh đạo chiến lược có vai trò tạo ra một môi trường hỗ trợ và bền vững, cũng như khả năng đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu. Hiện nay, nhìn chung là giới lãnh đạo đã nhìn thấy cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, xã hội, con người, doanh nghiệp trong tương lai không xa, nếu không chuẩn bị ngay sẽ có thể lỡ mất cơ hội để tồn tại, vươn lên(13).

Cuộc CMCN 4.0 vừa tạo nên những điều kiện thuận lợi vừa trở thành một rào cản đối với vai trò của lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam theo khuôn khổ truyền thống. Chẳng hạn, khi thế giới vật lý, số và sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điều khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Điều này đặc biệt đúng trong hệ thống điều hành. Các hệ thống chính sách công và quy trình ra quyết định hiện nay được phát triển cùng với cuộc CMCN 2.0 khi các nhà hoạch định chính sách có thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể và đưa ra cách ứng phó cần thiết hoặc khuôn khổ quy định phù hợp. Toàn bộ quá trình này được vận hành trơn tru và có hệ thống, theo mô hình chặt chẽ từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, một cách thức như vậy hiện nay không còn khả thi(14).

Như vậy, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, lãnh đạo chiến lược sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng khả năng kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Tuy nhiên, hoạt động lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam cũng sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này; đặt ra những thách thức chưa từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định. Để phát triển, lãnh đạo chiến lược sẽ phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, những hệ thống họ thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới.

Lãnh đạo chiến lược trong những thời khắc phức tạp này đòi hỏi phải chuyển đổi toàn bộ những hình mẫu tư duy, trí tuệ, thay đổi trong cam kết hành động và hợp tác; có khả năng kiến tạo ra được những tương lai tốt đẹp, tránh xa những khủng hoảng xã hội mà tiến bộ công nghệ có thể gây ra. Đây chính là những gợi ý quan trọng đối với vai trò lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Thách thức đối với vai trò của lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 là không hề nhỏ, đặc biệt là ở phương diện lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo một số nhà nghiên cứu,dù sự xuất hiện của CMCN 4.0 có tính hợp lý trên phương diện hiệu quả và năng suất, nhưng rốt cuộc nó vẫn chỉ là giai đoạn mới của phân công lao động tư bản chủ nghĩa hoặc quan hệ giữa người với máy móc mà thôi, trên thực tế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đi trên con đường “tự hủy diệt mang tính sáng tạo”(15). Và, ngoài mối quan tâm kinh tế, sự bất bình đẳng là mối quan tâm xã hội lớn nhất gắn liền với cuộc CMCN 4.0. Những người hưởng lợi lớn nhất của sự đổi mới có xu hướng là các nhà cung cấp vốn trí tuệ và vật chất - những nhà sáng tạo, các cổ đông và nhà đầu tư - điều này giải thích chênh lệch tăng lên về sự giàu có giữa những người phụ thuộc vào vốn và lao động(16).

Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 có là nguyên nhân tiếp tục làm gia tăng phân hóa giàu nghèo, khoảng cách phát triển hay là giải pháp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và sự phát triển giữa các giai tầng trong xã hội hay không, phụ thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn, năng lực và hiệu quả của hoạt động lãnh đạo, quản lý. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy tốc độ phát triển kinh tế chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế(17).

Sự tác động kép theo xu hướng phân cực chính là một đặc điểm của cuộc CMCN 4.0 mà lãnh đạo chiến lược ở Việt Nam cần quan tâm. Cuộc CMCN 4.0 có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới, sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn, trong đó người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất. Cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí thấp phục vụ người tiêu dùng(18). Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, trí tuệ, tài năng, chứ không phải là vốn, sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất, cốt lõi của sản xuất. Điều này sẽ làm cho thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm: “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, sẽ làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội(19). Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế, năng lực con người, chứ không phải là nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố quyết định của nền sản xuất và dịch vụ. Chính vì vậy, lãnh đạo chiến lược về kinh tế của đất nước cần nắm bắt được xu hướng của thế giới để áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất và quản lý để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tạo dựng vị thế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phát triển xã hội bền vững, phải giải quyết các vấn đề xã hội (bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, xung đột xã hội...) ngay trong các hoạt động phát triển kinh tế.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1), (2), (9), (13), (16), (18), (19) Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, www.vista.vn.

(3), (6) Trần Đại Quang: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống, Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngày 3-10-2016. http://www.tuyengiao.vn.

(4), (15) Vương Thục Phương: Công nghiệp 4.0: sự trừng phạt hay cứu rỗi của tư bản kỹ thuật đối với con người - Từ góc độ phê phán “sùng bái hàng hóa” và “thời gian tự do” của C.Mác - Bản dịch đăng tải trên Bản tin Tư liệu khoa học: Lý luận và thực tiễn thế giới,số 10/2017 - Viện Thông tin Khoa học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

(5) Huỳnh Thành Đạt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, https://kinhtetrunguong.vn.

(7) Chu Ngọc Anh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam, tapchithongtindoingoai.vn.

(8), (14) Klaus Schwab:Bốn nguyên lý lãnh đạo cho Cách Mạng Công nghiệp 4.0 (Nguyễn Thị Lan Hương dịch), 2016, http://www. giaoduc.vn.

(10), (17) Bùi Thị Ngọc Lan: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, số 1/2017, tr.31.

(11) Hoàng Chí Bảo: Năng lực lãnh đạo chiến lược - quan niệm, vấn đề và giải pháp, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 10-2013

(12) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu Chương trình dự nguồn cán bộ cao cấp, t.5, Khoa học lãnh đạo, quản lý, 2014, tr.22.

 

TS Đỗ Văn Quân

ThS Nguyễn Ngọc Lam

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền