Trang chủ    Thực tiễn     Phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 15:30
9100 Lượt xem

Phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(LLCT) - Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức đúng đắn, chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh kinh tế và chính trị của giai cấp nông dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

1. Nhận thức về vai trò của nông dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước

Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp phát triển lâu đời, đến nay giai cấp nông dân vẫn chiếm số đông trong xã hội, với gần 70% dân số và 50% lực lượng lao động xã hội.

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức đúng đắn, chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh kinh tế và chính trị của giai cấp nông dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, chủ trương xóa bỏ nền nông nghiệp độc canh, tự cung tự cấp, hoạt động theo cơ chế tập trung bao cấp, phi thị trường của Đảng chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khuyến khích nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hướng đến xuất khẩu. Kinh tế hộ được thừa nhận và phát triển. Lợi ích của người nông dân được tôn trọng và bảo đảm đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến Đại hội X (4-2006), Đảng nhấn mạnh: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng”. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X (8-2008), Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”(1).

Đại hội XII của Đảng (2016) chủ trương: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân”(2).

Có thể thấy, trong suốt thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của giai cấp nông dân. Dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai cấp nông dân đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Những thành tựu đạt được trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua được khẳng định trong các Văn kiện Đảng: “Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện hơn trước. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo”(3). “Sản lượng lương thực tăng ổn định, sản lượng lúa năm 2015 đạt 45,2 triệu tấn. Phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản với chất lượng, hiệu quả cao hơn. Xuất khẩu của khu vực nông nghiệp năm 2015 đạt 30 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2010; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới...”(4).

Giai cấp nông dân là một lực lượng chính trị hùng hậu trong khối liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, là nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sức mạnh của Đảng, của chính quyền bắt nguồn từ cơ sở, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó nông dân chiếm đại đa số. Người nông dân có mặt ở tất cả các vùng miền của đất nước, từ đồng bằng, ven đô đến miền núi, hải đảo xa xôi. Ở bất kỳ nơi nào, họ cũng luôn phát huy được những truyền thống tốt đẹp của giai cấp mình, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, họ luôn tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái, nghiêm túc thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Việc giữ gìn, bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là một nhiệm vụ thường xuyên và cấp thiết. Nông thôn là địa bàn, môi trường xã hội rộng lớn, còn người nông dân là chủ thể sản sinh, nuôi dưỡng và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc qua nhiều thế hệ. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng đời sống tinh thần, đặc biệt là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Những quan điểm, chủ trương về tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đang phát huy hiệu quả trong việc vận động, giúp đỡ người nông dân thực hiện chương trình mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa ở các vùng nông thôn; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng hộ gia đình văn hóa, tổ thôn, ấp, bản, làng văn hóa.

Mặt khác, trong những năm qua, người nông dân đã phát huy vai trò trong tham gia bàn thảo, đóng góp ý kiến, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại.

Các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo động lực to lớn để nông dân phát huy vai trò chủ động, tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng kinh tế nông thôn. Diện mạo nông thôn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vựcnông thôn cũngđược cải thiện rõ rệt.

2. Những hạn chế, bất cập trong phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước

Thứ nhất, vai trò kinh tế của giai cấp nông dân có biểu hiện giảm sút

Các vấn đề xã hội nảy sinh do việc thu hồi đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn chưa tìm được lời giải thoả đáng. Sự chuyển dịch lao động một cách tự phát đã “kéo” lực lượng lao động trẻ khỏe, có kiến thức ra khỏi địa bàn nông thôn, khiến lực lượng lao động nông nghiệp tại nhiều địa phương chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn. Không ít bộ, ngành, địa phương coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau” của công nghiệp nên việc đầu tư phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% tổng vốn đầu tư xã hội những năm 1989-1990 xuống 14,2% giai đoạn 2005-2010 và chỉ còn trên 6% những năm 2012-2014(5).

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, tuy nhiên nông dân không phải là những người được hưởng lợi nhiều từ xuất khẩu nông sản đem lại. Nguyên nhân là do người nông dân thiếu kiến thức, thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản, do đó việc sản xuất, kinh doanh còn chưa hợp lý.

Ngoài ra, “việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm, kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa đạt mục tiêu đề ra. Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Hợp tác trong sản xuất nông nghiệp phát triển còn chậm, kinh tế tập thể hoạt động còn lúng túng. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và thu nhập của người nông dân còn thấp”(6). Do đó, địa vị, vai trò kinh tế của nông dân đang có biểu hiện mờ dần và giảm sút trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. 

Thứ hai, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, tỷ lệ thiếu việc làm còn lớn

Hiện nay, diện tích đất ở và đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất, Bộ Tài nguyên Môi trường, bình quân mỗi năm diện tích đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, trong khi số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ khoảng 400 nghìn người. Hơn nữa, mức gia tăng dân số ở nông thôn còn tương đối cao, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh(7).

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã và đang khiến cho nhiều hộ nông dân không còn hoặc còn rất ít ruộng đất canh tác, họ phải tự tìm kiếm việc làm, thu nhập không ổn định, gặp không ít khó khăn trong đời sống.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho người nông dân tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho nông dân nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ nông dân còn hạn chế, nên việc tiếp thu kiến thức không dễ dàng; nội dung đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn mang nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế, chất lượng đào tạo chưa cao, đồng thời không có cơ sở bảo đảm chắc chắn sau khi học nghề sẽ có việc làm.

Thứ ba, giai cấp nông dân đang có sự phân hóa giàu nghèo, xã hội nông thôn xuất hiện sự phân tầng ngày càng rõ rệt

Sự phân hóa giàu nghèo trong giai cấp nông dân diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Mặt trái của kinh tế thị trường đã phân tách giai cấp nông dân thành các bộ phận dân cư có địa vị kinh tế - xã hội rất khác nhau; làm xuất hiện các chủ trang trại, các chủ doanh nghiệp nông dân và những người làm thuê cho họ. Trong nội bộ giai cấp nông dân đã có sự phân hóa thành người chủ và người làm thuê. Dưới sự tác động của động lực lợi ích trong nền kinh tế thị trường, nhiều nông dân đã mạnh dạn làm giàu chính đáng, trở thành những triệu phú, tỷ phú nông dân, có thu nhập và mức sống cao và ngược lại, một bộ phận lớn nông dân vẫn có thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn.

Khoảng cách giàu nghèo còn diễn ra giữa nông dân miền núi và nông thôn đồng bằng, giữa nông dân vùng ven đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay, “tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (một số huyện, xã lên đến 50%)”(8).

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” với quan điểm khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nêu bật trách nhiệm của Nhà nước với nông dân. “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”. “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân”.

Thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện... tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... nâng cao thu nhập đời sống của nông dân. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới... Phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân và kinh tế hộ”(9).

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Các chính sách về quyền sử dụng đất; chính sách kết hợp giữa kinh tế nhỏ “hộ gia đình” với các doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện phối hợp hiệu quả giữa 4 nhà (nhà nông nghiệp, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học); chính sách an sinh xã hội cho nông dân như bảo hiểm y tế, hỗ trợ con em nông dân nghèo trong giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm, bảo hiểm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào những mục đích khác.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nghề. Thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học, các trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng để bổ túc văn hóa, nâng cao dân trí cho nông dân.

Ba là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất trong quá trình thúc đẩy CNH, HĐH. Cần xây dựng cơ chế, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các “nhà”, đặc biệt là giữa nhà nông và các doanh nghiệp, thương nhân. Tăng cường hỗ trợ cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông; đẩy mạnh tập huấn, phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình canh tác kiểu mẫu cho nông dân học tập.

Nhà nước cần tăng cường vốn đầu tư, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và cập nhật đầy đủ thông tin về thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, bảo vệ thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản. Ban hành các chính sách phù hợp về đất nông nghiệp; bảo đảm giá cả hợp lý đối với những nông sản chủ yếu, những vật tư phục vụ nông nghiệp.

Hỗ trợ nông dân vay tín dụng để có vốn sản xuất, kinh doanh. Các hình thức cho vay phải đa dạng, thủ tục vay đơn giản; đồng thời cần giảm bớt các khoản đóng góp của người nông dân nhằm tạo điều kiện cho họ đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, đẩy mạnh dân chủ hóa nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo của giai cấp nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nông dân tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội về các chính sách, chương trình xây dựng nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện để tiến tới người nông dân có trợ cấp hưu trí khi hết tuổi lao động.Hội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nông dân phát huy truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

Cần tạo môi trường dân chủ, bình đẳng để mỗi người dân có cơ hội phát huynăng lực, đưa ranhững sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, thực hiện tốtvai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêmPháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Khơi dậy và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng của nông dân. Khuyến khích, động viên các lực lượng tích cựctham gia xây dựng môi trường văn hóa, phát huy truyền thống yêu nước, tính cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lao động, sản xuất; thực hiện dân chủ hóa đời sống tinh thần ở nông thôn, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp vững mạnh.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.123-124.

(2), (3), (4), (6), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.281, 151-152, 235, 253, 256, 92-93.

(5) Nguyễn Quốc Cường: “Giai cấp nông dân trong khối đại đoàn kết dân tộc”, Báo Lào Cai điện tử. http://www.baolaocai.vn.

(7) Huy thông: “Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam còn thấp”,Website Hội nông dân Việt Nam, http://mtnt.hoinongdan.org.vn.

 

TS Trần Thanh Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền