Trang chủ    Thực tiễn    Chỉ tiêu đánh giá phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh đồng bằng ven biển
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 11:00
4608 Lượt xem

Chỉ tiêu đánh giá phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh đồng bằng ven biển

(LLCT) - Để đạt được phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cần phải đạt được cả ba trụ cột; đồng thời cần làm cho phần giao nhau giữa ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường ngày càng mở rộng ra.

1. Khái niệm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững về kinh tế với bền vững về xã hội và bền vững về môi trường.

Như vậy, phát triển nông nghiệp (PTNN) theo hướng bền vững cần bảo đảm đồng thời ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

PTNN theo hướng bền vững về kinh tế thể hiện ở việc nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hợp lý.

PTNN theo hướng bền vững về xã hội thể hiện ở gia tăng việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm ngành nông nghiệp theo hướng tích cực và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông nghiệp.

PTNN theo hướng bền vững về môi trường thể hiện ở việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời bảo vệ, tái tạo, phục hồi tài nguyên thiên nhiên.

Để đạt được PTNN theo hướng bền vững, cần phải đạt được cả ba trụ cột trên; đồng thời cần làm cho phần giao nhau giữa ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường ngày càng mở rộng ra.

2. Nội dung của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

PTNN theo hướng bền vững bao gồm ba nội dung chính:

- PTNN theo hướng bền vững về kinh tế.

PTNN theo hướng bền vững về kinh tế tức là sự tiến bộ về mọi mặt của ngành nông nghiệp xét trên khía cạnh kinh tế, được thể hiện ở chất lượng tăng trưởng nông nghiệp ngày càng cao và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là nội dung quan trọng nhất cấu thành nên PTNN theo hướng bền vững, bởi phát triển kinh tế chính là điều kiện để thực hiện các trụ cột xã hội và môi trường. PTNN theo hướng bền vững về kinh tế được thể hiện ở:

+ Nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp.

Chất lượng tăng trưởng nông nghiệp phản ánh bản chất bên trong của quá trình tăng trưởng nông nghiệp. Chất lượng tăng trưởng nông nghiệp được thể hiện trên ba mặt: động thái, cấu trúc và hiệu quả của tăng trưởng nông nghiệp.

Động thái tăng trưởng nông nghiệp biểu hiện ở tốc độ và quy mô tăng trưởng nông nghiệp trong một thời kỳ nhất định (ít nhất là 5 năm). Nếu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao, quy mô tăng trưởng lớn, liên tục trong nhiều năm, ổn định và ít dao động trước các biến động... thì đó là những biểu hiện của chất lượng tăng trưởng nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Ngược lại, nếu tốc độ và quy mô tăng trưởng nông nghiệp lúc âm, lúc dương hoặc tăng trưởng nhưng với tốc độ thấp và quy mô nhỏ... thì đó là biểu hiện của chất lượng tăng trưởng nông nghiệp không theo hướng bền vững.

Cấu trúc tăng trưởng nông nghiệp: góc độ các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, nếu tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động tài nguyên thiên nhiên thì đó là biểu hiện của chất lượng tăng trưởng nông nghiệp thấp, không theo hướng phát triển bền vững. Ngược lại, nếu tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào tiến bộ công nghệ, TFP, đó chính là biểu hiện của phát triển nông nghiệp bền vững. góc độ sản phẩm đầu ra, nếu tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào các sản phẩm có lợi thế, có năng suất lao động và giá trị gia tăng cao, đó là biểu hiện của chất lượng tăng trưởng nông nghiệp cao và ngược lại.

 Hiệu quả của tăng trưởng nông nghiệp thường được xem xét ở hiệu quả sử dụng các yếu tố vốn, lao động, đất đai và tỷ lệ VA/GO (chỉ số phản ánh hiệu quả sản xuất) của ngành nông nghiệp. Nếu hiệu quả sử dụng vốn (ICOR), hiệu quả sử dụng lao động (năng suất lao động), hiệu quả sử dụng đất đai và tỷ lệ VA/GO của ngành nông nghiệp đạt giá trị cao, có xu hướng gia tăng..., đó là PTNN theo hướng phát triển bền vững và ngược lại.

+ Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hợp lý, tiến bộ.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hợp lý, tiến bộ là quá trình biến đổi hay tái cấu trúc các ngành, tiểu ngành nông nghiệp bảo đảm cho nền nông nghiệp tăng trưởng cao, liên tục và ổn định trong dài hạn. Cụ thể, cơ cấu ngành nông nghiệp phải chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cao, các ngành có hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp, ít gây hại đến môi trường nhằm mục tiêu kép: hiệu quả kinh tế gắn với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.

Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ với việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; phát huy được lợi thế so sánh và phù hợp với điều kiện của từng ngành, tiểu ngành, vùng hoặc địa phương nhằm tạo ra giá trị tăng thêm cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia và địa phương. Trong đó, xác định rõ ngành, tiểu ngành mũi nhọn có khả năng cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm cho ngành nông nghiệp tăng trưởng cao, liên tục và ổn định trong dài hạn.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững về xã hội.

Chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp là người nông dân và địa bàn chính của sản xuất nông nghiệp là khu vực nông thôn. Vì vậy, PTNN theo hướng bền vững về xã hội phải luôn gắn liền với nông dân và nông thôn. Đó là quá trình phát triển đạt kết quả ngày càng cao trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, nâng cao chế độ dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đáp ứng nhu cầu học hành, làm việc, giảm tình trạng đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo sự đồng thuận và tính tích cực xã hội ngày càng cao ở khu vực này.

PTNN theo hướng bền vững về xã hội được thể hiện ở:

+ Tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm ngành nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hợp lý.

Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững tức là tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề thiếu việc làm ở nông thôn. Chất lượng việc làm cần được cải thiện, đẩy mạnh tạo việc làm có năng suất lao động và giá trị gia tăng cao, giảm việc làm có giá trị gia tăng và năng suất lao động thấp, giảm việc làm thời vụ, tăng việc làm dài hạn. Cụ thể: (i) Tăng việc làm hộ thủy sản, giảm việc làm hộ lâm nghiệp và thuần nông; (ii) Tăng việc làm hộ chăn nuôi; giảm việc làm hộ trồng trọt; (iii) Tăng việc làm ở những ngành công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

+ Chất lượng cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Chất lượng cuộc sống của nông dân được thể hiện trên nhiều mặt như thu nhập, học hành, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thụ hưởng các dịch vụ công... Nếu người nông dân được nâng cao thu nhập, có cuộc sống no ấm, không chịu ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro từ thị trường, được học hành nâng cao trình độ, được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống như: chăm sóc sức khỏe, nước sạch, điện... thì đó là biểu hiện của PTNN theo hướng bền vững về xã hội và ngược lại.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường.

Nông nghiệp là ngành sản xuất dựa trên nền tảng tự nhiên. Vì vậy, PTNN theo hướng bền vững xét ở khía cạnh môi trường tức là:

+ Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên là đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp, trong đó đất đai, nguồn nước là hai yếu tố quan trọng nhất, không thể thay thế, song lại khan hiếm. Các yếu tố này vừa là tài nguyên, vừa là môi trường sinh thái để phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc khai thác đất đai, nguồn nước cần chú ý duy trì chất lượng đất, chống ô nhiễm và suy thoái đất, đồng thời cần bảo vệ nguồn nước, tránh khai thác ngoài quy hoạch. Phát triển mô hình đầu vào thấp.

+ Bảo vệ, phục hồi, tái tạo tài nguyên và đa dạng sinh học. Quá trình PTNN phải duy trì được sự đa dạng và bền vững của môi trường sinh thái, tính toàn vẹn của môi trường sống, bảo toàn chức năng của các hệ thống sinh thái. Do đó cần sử dụng an toàn, hiệu quả ở mức tối thiểu các loại thuốc hóa học và phân vô cơ. Sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi vừa phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường thích ứng kịp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần áp dụng khoa học công nghệ và các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiết kiệm đầu vào như tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm trong quá trình sản xuất; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, như: mô hình nông nghiệp hữu cơ; mô hình nông nghiệp sinh thái...

+ PTNN theo hướng gắn với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, nông nghiệp địa phương muốn phát triển ổn định, hiệu quả phải hướng tới thích nghi với biến đổi khí hậu: (i) Quá trình PTNN phải hướng đến các ngành hàng, các công nghệ sản xuất làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tức là làm giảm thải khí nhà kính, giảm chất thải độc hại; (ii) Quá trình tăng trưởng nông nghiệp phải được điều chỉnh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm tổn thất và tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Chỉ tiêu đánh giá phát triển nông nghiệp tỉnh đồng bằng ven biển theo hướng bền vững

Để đánh giá PTNN theo hướng bền vững ở một tỉnh đồng bằng ven biển, cần căn cứ vào: (i) Khái niệm, nội dung của PTNN theo hướng bền vững; (ii) Đặc điểm riêng biệt về tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương; (iii) Bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá phát triển bền vững ở địa phương giai đoạn 2013-2020(1), Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới(2) và (v) Kịch bản nước biển dâng và biến đổi khí hậu của địa phương. Dưới đây là bảng tổng hợp hệ thống các chỉ tiêu do tác giả xây dựng để áp dụng vào đánh giá PTNN theo hướng bền vững ở địa bàn cấp tỉnh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2017

ThS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền