Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 16:39
5971 Lượt xem

Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

(LLCT) - Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp là con đường tất yếu để thúc đẩy nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp của vùng. Vì vậy, việc xác định rõ những thuận lợi và khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn để vùng có những giải pháp phù hợp, có tính khả thi thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.

1. Một số thuận lợi, khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long

Một là, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đây là một vùng sinh thái cận nhiệt đới đặc sắc, có đồng bằng rộng bao trùm phần cuối của sông Mê Công với hàng chục nhánh sông lớn đổ ra biển, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, là một bán đảo có ba mặt giáp biển, có hệ thống động - thực vật đa dạng, phong phú, có rừng ngập mặn, khí hậu ôn hòa... Giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp như vậy, trên thực tế, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Diện tích lúa chiếm 45% cả nước và sản lượng đạt tới 55,6%, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Về cây ăn trái, có nhiều loại đặc sản thế mạnh như: cam sành, bưởi da xanh, bưởi Năm roi, xoài, vú sữa, măng cụt, sầu riêng..., chiếm 70% sản lượng trái cây, 50% lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Sản lượng thủy sản chiếm 54% cả nước, riêng tôm chiếm 80% sản lượng và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước; sản lượng thủy sản nuôi chiếm 68% sản lượng thủy sản nuôi của cả nước.

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, có khả năng cung cấp nguyên liệu với quy mô lớn, chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến nên nhu cầu tiêu thụ các yếu tố đầu vào của nông nghiệp cũng rất lớn, như vật tư, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Hai là, vị trí địa lý của đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp mở rộng giao lưu, vận chuyển hàng hóa tới các vùng trọng điểm của cả nước cũng như các quốc gia khác. Đồng bằng sông Cửu Long nằm cạnh các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á và Đông Nam Á, cũng như với châu Úc... Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Hệ thống giao thông của vùng tương đối thuận lợi cho việc mở rộng giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Giao thông thủy: Hệ thống sông - kênh - rạch chằng chịt tạo thành một mạng lưới liên kết các tỉnh với nhau. Các cảng nội địa trải khắp mạng lưới các tuyến đường thủy, như cảng Mỹ Tho, Cao Lãnh, Trà Nóc, Long Xuyên. Hệ thống đường thủy với 700 km bờ biển và hệ thống kênh rạch dài 28 nghìn km, trong đó 13 nghìn km có thể khai thác bằng các phương tiện có trọng tải lớn. Hệ thống đường bộ huyết mạch có quốc lộ 1A, các quốc lộ 30, 53, 54, 20, 21, 80, 91, 91B và 12... Đường hàng không có sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang) và Cà Mau. Có thể nói, đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện mở rộng giao thương kinh tế trong nước và với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, quy mô sở hữu ruộng đất của các hộ nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tương đối lớn so với các vùng khác trong cả nước (khoảng 1,4 -1,5 ha/hộ, trong khi vùng đồng bằng sông Hồng là 0,25 - 0,3ha/hộ), do đó thuận lợi hơn cho sản xuất tập trung quy mô lớn. Vì vậy, nhu cầu về máy móc trong sản xuất nông nghiệp của vùng lớn hơn các vùng khác, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Bốn là, người dân Tây Nam Bộ có tác phong thực tế, nhạy bén, năng động trong tiếp cận thị trường, quen với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đây là yếu tố thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Chỉ có sản xuất quy mô lớn, hình thành được các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung mới đủ cung cấp nguyên liệu cho những nhà máy chế biến nông sản có công suất lớn.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung một số viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín trong nghiên cứu về nông nghiệp, có khả năng hỗ trợ cho phát triển công nghệ cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tiêu biểu như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa, Viện cây ăn quả miền Nam...

Bên cạnh những mặt thuận lợi, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp:

Một là,kết cấu hạ tầng không thuận lợi, đường giao thông bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch, gây khó khăn cho hoạt động giao thương, buôn bán trong vùng. Hệ thống giao thông thủy, bộ và hệ thống cảng biển, cảng sông còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông gặp nhiều khó khăn do quá nhiều sông, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu, chịu ảnh hưởng thường xuyên của lũ lụt, và thiếu nguồn vốn đầu tư. Toàn vùng có 47.202 km đường bộ, trong đó đường nhựa và bê tông chỉ chiếm 28% chiều dài hệ thống đường bộ, đường đất và đường đá dăm chiếm 72%. Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của vùng còn nhiều khó khăn, dẫn đến làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Hiện khoảng 36% doanh nghiệp trong vùng có sản phẩm bị hư hại do chất lượng giao thông kém, giá điện cũng cao hơn mức trung bình cả nước...

Hai là, trình độ dân trí của vùng còn thấp, tỷ lệ học sinh đi học ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thấp nhất cả nước. Toàn vùng có tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/1 vạn dân, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo chỉ chiếm 10,4%, thấp nhất so với các vùng miền (mức bình quân chung cả nước là 19,9%); riêng lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 6%, trong đó số lao động có trình độ cao đẳng chỉ chiếm khoảng 3%. Tính bình quân, tỷ lệ lao động được đào tạo của vùng là 14,31%(1). Do trình độ học vấn của nông hộ thấp, nên năng lực tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, vì vậy nhiều hộ vẫn sản xuất theo lối truyền thống(2). Mặt bằng dân trí thấp dẫn đến nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn hạn chế về chất lượng, đặc biệt trong nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghệ và trong những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Ba là, người nông dân thiếu tầm nhìn xa, chạy theo thị trường, không theo quy hoạch, nên diện tích nhân rộng một cách ồ ạt, dẫn đến sản lượng tăng đột biến, không tiêu thụ được. Và điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng”  tiếp diễn mà không có hồi kết. Tâm lý tiểu nông, chạy theo lợi ích trước mắt, phá vỡ hợp đồng liên kết kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp cũng làm cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp khó có điều kiện phát triển bền vững.

Bốn là, hệ thống đào tạo nhân lực của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tính bình quân, 3,37 triệu dân mới có 1 trường đại học. Việc đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua không hợp lý, các ngành đào tạo về nông nghiệp và công nghiệp phục vụ nông nghiệp chưa được chú trọng. Số sinh viên trong vùng theo học ngành kinh tế, tài chính rất lớn, trong khi những ngành thế mạnh của vùng là nông, lâm, ngư nghiệp thì số lượng sinh viên theo học ít, chỉ chiếm 10,4%, ngành y 5%, ngành văn hóa - nghệ thuật chiếm 1%(3). Nhu cầu về cơ giới hóa nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, là cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp cơ khí máy nông nghiệp, nhưng việc đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khoa cơ khí nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, từ năm 1999 đến nay không có sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp(4).

Năm là, diện tích đất canh tác nông nghiệp của vùng trong những năm qua liên tục bị thu hẹp do thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, công trình công cộng và khu dân cư, trong khi hiệu quả sử dụng của các khu công nghiệp không cao. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 51 khu công nghiệp và 200 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch 25 nghìn ha nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 20%(5). Vùng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp, đó là thách thức về biến đổi khí hậu và thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vào mùa khô cũng như tình trạng ngập lụt vào mùa lũ.

Sáu là, sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, quy mô đất trên nông hộ chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn, thu nhập của người nông dân thấp, không có tích lũy để tái đầu tư. Điều này cản trở việc phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp của vùng, cả ngành sản xuất yếu tố đầu vào và tiêu thụ đầu ra vì nông nghiệp nhỏ không có nhu cầu lớn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp cung cấp đầu vào và không đảm bảo số lượng, chất lượng cho ngành công nghiệp tiêu thụ đầu ra.

2. Giải pháp phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp

Đẩy mạnh hợp tác công tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giữa vùng sản xuất nông nghiệp với các cơ sở chế biến nông sản; tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 210 ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Thông tư số 05/2014 ngày 30-9-2014 của Bộ kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 210 hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào doanh nghiệp; tiếp tục cải tạo và nâng cấp cảng sông, cảng biển lớn ở Tây Nam Bộ, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh hàng hóa.

Các tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển hệ thống bảo quản nông sản của vùng; đẩy mạnh triển khai Quyết định số 4051/QĐ-BCT, ngày 10-10-2016 của Bộ Công thương về việc phê duyệt “Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp chế biến vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ đến năm 2025, tầm nhìn 2035”.

Thứ hai, tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp

Để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp của vùng, cần nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, nhất là lao động trẻ, để họ có đủ điều kiện tiếp thu và sử dụng các thiết bị, công nghệ mới; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, như công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy hải sản xuất khẩu; chế biến rau quả, chế biến thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản; cơ khí sửa chữa, hóa chất...

Rà soát lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề có đào tạo những ngành nghề thuộc công nghiệp phục vụ nông nghiệp để xác định lại những ngành nghề nào còn thiếu chưa đào tạo, những ngành nghề nào có cơ sở đào tạo nhưng chưa có sinh viên vào học để có những chính sách phù hợp. Cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng, đặc biệt là cho việc đào tạo những ngành trực tiếp liên quan đến công nghiệp phục vụ nông nghiệp; cần tăng cường đầu tư các loại máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và đầu tư đào tạo đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao. Với những ngành còn thiếu, cần khảo sát năng lực của các trường để hỗ trợ các trường  mở thêm mã ngành mới về công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Chính quyền các địa phương cần dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của các tỉnh theo ngành nghề để hỗ trợ, định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, tránh việc lựa chọn những ngành nghề mà vùng không có nhu cầu, gây lãng phí nguồn lực.

Cần có chính sách hỗ trợ để các trường nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo các ngành nghề thuộc công nghiệp phục vụ nông nghiệp, như ưu tiên, hỗ trợ giảng viên đi du học, hỗ trợ kinh phí mua sắm các trang thiết bị phục vụ đào tạo của ngành.

Cần có cơ chế khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trong vùng liên kết đào tạo với các trường đại học lớn ở ngoài vùng để đào tạo những ngành nghề thuộc công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực của ngành.

Phát triển hình thức đào tạo tại chỗ, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo hợp đồng nhằm bổ sung kịp thời lực lượng lao động kỹ thuật cho các nhà máy sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp của vùng, trong đó ưu tiên, hỗ trợ và tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp công nghiệp phục vụ nông nghiệp của vùng, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp này.

Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn là điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp vì sản xuất quy mô lớn sẽ tăng hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp đủ số lượng nông sản cho công nghiệp chế biến. Tập trung, tích tụ ruộng đất là điều kiện cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Vì vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất bằng dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn... Tuy nhiên, nhìn chung quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Do vậy, cần có những chính sách tạo điều kiện cho những người có năng lực về kỹ thuật và khả năng tài chính làm nông nghiệp giỏi tích tụ và tập trung ruộng đất hình thành các trang trại. Quy mô trang trại khoảng 10ha nếu trồng cây hàng năm, 30ha nếu trồng cây lâu năm ở đồng bằng, ở miền núi là 50 ha. Các tỉnh cần có những ưu đãi đặc biệt về vốn, tín dụng, công nghệ, thị trường cho loại hình trang trại để khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Cần có các chính sách phân bổ lại nguồn lực đất nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất vào tay những nông dân thực sự có nhu cầu và khả năng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với người nông dân chuyển sang nghề khác hay không muốn canh tác, có thể sang nhượng hoặc chính quyền các tỉnh đứng ra mua và thuê lại nhằm duy trì quỹ đất nông nghiệp, tạo điều kiện tập trung đất đai cho những người có khả năng sản xuất.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về cánh đồng lớn nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong mô hình cánh đồng lớn với sự hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật của doanh nghiệp sẽ là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Tiềm năng, cơ hội phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng, chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho nông nghiệp cất cánh. Việc nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển là hết sức cần thiết.

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

(1), (4) Lê Khương Ninh: “Thực trạng nông hộ đồng bằng sông Cửu Long sau 7 năm thực hiện chính sách tam nông (2006 -2013)”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế,số 11-2014.

(2) Bùi Ngọc Hiền: “Giáo dục đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long sau 5 năm thực hiện quyết định 20/2006/QĐ -TTg”, Tạp chí Khoa học xã hội,số 3-2011.

(3) Nguyễn Văn Khải: “Hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long”,Tạp chí Công nghiệp nông thôn, số 1-2011.

 

ThS Hà Thị Thùy Dương

Học viện Chính trị khu vực IV

ThS Đặng Quốc Tuyên

Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền