Trang chủ    Thực tiễn    APEC và những đóng góp của Việt Nam
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:47
3344 Lượt xem

APEC và những đóng góp của Việt Nam

(LLCT) - Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, với mục tiêu ban đầu là thiết lập nên một khu vực “tự do thương mại”. Hiện nay APEC có 21 thành viên (Việt Nam gia nhập năm 1998). Từ khi gia nhập đến nay, Việt Nam đã thể hiện là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động chung. Việc tổ chức thành công APEC 2006 và 2017 là minh chứng khẳng định dấu ấn của Việt Nam với các nước thành viên APEC; khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. 

1. Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

Những ý tưởng về việc thiết lập một liên kết kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện từ thập kỷ 60, 70 thế kỷ XX. Năm 1965, hai học giả người Nhật Bản Kojima và Kurimoto đã đề xuất thành lập một “Khu vực mậu dịch tự do Thái Bình Dương” mà thành viên gồm 5 nước công nghiệp phát triển, có thể mở cửa cho một số thành viên liên kết là các nước đang phát triển ở khu vực lòng chảo Thái Bình Dương. Sau đó, một số học giả khác(1) đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng sự hợp tác có hiệu quả về kinh tế ở khu vực. Tư tưởng này đã thúc đẩy những nỗ lực hình thành Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương(2) (PECC) năm 1980. PECC sau này đã cùng với ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chế độ tư vấn kinh tế rộng rãi giữa các nền kinh tế trong khu vực cũng như thúc đẩy ý tưởng thành lập APEC(3).

Tháng 1-1989, tại Seoul, Hàn Quốc, Thủ tướng Bob Hawke đã nêu ý tưởng về việc thành lập một Diễn đàn tư vấn kinh tế cấp bộ trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Tháng 11-1989, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Nhật Bản, Malaixia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Xinhgapo, Brunây, Inđônêxia, Niu Dilân, Canađa và Mỹ đã họp tại Canbera (Ốtxtrâylia) quyết định chính thức thành lập APEC.

Tháng 11-1991, APEC kết nạp Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan. Sau đó là Mêhicô, Papua Niu Ghinê (11-1993); Chilê (11-1994). Đến tháng 11-1998, APEC kết nạp thêm 3 thành viên mới là Pêru, Liên bang Nga và Việt Nam, đồng thời quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới trong 10 năm để củng cố tổ chức.

Qua 28 năm phát triển, APEC có 21 nền kinh tế thành viên (trong đó có 9 thành viên thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20), chiếm 39% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại thế giới(4). APEC gồm hai khu vực kinh tế mạnh và năng động nhất thế giới: Đông Á và Bắc Mỹ (Mỹ, Canađa và Mêhicô) với những nét đặc thù xen lẫn sự đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Đây là điều kiện để APEC phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

APEC là diễn đàn “mở” vì ủng hộ chế độ thương mại đa phương, không có sự phân biệt đối xử giữa APEC với các nước và nhóm nước khác trên thế giới, đồng thời APEC mở cửa cho các nền kinh tế không phải thành viên APEC trong khu vực tham gia. APEC mặc dù xuất phát với mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế cho các nước thành viên; song trong quá trình hoạt động đã cho thấy đây không chỉ là Diễn đàn hợp tác kinh tế, mà còn là diễn đàn về nhiều vấn đề của khu vực và thế giới, trong đó có vấn đề an ninh. Song hành với đó, APEC cũng đã có những thay đổi tiến bộ quan trọng về tính chất, nội dung, cơ chế hoạt động.

Trong giai đoạn hình thành, các thành viên sáng lập APEC hướng đến phát triển các vấn đề thương mại, đầu tư nhằm xây dựng một khu vực “tự do thương mại”, tăng cường hệ thống thương mại đa phương mở. Các nội dung hoạt động của APEC dần được cụ thể hóa thông qua các Hội nghị Bộ trưởng hằng năm. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư tại Bangkok (9-1992), APEC khẳng định tiếp tục triển khai 10 lĩnh vực của các Hội nghị trước, như: thương mại - đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực đa phương, năng lượng, bảo tồn tài nguyên biển, đánh cá, giao thông, du lịch...

Một trong những nét đặc sắc của APEC là các thành viên thống nhất tổ chức “Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC” (APEC Economic Leaders Meeting - AELM) hằng năm. Việc các nguyên thủ của tất cả các thành viên gặp nhau 1 lần/năm trong kỳ họp thượng đỉnh được tổ chức lần lượt tại các nước thành viên là cơ hội quan trọng để các quốc gia thành viên trao đổi những vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng. Đến nay, đây vẫn là cơ quan quyết định chính sách cao nhất của APEC.

Các hoạt động thường niên của APEC từ khi thành lập đến nay gắn liền với những vận động, biến đổi của khu vực và thế giới, trong đó nổi cộm là các vấn đề như: khủng bố quốc tế, các nguy cơ an ninh phi truyền thống, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... Các hoạt động tiêu biểu là: Tìm ra giải pháp để thực hiện mục tiêu Bogor(5), ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; ủng hộ nối lại vòng đàm phán Doha(6)...

2. Đóng góp của Việt Nam từ khi gia nhập APEC (1998) đến nay

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường nhằm tạo thuận lợi để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế giới, trong đó có APEC. Tham gia APEC, Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển quan hệ kinh tế, chính trị. APEC là khu vực đối tác phát triển lớn nhất đối với Việt Nam: chiếm tới 78% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu. Hầu hết các đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên của APEC(7). Theo thống kê, 11 trong 13 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đàm phán là với các đối tác nằm trong khu vực APEC. Gia nhập APEC mở ra cơ hội để Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ủng hộ tiến trình gia nhập WTO; tranh thủ các chương trình hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết thương mại. Trên thực tế, về kinh tế, Việt Nam đã gặp ít rào cản hơn khi tham gia vào các thị trường APEC. Các dòng thuế quan APEC đã giảm gần 70% và mức thuế quan trung bình giảm từ 16,9% (1989) xuống còn 5,5% (2004).

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và vai trò của một thành viên APEC, Việt Nam luôn nỗ lực tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Gần 20 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng:

Thứ nhất, tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động của APEC trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy đồng thuận chung, tăng cường mở rộng các liên kết thương mại; đặc biệt là thực hiện các Mục tiêu Bogor và Tầm nhìn FTAAP. Trong Hội nghị AELM lần thứ 20, Việt Nam đề nghị các thành viên APEC cần ưu tiên việc thiết lập các chuỗi cung ứng tin cậy, bảo đảm nguồn cung bền vững về năng lượng, nguồn nhiên liệu và lương thực; chú trọng xây dựng, phối hợp triển khai chính sách, tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang phát triển tham gia sâu hơn vào chuỗi cung toàn cầu.

Thứ hai, triển khai thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Việt Nam đã đảm nhận thành công vị trí chủ tịch và điều hành nhiều nhóm công tác, trong đó có nhóm công tác về y tế, nhóm đối phó với tình trạng khẩn cấp và thương mại điện tử. Trong quá trình hoạt động, Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải thiện cơ chế hoạt động của APEC theo hướng phối hợp hiệu quả hơn, đặc biệt là quan hệ của APEC với các tổ chức và thể chế kinh tế quốc tế, thể chế liên kết khu vực. Cụ thể, Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các chương trình hợp tác, dự án hợp tác xóa đói giảm nghèo tại tiểu vùng Mê Công, đề xuất việc tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch...

Thứ ba, đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị hội thảo của APEC, như: Hội thảo về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (3-2003), Hội thảo Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch giữa các nền kinh tế APEC (10-2003), Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 13 (10-10-2005), Hội thảo Đối phó với lũ lụt bất thường - Tầm nhìn mới cho các thành viên APEC (7-2011), Hội thảo về Tự chứng nhận xuất xứ (7-2011), Hội nghị APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI (11-2013), Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực lần thứ 6 (9-2014)...

Đặc biệt, năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam chủ động đăng cai tổ chức APEC và đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC. Với chủ đề  “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng”, năm APEC 2006 đạt kết quả thực chất về nội dung, tạo dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình APEC.

Tại APEC 2006, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan, hướng đến mục tiêu Bogor, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển đã được phê chuẩn. Đây là sáng kiến quan trọng, tạo dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình hợp tác của APEC, là cơ sở định hướng các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong nhiều năm sau, đưa ra triển vọng dài hạn, hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Tại APEC 2006, các nhà lãnh đạo đã ra một Tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Doha, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đặc biệt nhấn mạnh một số biện pháp nhằm sớm khởi động lại Vòng đàm phán. Với tư cách là Chủ tịch AELM lần thứ 14 và thành viên mới của WTO khi đó, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực trong vấn đề này.

APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề của APEC là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Ý nghĩa của chủ đề đã phản ánh quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

APEC 2017 diễn ra trong thời điểm tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sau 28 năm hình thành và phát triển, đây là thời điểm quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020. Việc đăng cai tổ chức APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng”(8).

APEC 2017 là một trong số ít Tuần lễ Cấp cao trong 10 năm qua có sự tham dự đông đủ của tất cả 21 nhà lãnh đạo APEC. Trong toàn bộ 243 hoạt động mà Việt Nam tổ chức, đã có hơn 21 nghìn đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao có khoảng 11 nghìn người (con số đông đảo nhất những năm gần đây). Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2 nghìn doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Riêng Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự (trong đó có 850 doanh nghiệp Việt Nam). Trong chuỗi các hoạt động APEC có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được hình thành(9). Điều đó nói lên tầm quan trọng của Hội nghị và sự thu hút, quan tâm của thế giới và khu vực đối với APEC 2017.

Tại Hội nghị, 8 văn kiện quan trọng đã được thông qua, trong đó đặc biệt là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Hai Tuyên bố đã thể hiện sự nhất trí của APEC trong việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội và khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà lãnh đạo APEC đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020, hướng tới một APEC vì người dân và doanh nghiệp; góp phần xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; phát huy vai trò lãnh đạo của APEC trong ứng phó với các thách thức mới trên toàn cầu. Theo đó, các thành viên nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC.

Thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực đã biết đến sự năng động, đổi mới, sáng tạo của kinh tế Việt Nam, mở ra hy vọng về làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam. APEC đã mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực cả về kinh tế, chính trị, văn hóa trong hợp tác đa phương, đồng thời là kênh hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Thực hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với hoạt động chung, đặc biệt trong vai trò thành viên APEC, Việt Nam đã để lại những dấu ấn tích cực với các nước thành viên.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) Tiến sĩ Saburo Okita (cựu Ngoại trưởng Nhật Bản) và Tiến sĩ John Crawford (Đại học Tổng hợp quốc gia Ốtxtrâylia).

(2) Pacific Economic Cooperation Council (PECC).

(3) Giới thiệu chung về diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) http://www.chinhphu.vn, truy cập ngày 01-10-2017.

(4) Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. https://www.apec2017.vn, truy cập ngày 2-10-2017.

(5) “Tuyên bố Bogor” ra đời năm 1994 tại Bogor, Indonesia. Theo đó, các nhà Lãnh đạo APEC đã thống nhất một mục tiêu chung là phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở cửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Những mục tiêu này được gọi là “Mục tiêu Bogor”.

(6) Hội nghị AELM lần thứ 14 (2006, Hà Nội) đã ra Tuyên bố riêng về vòng đàm phán Doha.

(7) Đoàn Xuân Hưng: “Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp tăng cường liên kết kinh tế và mở rộng thương mại trong APEC”, Báo Nhân Dân, ngày 9-11-2011.

(8) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: “Năm APEC 2017: tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam”, https://www.mofa.gov.vn, truy cập ngày 02-10-2017.

(9) Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Năm APEC 2017, https://www.apec2017.vn, truy cập ngày 20-11-2017.

 

PGS, TS Nguyễn Hữu Cát

Đoàn Thị Mai Liên

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền