Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch thành phố Cần Thơ
Thứ tư, 16 Tháng 5 2018 11:46
15818 Lượt xem

Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch thành phố Cần Thơ

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, thành phố Cần Thơ đã sớm nhận thức rõ vị thế,tiềm năngvà thế mạnh của địa phươngtrong phát triểndu lịch nên đã tập trungđầu tư phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên,bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành du lịch Cần Thơ cũng còn không ít những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục đểphát triển một cách bền vững.

1. Thực trạng phát triển du lịch thành phố Cần Thơ những năm qua

Với những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng du lịch và điều kiện cơ sở hạ tầng, sau 10 năm phát triển (2006 - 2017), du lịch Cần Thơ đã đạt những kết quả quan trọng:

Lượng khách du lịch đến thành phố Cần Thơ không ngừng tăng lên, năm 2017 tăng 2,5 lần so với năm 2010. Thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, năm 2016 thu nhập từ hoạt động du lịch (HĐDL)thuần túy đạt 1.826 tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm 2006, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ(1).

Tỉnh đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, tạo động lực phát triển và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của từng khu vực và toàn thành phố; tạo được nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch dần được đa dạng hoá và nâng cao chất lượng.

Từ thực tế phát triển du lịch, Cần Thơ xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đầu tư khai thác những tiềm năng du lịch của thành phố để phát huy vai trò trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển đã thúc đẩy sự phát triển HĐDLtrên địa bàn. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như các khu du lịch, các khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí... được chú trọng đầu tư, xây dựng tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn những hạn chế, yếu kém sau:

Ngành du lịch Cần Thơchưa phát huy, khai thác hết lợi thế, tiềm năng du lịch của thành phốtrực thuộc Trung ương,thiếu những khu vui chơi giải trí tầm cỡ, hiện đại, những công trình tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch. Sản phẩm du lịch của thành phố còn thiếu tính độc đáo, hấp dẫn, phân bố không đồng đều, chưa phong phú.Dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú, một số tuyến, điểm du lịch mới hình thành nhưng chưa bổ sung dịch vụ thu hút du khách.

Kết quả khảo sát thực tế đánh giá về loại hình sản phẩm du lịch cho thấy, các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch làng nghề còn hạn chế, tỷ lệ đánh giá tốt chỉ đạt 20,6% và 25,2% tương ứng. Về giá và phí dịch vụ cũng chưa được đánh giá cao, mức độ phù hợp với nhu cầu của du khách, tính cạnh tranh và cung cấp thông tin đầy đủ về giá dịch vụ cho du khách còn thấp(2). Theo khảo sát của tác giả, khách du lịch quốc tế đánh giá về sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn và hoạt động vui chơi, giải trí ở Cần Thơ, hầu hết đều cho là bình thường hoặc không tốt, chỉ 34% và 32% đánh giá tốt tương ứng từng vấn đề. Đối với du khách trong nước đánh giá về vấn đề này cao hơn (48,5%, 56,5%)(3).

Khảo sát cũng cho thấy, các HĐDLđược du khách yêu thích bao gồm: du lịch sông nước chợ nổi (khách quốc tế: 92%, khách trong nước: 90%); Trải nghiệm cuộc sống người dân (khách quốc tế: 86%, khách trong nước: 62,5%); Thưởng thức ẩm thực địa phương (khách quốc tế: 79%, khách trong nước: 70%); Thăm các di tích lịch sử (khách quốc tế: 74%, khách trong nước: 61%).

Quảng bá xúc tiếnvàtổ chức HĐDLcòn thiếu tính chuyên nghiệp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch (DNDL)còn yếu. Sự liên kết giữa các quận, huyện trong khai thác tuyến, điểm du lịch chưa chặt chẽ. Việc gắn du lịch với các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức.Qua khảo sát thực tế du khách quốc tế cho thấy, chỉ có 34% là thích thăm quan làng nghề(4).

Đào tạo,bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tỷlệ lao động qua đào tạo chuyên ngành còn thấpso với nhu cầu ngày càng phát triển. Đội ngũ hướng dẫn viêndu lịch của thành phố còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.Các quận, huyện trên địa bàn thành phố gặp khó khăn về nhân sự chuyên trách du lịch và kinh phí HĐDL.Khảo sát thực tế cho thấy, đánh giá của du khách về sự chuyên nghiệp, tận tình và ngoại ngữ của nhân viên: ở mức tốt có tỷ lệ thấp (khách trong nước: 39,5% chuyên nghiệp, tận tình; 21,5% ngoại ngữ. Khách quốc tế: 38% và 23% tương ứng). Qua khảo sát 500 đối tượng, đánh giá ở mức tốt cũng có tỷ lệ thấp: 23% chuyên nghiệp, 7,4% ngoại ngữ.

Ngành du lịch thành phố vẫn còn chậm chuyển biến trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, chưa có những dự án quy mô, đột phá.Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển. Việcđầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố triển khai còn chậm, nhất là tuyến du lịch đường sông liên quận, huyện, tỉnh, thành,... Môi trường du lịch tuy được cải thiện nhưng một số nơi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vệ sinh môi trường.

2. Một số giải pháp phát triển du lịch thành phố Cần T

Một là, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch

-Chú trng đầu tư phát triển các khu, điểm du lịchvà sản phẩm du lịch

Để du lịch Cần Thơ phát triển, trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL, cần phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các khu du lịch, tập trung cho các trọng điểm du lịch là giải pháp then chốt.

Xác định hệ thống các khu, điểm du lịch quan trọng nhất, có vị trí chiến lược đối với việc xây dựng hình ảnh và sản phẩm du lịch của Cần Thơ. Đầu tư, phát triển những sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu,phù hợp với tính chất đô thị trung tâm vùng.

Lựa chọn địa điểm để hình thành và phát triển khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch để thu hút du khách đến Cần Thơ với vai trò đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL. Hình thành khu tập trung thu nhỏ trong đó tái hiện lại mô hình với nét lịch sử, văn hoá, đời sống sinh hoạt của người dân các địa phương trong vùngđể giới thiệu với du khách về các đặc điểm của vùng ĐBSCL.

Phát triển, hình thành khu vực tập trung là đầu mối giao thương, mua bán các đặc sản của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, đầu mối quảng bá, xúc tiến các chương trình, tour du lịch, các sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng. Hình thành đầu mối nông sản của vùngtrên cơ sở phát triển chợ nổi Cái Răng nhằm vừa phát triển vừa tái tạo và bảo tồn được văn hóa chợ nổi Cái Răng.

Phát triển nghệ thuật “Đờn ca tài tử”, di sản văn hóa phi vật thể. Tổ chức điểm phục vụ vừa bảo tồn được loại hình nghệ thuật này, vừa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức của du khách.

Đầu tư thích hợp hệ thống các công trình văn hóa, thể thao lớn, bao gồm các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, công viên, các sân vận động và nhà thi đấu để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển du lịch phù hợp với vai trò, vị trí của một đô thị trung tâm vùng.

Phát triển đa dạng các loại sản phẩm du lịch làm tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch, tăng sự hấp dẫn cho du lịch. Đầu tư các công trình, sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân du khách như: xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng, khu nghỉ dưỡng sinh thái có các hoạt động vui chơi giải trí, khu trung tâm mua sắm, công viên, quảng trường phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí, các sự kiện lớn của thành phố, khu cắm trại trên các cồn, cù lao, sân golf đẳng cấp quốc tế,…

- Gia tăng nguồn cung khách sạn

Tiếp tục đầu tư phát triển về số lượng và chất lượng hệ thống các cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch. Đến năm 2020,cần thiết đầu tư xây dựng thêm khách sạn 5 sao, phát triển hệ thống khách sạn 3-4 sao để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách hạng sang, nhất là khách kinh doanh, công vụ. Trong quá trình phát triển sản phẩm lưu trú du lịch, chính quyền cần có biện pháp tăng cường kỷ cương quản lý nhà nướcnhằm bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, bảo toàn được môi trường thiên nhiên, giữ gìn được bản sắc vănhóađịa phương.Trên góc độ thị trường, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm xây dựng và duy trì hình ảnh sản phẩm lưu trú du lịch Cần Thơ lànơi nghỉ hấp dẫn và an toàn.

-Thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch

Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nư­ớc, đẩy mạnh huy động nguồn vốn ODA thông qua vay ưu đãi nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình đầu tư lớn như: sân bay, đường cao tốc, cảng tàu du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để thu hút sự tài trợ cho các chương trình phát triển dài hạnđểnâng cấp đô thị.

Thành lập Quỹ Phát triển du lịch Cần Thơ; Chú trọng chính sách thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính vềđầu tư các hoạt động kinh doanh du lịch, hạ tầng du lịch; có chính sách ưu đãi tài chính,thuế cho các quận huyện nhằmthu hút đầu tư;tăng cường tính cạnh tranh trong quảng bá cơ hội đầu tư.

Hai là, tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch

Việc khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch sẽgiúp tăng cường năng lực phục vụ du khách,từ đó làm tăng lượng du khách, thời gian lưu trú và mức chi tiêu.Đặc biệt, để thu hút nguồn vốn trong dân đầu tư phát triển du lịch, phải thể hiện rõ lợi ích người dân sẽ được hưởng khi tham gia trong thực tế hoặc có thể tồn tại được từ các HĐDL.

- Hỗ trợ về thủ tục hành chínhvà các hỗ trợ khác nhằm phát triển du lịch

Cần xây dựng “Trung tâm dịch vụ công”cung cấp các dịch vụ hành chính dành cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư,…Khuyến khích các nhà đầu tư, người dân địa phươngthiết lập quan hệ đối tác và với các đối tác quốc tếtrong lĩnh vực du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vui chơi giải trí,...) đầu tư vào Cần Thơ.

Hỗtrợ, khuyến khích xây dựng khu tập trung kinh doanh món ăn đường phố của địa phương, dịch vụ dịch thực đơn cho các nhà hàng. Hỗ trợđào tạo hướng dẫn viên du lịch (chương trình đào tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật,…). Xây dựng chương trình thanh tra, cấp chứng nhận nhà hàng, chứng nhận các dịch vụ du lịch khác và xây dựng đường dây nóng phục vụ du lịch.

-Hỗ trợ về đất đai và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch

Hỗ trợ các vấn đề liên quan đến đất đai, tạo điều kiện tiếp cận với quỹ đất để thực hiện các dự án du lịch, hỗ trợ về mặt bằng, thủ tục liên quan đến đất đai để tiến hành đầu tư, kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân địa phương.

Kết hợp đa dạng các loại hình, phương thức đào tạo,bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực để bảo đảm cho HĐDLCần Thơđến năm 2020 có đủ lực lượng lao động theo yêu cầu; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản, ngắn hạndành cho các đối tượng lao động phổ thông, dân cư tại các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sởdu lịch tự tổ chức các lớp truyền nghề, đào tạo tại chỗ,...

- Hỗ trợ xúc tiến du lịch

 Xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu, định hướng cho từng giai đoạn gắn với thị trường truyền thống và các thị trường có tiềm năng. Xây dựng kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến về du lịch hàng năm. Thiếp lập các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan,ban ngành của thành phố trong quảng bá du lịch.Liên kết chặt chẽ với các thành phố lớn và các địa phương trong vùng ĐBSCLđể lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá. Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các cơ quan quan trọng, đặc biệt là Tổng cục Du lịch Việt Nam, đồng thời đặt gian hàng du lịch tại các địa điểm quan trọng trong và ngoài nước, ví dụ như các phòng du lịch nước ngoài tại các quốc gia thị trường mục tiêu.

Xây dựng hình ảnh du lịch Cần Thơ là một trong những thành phố lớn nhất nằm trực tiếp ngay bên dòng sông Mêkong. Xúc tiến chương trình dán nhãn sinh thái cho sản phẩm, dịch vụ du lịch Cần Thơ, nhãn du lịch bền vững Bông xen xanh.

Xây dựng bản sắc riêng biệt cho thành phố và các quận, huyệncủa Cần Thơ nhằm làm nổi bật giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường của thành phốvà mỗi quận, huyện. Khách du lịch sẽ nắm rõ các sản phẩm khác nhau tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của họ dễ dàng hơn. Phát triển các sản phẩm du lịch giúp quảng bá các điểm đặc trưng của địa phương (ví dụ, tour du lịch sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tham quan cùng người dân ở các làng nghề du lịch, hành trình du lịch văn hóa miệt vườn).Đưa những điểm đặc trưng này vào các ấn phẩm quảng bá.

Khai thác đa dạng các kênh tiếp cận khách hàng, mạng xã hội, diễn đàn, blog du lịch, lữ hành, cổng thông tin du lịch internet (tripadvisor, agoda, lonely planet...). Quảng bá thông qua hợp tác với các đối tác, các đại lý du lịch trong nước và quốc tế.Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các hãng truyền thông lớn và các cộng đồng người dân địa phương để quảng bá.

Thúc đẩy du lịch bằng cách tổ chức thêm các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trívà có lịch tổ chức các sự kiện quanh năm. Duy trì lịch tổ chức các sự kiện liên quan tới du lịch do các doanh nghiệp đề xuất.Chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các sự kiện liên quan tới du lịch (Thí dụ,cuộc thi dành cho các nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng, quầy bar,... các lễ hộinhư lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, ẩm thực, trái cây,…).

Hỗ trợ về thông tin du lịch

Cung cấp thông tin tổng quan về:du lịch Cần Thơvà ĐBSCL;các thông tin hỗ trợ du khách; các thủ tục liên quan đến lĩnh vực du lịch; các dự án đầu tư và yêu cầu pháp lý với các dự án đầu tư;cơ chế ưu đãi đầu tưvàcách thức hỗ trợ nhà đầu tư của chính quyền thành phố Cần Thơ; các số liệu thống kê cơ bản về du lịch để giúp các doanh nghiệp có quan tâm muốn thiết lập hoạt động kinh doanh, làm ăntại Cần Thơ,... Cung cấp các thông tinvề xếp hạng khách sạn, an toàn vệ sinh thực phẩm.Đồng thời, đảm bảo thông báo minh bạch thông tin cho du khách đểphân biệt được sự khác nhau giữa các khách sạn, và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sởdịch vụ ăn uống.

Cung cấp thông tin du lịch quatrang web, bản tin hàng tháng, hội nghị bàn tròn (với các doanh nghiệp lớn), họp mặt trực tiếp giữa hai bên, đường dây nóng cho doanh nghiệp (địa chỉ thư điện tử), hội thảo, hội nghị quan trọng về du lịch và các lĩnh vực liên quan tới du lịch trong khu vực.

Khuyến khích hình thành các hiệp hội, mạng lưới nghề nghiệp

Cócơ chế khuyến khích việc xã hội hóa các hiệp hội chuyên môn thuộc lĩnh vực du lịch phát triển. Chẳng hạn, tạo cơ chếhình thành Hội Khách sạn, Hiệp hội du lịch,… đây là hội ngành nghề chuyên sâu, là phần liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, bảo vệ quyền lợi hội viên đồng thời phản biện chính sách xã hội, luật pháp có liên quan đến ngành nghề do các cơ quan nhà nước ban hành;là nơi tự điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, đào tạo, chuyển giao công nghệ quản lý, nâng cao sự thích ứng với môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài.

Ba là, đẩy mạnh hình thành và đa dạng các tour du lịch

Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL,điểm xuất phát của các tuyến du lịch nội vùng (Cần Thơ - Vĩnh Long - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Cần Thơ; Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Hậu Giang - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - Cần Thơ ; Cần Thơ - Kiên Giang - An Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long - Cần Thơ). Ngoài ra, Cần Thơ nằm trên tuyến du lịch quốc gia, trục giao thông quốc gia liên vùng và kết nối ĐBSCL với Campuchia và các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng qua cửa khẩu Châu Đốc.

Để hình thành và đa dạng các tour du lịch thì giải pháp liên kết, kết nối là một trong những giải pháp then chốt để phát triển du lịch Cần Thơ thành trung tâm du lịch vùng. Liên kết phát triển sẽ có mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Cần Thơ cũng như của cả vùng ĐBSCL, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, góp phần hạn chế những yếu kém, bất cập hiện nay trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương cũng như cả vùng.Cần Thơ cần liên kết để hình thành và đa dạng Tour du lịch như sau:

Hình thành các tour du lịch với sự kết hợp đa dạng loại hình di chuyển như đi ô tô, đi thuyền, đi xe đạp, đi xuồng, ghe... trong một chuyến du lịch nhằm tạo sự trải nghiệm,cảm nhận của du khách về sản phẩm du lịch.

Hình thành các tour du lịch với những sản phẩm du lịch tiềm năng chuyên biệt. Liên kết với các địa phương có thế mạnh,vận dụng những cơ sở và đặc thù của các ngành nông nghiệp, thủy sản thế mạnh của vùng ĐBSCL,để xây dựng các tour du lịch kết hợp mớinhưtham quan, tìm hiểu các quy trình đánh bắt, nuôi trồng, các cơ sở chế biển thủy sản nhằm thu hút đượcnhiều nhóm du kháchvà tăng sự đa dạng.

Hình thành các tour du lịch liên kết với các tỉnh trong vùng để phát triển sản phẩmtheo chuyên đề, có sự đơn giản hóa do sự tương đồng về tài nguyên, văn hóa và điều kiện phát triển. Ngoài ra, cách liên kết sản phẩm có thể thực hiện dọc các tuyến du lịch quốc gia, vùng theo các tuyến quốc lộ và các tuyến sông lớn của vùng. Với tính chất khá khác biệt của từng địa phươngtrong vùng ĐBSCL, việc thực hiện liên kết tạo ra sự bổ sung phù hợpvàtạo sức hấp dẫn.

Hình thành các tour du lịch bằng cách liên kết liên vùngnhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chuyên đề và tổng hợp khác nhau.Liên kết với Hà Nội, Đà Nẵng,thành phố Hồ Chí Minh,…và miền Đông Nam Bộ (du kháchhầu hết đều tập trung tại các nơi này) để thu hút khách đến Cần Thơ và điều phối khách cho toàn vùng.Sự liên kết này sẽ tạo ra sự kết hợp bổ sung, nhấn mạnh sự khác biệt và tăng tính hấp dẫn của vùng với cácsản phẩm khác nhau. 

Hình thành tour du lịch quốc tế với các liên kết sản phẩm quốc tế.Cần Thơ có thể trở thành tâm du lịch vùng ĐBSCL với sự thuận lợi ngày càng lớn trong giao thông đường bộ giữa các nước trong khu vựcđể hình thànhcác chương trình kết nối bằng đường bộ giữa ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.Có thể hình thành các tour du lịch quốc tế theo đường hàng không và đường thủy trên cơ sở phát huy tiềm năng sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế của Cần Thơ. Đâycũng là thuận lợi lớn cho phát triển du lịch ĐBSCL cũng như cho việc phát triển các sản phẩm liên kết với các quốc gia trong khu vực.

Bốn là, đầu tư phát triển hạ tầng giao thôngphục vụ du lịch và bảo vệ môi trường

Tăng cường đầu tư, cải thiện các tuyến đường giao thông qua các tuyến du lịch quan trọng vùng ĐBSCL và Cần Thơ.Đầu tư phát triển các loại hình di chuyển đến Cần Thơ (đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy,…). Tăng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến gắn với các điểm, cụm, trung tâm du lịch trên địa bàn Thành phố.Cơ sở hạ tầng giao thôngyếu kém chính là rào cản lớn đối với phát triển du lịch,những dự án nâng cấp giao thông sẽ làm tăng đáng kể khả năng kết nối, thu hút khách du lịch tới Cần Thơ.

Từ Cần Thơ xây dựng các tuyến du lịch đường thủy nội vùng kết nối với các địa phương khác. Tăng cường khai thác tiềm năng của Sân bay quốc tế Cần Thơ, cải thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ xe khách, xe buýtvàcó các biện pháp giúp khách du lịch, đặc biệt là khách du lịchphương Tây đi lại bằng xe khách, xe buýt dễ dàng, thuận tiện.Phát triển các tuyến du lịch với các phương tiện đặc thù thân thiện với môi trường (du lịch bằng xe đạp, xe điện…)

Cải thiện công tác quản lý môi trường, rác thải tốt hơn, tăng cường kế hoạch chương trình kiểm tra tình trạng môi trường. Xây dựng chương trình thu gom và xử lý rác thải cho chợ nổi Cái Răng và các khu điểm du lịch.Thực hiện hợp tác công tư trong bảo vệ môi trường, có các chương trình, dự án như cùng với người dân, du khách thực các hoạt động vệ sinh môi trường, vớt rác trên sông, trồng cây xanh,…

____________________

(1) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịchCần Thơ:Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm 2016, 2017.

(2) Nguồn khảo sát thực tế của tác giả đối với 500 đối tượng, gồm: chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, quan chức, người dân địa phương, đối tượng khác (truyền thông, hướng dẫn viên, lao động tại các doanh nghiệp du lịch,…

(3), (4) Nguồn khảo sát 300 du khách trong nước và quốc tế của tác giả.

ThS Ngô Nguyễn Hiệp Phước

Trường Cao đẳng Cần Thơ

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền