Trang chủ    Thực tiễn    Bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 00:42
2519 Lượt xem

Bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm

(LLCT)-“Tự phê bình và phê bình” là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cách mạng kiểu mới mà Lênin đã đề ra. Đó cũng là quy luật xây dựng và phát triển của một Đảng “chân chính cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản này trong xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2-1848), Mác và Ăngghen đã nêu rõ Đảng Cộng sản là tổ chức của những người cộng sản. Những người cộng sản luôn luôn đặt lên hàng đầu và bảo vệ lợi ích cho toàn thể giai cấp vô sản, “họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào”. Mác, Ăngghen nhấn mạnh, về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất, “là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(1). Như vậy, sứ mệnh lịch sử, bản chất cách mạng và khoa học của đội tiên phong của giai cấp vô sản là Đảng Cộng sản đã được xác định rõ ràng và dứt khoát. Trải qua thực tiễn phát triển của phong trào cách mạng vô sản trên thế giới và ở Việt Nam, bản chất và tính tiên phong đó đã được khẳng định và phát triển. Các nguyên tắc và yêu cầu về xây dựng và hoạt động của Đảng cách mạng kiểu mới, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã được Lênin, Hồ Chí Minh bổ sung và làm sáng tỏ.

Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu rõ sự cần thiết phải có Đảng cách mạng để lãnh đạo phong trào cách mạng “phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(2). Hai mươi năm sau (1947), khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, đề ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Điều thứ 8 nêu rõ: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”(3). Người nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(4).

Trong bản Di chúc năm 1969, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnhtự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(5).

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc từ năm 1930 và đã đưa cách mạng tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chấm dứt chế độ thuộc địa và phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân và đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, đưa đất nước quá độ lên CNXH, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là những thành tựu vẻ vang, một hiện thực lịch sử mà bất kỳ thế lực thù địch nào cũng không thể phủ nhận hoặc xuyên tạc. Bạn bè quốc tế thật sự khâm phục bản lĩnh, trí tuệ và nghị lực, sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam và không ngừng cổ vũ, ủng hộ.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, các tổ chức Đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên cũng mắc những sai lầm, khuyết điểm “tả” khuynh hoặc hữu khuynh trong nhận thức và hành động, khuyết điểm về phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm hoặc phương pháp, phong cách công tác. Đó là khuyết điểm của Xứ ủy Trung Kỳ trong chủ trươngthanh Đảng đầu năm 1931 đã được Trung ương Đảng uốn nắn kịp thời. Là khuyết điểm của một số đồng chí trong thực hiện chính sách của Đảng những năm 1936-1939 và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích (1939). Đó là khuyết điểm của một số đồng chí trong bộ máy chính quyền cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám như Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chấn chỉnh trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, ngày 17-10-1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tự phê bình đăng trên báo Cứu quốc (28-1-1946), nêu rõ những việc làm được nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm: “Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch”. “Tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”(6).

Là người sáng lập Đảng, khai sinh Nhà nước và trên cương vị lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành thật nhận lỗi trước nhân dân và quyết tâm chỉ đạo sửa chữa. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” đăng trên báo Cứu quốc, ngày 26-9-1945, trong đó chỉ rõ: “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”(7). Tinh thần tự phê bình và phê bình còn được thể hiện ở nhiều nội dung khác, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 1-3-1947, Thư gửi các đồng chí Trung Bộ(1947) và đặc biệt tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện đầy đủ bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của Đảng lãnh đạo và cầm quyền trước đất nước và nhân dân. Người chỉ ra những căn bệnh như địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt, quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, kiêu ngạo... Cần phải kiên quyết sửa chữa những thói hư, tật xấu đó. Nhờ sửa chữa thành công những khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội không ngừng lớn mạnh, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Sai lầm trong cải cách ruộng đất là nghiêm trọng và kéo dài đã được Hội nghị Trung ương 10 khóa II họp hai đợt từ ngày 25-8 đến ngày 25-10-1956 tự phê bình một cách thẳng thắn, nghiêm túc, kiên quyết sửa sai và đã sửa sai kịp thời, có hiệu quả. Tại Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Trường - Chinh đã tự phê bình, xin từ chức Tổng Bí thư và được Trung ương đồng ý. Một số đồng chí khác trực tiếp lãnh đạo Ủy ban cải cách ruộng đất đã bị thi hành kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tự phê bình và nhận lỗi trước Quốc hội.

Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã tự phê bình về những khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cách mạng XHCN. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội đã phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm trong nhận thức và hành động, về bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật và cả sự bảo thủ, trì trệ, duy trì quá lâu cơ chế và chính sách không còn phù hợp. Đại hội đề ra các biện pháp khắc phục và đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, đứng trước những thách thức mới do chế độ XHCN ở nhiều nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng dẫn tới sụp đổ ở các nước Đông Âu, Liên Xô; do tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và sự phức tạp của tình hình quốc tế; do sự chống phá của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước và do sự thiếu tu dưỡng rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Đảng đặc biệt coi trọng  trên tất cả các phương diện: chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức, cán bộ. Trung ương Đảng đã đề ra nhiều nghị quyết quan trọng về xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới. Đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI (6-1988); Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6-1992); Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (6-1997) đề ra Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) tháng 1-1999 và gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-1-2012 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI khẳng định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng”. Đồng thời cũng chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(8).

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh 3 vấn đề cấp bách: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Trung ương đã đề ra 4 nhóm giải pháp để sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm, trong đó nhóm giải pháp hàng đầu là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên. Với tinh thần đó, cuối tháng 2 đầu tháng 3-2012, Trung ương đã mở hội nghị toàn quốc thực hiện kế hoạch tự phê bình, phê bình trong Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực hiện tự phê bình và phê bình trong tháng 7-2012 với nhiều đợt và báo cáo kết quả và kinh nghiệm tại hội nghị toàn quốc ngày 13-8-2012. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI họp từ ngày 1 đến 15-10-2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tự phê bình trước Trung ương và đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một cá nhân Ủy viên Bộ Chính trị. Có thể khẳng định, quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư gương mẫu làm trước và triển khai tới các tổ chức, cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương và cơ sở đã thực sự là sinh hoạt chính trị rất quan trọng được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Sự quan tâm đó thể hiện trách nhiệm chính trị đối với không chỉ vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn với đất nước và chế độ.

Tự phê bình và phê bình của Đảng trong quá khứ và hiện tại đã làm sáng tỏ một trong những nguyên tắc và quy luật xây dựng và phát triển của một Đảng cách mạng chân chính. Đó là yêu cầu thường xuyên và bắt buộc trong xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

Một là, tự phê bình và phê bình để Đảng tự hoàn thiện mình cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, để Đảng hoàn thành sứ mệnh là đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, ngoài lợi ích của giai cấp, nhân dân và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Trách nhiệm của Đảng là phấn đấu vì nước, vì dân. Cán bộ, đảng viên không được vác mặt “quan cách mạng” để cho dân khinh, dân ghét. Người nêu rõ tư cách và trách nhiệm hàng đầu của Đảng là: “Đảng không phải là một tổ chức chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(9). Tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh là “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(10) nhằm phát huy ưu điểm, thành tích, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để lãnh đạo ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, làm cách mạng thì có đúng, có sai, cố nhiên đúng phải nhiều hơn. Trong cách lãnh đạo thì trước hết “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”(11). Sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn thì dân được hưởng thành quả, nếu sai thì dân phải gánh chịu hậu quả. Một cơ chế, chính sách sai dẫn đến cản trở sản xuất phát triển, kinh tế lâm vào khủng hoảng, đời sống nhân dân khó khăn. Một chính sách đúng như Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, ngày 13-1-1981 và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ngày 5-4-1988 đã tạo nên bước phát triển chưa từng có của nền nông nghiệp Việt Nam để đến nay trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới... Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã không ngừng phá được thế bị bao vây, cấm vận, mà còn hội nhập quốc tế thành công, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh. Đại hội XI của Đảng (1-2011) và các hội nghị Trung ương 3, 5, 6 chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công, chính sách và pháp luật về đất đai là sự sửa chữa những khuyết điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân. Thước đo tính đúng đắn của đường lối, chính sách là kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, đối ngoại mở rộng và đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Hai là, tự phê bình và phê bình đúng đắn thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bản lĩnh chính trị của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên là dù trong hoàn cảnh nào cũng trung thành và kiên định lý tưởng và con đường cách mạng; là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; là bình tĩnh, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là chân thành thừa nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, sai lầm và nhận lỗi trước Đảng, trước dân là rất đáng trân trọng và thể hiện bản lĩnh chính trị nhưng điều quan trọng hơn là quyết tâm và có giải pháp sửa chữa sai lầm, khuyết điểm một cách có hiệu quả. Đó là trách nhiệm chính trị lớn lao, tổ chức đảng và người lãnh đạo càng cao, trách nhiệm đó càng lớn. Đó cũng là lương tâm, danh dự, văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối đã từng tự phê bình, tự chỉ trích, nhận lỗi trước nhân dân và đã sửa chữa có kết quả những sai lầm, khuyết điểm, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Ngày nay, tự phê bình và phê bình theo nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cần phải kế thừa truyền thống và những kinh nghiệm thành công của Đảng trước đây.

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4 khi nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại xác định rõ việc “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”(12). Thông qua tự phê bình và phê bình mà mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng tự nhìn nhận lại mình, suy nghĩ một cách nghiêm túc, tự thấy ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để thành thật sửa chữa. “Cả quyết sửa lỗi mình” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương 4 nêu rõ tình trạng không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Tự phê bình và phê bình phải tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu.

Ba là, tự phê bình và phê bình nhằm củng cố sự thống nhất ý chí, hành động, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại. Trong năm 2012, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã diễn ra đúng lộ trình, kế hoạch, nhất là tự phê bình, phê bình từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương đến cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực; những khuyết điểm được kết luận đã có giải pháp sửa chữa kịp thời. Đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất. Vấn đề chống tham nhũng, vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm, trách nhiệm của người đứng đầu; vấn đề công khai kỷ luật tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng; vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho và hiệu quả đầu tư công; vấn đề pháp luật và chính sách đất đai, khiếu kiện kéo dài và nhiều vấn đề bức xúc khác đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ công khai bàn bạc, thảo luận, lắng nghe ý kiến nhân dân để đi đến quyết định. Điều đó đã tạo được niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Tự phê bình và phê bình gắn liền với sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém. Kết quả sửa chữa là sự khẳng định hiệu quả của tự phê bình, phê bình. Tự phê bình và phê bình là sự nhắc nhở, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe cần thiết, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập. Nếu cá nhân nào cố tình không sửa chữa thì phải xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước. Cần ghi nhớ lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai không phạm lỗi lầm thì chú ý tránh đi và gắng sức thêm tiến bộ, ai đã phạm lỗi lầm thì phải hết sức sửa chữa, nếu không sửa chữa thì sẽ không khoan dung. Trong lịch sử, mỗi lần Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm, kẻ thù đều ra sức tìm mọi cách khoét sâu, thổi phồng hoặc xuyên tạc nhằm phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Trong Tự chỉ trích (1939), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu rõ: Các thế lực thù địch với Đảng “chớ vội hí hởn tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi, bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi, thiểu số cũng phục tùng đa số và chừng ấy chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”(13).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã nhấn mạnh: “Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ”(14).

Do bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng quy định mà trách nhiệm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nặng nề. Không ngừng xây dựng và tự chỉnh đốn Đảng, trong đó tự phê bình và phê bình nhằm sửa chữa hiệu quả những yếu kém, khuyết điểm có ý nghĩa sống còn với Đảng và cũng là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân, của toàn dân tộc.

______________________

(1) C.Mác - Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.614-615.

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.280.

(3),(4),(9), (10),(11) Sđd, t.5, tr. 250, 261, 249, 232, 285.

(5) Sđd, t.12, tr.510.

(6),(7) Sđd, t.4, tr.166, 26.

(8),(12),(14)  ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.21-22, 26, 28.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.621.

 

                                                              GS,TS Nguyễn Trọng Phúc

                               Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền