Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả bước đầu sau 2 năm xây dựng chính phủ kiến tạo
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:14
3177 Lượt xem

Kết quả bước đầu sau 2 năm xây dựng chính phủ kiến tạo

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, việc xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân là yêu cầu khách quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức (4-2016) đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ.

1. Nội dung chính của Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Trả lời chất vấn trực tiếp trong phiên họp Quốc hội chiều 18-11-2017, lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích định nghĩa Chính phủ kiến tạo. Theo Thủ tướng, có 4 nội dung chính của Chính phủ kiến tạo, đó là:

Thứ nhất, là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển.

Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những lĩnh vực nào thị trường có thể giải quyết được, thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện hỗ trợ. Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà các doanh nghiệp tư nhân không thể làm hoặc không muốn làm.

Thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Thứ tư, là Chính phủ phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử... Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, sáng tạo hơn, tránh phải rơi vào thế bị động.

Như vậy, có thể hiểu Chính phủ kiến tạo là Chính phủ luôn hoàn thiện mình, tiến đến hiện đại, phục vụ và xây dựng hành lang pháp lý, môi trường cho người dân và doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn. Để đạt được điều đó, Chính phủ cần có những hành động cụ thể, như: đổi mới tư duy điều hành của Chính phủ; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường kinh doanh; chuyển mạnh từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp.

2. Kết quả bước đầu

- Đổi mới tư duy về phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

Thay đổi tư duy về phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong rất nhiều phiên làm việc: chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Nhà nước kiến tạo, phục vụ; chính quyền không được trở thành gánh nặng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho, cái gì thị trường làm được thì để cho thị trường làm, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển.

Tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo đã được chuyển thành những thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng. Trước hết, Chính phủ nhấn mạnh đến tăng trưởng thực chất, bền vững, không đánh đổi bằng những thành tích ngắn hạn. Chẳng hạn, Thủ tướng đã quyết định không điều chỉnh hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2016 để làm mục tiêu phấn đấu. Kết quả năm 2016 cho thấy, tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn so với 6,7% theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn thì kết quả đạt được đã thể hiện sự nỗ lực rất đáng ghi nhận trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Năm 2017, tăng trưởng GDP là 6,81%, cao hơn nhiều so với mức tăng của các năm từ 2011-2016. Đáng chú ý, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 được Quốc hội thông qua là 6,7%, đã từng được đặt vấn đề có nên điều chỉnh khi đầu năm, có nhiều dự báo khó đạt bởi GDP hai quý đầu năm đều thấp. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và đạt kết quả vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chú trọng nhiều hơn đến các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đã có những điều chỉnh phù hợp hơn với các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Phong cách điều hành hoạt động của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là có mật độ đến các tỉnh làm việc dày đặc nhất. Thủ tướng cũng là lãnh đạo có nhiều chỉ đạo cụ thể nhất, cùng với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, ngành về thực thi nhiệm vụ được giao, nhằm rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm. Theo phong cách đó, nhiều nơi đã ký cam kết về tạo môi trường và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhiều văn bản chính sách, pháp luật cũng đã được ban hành nhanh chóng, tình trạng nợ đọng nhiệm vụ cũng có chuyển biến rõ nét.

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế

Trong hai năm 2016-2017, Chính phủ tập trung vào việc xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc cho việc kiện toàn bộ máy và đổi mới hoạt động của các Bộ, ngành Trung ương. Theo đó, nhiều nơi đã triển khai việc kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc sáp nhập, cắt giảm các đầu mối và biên chế trực thuộc. Chẳng hạn, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã cắt giảm 7 đầu mối đơn vị trực thuộc (từ 35 xuống còn 28 đầu mối); Hà Nội đã cắt giảm 55 phòng ban, giảm 130 đơn vị sự nghiệp và giảm 171 trưởng phòng ban. Bộ Nội vụ tiến hành rà soát các địa phương có tình trạng bổ nhiệm người thân giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Ngày 24-11-2017, để đẩy mạnh hơn nữa việc kiện toàn bộ máy, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết đã đề ra những giải pháp để tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn với các tiêu chí cụ thể; tập trung vào việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ; xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; sắp xếp, tổ chức bộ máy ở địa phương... Nghị quyết xác định việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015.

Ngày 5-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Chính phủ cũng đã có các biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh và hợp lòng dân các vụ việc có dấu hiệu vi phạm của công chức ở tất cả các cấp chính quyền, từ những vụ việc nhỏ, như trong vụ Cafe Xin chào tại huyện Bình Chánh cho đến vụ ô nhiễm môi trường tại Formosa Hà Tĩnh năm 2016.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh. Năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam... Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã triển khai gần 200.000 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm 34.222 tỷ đồng, 5.803 ha đất; kiến nghị thu hồi 19.521 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.701 tỷ đồng, 729 ha đất. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.581 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 3.180 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng.

Qua việc chủ động thanh tra, kiểm tra, Chính phủ và chính quyền các cấp đã kịp thời phát hiện và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền nhiều vụ án tham nhũng lớn, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Cải cách hành chính với trọng tâm là đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương đã được đặc biệt quan tâm. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, quán triệt nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Kết quả rà soát thủ tục hành chính năm 2016 của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã đề nghị bỏ 252 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 901 thủ tục không hợp lý, tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa lên tới 4527/4723 thủ tục (đạt tỷ lệ 95,85%); các Bộ, ngành đã chuẩn hóa 3589/4008 thủ tục (đạt 89,5%), số thủ tục được công bố kịp thời sau khi chuẩn hóa là 3495/3589 (đạt 87,3%), số thủ tục được công khai kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi công bố là 3176/3589 (đạt 88,5%).

Trong năm 2017, báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, đồng thời, công khai chỉ số cải cách hành chính của các bộ ngành, địa phương. Để có kết quả đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, trình Chính phủ bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay; Bộ Công thương cũng tiến hành rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đề xuất kế hoạch, lộ trình cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh cũng như phương án giám sát cụ thể (dự kiến có khoảng 38-50% tổng số điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm); Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá các rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn...

- Về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

Tháng 4-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09/2016/NQ-CP, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Chỉ một tháng sau, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ có riêng một nghị quyết về phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, đề ra 9 nguyên tắc và 17 giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Trong năm 2016-2017, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh với việc loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh được ban hành chưa đúng thẩm quyền; trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; Ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 nhằm điều chỉnh việc thi hành Luật Đất đai theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện pháp luật về đất đai và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nhiều hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đã được xúc tiến trong năm 2016 và 2017, như: tăng cường trực tiếp đối thoại, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp (Ba đồng hành là: đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư... bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Năm hỗ trợ là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực); chấm điểm lãnh đạo địa phương qua phát triển của doanh nghiệp. Website Doanhnghiep.chinhphu.vn đã bắt đầu hoạt động từ ngày 1-10-2016 và từ ngày 5-10-2016 đã tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Những thông điệp mạnh mẽ và hành động quyết liệt đó của Chính phủ đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khu vực kinh tế tư nhân. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể giảm đi. Tính chung cả năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%. Trong năm 2016, có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2016 là 60.667 doanh nghiệp, giảm 15,2% so với năm 2015, bao gồm 19.917 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,3% và 40.750 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 26,9%.

Năm 2017, tính chung cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 15,2%) với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng (tăng 45,4%). Bên cạnh đó, có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016.

Kết quả đạt được cho thấy, khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường. Sự quyết liệt hành động của Chính phủ đã thắp lên ngọn lửa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện một Chính phủ kiến tạo luôn hướng tới việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

- Nhà nước đến gần người dân hơn thông qua phát huy dân chủ trong xã hội

Nguyên tắc công khai, minh bạch và bảo đảm sự tham gia của người dân được ghi nhận trong nhiều đạo luật quan trọng, như: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng, chống tham nhũng... và tiếp tục được thực hiện nghiêm túc trong năm 2016-2017. Trong các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, việc phát huy sự tham gia, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp được ghi nhận như là một giải pháp, nhiệm vụ của các cấp chính quyền nhằm xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, đặc biệt là Nghị quyết số 35, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Kể từ khi nhậm chức đến nay, Thủ tướng luôn dành ưu tiên cho việc tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại, chỉ đạo, định hướng rất cụ thể để từ đó đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là tại các điểm nóng. Nhờ đó, bước đầu đáp ứng nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Thí dụ: việc họp bàn, thị sát nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung; tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội; việc chỉ đạo, nắm tình hình để đưa ra biện pháp xử lý theo phản ánh về việc bổ nhiệm người thân của lãnh đạo địa phương vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt tại một địa phương; chỉ đạo, xử lý vụ việc liên quan đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả sai lệch về việc kiểm tra 150 mẫu nước mắm; trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão của bão số 12 ở miền Trung...

Kết quả đạt được về xây dựng Chính phủ kiến tạo trong hai năm 2016-2017 là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu. Để đạt được mục tiêu xây dựng Chỉnh phủ kiến tạo ở Việt Nam, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. Trên cơ sở các kết quả đạt được qua hai năm qua, trong thời gian tới cần tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức điều hành của Chính phủ theo các chức năng của Chính phủ kiến tạo; khắc phục tình trạng thể chế phân mảnh, nhất là trong khâu xây dựng và ban hành chính sách pháp luật; củng cố, mở rộng mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp; nhanh chóng xây dựng một cơ chế minh bạch, hữu hiệu để tuyển dụng người tài vào cơ quan Nhà nước; củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân trên cơ sở phát huy dân chủ xã hội.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ kiến tạo chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ,

Vnexpress.net, ngày 1-1-2017.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển trong thực tiễn Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017.

3. Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (chủ biên):
Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2017.

4. Http://www.gso.gov.vn.

5. Http://www.chinhphu.vn

7. Trịnh Quốc Toản, Vũ Công Giao (chủ biên): Nhà nước kiến tạo phát triển: Lý luận, thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017.

 

ThS Đặng Trường Khắc Tâm

Học viện Chính trị Khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền