Trang chủ    Thực tiễn    Bắc giang phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:15
1459 Lượt xem

Bắc giang phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020

(LLCT) - Năm 2017, cùng với sự khởi sắc chung của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang đã có bước phát triển mạnh, mang tính đột phá, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.  

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được những thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu chủ yếu đều đã cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực như sau:

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2017 đạt 13,3%, mức cao nhất từ trước đến nay, gấp gần 2 lần bình quân cả nước, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2016, tương ứng 25,6% và 8,2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng chiếm 46,1%, tăng 4,8% so với năm 2016; dịch vụ chiếm 33,3%, tăng 1,4% so với năm 2016; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,6%, giảm 6,2% so với năm 2016. Quy mô GRDP của tỉnh ước đạt trên 69 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 3 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 1.850 USD, tăng 174 USD so với năm 2016. Thu ngân sách đạt gần 6.300 tỷ đồng, vượt trên 35% dự toán. 

Các ngành sản xuất cơ bản giữ được mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 114 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch, tăng32,8% so với năm 2016; hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI ngày càng đi vào ổn định, năng suất được nâng lên, quy mô từng bước được mở rộng. Thương mại, dịch vụ và du lịch cũng có nhiều chuyển biến tích cực: giá cả hàng hóa ổn định, nguồn cung được bảo đảm; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2016, vượt trên 30% kế hoạch; tổng vốn huy động và cho vay đều vượt kế hoạch, nợ xấu có xu hướng giảm;lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh tăng hơn hai lần so với năm 2016. Riêng ngành sản xuất nông nghiệp, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết bất lợi và biến động thị trường dẫn đến sản lượng giảm (sản lượng vải thiều giảm 40% so với năm 2016), tuy nhiên do chủ động tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên giá trị thực tế không giảm nhiều so với năm trước. Công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả khả quan. Năm 2017, có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới lên 68 xã.

Thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng. Năm 2017 đã thu hút được 222 dự án với tổng vốn đăng ký quy đổi đạt trên 2,32 tỷ USD, tăng 40,6% so với năm 2016; thu hút FDI đứng thứ 7 cả nước về số dự án và đứng thứ 12 về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tăng mạnh, trong nămcó 1.281 doanh nghiệp, 142 chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới, tăng gần 60% so với năm 2016; kinh tế tập thể tiếp tục phát huy được vai trò với 547 hợp tác xã đang hoạt động với số vốn trên 1.160 tỷ đồng và gần 60 nghìn thành viên tham gia.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng, tiến độ thực hiện các công trình, dự án ngày càng được nâng cao. Ngoài nguồn vốn đầu tư nhà nước, tỉnh đã chủ trương đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao với tổng vốn trên 1.300 tỷ đồng. Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh đang nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ từ nhân dân các địa phương. Sau 4 tháng triển khai thực hiện, nhân dân các địa phương đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí với tổng giá trị trên 120 tỷ đồng để thực hiện cứng hóa gần 250km đường giao thông, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo khu vực nông thôn.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến: giáo dục,đào tạo duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước;cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư; tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm noncơ bản đã được giải quyết. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dânđược quan tâm theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; tỷ lệ người dân tham giaBHYT đạt 92% vượt 10,4% so với kế hoạch do Trung ương giao. Các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm tiếp tục được duy trìthực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,19% so với năm 2016; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm còn 46,3%; chất lượng lao động từng bước được nâng lên, lao động qua đào tạo chiếm 58,5%.

Công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế tiếp tục được quan tâm thực hiện; đã sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động một số đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ hoặc chuyển sang mô hình doanh nghiệp; 100% thủ tục hành chính ở cấp tỉnh đã được giải quyết tại Trung tâm hành chính công, trên 98% hồ sơ giải quyết xong trước và đúng hạn, góp phần minh bạch hóa và giảm thời gian chờ đợi, đi lại của công dân. Việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, tỷ lệ giải quyết đạt 93,3%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Lòng tin của nhân dân được củng cố, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính từng bước được nâng lên, đạt 78%.

Năm 2018 được xác định là năm bản lề trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn không ít khó khăn, thách thức: tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; điều kiện thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp; dư địa cho phát triển nông nghiệp khó khăn; kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp...

Mặc dù vậy, trước những thành tựu hết sức tích cực đã đạt được năm 2017, năm 2018, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 13%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 2.100 USD và thu ngân sách đạt trên 6.368 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh;tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường bảo vệ môi trường; chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

Lại Thanh Sơn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền