Trang chủ    Thực tiễn    Một số vấn đề về truyền thông chính sách công ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:17
6559 Lượt xem

Một số vấn đề về truyền thông chính sách công ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trên bình diện truyền thông, nhìn cận cảnh, truyền thông chính sách công là quá trình chuyển đổi nhận thức xã hội, bắt đầu từ việc tuyệt đối hóa khái niệm tuyên truyền, chuyển dần sang khái niệm truyền thông, tạo độ mở nhất định để thể chế “hít thở sinh khí”phục vụ cho quá trình đổi mới. Trong môi trường truyền thông số hiện nay, quá trình chuyển đổi này, cùng với sự phát triển, đang từng bước thay đổi mô thức truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách công. Bài viết trình bày những vấn đề chính liên quan đến nhận thức khái niệm và mô thức truyền thông; vai trò của thiết chế báo chí - truyền thông kiến tạo trong truyền thông chính sách công; thử đề xuất mô hình truyền thông chính sách công ở Việt Nam.

1. Từ nhận thức khái niệm đến mô thức truyền thông

Hai khái niệm cơ bản liên quan trực tiếp đến vấn đề mà bài viết đề cập, đó là khái niệm truyền thông và khái niệm tuyên truyềntrong mối quan hệ với vấn đề truyền thông chính sách công.

Trong lý thuyết truyền thông, tuyên truyềnlà một trong những dạng thức của truyền thông, nhưng đó là dạng thức đặc biệt. Bởi vì, nếu như “Truyền thông là quá trình liên tục, tương tác bình đẳng, trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm..., chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng/xã hội”(1);thì tuyên truyền có những thuộc tính khác biệt, thậm chí đối lập. Đó là, tuy truyền thông hay dạng thức cụ thể đặc thù của nó là tuyên truyền cùng đều nhằm mục đích cụ thể, nhằm gia tăng những tương đồng và giảm dần sự khác biệt trong nhận thức, tiến đến những đồng thuận trong hành vi xã hội, thì nếu truyền thông chủ yếu là tương tác bình đẳng giữa chủ thể và khách thể, thì tuyên truyền chủ yếu là áp đặt một chiều từ chủ thể nhằm đạt mục đích do chủ thể đặt ra; nếu truyền thông là đề cao công chúng và coi công chúng như đối tác bình đẳng, thì tuyên truyền đề cao chủ thể; nếu truyền thông chú trọng thuyết phục thông qua tương tác thì tuyên truyền chủ yếu áp đặt bằng ý chí chủ thể...

Khái niệm tuyên truyền trong thời kỳ chiến tranh lạnh được sử dụng, khai thác khá triệt để với nội hàm đối lập giữa hai hệ thống XHCN và TBCN. Trong khi V.I. Lênin coi tuyên truyền là đem chân lý đến cho người nghe, thì phương Tây coi tuyên truyền là quá trình tha hóa, là “biến không thành có”, là nghệ thuật nói dối, nói đi nói lại nhiều lần về một vấn đề không có thật, để người ta tin là có thật nhằm lôi kéo người khác làm theo hoặc ủng hộ. Thực tế hiện nay, sự khác biệt này vẫn không thay đổi.

Bởi vậy, trong tổ chức quyền lực nhà nước, mô hình phổ quát của phương Tây là tam quyền phân lập, dùng ba nhánh quyền này một cách độc lập để kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau, cùng với truyền thông tương tác và huy động xã hội dân sự cùng tham gia kiểm soát cả ba nhánh quyền lực thông qua báo chí và dư luận xã hội. Đó là lý do căn bản chống lạm dụng quyền lực, bảo đảm cho xã hội phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong chính sách đối ngoại, các nước phương Tây lại chủ yếu sử dụng khái niệm và học thuyết tuyên truyền để áp đặt quan điểm và chính sách thông qua sức mạnh cứng và mềm của mình - vũ khí nóng, tài chính và quan niệm giá trị (coi chủ nghĩa can thiệp và chính sách can thiệp của Hoa Kỳ như ví dụ tiêu biểu).

Ở các nước trong hệ thống XHCN trước đây và một số nước hiện nay phát triển theo định hướng XHCN thì chủ yếu sử dụng (thậm chí tuyệt đối hóa) khái niệm cũng như học thuyết tuyên truyền trong đối nội cũng như chính sách đối ngoại. Tiếp cận từ lý thuyết truyền thông, có thể nhận thấy mô hình tiêu biểu là Liên Xô. Ở Liên Xô, khái niệm tuyên truyền đã được mở rộng thành mô thức tổ chức xã hội theo mô thức “khái niệm tuyên truyền”. Mô thức tổ chức này làm cho xã hội trở nên cứng nhắc do chủ quan duy ý chí, áp đặt từ trên xuống, ít tương tác xã hội để khơi thức tiềm năng sáng tạo của nhân dân, hiếm có sự giám sát và phản biện xã hội, xã hội thiếu sự mềm dẻo và hầu như không có “độ mở” cần thiết để “hít thở” thêm “sinh khí” trong quá trình vận động. Cho nên, đến khi quá trình “cải tổ” diễn ra một cách “vụng về” thì cả hệ thống bị đổ vỡ. Do đó, có quan điểm cho rằng, sự đổ vỡ mô hình tổ chức xã hội Xô Viết, chủ yếu do các nguyên nhân từ bên trong và bên trên.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong công tác tư tưởng và hoạt động truyền thông nói chung, việc sử dụng khái niệm nào là phản ánh độ cập nhật, khả năng làm mới và năng lực tư duy mới, cũng như định hướng cách thức dẫn dắt hành vi ứng xử của con người và xã hội. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy xã hội Việt Nam chuyển dần từ “mô thức xã hội tuyên truyền” sang “xã hội truyền thông tương tác” nhiều hơn, mềm dẻo và uyển chuyển hơn, tạo được sự quan tâm và tham gia của cộng đồng nhiều hơn; thông qua đó, mục đích truyền thông hay tuyên truyền dễ nhận diện và hiện thực hóa. Trong quá trình này, không thể không nói đến quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của công tác tư tưởng và hoạt động truyền thông, bao gồm vai trò của truyền thông xã hội, mạng xã hội và báo chí công dân trong môi trường truyền thông số. Chính môi trường truyền thông số, với nền tảng của kỹ thuật và công nghệ số, đã tạo nên những điều kiện không chỉ để siêu kết nối công chúng và nguồn tin, mà còn làm thay đổi vai trò, vị thế xã hội trong giao tiếp của công chúng xã hội - từ công chúng thụ động sang công chúng chủ động tham gia cung cấp nguồn tin, sản xuất sản phẩm và chia sẻ theo nhu cầu,... Môi trường truyền thông số cũng từng bước làm thay đổi tư duy, phương pháp và cách thức hành xử của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Môi trường truyền thông số có nhiều ưu thế, cho phép kết nối và khai thác tài nguyên mềm, khơi thức và kết nối nguồn sức mạnh mềm[1], khai thác sức mạnh mềm cho quá trình phát triển bền vững. Không chỉ thế, nó còn là phương cách hữu hiệu trong việc thúc đẩy giám sát và phản biện xã hội, kiểm soát quyền lực, chống lạm dụng và tha hóa quyền lực.

2. Thiết chế báo chí - truyền thông kiến tạo trong truyền thông chính sách

Trong thực tế, có những quan niệm khác nhau về báo chí - truyền thông, kể cả cách phân ngành đào tạo như hiện nay là chưa chính xác. Theo chúng tôi, báo chí nằm trong số các kênh (hay loại hình) của truyền thông đại chúng; và truyền thông đại chúng nằm trong số các kênh của truyền thông nói chung - tất cả các kênh này kết nối thành khái niệm truyền thông, thiết chế truyền thông nói chung. Do đó, cách thức tiếp cận khái niệm báo chí, truyền thông của chúng tôi có thể được miêu tả như sau, từ rộng đến hẹp: Truyền thông --> Truyền thông đại chúng --> Báo chí. Như vậy, báo chí có vị trí trung tâm, cốt lõi của truyền thông nói chung.

Khái niệm truyền thông đại chúng, nhìn từ các yếu tố cấu thành có thể được miêu tả (Hình 1).

Mô hình khái niệm truyền thông đại chúng

Như vậy, cách gọi “báo chí - truyền thông” chủ yếu để cho cách phát âm tiếng Việt thuận chiều; bởi gọi “truyền thông - báo chí” sẽ không thuận về âm tiết.

Ngày nay, các lý thuyết truyền thông không chỉ nói đến truyền thông một chiều hay hai chiều, mà thực tế đã và đang vận hành truyền thông ba chiều, tùy ở các mức độ khác nhau. Trong môi trường truyền thông số và truyền thông ba chiều, nhận thức và thực hành báo chí cũng cần thay đổi, thì báo chí mới có thể chiếm lĩnh được công chúng và thị trường báo chí - truyền thông.

Vấn đề ở chỗ, ngày nay, báo chí - truyền thông không chỉ được nhìn nhận như một công cụ thể hiện quyền lực chính trị, mà còn cần được nhìn nhận như một thiết chế xã hội, như một hiện tượng tất yếu khách quan; hơn thế nữa, nó là thiết chế kiến tạo xã hội. Thiết chế xã hội ra đời và phát triển là do nó đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là nguyên nhân khách quan hình thành, đồng thời cũng là mục đích tồn tại của thiết chế xã hội.

Với khả năng siêu kết nối trong siêu không gian, thời gian và trên phạm vi rộng lớn với đa dạng các giai tầng xã hội, thiết chế báo chí - truyền thông không chỉ có vai trò điều hòa và kiểm soát xã hội, mà quan trọng là kết nối sức mạnh mềm - trí tuệ, cảm xúc của công chúng, cộng đồng và nhân dân nói chung trong quá trình khơi thức, phát triển tài nguyên mềm, kết nối sức mạnh mềm. “Truyền thông là thiết chế xã hội rộng lớn hoạt động trong mối quan hệ kết nối với các sự kiện và vấn đề xã hội đã và đang diễn ra với mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội, với cộng đồng cũng như với các thiết chế xã hội khác một cách thường xuyên, liên tục; trong đó, truyền thông đại chúng, báo chí có thể được coi là những hạt nhân có vai trò chi phối sức mạnh, khuynh hướng và tính chất của nền truyền thông nói chung. Do đó, với tư cách là thiết chế kiến tạo xã hội, truyền thông có thể bảo đảm vai trò kết nối hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và thực thi chính sách công, bảo đảm huy động nguồn lực sáng tạo, trí tuệ và cảm xúc của nhân dân trong quá trình phát triển bền vững”(2).

3. Đề xuất mô hình truyền thông chính sách công ở Việt Nam

- Về nhận thức

Chính sách công là quan điểm, thái độ, cách tiếp cận, quyết sách và cách thức giải quyết hoặc không giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng, liên quan đến lợi ích của các nhóm xã hội lớn, trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích nhân dân nói chung, của nhà nước hay chính phủ, chính quyền, của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của một quốc gia. Chính sách công chính là công cụ của nhà nước nói chung được dùng để giải quyết các vấn đề thực tiễn, điều hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội lớn, tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng của việc ban hành và thực thi chính sách công là có huy động được nguồn lực trí tuệ, cảm xúc với sự tham gia của cộng đồng (chủ yếu vai trò của trí thức, các chuyên gia) hay không? Câu hỏi này có thể được trả lời, được thể hiện trong cấu trúc thể chế cũng như vai trò và cơ hội tham gia, vào cuộc của thiết chế truyền thông như thiết chế kiến tạo xã hội”(3).

Tuy nhiên, nói chung, phát huy vai trò thiết chế kiến tạo xã hội của báo chí - truyền thông đi liền với vấn đề cải cách thể chế. Vai trò của cải cách thể chế đã được Acemoglu và Robinson đề cập trong cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại?”(4)với thông điệp rõ ràng: “phát triển, thịnh vượng, xã hội hài hòa, dân chủ và tiến bộ, hết thảy đều có thể giải thích từ cấu trúc thể chế của mỗi xã hội. Vì lẽ đó, muốn đạt tới thịnh vượng, cải cách thể chế phải là chìa khóa”.

Trong chu trình chính sách công, ngoài thông tin thường xuyên liên tục, theo chúng tôi, báo chí - truyền thông tham gia ở ba giai đoạn với hai chức năng cơ bản, nổi trội nhất:

Thứ nhất, đó là báo chí - truyền thông tham gia chu trình chính sách công với vai trò phản biện xã hội (PBXH) trong các giai đoạn hình thành, từ nêu ý tưởng vấn đề chính sách đến thiết kế và thông qua chính sách. Vai trò phản biện này bảo đảm cho chính sách được thiết kế bảo đảm lợi ích công, chống và hạn chế mọi biểu hiện can thiệp của lợi ích nhóm “ngay từ trong trứng nước”. Vai trò PBXH trong quá trình mở rộng dân chủ hóa, minh bạch hóa và thực hiện Luật về quyền tiếp cận thông tin càng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với Việt Nam trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền.

Thứ hai, là báo chí - truyền thông tham gia chu trình chính sách công với vai trò tuyên truyền, giám sát xã hội (GSXH) ở giai đoạn thực thi chính sách, bảo đảm cho chính sách được thực thi không bị “méo mó” do lạm dụng quyền lực, làm sai lệch mục tiêu chính sách và các đối tượng hưởng lợi,... Vai trò này gắn liền với khả năng giáo dục kiến thức, cung cấp thông tin liên quan đến chính sách công cho công chúng, cũng như đề cao vai trò và ý thức của họ trong thực thi và GSXH.

Thứ ba, với cả hai vai trò GSXH và PBXH, báo chí - truyền thông tham gia phân tích, đánh giá và tổng kết chính sách để có thể nêu ra những kinh nghiệm thực tiễn, góp phần hoàn thiện chu trình hay công nghệ chính sách công.

- Về thực tiễn triển khai truyền thông chính sách công ở nước ta những năm qua

Để tìm hiểu trong thực tế các Bộ, ngành thực hiện truyền thông chính sách như thế nào qua các đơn vị khảo sát, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 3 đơn vị truyền thông Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.

+ Bộ Y tế: Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng là vụ tổng hợp thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý về công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; quản lý báo chí, xuất bản và công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế, được quy định theo Quyết định số: 4064/QĐ-BYT, ngày 22-10-2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Về nhiệm vụ, quyền hạn được ghi rõ: a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về truyền thông, giáo dục sức khỏe trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;...

Như vậy, theo quy định trên đây, Vụ này không có chức năng hay nhiệm vụ tổ chức PBXH trong các giai đoạn “xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án” cũng như không giám sát thực thi chính sách, hay tổ chức, tạo điều kiện để báo chí - truyền thông GSXH trong quá trình thực thi những chính sách công ngành Y tế. Trong thực tế, Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng cũng chưa thể hiện rõ vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ về phát huy vai trò PBXH, GSXH của báo chí - truyền thông trong chu trình chính sách công.

+ Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục dân số (Bộ Y tế) có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng thực hiện quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về truyền thông - giáo dục trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình. Trong 12 nhiệm vụ được quy định, nhiệm vụ thứ nhất là “Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách về truyền thông - giáo dục trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt”, cũng không đề cập đến vấn đề huy động giám sát và PBXH trong xây dựng và thực thi chính sách công của lĩnh vực dân số.

+ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Trung tâm truyền thông phát triển khoa học và công nghệ. Trong chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cũng không quy định nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ về phát huy vai trò PBXH và GSXH của báo chí - truyền thông trong chu trình chính sách công; thậm chí đơn vị này cũng chưa đảm nhận các chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện dịch vụ truyền thông khoa học và công nghệ, để vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa tăng nguồn thu bảo đảm trang trải các hoạt động, giảm gánh nặng kinh phí ngân sách.

Qua tìm hiểu bước đầu tại 3 cơ quan về tổ chức, hoạt động truyền thông chính sách, cho thấy:

+ Trong quy định chức năng, nhiệm vụ của Vụ hay Trung tâm truyền thông, chưa thấy đề cập đến truyền thông chính sách công: vấn đề tổ chức, huy động cộng đồng - các nhóm đối tượng hưởng lợi chính sách hay chịu sự tác động của chính sách vào quá trình PBXH và GSXH đối với chu trình thiết kế và thực thi chính sách công;

+Các cơ quan này khi tham mưu hay được giao việc soạn thảo các chính sách công,... thường chỉ lấy ý kiến trong các cơ quan liên quan (có tính chất nội bộ); mà không “xã hội hóa” chu trình chính sách, trong khi các lĩnh vực chọn khảo sát lại liên quan mật thiết tới các nhóm đối tượng hưởng lợi hay chịu tác động của chính sách công;

+ Nhân lực truyền thông chuyên nghiệp ở các cơ quan nói trên thiếu kiến thức và kỹ năng cho hoạt động truyền thông chính phủ. Có trên 70% nhân sự chưa được đào tạo chuyên ngành truyền thông, chưa được tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông chính sách công.

+  Trong chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan nói trên, chưa có các quy định về hoạt động dịch vụ công; trong khi hoạt động truyền thông chính phủ, quan hệ chông chúng (PR) chính phủ là nơi rất thuận lợi triển khai các hoạt động này, để có thể có nguồn thu tài chính theo mô hình “đơn vị sự nghiệp có thu”, giảm bớt gánh nặng ngân sách tài chính.

+Hoạt động của các tổ chức truyền thông này mang nặng tính chất tuyên truyền;đối với chính sách công,chủ yếu được triển khai sau khi ban hành chính sách, tuyên truyền chính sách như những hoạt động hành chính đơn thuần. Mặc dù tên gọi của các cơ quan này gắn mác “truyền thông”, nhưng phương thức hoạt động chủ yếu lại là “tuyên truyền”.

- Đề xuất mô hình

Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, với tinh thần xây dựng chính phủ kiến tạo, môi trường truyền thông chuyển dần sang truyền thông số tương tác, vấn đề truyền thông chính sách cần thay đổi nhanh chóng, cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số và đáp ứng quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức, chu trình chính sách công; cần huy động, phát huy vai trò thiết chế báo chí - truyền thông vào việc PBXH nhằm hoàn thiện chính sách; phát huy vai trò GSXH của báo chí - truyền thông và  dư luận xã hội trong thực thi chính sách. Như vậy, trên cơ sở chu trình hay công nghệ chính sách công, thiết chế báo chí - truyền thông vào cuộc với chức năng PBXH, tuyên truyền và GSXH trong thực thi chính sách. Có như vậy mới bảo đảm vừa huy động trí tuệ và cảm xúc cộng đồng vào PBXH xây dựng chính sách, cũng như GSXH trong thức thi chính sách, góp phần hạn chế lợi ích nhóm và lạm dụng quyền lực, bảo đảm đồng thuận xã hội và phát triển bền vững. Vấn đề này càng có ý nghĩa đặc biệt trong điều kiện Việt Nam có duy nhất một đảng cầm quyền.

Thứ hai, cần chuyển đổi mô hình truyền thông chính sách công, từ chủ yếu tuyên truyền sang truyền thông tương tác trên cơ sở phát huy vai trò GSXH và PBXH của báo chí - truyền thông, từ chủ yếu “soạn thảo chính sách trong nội bộ” sang chủ yếu huy động nguồn lực trí tuệ, cảm xúc của nhân dân tham gia thông qua thiết chế báo chí - truyền thông. Bởi vì, chỉ có thể tạo được đồng thuận xã hội cao khi đông đảo nhân dân, nhất là các nhóm đối tượng chịu tác động chính sách công, được dễ dàng tham gia giám sát và PBXH trong thiết kế chính sách - tức là quá trình thiết kế chính sách minh bạch; chỉ có thể gia tăng niềm tin của nhân dân vào thể chế, khi nhân dân được dễ dàng, thuận lợi trong GSXH đối với thực thi chính sách. Bởi vì trong điều kiện Việt Nam, huy động rộng rãi GSXH từ nhân dân mới có thể hạn chế việc lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực - yếu tố chủ yếu dẫn đến làm tha hóa chế độ xã hội.

Thứ ba, tác giả đề xuất mô hình truyền thông chính sách cho các bộ, ngành như sau:

Do điều kiện đặc thù Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực bộ nào phụ trách thì Chính phủ ủy quyền và giao cho bộ ấy soạn thảo; tức là cơ quan hành pháp soạn thảo luật pháp trình Quốc hội thông qua. Cho nên, ở ngay các bộ cần thành lậpCơ quantruyền thôngđủ mạnh về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan này hoạt động theo mô hình truyền thông chính phủ, trong đó có bộ phận tham mưu, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, còn lại chủ yếu làm dịch vụ truyền thông và quan hệ công chúng (PR). Cơ quan truyền thông tổ chức thực hiện dịch vụ công và có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ này trên các chiều cạnh khác nhau đa ngành theo phạm vi của Bộ, ngành được phân công. Tổ chức truyền thông chính phủ ở các bộ, ngành có thể đảm nhận các công việc chủ yếu sau đây:

Tổ chức truyền thông chính sách (theo các khâu trong chu trình chính sách)

Tham mưu cho lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến truyền thông - PR

Nghiên cứu chiến lược truyền thông và PR;

Tổ chức sự kiện

Quản trị khủng hoảng

Thiết lập, củng cố, phát triển các mối quan hệ bảo đảm phát triển bền vững

Quản lý truyền thông nội bộ và truyền thông bên ngoài (thiết lập, quản trị các quan hệ và quan hệ với giới truyền thông)

Truyền thông hình ảnh và quản lý hình ảnh truyền thông...

Thứ tư, cần tổ chức đào tạo lại và tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự của các đơn vị truyền thông chính phủ cho các bộ, ngành một cách cơ bản, hệ thống; bảo đảm cho đội ngũ này có quan điểm và thái độ, nhân cách và kỹ năng truyền thông chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1) Joseph Samuel Nye, Jr. (GS. ĐH Havard): Soft Power: The Means to Success in World Politics.

(2) Nguyễn Văn Dững (Chủ biên): Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.16.

(3), (4) Truyền thông chính sách công - Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.4, 50.

(5)  Daron Acemoglu và James A. Robinson: Tại sao các quốc gia thất bại, Nxb Trẻ, 2014 (tái bản 2017).

 

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền