Trang chủ    Thực tiễn    Chính sách dân số ở Việt Nam: Từ “sinh đẻ có hướng dẫn” đến “dân số và phát triển”
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:52
6986 Lượt xem

Chính sách dân số ở Việt Nam: Từ “sinh đẻ có hướng dẫn” đến “dân số và phát triển”

(LLCT) - Bài viết hệ thống hóa các giai đoạn chủ yếu của việc hoạch định và thực hiện chính sách dân số ở Việt Nam trong gần 60 năm qua, làm rõ tính tất yếu của việc chuyển hướng chính sách dân số từ: “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển”; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu của chính sách dân số và phát triển ở Việt Nam: duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển.

1. Quá trình thay đổi, phát triển và hoàn thiện chính sách dân số nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Từ năm 1961 đến nay, chính sách dân số của Việt Nam đã trải 5 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn thứ nhất (1961-1975):Đây là giai đoạn đặc biệt trong bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thấy những bất cập của việc gia tăng dân số quá nhanh. Ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Ngày 16-10-1963, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 99/TTg về công tác hướng dẫn sinh đẻ. Ngày 13-5-1970, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 94/QĐ về công cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á đầu tiên  ban hành Quyết định vận động sinh đẻ có kế hoạch. Mục tiêu cơ bản của các quyết định này là vận động hạn chế sinh đẻ. Biện pháp thực hiện dân số chủ yếu là thuyết phục người dân tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đạt mục tiêu hạn chế mức sinh. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có đông con, trước hết là cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội; sau đó mở rộng trong dân. Đây là giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 3,8% năm 1960 đến năm 1975 giảm xuống còn 2,5%. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,3 con (1961) xuống còn 5,25 con (1975)(1).

Giai đoạn thứ hai (1976-1990). Giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh lịch sử đất nước đã thống nhất, tuy nhiên các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam vẫn diễn ra; đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội và bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986). Số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 1979 cho biết, tỷ lệ dân số tăng 2,1 lần, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 4,8 con với tổng số dân cả nước là 52,7 triệu người. Do hiện tượng gia tăng dân số bù sau chiến tranh và di cư Bắc - Nam nên tỷ lệ tăng dân ở các tỉnh miền Nam khá cao 3,2%/năm.

Nhận thấy rõ những biến đổi trong dân số cả nước, Đảng và Nhà nước ta đã đưa các chỉ tiêu về dân số vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng IV nêu rõ: Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỷ lệ tăng dân số là 2%. Mọi ngành, mọi cấp phải coi cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công tác có tâm quan trọng to lớn, có ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân(2). Văn kiện Đại hội V của Đảng nhấn mạnh: giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7% vào năm 1985. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số xuống 1,7% vào năm 1985 của Đảng và Nhà nước ta đã không đạt(3). Đến Đại hội VI (1986), Đảng ta đưa ra mục tiêu: giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% hiện nay xuống 1,7% vào năm 1990 và yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp như: đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ y tế cấp xã, các trung tâm hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch ở huyện, đảng viên và thanh niên phải gương mẫu đi đầu thực hiện(4). Nhằm đẩy mạnh công cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản: Chỉ thị số 265/CP ngày 19-10-1978; chỉ thị số 29/HĐBT ngày 12-8-1981; Quyết định số 58/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 11-4-1984 về thành lập Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch; Quyết định số 162/HĐBT ngày 18-10-1988 về một số chính sách dân số và sinh đẻ có kế hoạch; Quyết định số 51/CT ngày 6-3-1989 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Ủy ban Quốc gia Dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Đặc điểm các chính sách dân số của Việt Nam ở giai đoạn này là sự ra đời của Ủy ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch được thành lập, kết thúc thời kỳ bộ máy quản lý kiêm nhiệm; bắt đầu thực hiện chế tài “thưởng” - “phạt”. Chính sách sinh đẻ kế hoạch tập trung vào việc khuyến khích các vợ chồng hạn chế sinh đẻ và chỉ nên có từ 1 đến 2 con, dừng lại ở mức 2 con, trừ một số trường hợp đặc biệt; đồng thời, quy định chỉ những gia đình có 2 con được cấp đất làm nhà hoặc phân phối nhà. Các gia đình có 3 con trở lên không được nhập khẩu vào nội thành, nội thị và khu công nghiệp tập trung. Gia đình có số con vượt quy định thì phải đóng góp kinh phí bảo trợ xã hội. Các cặp vợ chồng công tác trong cơ quan nhà nước không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, vượt quy định về số con sẽ bị xử phạt. Đối tượng áp dụng mở rộng ra toàn bộ phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, từ thành thị đến nông thôn; đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm thực hiện của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang. Do thực hiện tốt các chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn này nên  tỷ lệ tăng dân số nước ta đã giảm từ 2,4% (1975) xuống còn 1,9% (1990). Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,25 xuống 3,8. Kết quả này đã góp phần hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, tuy nhiên vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Giai đoạn thứ ba (1991-2000).Trong giai đoạn này, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các chương trình, chính sách dân số, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của cộng đồng thế giới; đồng thời, tổ chức bộ máy thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, do kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 1991, dân số Việt Nam là 67,2 triệu người, nếu vẫn tiếp tục đà tăng 2% thì sau khoảng 30 năm dân số sẽ tăng gấp đôi. Do đó, vấn đề kiểm soát mức sinh được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt. Văn kiện Đại hội VII  nêu rõ: Giảm tốc độ tăng dân số là một quốc sách, phải trở thành cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân. Do xác định dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, năm 1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (nghị quyết) về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Từ đây, các chỉ tiêu giảm dân số được Quốc hội giao theo từng năm và 5 năm; Chính phủ đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể khác nhau để từng bước khống chế việc tăng dân số. Tháng 6-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 193/HĐBT về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; tháng 8-1992, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Chiến lược truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình; tháng 6-1993, Chính phủ ban hành Nghị định 42/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; tháng 6-1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết số 270/TTg về Chiến lược dân số - kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000, trong đó khẳng định “Hạ tỷ lệ phát triển dân số đòi hỏi phải làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, văn minh và giàu có, là nền tảng trong chiến lược con người của Đảng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau”(5).

Đặc điểm chủ yếu của chính sách dân số ở giai đoạn này là: “mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con; dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt; thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”; chú ý đa dạng hóa cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt là áp dụng triệt để hơn chính sách “thưởng - phạt” của giai đoạn 1976-1990. Thí dụ ở khu vực nông thôn, đất canh tác được cấp trên cơ sở quy mô gia đình 2 con, tại khu vực đô thị thì sửa chính sách cấp nhà theo số nhân khẩu. Thực hiện kỷ luật và cách chức cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Lấy tiêu chuẩn 2 con làm định mức cấp nhà cho cán bộ công nhân viên; không xét duyệt thi đua, nâng lương, đề bạt, bổ nhiệm, thăng quân hàm; không đề cử vào cấp ủy, Hội đồng nhân dân...

Dù còn nhiều hạn chế nhất định, song chính sách dân số của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2000 về cơ bản đã thành công, nhất là cuộc vận động “Dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chính sách dân số giai đoạn 1991-2000 đã vượt các chỉ tiêu, tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ 3,8 con (1991) xuống 2,3 (2000), thấp hơn 0,6 con so với mục tiêu 2,9 con. Quy mô dân số tăng 67,2 triệu người (1991) lên 77,6 triệu người (2000), thấp hơn mục tiêu 4,4 triệu người. Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được cải thiện. Tổng tỷ suất sinh giảm 3,74 con (1992) còn 2,28 con (2000)(6).

Giai đoạn thứ tư (2001-2010).Giai đoạn này Việt Nam bước vào thế ky XXI  với nhiều thành tựu và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và có xu hướng phát huy nội lực và chủ động hơn. Dân số của Việt Nam đã tiến đến mức sinh thay thế. Mục tiêu duy trì mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số, đảm bảo cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý.

Chính sách dân số giai đoạn này có điểm đáng chú ý là việc ban hành Nghị quyết 47-NQ/HNTW (khóa IX); Pháp lệnh Dân số 2003; Chiến lược dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam giai đoạn 2001-2010;... Nghị quyết số 47-NQ/TW (Khóa IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực”(7). Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Pháp lệnh Dân số 2003 nêu rõ: Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước(8). Chiến lược quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình đặt ra mục tiêu: nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước(9).

Đặc điểm chính sách dân số Việt Nam giai đoạn này là  tập trung chủ yếu truyền thông và cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các cặp vợ chồng, trọng điểm là vùng nông thôn. Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình mang tính nhân văn, tự giác và trách nhiệm. Chỉ thực hiện chế tài “thưởng - phạt” ở mức độ nhất định đối với những nhóm xã hội đặc thù. Từ năm 2003, Việt Nam thực hiện khuyến khích tự nguyện sinh con. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong Điều 10 Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Điều này đã dẫn đến hệ quả là nhiều người dân hiểu sai là nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con, khiến mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Vì vậy, tình trạng sinh con thứ 3 của các cặp vợ chồng tăng cao, tỷ lệ tăng dân số tăng mạnh đột biến vào các năm 2003, 2004, 2005. Năm 2009, quy định này được sửa thành “Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con”. Sau đó do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh thành, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn thay đổi sang “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con”.

Nhằm cụ thể hóa Pháp lệnh Dân số năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định nghiêm cấm các hành vi cản trở hay cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình và lựa chọn giới tính thai nhi. Điều này đã chấm dứt một thời kỳ áp dụng sự gò ép và chuyển sang khuyến khích tự nguyện của người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đến năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế về đích sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra. Năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Tức là cứ 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thì có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc là trẻ em hoặc người cao tuổi (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Đến năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh. Tổng hợp số liệu được công bố bởi Tổng Cục Thống kê cho thấy, số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm được 4,3 con, từ 6,3 con (1960) xuống còn 2,0 con (năm 2010), trong khi trung bình trên toàn thế giới giảm được 2,5 con (từ 5 con xuống còn 2,5 con). Nhìn chung trong giai đoạn này, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 21,7% (2002) xuống 15,1% (2010). Mức sinh giảm trong 5 năm từ 2006-2010 là 1,5%. Dân số tăng từ 77,6 triệu (2000) lên 86,92 triệu (2010). Tuổi thọ bình quân người Việt Nam tăng thêm 33 tuổi, từ 40 tuổi (1960) lên 73 tuổi (2010), trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi, từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,8% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010. Quy mô dân số năm 2010 là 87 triệu người, thấp hơn so với dự báo đưa ra vào năm 1990 là 18,5 triệu người.

Giai đoạn thứ năm (2011 đến nay):Điểm nhấn của chính sách dân số ở Việt Nam trong giai đoạn này là hướng đến hội nhập với thế giới,  bảo đảm quyền con người, đề cao tính tự nguyện và trách nhiệm của từng nhóm xã hội; chú trọng sức khỏe sinh sản. Đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều thay đổi lớn, đạt thành tựu nhiều nhưng hạn chế bất cập cũng lớn. Do vậy, như một hệ lụy tất yếu chính sách dân số cũng có những biểu hiện của các xu hướng tương tự. Tổng hợp từ số liệu và các nguồn phân tích khác nhau cho thấy, đến năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Một quốc gia được coi là già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân số. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh nở ở các vùng sâu, vùng xa và khu vực người dân tộc ít người còn cao gần gấp hai lần so với khu vực thành thị; tỷ lệ sinh đẻ ở nông thôn vẫn cao hơn thành thị. Bên cạnh đó, thách thức về việc làm, chỗ ở, an sinh xã hội và tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Tổng số người thất nghiệp, thiếu việc làm thường xuyên, thu nhập thấp chiếm gần 10%. Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ đặc biệt “dân số vàng”: 58 triệu người trong độ tuổi lao động; tuy nhiên, sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động lên cơ cấu giới tính dân số trong tương lai và chắc chắn dẫn tới hiện tượng thừa nam giới. Chênh lệch giới tính khi sinh rất cao: 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Sự gia tăng di cư nông thôn - đô thị một mặt thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhưng mặt khác lại gây áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, môi trường... ở các đô thị lớn.

Nhận thức được những đặc điểm và xu hướng mới, khác biệt của dân số nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Với mục tiêu  là: nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐHđất nước.Trong đó, chú trọng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên; tăng cường sàng sọc trước sinh, sơ sinh, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững đất nước(10). Đến tháng 1-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Kết luận số 119-KL/TW chỉ rõ: Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp(11). Kết luận số 119-KL/TW còn khẳng định, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế, do đó cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số(12).

Gần đây, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21, trong đó khẳng định: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển(13). Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 21 là đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Đồng thời, khuyến khích toàn dân tham gia thực hiện chính sách dân số và phát triển một cách tự giác và có trách nhiệm. Trong Dự thảo Luật Dân số được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2018. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất cho phép các cặp vợ chồng có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp(14).

2. Kết luận và một số vấn đề đặt ra

Như vậy, chính sách dân số ở Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm và thường xuyên. Qua gần 60 năm, việc hoạch định, thực hiện chính sách dân số đã không ngừng phát triển, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Vào thập kỷ 60 cho đến hết của thế kỷ XX, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung vào một nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì đến những năm đầu thế kỷ XXI đã từng bước hoàn thiện và hướng đến nhiều nội dung, với phạm vi rộng, thực hiện mang tính đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả hơn. Tức từ chính sách dân số “sinh đẻ có hướng dẫn” đến “dân số và phát triển”.

So với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (1961), hiện nay dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực gồm: 1) Mục tiêu của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình là giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc; 2) Dân số tăng chậm lại nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025; 3) Cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”; 4) Dân số Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa và Việt Nam sớm trở thành nước có dân số già; 5) Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng; 6) Tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh; 7) Chất lượng dân số tăng nhưng chưa cao; 8) Việc kế hoạch hóa phát triển ở Việt Nam còn ít chú ý đến xu hướng biến đổi dân số(15).

Thực tiễn đang đòi hỏi quá trình hoạch định và thực hiện chính sách dân số của Việt Nam hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ một số định hướng sau: 1) chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số; 2) tăng cường lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển, tận dụng lợi thế “cơ cấu dân số vàng” để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; 3) đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông mà trọng tâm là “dân số và phát triển”; 4) Kế hoạch hóa gia đình cần hướng tới tạo môi trường thuận lợi, cung cấp thông tin và dịch vụ có chất lượng cho mọi người dân để họ chủ động tránh mang thai tự nguyện, có trách nhiệm; tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu về sức khỏe sinh sản;  xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chuẩn bị đáp ứng các nhu cầu của một xã hội già hóa; 5) tăng cường sự cam kết chính trị thông qua khẳng định vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện chính sách dân số và phát triển; 6) nhanh chóng ổn định và thống nhất mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển trong phạm vi cả nước; 7) đổi mới phương thức xây dựng các văn bản lãnh đạo, quản lý theo cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để kịp thời bám sát và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong thực tế.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (6) Đặng Nguyên Anh (2007): Xã hội học dân số, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.217, 223.

(2), (3), (4) Viện Xã hội học và Tâm lý lãnh đạo, quản lý: Giáo trình Dân số và Phát triển, 2005, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.344, 345, 346.

(5) Thủ tướng Chính phủ (1993), Quyết định số 270/TTg về Chiến lược dân số - kế hoạch hóa gia đình đến 2000.

(7) ĐCSVN: Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22-3-2005 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

(8) Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam-06/2003/PL-UBTVQH11: Pháp lệnh Dân số, Khoản 1 Điều 20, 2003.

(9)Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Khoản a, Điểm 2, Điều 1.

(10) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

(11), (12) ĐCSVN: Kêt luận số 119-KL/TW ngày 04-01-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW (khóa IX) Về đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

(13 )ĐCSVN: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

(14) Bộ Y tế: Dự thảo Luật Dân số, 2018.duthao
online.quochoi.vn.

(15) Mai Xuân Phương: Dân số và phát triển: Thách thức mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của Việt Nam,Tạp chí Cộng sản điện tử, 2017), http://tapchicongsan.org.vn

 

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền