Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số - Giải pháp quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng dân tộc ở Việt Nam
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:54
4957 Lượt xem

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số - Giải pháp quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng dân tộc ở Việt Nam

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (DTTS); chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Bài viết đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS, từ đó đề xuất các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. 1. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.

a. Những kết quả trong xây dựng đội ngũ CBCC người DTTS

- Đội ngũ CBCC người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng

Khảo sát tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cho thấy, cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ CBCC người DTTS; có nhiều chủ trương, giải pháp để tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ dân tộc. Các tỉnh đã triển khai chương trình, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS tới năm 2020, định hướng tới năm 2030, trong đó ưu tiên tuyển dụng người DTTS tại chỗ, người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ và bằng đại học loại giỏi; quy định trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng người DTTS nhằm khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ DTTS thiếu và yếu, mất cân đối; tập trung chỉ đạo đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; thực hiện rà soát, bổ sung, quy hoạch CBCC người DTTS các cấp, đặc biệt là các chức danh chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ CBCC người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến năm 2016, cả nước có khoảng 64.560 CBCC người DTTS, đạt tỷ lệ 12,2% trong tổng số CBCC cả nước, trong đó, ở cơ quan Trung ương gần 6.900 người, chiếm tỷ lệ 5%; ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 57.660 người, chiếm tỷ lệ 14,83%(1).

Về trình độ, số CBCC người DTTS được đào tạo chuyên môn là hơn 17.600 người, chiếm tỷ lệ 4,7% số CBCC được đào tạo của cả nước; lý luận chính trị là gần 14.400 người, tương ứng 3%; quản lý nhà nước: 7.368 người, đạt gần 9,5%; kỹ năng nghiệp vụ là gần 35.500 người, đạt tỷ lệ 8,5%(2).

Tỷ lệ cán bộ người DTTS đạt trình độ sau đại học ngày càng tăng. Chỉ tính riêng vùng Tây Bắc, tỉnh Lào Cai có 6 tiến sỹ, 79 thạc sỹ; tỉnh Hòa Bình có 56 cán bộ có trình độ trên đại học(3).

- Hình thành một đội ngũ khá đa dạng, toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, quốc phòng, an ninh, từ Trung ương xuống cơ sở.

Đội ngũ CBCC người DTTS được cơ cấu ở cả Trung ương đến cơ sở, trong đó có 6,94% số CBCC người DTTS đảm đương các chức vụ từ cấp huyện trở lên. Cụ thể, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, có 8,75% Ủy viên Trung ương Đảng là người DTTS; số đại biểu người DTTS tham gia Quốc hội khóa XIII chiếm tỷ lệ 15,6%. Cũng theo Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số lượng cán bộ DTTS được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm khoảng 15,5%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm khoảng 17,84%; chính quyền có 78 người; ở cấp huyện, số CBCC người DTTS tham gia Ban Chấp hành chiếm khoảng 14,6%; đại biểu Hội đồng nhân dân chiếm khoảng 22,2%; chính quyềncó 392 người. Ở cấpxã, số CBCC người DTTStham gia ban chấp hành chiếm khoảng 7,79%; đại biểu hội đồng nhân dân chiếm khoảng 14,88%; chính quyền có 4.875 người(4).

Đến nhiệm kỳ 2016-2020, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, số Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết người DTTS chiếm 10%, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị; trong Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu (tăng 3 đại biểu so với khóa XIII), có 32 DTTS có đại diện (tăng 3 dân tộc); 17 ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy(5).

- Đội ngũ CBCC người DTTS từng bước vươn lên, trưởng thành về năng lực và phẩm chất, đáp ứng tiêu chuẩn chung của hệ thống chính trị các cấp.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đội ngũ CBCCVC người DTTS toàn vùng Tây Bắc công tác trong khối Đảng, đoàn thể chiếm 41,38%; trong đó Lạng Sơn: 70%, Cao Bằng: 57%. Trong cơ quan dân cử, đại biểu người DTTS chiếm tỷ lệ cao, cụ thể trong Quốc hội khóa XIV: 50%; trong HĐND cấp tỉnh: 50,16%; trong HĐND cấp huyện: 61, 78%, trong HĐND cấp xã: 72,79%(6).

Ở vùng Tây Nguyên, đại biểu là người các DTTS tham gia vào Quốc hội khóa XII chiếm 32,35% thành phần các đoàn đại biểu các tỉnh; đến khóa XIII: 37,14%, trong đó có 1 đại biểu là chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội; Quốc hội XIV: 41,18%(7).

Phân tích cơ cấu trong HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, cho thấy: đại biểu người DTTS trong HĐND cấp tỉnh chiếm 28,96%, trong đó, HĐND tỉnh Kon Tum: 52%; HĐND tỉnh Gia Lai: 31,17%; HĐND tỉnh Đắk Lắk: 32,94%; HĐND tỉnh Đắk Nông: 22%; HĐND tỉnh Lâm Đồng: 12,33%; ở cấp huyện, thị, xã, thành phố, đại biểu người DTTS, tỷ lệ: 28.58%. Ở cấp cơ sở, số đại biểu các dân tộc thiểu số trong HĐND cấp xã chiếm 37,6%; trong cơ cấu đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cấp xã, CBCC người DTTS chiếm 29,06%; số cán bộ chủ chốt người các DTTS ở thôn, buôn 10.366 người, chiếm 28,32%(8).

Trong cơ quan Đảng, nhiệm kỳ từ năm 2015 đến 2020, số cán bộ các DTTS tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỷ lệ 18,52%; ở cấp ủy huyện chiếm tỷ lệ 17,11%, ở cấp ủy cơ sở chiếm tỷ lệ: 18,99%(9).

Sự trưởng thành của đội ngũ CBCC người DTTS là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí của Đảng, Nhà nước, các ban ngành Trung ương và địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ người DTTS. Đồng thời chứng tỏ sự vươn lên vượt bậc của các DTTS nhằm thực hiện quyền bình đẳng dân tộc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đã tạo điều kiện cho đội ngũ CBCC người DTTS phát huy trí tuệ, tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ CBCC người DTTS góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và đóng gópvào thành công của công cuộc đổimới của đấtnước.

b. Những hạn chế, bất cập của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS còn không ít những hạn chế, bất cập; cơ cấu đội ngũ CBCC người DTTS không đồng đều giữa các cấp, các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các ngành.

- Tỷ lệ CBCC người DTTS so với dân số còn thấp

Hầu hết các tỉnh miền núi hiện nay chưa thể tự cân đối được lực lượng cán bộ tại chỗ, phải nhờ vào sự điều động, tăng cường từ Trung ương và các địa phương khác đến. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các huyện vùng cao, vùng xa vẫn chủ yếu do các cán bộ tăng cường đảm nhiệm. Số CBCC người DTTS tại  các địa phương có đông đồng bào DTTS trong tổng số CBCC của địa phương, tỷ lệ cán bộ DTTS trong cấp ủy, chính quyền còn thấp, số người nắm giữ các chức vụ chủ chốt ít.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tính đến năm 2015, các DTTS chiếm 66,35% dân số Tây Bắc, nhưng đội ngũ CBCC người DTTS trong cơ quan Đảng, đoàn thể cấp huyện chỉ chiếm 41,38%; trong đó tỉnh Sơn La chỉ chiếm 20% (tỷ lệ DTTS là 84%); tỉnh Điện Biên: 31% (tỷ lệ DTTS: 84%); ở cấp cơ sở, đội ngũ CBCC xã và những người không chuyên trách là người DTTS chiếm tỷ lệ 52%(10). Phân tích cơ cấu CBCC của các dân tộc cụ thể cho thấy, ngoài dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác như La Chí, Thu Lao, Khơ Mú, Bố Y, Hà Nhì, tỷ lệ cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số. Cụ thể, ở tỉnh Cao Bằng, dân tộc Tày chiếm 40,9% dân số, dân tộc Nùng: 31,08%, dân tộc Mông: 10,13%, dân tộc Dao: 10,08%, dân tộc Lô Lô: 0,47%; đội ngũ CBCC của tỉnh có 14.197 người thì cán bộ DTTS là 12.291 người, chiếm 87,5%, trong đó các dân tộc Tày, Nùng chiếm trên 86,6%; các dân tộc: Dao chỉ 0,5%, Mông chỉ 0,4%, Lô Lô chỉ có một người(11). Ở tỉnh Lạng Sơn, dân tộc Tày chỉ chiếm 35,5% dân số, nhưng cán bộ cấp tỉnh chiếm 49%, cấp huyện tới 52,3%. Ở tỉnh Lào Cai, dân tộc Mông có dân số chiếm tỷ lệ 29,2% nhưng cán bộ ngườiMông chỉ có 13,4%; người Kinh chỉ chiếm 11,5% dân số huyện Bắc Hà, nhưng cán bộ công chức chiếm 72,7%. Ở tỉnh Sơn La, dân số dân tộc thiểu số chiếm 80%, nhưng cán bộ DTTS toàn tỉnh chỉ chiếm 42% số CBCC toàn tỉnh(12).

Ở tỉnh Gia Lai, các DTTS chiếm gần 50% dân số nhưng chỉ có 5.830 CBCC người DTTS trong tổng số gần 34.900 CBCC toàn tỉnh, chiếm 16,7% (trong đó, khối nhà nước có hơn 5.600 người, khối đảng, mặt trận, đoàn thể là 210 người)(13).

Sự thiếu hụt về số lượng cán bộ người DTTS đã tác động không nhỏ đến hoạt động lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc biệt khó khăn.

- Trình độ các mặt của đội ngũ CBCC người DTTS không đồng đều

Đội ngũ CBCC người DTTS, nhất là cấp cơ sở có trình độ đại học chưa nhiều, chủ yếu là trung cấp.Ở Tây Bắc, tỷ lệ số cán bộ DTTS tốt nghiệp đại học so với dân tộc Kinh chênh lệch thấp hơn là 12 lần, số cán bộ chuyên môn DTTS thấp hơn 4 lần. Ở Tây Nguyên, có gần ba nghìn cán bộ người DTTS ở cấp xã chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn, chiếm 19%; hơn 5.250 người chưa đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chiếm 34%. Ở Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn theo chức danh là 74,6%, đến nhiệm kỳ 2016-2020 vẫn còn gần 40%(14).

Số CBCC người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước còn hạn chế. Về trình độ chuyên môn, ở cấp hội đồng nhân dân tỉnh, cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 77,26%, trình độ dưới đại học vẫn còn 22,74%; đối với cấp ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 87,36%, vẫn còn 12,64% có trình độ dưới đại học. Tương tự ở cấp hội đồng nhân dân huyện, cán bộ có trình độ đại học trở lên thấp hơn cấp tỉnh, chỉ đạt 45,63% và có đến 54,37% có trình độ dưới đại học; ở cấp hội đồng nhân dân xã, số lượng cán bộ có trình độ đại học rất thấp, chỉ chiếm 5,87%; đội ngũ cán bộ thôn, bản, trình độ học vấn còn thấp hơn nhiều...(15). Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2014 cho thấy, trong toàn quốc có 374.263 CBCC được đào tạo về chuyên môn thì chỉ có 17.598 số CBCC người DTTS được đào tạo, chiếm tỷ lệ 4,7%. Số được đào tạo về lý luận chính trị là 14.381người (toàn quốc là 476.225 người), chiếm tỷ lệ 3%; về quản lý nhà nước là 7.368 người (toàn quốc là 77.927 người), chiếm tỷ lệ 9,45%; về kỹ năng nghiệp vụ có 35.457 người (toàn quốc là 415.867 người), chiếm tỷ lệ 8,52%; đào tạo, bồi dưỡng khác là 36.648 người (toàn quốc là 219.940 người) chiếm tỷ lệ 16,67%; đào tạo ở nước ngoài là 99 người(toàn quốc là 2.989 người), chiếm tỷ lệ 3,3%(16).

- Cơ cấu cán bộ mất cân đối trên nhiều mặt

Thứ nhất,sự mất cân đối trong cơ cấu cán bộ thể hiện ở từng cấp quản lý hành chính. Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS ở các cấp, từ cấp xã đến cấp tỉnh, được bố trí trong tất cả các cơ quan của Ðảng và Nhà nước, nhưng tỷ lệ và cơ cấu trong từng cơ quan và chức danh cụ thể chưa đồng đều, ở cấp càng cao, số lượng, tỷ lệ CBCC người DTTS càng thấp.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dân số các DTTS ở Tây Nguyên chiếm gần 30%, trong nhiệm kỳ 2011-2016, cán bộ người DTTS ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỷ lệ 26%; nhưng ở cấp huyện chưa đến 17%, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ thấp hơn nhiều, cụ thể: ở tỉnh Ðắk Nông chỉ 9,72% và Lâm Đồng: 7,37%(17). Cán bộ DTTS trong cấp ủy tỉnh chiếm 10,9%; đại biểu HÐND tỉnh là gần 28,3%; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh là 12,4%. Ở Lâm Ðồng, có một đồng chí người DTTS tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ở tỉnh Ðắk Nông, tỷ lệ người DTTS là hơn 35%, nhưng cán bộ người DTTS trong các cơ quan cấp huyện, tỉnh chỉ 5,8%(18).

Do cơ cấu không hợp lý giữa tỷ lệ cán bộ và dân số nên ở một số địa phương, trong đội ngũ cán bộ xảy ra tình trạng bằng mặt, không bằng lòng dẫn đến mất đoàn kết; cán bộ không nắm được dân; các dân tộc không có đại diện của dân tộc mình dễ bị kích động. Và khi khoảng trống giữa cán bộ và người dân càng doãng ra thì các phần tử xấu hoạt động trái phép có điều kiện xâm nhập, lôi kéo.

Thứ hai, cơ cấu đội ngũ CBCC người DTTS chưa đồng đều ở các cấp giữa các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các ngành.

Trong cơ cấu cán bộ DTTS, còn thể hiện sự bất cập ở vị trí công tác. Cán bộ DTTS, nhất là DTTS tại chỗ thường tập trung khá lớn ở các lĩnh vực công tác dân vận hoặc công tác đảng. Số ít cán bộ DTTS tham gia quản lý, điều hành hoặc các công tác chuyên môn (quản lý kinh tế, tư pháp, địa chính, kế toán...). Ở Cao Bằng, số cán bộ Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chí chủ yếu là làm công tác mặt trận, đoàn thể. Trong hệ thống chính quyền, các cơ quan kinh tế, cũng như cơ quan nắm giữ các vấn đề then chốt về chính trị, kinh tế, tổ chức, cán bộ đều không có người Mông, Dao, Lô, Sán Chí...(19).

Thứ ba, số cán bộ người DTTS được tham gia vào các vị trí then chốt về chính trị, kinh tế, điều hành hệ thống chính trị đang có xu hướng giảm dần, trong khi đó sự bất cập về cơ cấu thành phần cán bộ DTTS với cơ cấu dân số lại đang có xu hướng tăng lên. Ở các tỉnh Tây Nguyên, thời kỳ từ 2005 đến 2015, có hai cán bộ giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đến nhiệm kỳ 2016 - 2020, chỉ còn một cán bộ người DTTS đảm đương chức vụ  Bí thư Tỉnh ủy.

- Năng lực đội ngũ CBCC người DTTS có nhiều hạn chế và chưa ngang tầm nhiệm vụ

Kết quả khảo sát ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cho thấy, trình độ nhận thức và năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ người DTTS còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trước những thách thức từ cơ chế thị trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới ở các vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, đội ngũ cán bộ người DTTS bộc lộ rõ những điểm yếu, hạn chế: việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu; năng lực điều hành còn nhiều bất cập, chưa đủ sức vận động thuyết phục nhân dân chuyển đổi tư duy sản xuất canh tác cũ, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt...; một số CBCC người DTTS chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, còn trông chờ cấp trên; hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế chưa cao.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do: về khách quan, do tâm lý tự ti, ngại đi học xa, ngại học dài hạn của cán bộ người DTTS. Về chủ quan, công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự phù hợp. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, sử dụng ở nhiều địa phương có lúc, có nơi còn chưa hợp lý; việc đào tạo cán bộ DTTS chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, từng vùng, từng đối tượng; nhiều địa phương tổ chức các lớp cử tuyển nhưng không bố trí được việc làm sau đào tạo.

2. Quan điểm và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức người dân tộc thiểu số trong thời gian tới

a. Quan điểm

Để xây dựng đội ngũ CBCC người DTTS đông về số lượng, có năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS cần quán triệt các quan điểm sau:

- Xây dựng đội ngũ CBCC người DTTS phải gắn với đường lối chính trị, trước hết là quán triệt chính sách dân tộc của Đảng. Đào tạo đội ngũ CBCC người DTTS chính là tạo điều kiện để các DTTS vượt lên thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh về tài nguyên của vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS, tạo điều kiện cho các dân tộc hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước.

- Quán triệt yêu cầu giáo dục đào tạo chung của cả nước, song phải tính toán đầy đủ đến các đặc thù dân tộc và miền núi để có nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo cũng như đầu tư ngân sách cho phù hợp.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS phải gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng; phải có chính sách sử dụng tốt cán bộ dân tộc và có chế độ đãi ngộ thích đáng.

b. Các giải pháp

- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực là người DTTS. Thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ CBCC người DTTS, đánh giá đúng thực chất đội ngũ CBCC, bám sát yêu cầu chính trị từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu đài... Đặc biệt cần làm tốt công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS, đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng cán bộ là người DTTS một cách hợp lý và có hiệu quả. Thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ là người DTTS theo quy hoạch. Bố trí cán bộ là người DTTS có đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, góp phần từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

- Xây dựng môi trường xã hội cho giáo dục chuyên nghiệp phát triển. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS là một quá trình lâu dài và phức tạp, vì vậy, cần quan tâm nâng cao dân trí cho đồng bào các DTTS; phát triển giáo dục phổ thông nhằm mở rộng và phát triển môi trường xã hội thúc đẩy giáo dục phát triển.

- Xây dựng chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS. Chiến lược đó phải vạch ra được mục tiêu, kế hoạch lựa chọn, sử dụng cán bộ DTTS trong các lĩnh vực quản lý xã hội, các ngành chuyên môn: khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội, giáo dục, y tế... Đồng thời, phải chỉ rõ nguồn đào tạo, chế độ chính sách trong đào tạo, thời gian tiến hành, phân công trách nhiệm cho các ngành, các cấp từ  Trung ương đến địa phương.

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS. Rà soát lại các chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng CBCC người DTTS, từ đóbổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng CBCC người DTTS phải quy định cụ thể, trong đó chú ý các quy định có tính đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng; tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với CBCC người DTTS.

- Đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng cán bộ người DTTS.

Nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và phương pháp giảng dạy cho người học là người DTTS phải phù hợp với đặc thù về tập quán, lối sống cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của từng dân tộc.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi nhiệm vụ ở địa phương. Xây dựng và đưa nội dung dân tộc và miền núi vào chương trình đào tạo học sinh DTTS, như các môn địa lý, dân tộc học, văn hóa dân tộc thiểu số, tôn giáo. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, xây dựng tiêu chuẩn CBCC người DTTS theo từng nhóm đối tượng. Theo đó, xác định rõ kỹ năng người học cần đạt được sau khi kết thúc khóa học như cập nhật thông tin, kiến thức mới, phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu công việc.

Đa dạng hóa loại hình đào tạo, kết hợp đào tạo đại học và trung học và công nhân kỹ thuật, kết hợp giữa đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo có giai đoạn, đào tạo tại chức; giữa đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài.

Xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm huyết và phương pháp truyền thụ phù hợp với đối tượng người học.

- Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng CBCC người DTTS.

Đào tạo, bồi dưỡng CBCC người DTTS phải xuất phát từ quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ CBCC người DTTS làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến cử tuyển để tạo sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền cử với cơ quan có trách nhiệm đào tạo, cơ quan có trách nhiệm xem xét, tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng CBCC người DTTS phải được quán triệt trong việc thực hiện chính sách cử tuyển cán bộ người DTTS.

Bổ sung và hoàn thiện chế độ đãi ngộ đối với CBCC người DTTS đi học phù hợp với tình hình mới để họ yên tâm học tập nâng cao trình độ, góp phần phục vụ có hiệu quả cho các địa phương. Các chế độ, chính sách, quy định cần phải đồng bộ, nhất quán trên cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để bảo đảm tính khả thi.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết, đề xuất các giải pháp để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho CBCC người DTTS, bảo đảm phù hợp với từng địa bàn vùng DTTS, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp làm công tác dân tộc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (2), (13), (14), (17), (18) Lê Mậu Lâm và cộng sự: “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số”, Báo Nhân dân, ngày 14, 15, 16-6-2017.

(3) Nguyễn Ngọc Vân: “Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số”, trong Kỷ yếu Hội thảo: Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Hà Nội, 2016, tr.10-13.

(4) Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII: Báo cáo kết quả giám sát“Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đến năm 2013”, Hà Nội, 2014.

(5), (11), (12), (19) Hoàng Xuân Lương: “Những hạn chế, bất cập của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, kiến nghị về giải pháp”, trong Kỷ yếu Hội thảo: Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Hà Nội, 2016, tr.36-38, 37, 37.

(6), (10) Ban Chỉ đạo Tây Bắc “Báo cáo về tình hình dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở Tây Bắc”, Yên Bái, tháng 8-2017,  tr.17.

(7) Quốc hội các khóa XII, XIII, XIV, trên trang http://www. Google.

(8), (9)  Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “Báo cáo số 169-BC/BCĐTN, ngày 27-11-2015 về đánh giá kết quả Đại hội Đảng bộ 3 cấp vùng Tây Nguyên, nhiệm kỳ 2015 2020”, Buôn Ma Thuột, 2015.

(16) Trần Quỳnh (2016), “Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc vùng dân tộc, miền núi”, trên trang http://www.dangcongsan.vn.

(17) Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII (2014), Tlđd.

 

PGS, TS Trương Minh Dục

ThS Trương Phúc Nguyên

Học viện Chính trị Khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền