Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy dân chủ ở cơ sở: Giải pháp quan trọng trong phòng, chống “lạm quyền” ở địa phương
Thứ hai, 30 Tháng 7 2018 15:10
3114 Lượt xem

Phát huy dân chủ ở cơ sở: Giải pháp quan trọng trong phòng, chống “lạm quyền” ở địa phương

(LLCT) Phát biểu tại Hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương Đảng đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phải “nhốt quyền lực vào lồng thể chế”(1). Theo đó, quyền lực phải tuân theo kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự giám sát của nhân dân, đó chính là cơ chế mà điều lệ Đảng đã quy định. Vì thế, sự giám sát của nhân dân thông qua Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở có vai trò rất quan trọng.

1. Sớm xóa bỏ bệnh hình thức

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(2). Vì thế, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, cần được quán triệt sâu sắc và đưa vào hoạt động thực tiễn có hiệu quả để các tầng lớp nhân dân, đảng viên, cán bộ các cấp nhận thức rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Qua thực tế, thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, việc công khai minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn mang nặng tính hình thức. Công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện QCDC chưa được quan tâm đúng mức nên người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đối với các công việc ở địa phương.

Nhiều cán bộ địa phương cho biết: Khi xây dựng một công trình của xã, phường, tổ dân phố, chẳng hạn như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa,… chúng tôi đã chuẩn bị ý kiến tham gia vào tất cả các khâu của quá trình (dự toán, thiết kế, thi công và nghiệm thu…). Tuy nhiên, qua thực tế, chúng tôi chỉ được tham gia ở khâu giám sát công trình, còn các khâu khác thường do cấp trên có thẩm quyền áp đặt.

Không ít công trình khi người dân có ý kiến thì được cán bộ địa phương trả lời là các khâu trước đó đã giải quyết từ cấp trên, hoặc đã đấu thầu qua mạng…, nên bây giờ có góp ý cũng không thể sửa chữa theo ý kiến của dân được nữa, nếu có yêu cầu thay đổi thì phải làm đơn đề nghị và công trình sẽ phải dừng lại chưa biết đến bao giờ mới triển khai.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều cán bộ địa phương khi phát hiện vấn đề sai quy trình nhưng đành “lặng im”, hoặc có ý kiến “được chăng hay chớ” chứ không giám yêu cầu cấp trên thực hiện đúng quy trình QCDC ở cơ sở, bởi nếu làm đúng trình tự của QCDC ở cơ sở thì dự án có thể tuột khỏi tay địa phương, và chưa biết đến bao giờ mới tái khởi động trở lại. Vì thế, không có cán bộ lãnh đạo nào lại để “tuột mất” dự án khỏi địa phương mình, bởi tâm lý “xin, cho”.

Thực tế còn cho thấy, quy trình thực hiện QCDC ở cơ sở thường bị cắt xén đầu, đuôi, khiến nhân dân chỉ còn giám sát chủ yếu ở khâu thi công, còn khâu khảo sát, thiết kế, dự toán lại bị áp đặt từ trên xuống. Có khâu thiết kế “nửa vời” buộc địa phương phải tự bỏ tiền đầu tư thêm cho hoàn chỉnh, hoặc theo quy định (thiết kế) chỉ được chi 5% giá trị công trình, nhưng trên thực tế lại chi gấp đến 2 hoặc 3 lần, khâu quỹ dự phòng cũng vượt quá quy định cho một công trình xây dựng…

Một trong những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở là từ chính nhận thức của người dân. Để tránh những khó khăn do sách nhiễu của các viên chức địa phương, không ít người dân đã lựa chọn cách “nhờ giúp chọn gói” đã tự phát hình thành ở địa phương. Vì thế, việc thực hiện nội dung dân bàn và quyết định trực tiếp đã không xảy ra và người dân cũng chưa hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Ở một số địa phương, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng chưa phát huy hiệu quả, không xây dựng kế hoạch hoạt động, chất lượng không đồng đều, mặt khác cán bộ lại thường xuyên thay đổi, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động.

Không ít những bản báo cáo của cơ quan, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị còn né tránh việc đánh giá ưu, khuyết điểm của cán bộ dân cử hoặc Hội đồng nhân đân địa phương bầu ra (coi đây là công việc riêng của cấp ủy) nên quyền kiểm soát của cử tri cũng bị hạn chế, khiến cho việc “lạm quyền” hay còn gọi là “tham nhũng quyền lực” cứ ngang nhiên tồn tại, và bệnh hình thức trong thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng nặng nề hơn đến mức “ai cũng biết” nhất là cán bộ các cấp, nhưng không ai làm cả. Những cán bộ có trách nhiệm, nhiệt huyết cũng đành “chờ đợi” thanh tra cấp trên vào cuộc. Vì thế, việc sớm khắc phục bệnh hình thức trong thực hiện QCDC ở cơ sở là rất cấp bách.

2. Tăng cường công khai minh bạch

Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, mới đây, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Trung ương đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng, đó là có cơ chế kiểm soát quyền lực, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”(3). Đồng chí Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng cũng chính là cơ chế kiểm soát. Vì các vấn đề phải đưa ra bàn bạc, còn nếu để “tự tung, tự tác” thì cán bộ dễ sai phạm.

Mặt khác, cũng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị khi triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Nhất là các tổ chức chính trị xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thực của nhân dân... Có như vậy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở mới thực sự đem lại hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.

Trên tinh thần Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: “Phải có quy chế, luật pháp để bảo đảm anh muốn tham nhũng cũng không được, không thể tham nhũng được và không dám tham nhũng”(4). Tổng Bí thư còn chỉ rõ, tham nhũng quyền lực là “cha đẻ” của các loại tham nhũng khác nhau. Trong đó, tham nhũng vật chất rất nguy hại, nó ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế, tạo nên sự bất công xã hội khiến “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Nhưng tham nhũng quyền lực, về lâu dài, có thể làm băng hoại cả một chế độ, phá nát cả hệ thống chính trị. Và như thế, chế độ đó sẽ khó tồn tại lâu dài bởi khi đó, lòng dân đã mất, đảng viên trung kiên thì dần rời xa Đảng...

Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã thẳng thắn nói: Đầu tư chức, quyền là loại đầu tư siêu lợi nhuận. Giới học giả gọi là “canh bạc” chức quyền. Có đại biểu còn khẩn thiết kêu gọi: “Cần xem lại việc chạy chức, chạy quyền, đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng, vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại, điều đó khẳng định: “Tham nhũng quyền lực” là sự tha hóa quyền lực, có nguyên nhân từ suy đồi đạo đức và sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là ‘cha đẻ’ của nhiều loại tham nhũng, tiêu cực khác”(5)

Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực. Vì thế, con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực, tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía: (1) Phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền; (2) Phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân dân đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.

Bản chất của kiểm soát quyền lực là sự bắt buộc của một cơ chế, theo đó mọi cấp phải tự đặt mình dưới những ràng buộc nhất định giúp cá nhân và bộ máy dưới quyền có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào QCDC ở cơ sở chứ không chỉ dựa vào phẩm chất năng lực của người đứng đầu.

Tuy nhiên, vẫn cần “phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, không chỉ là cán bộ cấp chiến lược mà còn là tư duy chiến lược của cán bộ chỉ huy lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng và cả hệ thống chính trị.

3. Một số giải pháp phát huy dân chủ ở cơ sở

Một là, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin về đường lối, chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của Hiến pháp. Thường xuyên tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Hai là, các cấp uỷ đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, bảo đảm thực chất và hiệu quả, đồng thời chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, xâm hại lợi ích của nhân dân.

Ba là, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị… trước hết là trong các tổ chức đảng; công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm hại đến quyền làm chủ của nhân dân.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sớm ứng dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm các quy trình của QCDC ở cơ sở, không cắt xén hoặc hình thức hóa các hoạt động. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thực sự “của dân, do dân và vì dân”.

Năm là, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Theo đó, cần công khai minh bạch tất cả những hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng (ngoại trừ những vấn đề bí mật quốc gia), bao gồm cả việc giám sát của nhân dân đối với công tác cán bộ.

________________

(1) http://baodautu.vn: Kiểm soát quyền lực vì đội ngũ cán bộ chiến lược của đất nước, ngày 20-2-2018

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.211

(3), (4) http://dantri.com.vn: Tổng Bí thư: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”, ngày 17-10-2016

(4) http://www.xaydungdang.org.vn: Quyết liệt chống tham nhũng quyền lực, ngày 21-10-2017

 

Đại tá Nguyễn Nhâm

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng

Bộ Quốc phòng

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền