Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển giáo dục dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum: thực trạng và những vấn đề đặt ra
Thứ hai, 13 Tháng 8 2018 17:17
3569 Lượt xem

Phát triển giáo dục dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum: thực trạng và những vấn đề đặt ra

(LLCT) - Kon Tum nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, được tái lập lại vào tháng 8-1991; là tỉnh có vị trí quan trọng với 28 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 55% dân số. Xác định “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua tỉnh Kon Tum đã dành nhiều quan tâm cho sự nghiệp giáo dục dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục DTTS còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục.

      

Kon Tum có diện tích tự nhiên là 9.689,6 km2, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố, 102 xã, phường, thị trấn trong đó có 13 xã biên giới giáp Lào và Campuchia với chiều dài biên giới là 280,7km; 56 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. Dân số trung bình năm 2016 của tỉnh ước đạt 510 nghìn người, có 6 dân tộc tại chỗ là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu và Rơ Măm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2010 - 2015 là 13,94%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 31,96 triệu đồng, chi ngân sách địa phương bình quân 5.060 tỷ đồng/năm(1).

Sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc đã tạo nên những nét độc đáo riêng của Kon Tum trong quá trình phát triển văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, với diện tích rộng, địa bàn phức tạp, trình độ dân trí còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu…, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo (chưa cân đối được thu, chi ngân sách, hằng năm Trung ương bổ sung khoảng 60% tổng chi) đã đặt ra cho Kon Tum nhiều thách thức; cần phải cố gắng trong xây dựng và phát triển giáo dục để có thể theo kịp tốc độ phát triển giáo dục của cả nước.

Xác định “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” nhằm đào tạo con người, lực lượng lao động mới, bảo đảm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, chính trị. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh việc triển khai tốt các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã chủ động ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết về xã hội hóa giáo dục tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006-2010; Nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2015; Nghị quyết về quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết về việc thông qua đề án tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020;… Kon Tum cũng xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo vùng khó khăn, vùng dân tộc. Nhờ đó, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục DTTS, bước đầu đã đạt được một số kết quả:

- Quy mô giáo dục tăng trưởng mạnh, mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng

Hệ thống mạng lưới trường học Kon Tum được quy hoạch, xây dựng, bố trí rộng khắp, tương đối hợp lý với điều kiện tự nhiên, kinh tế và địa bàn dân cư. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 402 trường, 5.573 lớp, tăng 53 trường, 519 lớp so với năm học 2009 - 2010. Hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS phát triển mạnh, đặc biệt là hệ thống trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Bên cạnh 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh có 54 trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập, trong đó có 21 trường tiểu học và 33 trường trung học cơ sở. Quy mô học sinh các bậc học, cấp học tăng lên. Đầu năm học 2015 - 2016 toàn tỉnh có 144.258 trẻ mầm non và học sinh phổ thông, tăng 12.182 em; học sinh DTTS là 83.912 em, tăng 8.761 em. Toàn tỉnh có 7 trung tâm giáo dục từ xa, 85 trung tâm học tập cộng đồng, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; 2 trường cao đẳng và 1 phân hiệu đại học(2).

- Cơ sở vật chất trường học được đầu tư, các điều kiện bảo đảm dạy học ngày càng tốt hơn

Quán triệt quan điểm “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, chính quyền và nhân dân đã tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảm phòng học tạm bợ, tăng dần số lượng phòng học kiên cố. Từ năm 2010 đến nay, các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng 191 phòng ở bán trú; 1.251 giường nằm; 56 nhà ăn và các trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn, ở cho học sinh bán trú. Hiện nay, 100% trường học được trang bị máy vi tính phục vụ công tác quản lý hành chính; 100% trường có nối mạng để khai thác thông tin phục vụ dạy học và thực hiện giao dịch văn bản điện tử; 100% trường trung học phổ thông - phổ thông dân tộc nội trú, 66% trường trung học cơ sở, 30,1% trường tiểu học có phòng máy để dạy tin học(3).

- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển

Năm học 2015 - 2016, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục từ xa trong toàn tỉnh có hơn 1 nghìn cán bộ quản lý giáo dục, 8.763 giáo viên; so với năm học 2009 - 2010 có sự tăng mạnh về số lượng và chất lượng. 534 cán bộ quản lý giáo dục có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, chiếm tỷ lệ 53,2%; 851 người đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, chiếm tỷ lệ 84,8%. 2.798 giáo viên biết tiếng DTTS tại chỗ, chiếm 31,9%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học là 100%(4).

- Công tác phát triển giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực

Tỷ lệ huy động học sinh các cấp ra lớp đúng độ tuổi ngày càng tăng. Cụ thể, so với năm học 2009-2010, năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ DTTS 3 - 5 tuổi đạt 88,9% (tăng 18,9%), trong đó tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 99,5% (tăng 0,5%); tỷ lệ trẻ 6 - 11 tuổi vào học tiểu học đạt 99,5% (tăng 0,5%)(5).

Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của chính quyền và ngành giáo dục, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: bồi dưỡng giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh; liên hệ mật thiết với gia đình học sinh; đổi mới tuyển sinh và thi tốt nghiệp, làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học …Nhờ đó, chất lượng giáo dục của tỉnh Kon Tum ngày càng được nâng cao. So với năm học 2009-2010, năm học 2015-2016 tỷ lệ học sinh DTTS cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông xếp loại về hạnh kiểm khá tốt, học lực khá giỏi được nâng lên, trong đó trung học cơ sở là 22,86 % (tăng 12,46%), trung học phổ thông là 26,2% (tăng 16,9%). Tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp trung học phổ thông là 87,56% (tăng 27,6%). Năm 2015, số học sinh DTTS đỗ đại học là 179 em, chiếm 29,05% (tăng 172 em so với năm 2008, tương đương 28,67%); số học DTTS đỗ cao đẳng là 355 em, chiếm 48,23% (tăng 129 em so với năm 2011, tương đương 0,75%)(6). Nhiều em trúng tuyển các trường đại học có danh tiếng trong nước, một số em đã được gửi đi du học nước ngoài theo các chương trình học bổng của trường.

- Mục tiêu phổ cập giáo dục được duy trì

Năm 2000, tỉnh Kon Tum được công nhận đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2009 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, năm 2015 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục củng cố, phát triển. Kết quả phổ cập giáo dục không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà quan trọng hơn là đã làm chuyển biến mạnh ý thức và trách nhiệm của người dân đối với sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục tỉnh Kon Tum còn một số hạn chế, yếu kém:

- Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỷ lệ học sinh yếu kém các cấp học cao, tỷ lệ học sinh bỏ học lớn, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên vẫn còn nhiều khó khăn; kết quả chống mù chữ và phổ cập ở các buôn, bon còn bấp bênh, có nguy cơ tụt chuẩn cao;

- Hiệu quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học chuyên nghiệp, học nghề còn thấp;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, nguy cơ xuống cấp cao; thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương tiện dạy học chưa đảm bảo số lượng, không đồng bộ về chủng loại và chất lượng so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều trường học, công tác vệ sinh chưa đảm bảo, thiếu nước sạch. Tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia còn thấp (so với cả nước);

- Đội ngũ giáo viên vừa thừa vừa thiếu cục bộ, vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Việc bố trí giáo viên về công tác tại các trung tâm Học tập cộng đồng còn nhiều vướng mắc;

- Đầu tư cho giáo dục và cơ cấu tài chính chi cho giáo dục, nhất là ở cơ sở giáo dục, trường học chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu, còn mang tính bình quân, tỷ lệ chi cho hoạt động dạy học nhiều nơi chưa bảo đảm.

Hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Kon Tum có địa bàn rộng, chia cắt, dân cư phân tán nhiều cụm làng, thôn nên việc mở trường lớp tập trung gặp nhiều khó khăn (nhiều điểm trường lẻ cách trường trung tâm khoảng 5-7 km, cá biệt có nhiều nơi hơn 15 km). Vì vậy, việc đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp ở từng điểm thấp cần nhiều biên chế giáo viên và cán bộ quản lý, cơ hội tiếp cận các hoạt động giáo dục tiên tiến hạn chế…

- Học sinh DTTS chưa được chuẩn bị tốt về tiếng Việt trước khi vào lớp 1 nên gặp rất nhiều khó khăn khi đi học, hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức và học tập hòa nhập. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng học tập của những năm học tiếp theo. Mặt khác, chương trình, sách giáo khoa hiện chưa phù hợp với học sinh DTTS về nội dung và thời lượng (chương trình học là chương trình chung cho toàn quốc, không phân biệt vùng, miền, đối tượng học sinh);

- Chính sách đầu tư tài chính cho giáo dục và cơ cấu tài chính chi cho giáo dục chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách cho giáo viên miền núi chưa thực sự thỏa đáng, chưa tạo được động lực cho giáo viên gắn bó với nghề, bám buôn, bám làng. Ở những vùng sâu, vùng xa, nhìn chung các điểm trường vẫn thiếu giáo viên, tỷ lệ giáo viên/ lớp vẫn chưa thực sự cân đối;

- Cơ sở vật chất của trường vẫn chưa đồng bộ. Phổ cập giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục;

- Là một tỉnh miền núi nghèo, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ nghèo và cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao, đời sống phụ thuộc vào mùa vụ nên khi cần lao động, nhiều học sinh phải nghỉ học để ưu tiêu phụ giúp công việc gia đình. Nhiều gia đình người DTTS chưa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường. Mặt khác, nhiều học sinh chưa xác định được lợi ích thiết thực của việc học tập nên chưa ý thức tự giác học, chưa chủ động lĩnh hội kiến thức.

Để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự học của mọi tầng lớp nhân dân

Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xu thế đó yêu cầu xây dựng nền giáo dục tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu. Chính vì vậy, Kon Tum cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự học tập, tự đào tạo của người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, xây dựng xã hội học tập. Đây là một cuộc cách mạng từ trong nhận thức để người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng thay đổi nhận thức về vai trò của giáo dục - đào tạo. Điều này tạo ra bước đột phá, thay đổi căn bản tư duy học tập, lao động; là động lực mới cho sự phát triển giáo dục, đào tạo.

Hai là, sà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo

Kon Tum cần tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường lớp ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường mầm non tại các xã đặc biệt khó khăn. Ưu tiên đầu tư khắc phục tình trạng trường học xuống cấp, phòng học tạm, mượn; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ để tăng quy mô huy động trẻ đến lớp; ưu tiên nguồn vốn để từng bước hoàn thiện mạng lưới các trường học phổ thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh trong độ tuổi. Quy hoạch giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm tính liên thông, gắn chặt với các chỉ số phân luồng giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh DTTS và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, 100% giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; vững vàng về chính trị, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp học. Đẩy mạnh công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo, chuẩn đầu ra và các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục. Có chính sách để bồi dưỡng, bố trí công việc phù hợp cho đội ngũ giáo viên.

Ở cấp học mầm non, tiểu học có số lượng lớn học sinh DTTS theo học nên bố trí giáo viên đứng lớp là người DTTS, điều này là cần thiết và hợp lý khi nhiều học sinh dân tộc vào lớp Một còn chưa nói thạo hoặc thậm chí chưa biết nói tiếng Việt. Bố trí một phần kinh phí phù hợp từ nguồn ngân sách chi cho đào tạo, bồi dưỡng của địa phương để ưu tiên bồi dưỡng tiếng DTTS cho giáo viên bậc học mầm non và tiểu học công tác tại các vùng đồng bào DTTS.

Đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường, cụm trường nhằm từng bước xóa dần sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa các địa bàn. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý, đặc biệt phải ưu tiên tối đa cho các nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực của học sinh, khắc phục lối dạy học truyền thụ kiến thức một chiều sang lối dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Chuyển từ hình thức học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa. Tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Tăng cường công tác giáo dục nhân cách, pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống, thể chất. Tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong trường học.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các đối tượng đi học đúng độ tuổi, duy trì sỹ số, chống bỏ học giữa chừng. Sở Giáo dục của tỉnh cũng cần quan tâm thiết kế chương trình giáo dục có tính chất đặc thù, thuận lợi cho việc dạy và học cũng như đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS.

Năm là, tăng cường các điều kiện đảm bảo cho giáo dục và đào tạo

Ngân sách nhà nước của tỉnh bảo đảm chi đúng, chi đủ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hằng năm, bố trí ngân sách để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nhà trường, thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục. Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về xã hội hóa giáo dục. Tập trung huy động các nguồn lực, huy động sự đóng góp của các ngành, các cấp, của mọi cá nhân, tập thể góp phần vào quá trình xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; xây dựng nhà trường thật sự trở thành trung tâm văn hóa của địa phương.

______________

(1) Báo cáo tham luận của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên do Bộ giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 17-10-2017 tại Đà Lạt.

(2), (3), (4), (5), (6) www.tapchicongsan.org.vn

 

ThS Đào Thị Tùng

Học viện Chính trị Khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền