Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm phát triển du lịch bền vững
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 14:59
4791 Lượt xem

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm phát triển du lịch bền vững

(LLCT) - Các tỉnh Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, trong đó có những di sản được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”... Đây thực sự là những giá trị tài nguyên đặc biệt của Tây Nguyên để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để phát triển du lịch hiện nay đang bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, yếu kém, đòi hỏi phải sớm có các giải pháp khắc phục.

1. Khái quát về văn hóa truyền thống và tiềm năng du lịch Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.638,4km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số 5.504.560 người, là một trong bảy vùng kinh tế - sinh thái của nước ta hiện nay. Toàn vùng có 61 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 thành phố (Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Kon Tum, Bảo Lộc), 4 thị xã (An Khê, Ayun Pa, Buôn Hồ, Gia Nghĩa) và 52 huyện; 722 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 77 phường, 48 thị trấn và 597 xã; 7.824 thôn buôn, tổ dân phố, trong đó có 2.764 thôn, buôn, bon, làng có đông đồng bào các DTTS sinh sống.

Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng để làm du lịch, bởi có những điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người.

Về du lịch sinh thái: Tây Nguyên có một hệ thống thắng cảnh và khu hệ động, thực vật rất hấp dẫn như: tỉnh Kon Tum có: Hồ Yaly, rừng quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Tỉnh Gia Lai có: Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Yama Yang Yung, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Tỉnh Đắk Lắk có: Thác Gia Long, thác Bảy Nhánh, Hồ Lắk, vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin. Tỉnh Đắk Nông có thác Ba Tầng, Dray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, suối khoáng Đắk Song, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Tỉnh Lâm Đồng có: Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, hồ Đa Nhim, Đan Kia - Suối Vàng, thác Đam B’ri, rừng Mađagui, vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn Bidoup - Núi Bà.

Về du lịch văn hóa:Tây Nguyên có một hệ thống các buôn, bon, làng, plây cổ truyền của đồng bào các DTTS, nơi còn giữ được những đặc điểm cấu trúc, sinh hoạt văn hóa truyền thống như làng Kon Kơ Tu, làng Kon Du, làng Kon Sôi (tỉnh Kon Tum); làng Đê K’tu (tỉnh Gia Lai); buôn Akó Dhung, buôn Jun (tỉnh Đắk Lắk) và các buôn, bon của người Mnông, người Mạ, người K’ho ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Những nơi này còn giữ được các nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng như nghề dệt thổ cẩm, đẽo tượng, đan lát mây tre,... Nhiều lễ hội và sinh hoạt văn hóa đặc sắc, có ở hầu hết các dân tộc mà du khách rất muốn tìm hiểu, khám phá như: Lễ hội đâm trâu, lễ táng treo, lễ bỏ mả, lễ cúng cơm mới, lễ cúng bến nước, hội voi, tục uống rượu cần,... cùng với nhiều di sản văn hóa vật thể và các di tích lịch sử, văn hóa mà xét về tính độc đáo, tính đa dạng cũng như mức độ nổi tiếng đều có sức hấp dẫn lớn đối với du khách(1).

Các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá như đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc. Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội (lễ hội cồng chiêng, lễ hội cơm mới, lễ bỏ mả...);  và một kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyênđã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Sự hấp dẫn lôi cuốn khách du lịch đến với các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là các giá trị văn hóa bản địa vốn rất đa dạng và mang tính đặc trưng rất riêng. Đây thực sự là những giá trị tài nguyên đặc biệt của Tây Nguyên, là sự khác biệt so với các vùng khác để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu rất riêng của Tây Nguyên(2).

2. Thực trạng khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm phát triển du lịch bền vững

Giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là một kho tàng rất phong phú, đồ sộ. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống đó để phát triển du lịch đang đặt ra không ít những thách thức. Tại Hội thảo: Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững, các tham luận cho rằng “...muốn văn hóa Tây Nguyên bảo tồn được, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc của mình theo hướng phát triển bền vững thì cần phải gắn với thị trường và du lịch...”(3). Theo nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam: “...Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là thế mạnh sẵn có của 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng trên thực tế vẫn là của hiếm, hoặc nếu có nhưng lại là của “nhái”, của “dỏm” qua bàn tay dàn dựng của các đạo diễn người miền xuôi, thậm chí là cả kịch bản cho các lễ cúng Yang, đâm trâu. Trong khi văn hóa dân gian nguyên gốc mới thật sự đáp ứng sự tò mò lẫn thích thú tìm hiểu của du khách, nhất là khách nước ngoài... Rất nhiều du khách bày tỏ ý muốn được ngủ đêm ngay trong khu vực buôn (như khu du lịch Buôn Jun, huyện Lắk hay buôn AKó Dhông, thành phố Buôn Ma Thuộc của Đắk Lắk...) muốn chứng kiến và thăm hỏi đời sống bà con người Mnông, người Ê đê tại chỗ - xem diễn tấu ching chêng, uống rượu cần, ăn sáng, uống cà phê; trải nghiệm cùng người dân chăm sóc cà phê, cao su, tiêu..., nhưng lại e ngại vi phạm tập quán hoặc vì không có người hướng dẫn. Tại sao không tổ chức lại một số căn nhà sàn của bà con, có người hướng dẫn, phiên dịch để lên chơi, trò chuyện, uống rượu cần với người dân, thậm chí ngủ lại trong nhà họ theo kiểu du lịch cộng đồng (homestay) mà Sơn La, Điện Biên đã làm?”(4). Có nghĩa là, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa thôn bản, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử vào trong cuộc sống, để các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng được phát huy theo hướng bền vững. Ở Lâm Đồng, tại các bon quanh chân núi Lang Bian du khách có thể thưởng thức các chương trình giao lưu, đốt lửa trại, âm nhạc cồng chiêng, uống rượu cần, ăn thức ăn do người dân tộc Lạch và Chil tự tay chuẩn bị - hoạt động  này được tổ chức rất tốt, khiến thời vụ nào trong năm cũng đông khách. Trong khi đó ở Đắk Lắk, huyện Buôn Đôn có đặc sản “voi nhà”,  là địa bàn giao thoa văn hóa của 4 tộc người thiểu số Ê đê, Mnông, JRai, Lào với những giá trị văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng...; nhưng việc phát huy các lợi thế đó để phát triển du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không nói là bế tắc: “Hiện khu du lịch đã đầu tư gần trăm tỷ do Cty cổ phần Thương mại & Du lịch Bản Đôn (Cty CP TM&DLBĐ) điều hành... đã bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, hoang tàn. Cả nghìn hecta rừng dự án bị lâm tặc chặt phá, ra vào ngang nhiên như chốn vô chủ”(5).

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng nói trên: Trước hết,là do liên kết giữa các địa phương (các tỉnh) trong vùng, giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ còn yếu kém: “Liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển du lịch còn yếu, mang đậm tính tự phát. Tiềm năng và lợi thế so sánh về du lịch chưa được khai thác hiệu quả; chưa có cơ quan điều phối phát triển du lịch chung theo quy hoạch đã được phê duyệt. Mặc dù sở hữu tính đặc thù cao, sinh thái đa dạng, sự lan tỏa từ các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt vẫn hạn chế; vai trò của cộng đồng, người dân tham gia làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch như Hội An, Đà Nẵng vẫn chưa được phát huy”(6). Sự na ná nhau của sản phẩm các khu du lịch trong một địa phương (cơm lam, rượu cần, gà nướng, cưỡi voi...) đã tạo nên sự đơn điệu, nhàm chán; và là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, khó đem lại hiệu quả cao và bền vững. Thứ hai, các chủ nhân đích thực của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hầu như ít được chú ý quan tâm trong hoạt động du lịch: các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa có cơ chế, quy định việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào môi trường hoạt động du lịch để có thu nhập phụ, gắn với việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống. Hay nói cách khác là làm thế nào để “địa phương phải trở thành người nắm toàn quyền và là chủ sở hữu chính văn hóa của họ nếu như muốn di sản văn hóa duy trì và khẳng định vị thế đặc biệt của nó”(7). Thứ ba, văn hóa dân gian nguyên gốc là thế mạnh sẵn có của Tây Nguyên; được đắm mình, trải nghiệm với những sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số (xem lễ hội đâm trâu, lễ táng treo, lễ bỏ mả, lễ cúng cơm mới, lễ cúng bến nước, xem diễn tấu ching chêng, uống rượu cần,...) là sự thích thú của mọi du khách. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng (homestay) này hầu như vẫn là của hiếm, hoặc có nhưng lại là của “nhái” qua bàn tay dàn dựng của các đạo diễn người miền xuôi...(8). TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã chỉ rõ: “...một thực tế phải nhìn nhận là các tài nguyên du lịch của Tây Nguyên đã không được đầu tư khai thác đúng mức để trở thành những sản phẩm có sức hút cao. Ngoại trừ Bảo tàng dân tộc Tây Nguyên ở Buôn Mê Thuột được đầu tư nâng cấp trở thành điểm đến không thể bỏ qua, còn lại các điểm tham quan khác đều thiếu sức hấp dẫn. Các buôn làng ngày càng bị bê tông hóa, lối sống trong các buôn làng đó ngày càng Kinh hóa, các vườn quốc gia hay tại các thắng cảnh đều thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động khám phá, chưa xây dựng được một mô hình vật chất để thể hiện không gian văn hóa cồng chiêng cho xứng đáng với tầm cỡ của một di sản phi vật thể của nhân loại(9). Thứ tư, hiện nay, văn hóa truyền thống Tây Nguyên đang ngày càng mai một: những yếu tố văn hóa mới của xã hội hiện đại, yếu tố văn hóa ngoại lai đang xâm nhập và tác động rất lớn đến nền văn hóa truyền thống. Tình trạng phá rừng bừa bãi, tràn lan và hệ lụy của nó là “mất rừng là mất văn hóa Tây Nguyên” (Nguyên Ngọc). Những buôn làng trong một không gian truyền thống (nhà rông, nhà dài, nhà sàn...) đã dần mất đi, nhất là những khu định cư mới liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện. Việc tăng nhanh về dân số (nhất là sự gia tăng cơ học) đã tạo ra những biến đổi về văn hóa Tây Nguyên, bản sắc văn hóa bản địa bị phá vỡ, lai tạp. Thứ năm, hoạt động liên kết nội vùng và liên kết ngoại vùng để phát triển du lịch ở Tây Nguyên thời gian qua khá mờ nhạt, ít được quan tâm và còn tự phát.

3. Một số giải pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm phát triển du lịch bền vững

Báo cáo tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh  vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo hướng bền vững là: “Ưu tiên phát triển du lịch để giải quyết việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm du lịch có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của vùng. Quan tâm đầu tư phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp ở các buôn làng; khôi phục các nghề thủ công truyền thống, gắn với việc hình thành các tour du lịch làng nghề ở những nơi có điều kiện”(10); “Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên về “Thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất”: Xây dựng các chương trình du lịch chung của toàn Vùng; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch vùng Tây Nguyên như một điểm đến hấp dẫn. Liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch khác”(11).

Quan điểm liên kết hợp tác phát triển du lịch là liên kết hợp tác phát triển du lịch các tỉnh/thành phố vùng Tây Nguyên dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn (di sản, di tích lịch sử, văn hóa), tạo sự đột phá giúp ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và toàn Vùng. Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên cần đảm bảo tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số(12).

Để phát triển bền vững giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong hoạt động du lịch cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng vào trong cuộc sống, để các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng được phát huy và vững bền. Cần xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay), gắn phát triển du lịch với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vừa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên(13).

Hai  là, Nhà nước cần phải có chính sách về việc nhanh chóng phục hồi rừng; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng. Đây là cơ sở quan trọng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần ổn định xã hội, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Không những diện tích mà cả trữ lượng cũng giảm mạnh; trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng giảm 17,4%. Trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m3, tương ứng 21%. Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở; các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh(14). Nguyên nhân của tình trạng phá rừng và làm suy giảm rừng Tây Nguyên là do tác động lớn từ di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh... Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu...; rừng còn gắn với văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên(15). Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác và nêu rõ các giải pháp để khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên nhằm ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả nạn phá rừng nghiêm trọng ở “nóc nhà Đông Dương”.

Ba là, xây dựng đề án liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Các tỉnh trong khu vực cần phải thống nhất trong đề án chung lấy các khu du lịch quốc gia, các điểm du lịch quốc gia đã được xác định là các điểm ưu tiên phát triển để tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực. Trong đề án liên kết cần chú trọng liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch khác, đặc biệt là hướng ra biển (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ). Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển khai thác các sản phẩm du lịch. Hình thành Ban điều phối liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên để thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác(16). Liên kết phát triển du lịch theo vùng ở Tây Nguyên là yếu tố quan trọng và là yêu cầu mang tính quy luật khách quan đối với phát triển du lịch ở cấp vùng, đặc biệt giữa các địa phương trong một vùng với những lợi thế riêng có thể bổ sung cho nhau hoặc có chung những giá trị về tài nguyên du lịch mà sự phân bố của chúng nằm trên địa bàn chung giữa các địa phương trong vùng. Liên kết càng trở nên cấp thiết đối với hoạt động phát triển du lịch nhằm góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến cấp vùng trong bối cảnh hội nhập mang tính toàn cầu hiện nay(17).

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện những giải pháp liên quan đến thể chế và tư duy trong liên kết vùng, liên kết nội vùng để phát triển du lịch: Ở nước ta, vừa qua mới chỉ có Tổ chức Điều phối phát triển và Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm(18). Đối với Tây Nguyên cần thiết lập cơ quan quản lý điều phối vùng kinh tế dưới dạng “Ban chỉ đạo vùng” hay “Hội đồng vùng” đóng vai trò như “nhạc trưởng” điều hành trong vấn đề liên kết - trong đó có nội dung thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch(19) do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên. Xúc tiến thành lập “Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng Tây Nguyên”(20) để  nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp, luận cứ khoa học thực hiện việc Liên kết phát triển vùng Tây Nguyên bền vững, nhằm giúp “Ban Điều phối Vùng”, “Hội đồng Vùng” lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, tư vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng - trong đó có nội dung thành lập “Nhóm tư vấn liên kết phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên”. Thiết lập các Quỹ tài chính phục vụ cho các mục tiêu phát triển chung của toàn vùng Tây Nguyên nói chung và Quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nói riêng để huy động các nguồn lực tài chính, khoa học, kỹ thuật trong và ngoài nước thúc đẩy việc hình thành các liên kết đối với  lĩnh vực, sản phẩm du lịch: Quỹ được hình thành chủ yếu từ các nguồn: đóng góp từ ngân sách của các địa phương; đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cam kết hỗ trợ của Trung ương. Quỹ được sử dụng cho các chương trình mục tiêu cụ thể theo quyết định của Cơ quan điều phối. Cơ quan này cũng phải thiết lập các thiết chế giám sát cần thiết(21). Khắc phục tư duy địa phương cục bộ trong liên kết nội vùng nhằm phát triển du lịch - tư duy địa phương cục bộ sẽ làm cho lợi ích địa phương cục bộ  chi phối các hợp tác giữa các địa phương; mà hệ quả của nó là hiện tượng phân tán nguồn lực, đầu tư dàn trải, không tạo được lợi thế quy mô, gây lãng phí. Tập trung phát triển các khu du lịch quốc gia  trong vùng nhằm khai thác tốt nhất lợi thế so sánh của vùng Tây Nguyên để phát triển du lịch, gồm 4 khu du lịch quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên là: Măng Đen (Kon Tum); Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng); Yokđôn (Đắk Lắk)(22).

Năm là, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ(23): Liên kết giữa các địa phương trong việc hình thành nên chuỗi các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, gồm sản phẩm gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển, di sản - văn hóa và cảnh quan thiên nhiên biển, đảo của vùng duyên hải miền Trung và các sản phẩm gắn với nghiên cứu, tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc; nghiên cứu sinh thái; nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi, thể thao mạo hiểm của vùng Tây Nguyên. Về nội dung này, những công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã chỉ rõ: “Đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên và những đặc trưng về văn hóa, dân tộc mà vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong phát triển du lịch. Các tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên ra biển, các tỉnh Tây Nguyên là vùng đất tiềm năng cho du lịch các tỉnh/thành phố duyên hải miền Trung và cửa ngõ của miền Trung đến với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan”(24). Việc liên kết tạo sản phẩm du lịch sẽ giúp cho du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khác nhau khi các tour du lịch liên kết trong khu vực này tiếp tục được mở rộng. Ví dụ như với quan điểm tạo sự đa dạng, khác biệt trong các tour du lịch như “Lên rừng, xuống biển”, nhiều doanh nghiệp du lịch bán ra thị trường những tour du lịch gắn sản phẩm “Con đường di sản miền Trung” kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên”; du khách sẽ có dịp đi xuyên suốt các tỉnh/thành phố duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ cùng những di sản văn hóa - lịch sử quý giá như: cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, những di sản văn hóa của thế giới, đến với vịnh Lăng Cô, vịnh Nha Trang - những vịnh đẹp nhất trên thế giới, thưởng thức âm thanh của tiếng cồng chiêng Tây Nguyên và tham gia những hoạt động đầy hấp dẫn như cưỡi voi trên cao nguyên Lâm Viên, uống rượu cần và nghe những sử thi, những trường ca của các dân tộc Tây Nguyên. Hay các tour du lịch caravan từ các tỉnh duyên hải miền Trung đến với các tỉnh Tây Nguyên và qua cửa khẩu của các tỉnh Tây Nguyên đến với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và ngược lại...”(25).

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1) Như: Ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei, nhà thờ gỗ (Kon Tum). Tây Sơn Thượng đạo, nhà lao Pleiku, làng kháng chiến Stơr (Gia Lai). Đình Lạc Giao, nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan (Đắk Lắk). Di tích căn cứ Nam Nung, khu vực khởi nghĩa Nơ Trang Lơng (tỉnh Đắk Nông). Khu di chỉ Cát Tiên, chùa Thiên vương Cổ sát, Thiền viện Trúc Lâm và hệ thống dinh thự ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

(2), (12), (17), (22)  Ban Kinh tế Trung ương, Đại sứ quán Cộng Hòa Liên bang Đức tại Hà Nội, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung, Hội thảo Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, Hà Nội, ngày 3-4- 2016.

(3) TS Y Ghi Niê, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam (Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Đắk Lắk), Bài phát biểu tại Hội thảoVăn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững, Đắk Lắk, tháng 11-2014.

(4), (8) Nhà nghiên cứu VHLinh Nga Niê Kdam, Phát triển bền vững du lịch Tây Nguyên cần hướng tới cộng đồng, Hội thảo “Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững”, Phú Yên, tháng 11-2014.

(5) Hoàng Thiên Nga - Long Vũ,  Báo Tiền Phong,ngày 6-2-2015, tr.15.

(6), (10) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên,Chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển vùng, liên kết kinh tế Vùng Tây Nguyên trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, Hội thảo Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, Hà Nội, 3-4-2016.

(7), (9) TS  Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Văn hóa Tây Nguyên - Vài quan niệm tiếp cận,  Hội thảo “Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững”, Phú Yên, tháng 11-2014.

(11) Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 2162/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hà Nội, 2013.

(13) Báo ảnh Dân tộc và miền núi, Văn hóa Tây Nguyên và sự phát triển bền vững, ngày 5-11-2015.

(14), (15) Nguyễn Tuấn Anh:Thủ tướng tuyên bố đóng cửa rừng, báo Đại đoàn kết,Thứ hai, 20-6-2016.

(16) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - Ban Kinh tế Trung ương -  Thời báo Kinh tế Việt Nam - Tổng cục Du lịch,Liên kết hợp tác trong phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, Kỷ yếu Hội thảo Liên kết phát triển vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk ngày 24-7-2015

(18) Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg,Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg và Quyết định số 159/2007/QĐ- TTg  của Thủ tướng Chính phủ.

(19) Thực hiện nội dung này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BVHTTDL ngày 8-1-2016 về việc thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.

(20) Bao gồmcác chuyên gia trong các cơ quan, viện, trường đại học như Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt  và các chuyên gia ởBộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch...

(21) Ở Vùng duyên hải miền Trung thời gian qua đã hình thành Ban điều phối vùng, Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng  (do TS Trần Du Lịch làm Trưởng nhóm), Trung tâm tư vấn - nghiên cứu phát triển miền Trung, Quỹ nghiên cứu phát triển miền  Trung(với sự tài trợ của BIDV và đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp).

(23) Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm:Hợp tác xây dựng các trục giao thông kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là đến các cảng biển, các đầu mối giao thông; các tuyến du lịch biển đảo của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ với du lịch sinh thái rừng, núi, du lịch văn hóa của Tây Nguyên...

(24), (25) Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch gắn kết giữa các tỉnh/thành phố duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, Hội thảo Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, Hà Nội ngày 3-4-2016.

 

PGS, TS Lê Văn Đính

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền