Trang chủ    Thực tiễn    Đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên
Thứ tư, 28 Tháng 11 2018 17:11
7307 Lượt xem

Đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên

(LLCT) - Đạo hiếu là chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện ý thức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu về nguồn gốc, công lao của tổ tiên, góp phần gắn kết các thế hệ và cộng đồng. Những điều này không trái với đạo đức của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn nữa cần tiếp thu giá trị này. Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên ở một bộ phận không nhỏ đảng viên đang có nhiều biến đổi tiêu cực. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục xu hướng đó.

1. Đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng lâu đời, bám rễ trong đời sống xã hội và tâm thức mỗi người dân, trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biểu hiện của đạo hiếu của người Việt. Thờ cúng tổ tiên của người Việt là nét đẹp văn hoá lâu đời, không phai nhạt trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, ngay khi bị xâm lăng, đô hộ. Cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa phương Đông và phương Tây, thờ cúng tổ tiên cũng có nhiều biến đổi do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Công giáo.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dựa trên tinh thần tự nguyện và truyền thống của cộng đồng gia đình, dòng họ, làng xã, trở thành phong tục tốt đẹp. “Thờ cúng Tổ tiên là tấm lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng cuộc sống cho hậu thế, thể hiện niềm tin linh hồn người đã khuất vẫn về thăm, phù hộ cho con cháu ăn nên, làm ra, tránh gặp tai họa”(1). Người Việt cho rằng, con người sau khi chết có linh hồn, sống nơi suối vàng giống như cuộc sống nơi trần thế với những nhu cầu tất yếu, như: ăn, mặc, chi tiêu và cả tích luỹ phòng khi bất trắc; linh hồn tổ tiên có sức mạnh siêu nhiên có thể “có ảnh hưởng, chi phối đời sống số phận của con người”(2). Do vậy, cần cúng giỗ để tổ tiên không bị thiếu thốn nơi âm gian. Thờ cúng tổ tiên còn là việc con cháu thể hiện sự biết ơn của mình đối với công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ, tổ tiên. Từ lòng tôn kính, sự mong muốn báo đáp cho tổ tiên ở nơi “chín suối”, từ niềm tin vào linh hồn tổ tiên sau khi thác, con cháu tìm cách báo hiếu với tổ tiên bằng việc cúng giỗ, thắp hương tưởng niệm, cẩn báo với tổ tiên mỗi dịp lễ tết, mỗi khi có việc trọng đại, như: hôn nhân, làm nhà, tang lễ... Đây cũng là dịp thế hệ trước nhắc nhở thế hệ sau về cội nguồn của gia đình, dòng họ và ghi nhớ việc báo hiếu với tiên tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Họ nhắc nhở nhau: “Anh em như thể chân tay”, bà con làng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, tình nghĩa xóm làng tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Từ đó, lòng nhân ái, tính cộng đồng được xây dựng, củng cố ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa người đã khuất và người đang sống. “Trong các cuộc điều tra về tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành từ 1995 đến nay thì số lượng người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỷ lệ trung bình là 98%”(3).

Tổ chức ngày giỗ hằng năm là truyền thống đẹp trong mỗi gia đình người Việt. Qua đó, nhớ về cội nguồn, hướng về quê cha đất tổ; người sống qua đó tự hoàn thiện bản thân, thắt chặt sợi dây đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ. Thờ cúng tổ tiên còn khẳng định tính cộng đồng làng xã, ước mong bảo đảm sự bình yên cho cả dân tộc. Sâu sắc hơn, truyền thống này góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: hiếu thảo, đức nhân ái, tính cần cù, ý thức cộng đồng, yêu quê hương đất nước... trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa về văn hóa.

Đạo hiếu là nền tảng của tín ngưỡng thờ tổ tiên, xa hơn là thờ Tổ mẫu, quốc Tổ. Người Việt tôn thờ tổ tiên ngoài mục đích thể hiện chữ hiếu còn gửi gắm ước vọng may mắn. Thờ cúng Tổ tiên không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn mở rộng ra dòng họ. Các dòng họ đều có ngày giỗ Tổ, có hương hỏa, điền sản, có nhà thờ Thủy tổ, nhà thờ các chi, ngành… là cơ sở vật chất và tinh thần để duy trì ý thức biết ơn, thờ cúng tổ tiên, được truyền từ đời này sang đời khác.

Thờ cúng tổ tiên khơi dậy và giáo dục lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, “sự kính hiếu với cha mẹ là giá trị tinh thần, là nội dung đạo đức trong gia đình truyền thống, ăn sâu trong nếp nghĩ, trở thành lẽ sống với mỗi người, không chỉ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ đạo làm con”(4). Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên hun đúc nên tình yêu quê hương, yêu đất nước cho con người Việt Nam; thôi thúc các thế hệ chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Từ đây, góp phần hình thành và phát triển lòng yêu nước, tự hào dân tộc là giá trị đạo đức quý báu, xuyên suốt và có ý nghĩa định hướng cho lẽ sống của con người Việt Nam.

Đạo hiếu được thể hiện sâu đậm thông qua những triết lý sâu sắc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thông qua những nghi lễ thờ phụng tổ tiên trong mỗi gia đình. Thờ cúng Tổ tiên là một cách ứng xử tinh tế giữa người sống với tổ tiên đã khuất, làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai kết nối chặt chẽ, liên hệ hữu cơ với nhau. Đó là sự thể hiện trách nhiệm, đạo lý liên tục và lâu dài của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Trách nhiệm, đạo lý đó được thể hiện sâu sắc và cụ thể không chỉ trong các hành vi sống, như: sự giữ gìn danh dự, thanh danh gia đình; sự nối tiếp truyền thống của gia đình, mà còn được biểu hiện trong những hành vi cụ thể và cả những giá trị mà tổ tiên để lại cho con cháu trong tương lai. Trong ngày giỗ, con cháu, họ hàng thân thích tụ họp lại với nhau để tỏ lòng thương nhớ người đã mất, cùng nhau ôn lại những công đức, ơn nghĩa của cha mẹ, ông bà đối với gia đình, mỗi cá nhân; cùng nhau bàn bạc và giải quyết những công việc chung của gia đình, dòng họ; tâm niệm, cầu khấn linh hồn của tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra, vượt qua mọi tai ương, vấn nạn trong cuộc sống; thầm hứa với linh hồn người đã khuất sẽ phấn đấu, tu dưỡng làm rạng danh gia đình, dòng họ, để linh hồn tổ tiên nơi chín suối an lòng. Những giá trị cao đẹp đó của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên sẽ luôn được giữ gìn và phát triển trong mỗi con người, mỗi gia đình người Việt trong bối cảnh hiện nay, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi cá nhân phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

2. Những biển đổi tiêu cực trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện trong đó, có vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Đảng đã khẳng định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”(5). Trên tinh thần đó, Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”(6).

Trong những năm qua, đời sống nhân dân được cải thiện, những nét đẹp  truyền thống, những giá trị đạo đức được phát huy. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa về mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó theo đó cũng có những biến đổi:

Một là, từ sau đổi mới, các loại hình tôn giáo tín ngưỡng trở nên sôi động. Cơ sở thờ tự các tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng, tu bổ. Số lượng tín đồ tham dự các hình thức nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo nhiều hơn. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng hòa mình vào xu thế chung đó, ngày càng được chú trọng cả về chiều rộng và chiều sâu; hình thức thờ cúng tổ tiên được biểu hiện đa dạng, phong phú hơn. Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng và mức sống ngày càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi các phong tục, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế tốt hơn khiến con cháu tổ chức các ngày giỗ, các dịp lễ tết, thờ cúng tổ tiên đủ đầy hơn. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang tính liên kết và hệ thống hơn, nối kết mối quan hệ họ hàng.

Hai là, đại bộ phận người Việt, trong đó có các cán bộ, đảng viên có xu hướng đề cao việc thờ cúng tổ tiên bằng cách tổ chức thờ cúng với nhiều hình thức phô trương hơn. “Ngày càng có nhiều ngôi mộ hoành tráng, bề thế, lát đá hoa cương, cẩm thạch được xây cất trong các nghĩa trang. Ngày càng có các đám giỗ mà khách mời lên đến vài chục thậm chí cả trăm người. Thực hiện những việc này, bên cạnh sự tưởng nhớ, sự đền ơn đáp nghĩa cho tổ tiên thì còn cả sự “sĩ diện” của những người đang sống”(7). Nhiều gia đình làm ăn khá giả đốt vàng mã hàng triệu đồng trong những ngày giỗ, tết với đủ các chủng loại. Sự phô trương trong việc thờ cúng tổ tiên đã dẫn đến sự ganh đua, cạnh tranh lẫn nhau giữa các gia đình, gia tộc để chứng tỏ sự khá giả về kinh tế dẫn tới sự mất đoàn kết, ghen tức, đố kỵ lẫn nhau.

Ba là, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên bị biến dạng, không còn nguyên nghĩa của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hiện nay, nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên thờ cúng tổ tiên theo thói quen, thậm chí chỉ mang mục đích vụ lợi, cầu xin thần thánh, tổ tiên ban cho tiền tài, chức tước, địa vị... Không ít cán bộ, đảng viên chưa phân biệt được giá trị văn hóa đích thực và những yếu tố mê tín, hủ tục hay bị biến tướng, bị lợi dụng nên không phát huy được giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Hiện tượng băng hoại đạo đức vẫn tồn tại, như: : con cái bất hiếu, khi cha mẹ sống không quan tâm, chăm sóc, khi chết thờ cúng linh đình; con cháu thờ ơ, không quan tâm tới ngày giỗ tổ, giỗ ông bà, cha mẹ; đùn đẩy trách nhiệm tang ma, chôn cất ông bà, cha mẹ; khóc thuê tang ma…

3. Phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên

Thứ nhất, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt là sự phản ánh nhu cầu tinh thần của người Việt hiện nay đang tồn tại một cách khách quan cần phải được tôn trọng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chứa đựng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đạo Hiếu, là một trong những giá trị của văn hóa truyền thống, trở thành triết lý nhân sinh của người Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của người dân, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy mới, đúng đắn về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Cần điều tra, nghiên cứu, hệ thống hóa các giá trị văn hóa, đạo đức, đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trên cơ sở đó, có đánh giá khách quan, khẳng định rõ những giá trị tốt đẹp còn phù hợp với xã hội hiện đại để bảo tồn, phát huy; những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu cần thay đổi; những yếu tố biến tướng do bị lợi dụng vì mục đích trục lợi và những yếu tố có tính chất mê tín, dị đoan “ký sinh” trong hoạt động tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên để loại bỏ.

Thứ hai, cần phát huy vai trò của gia đình về thực hành đạo Hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Trong gia đình vai trò của cha mẹ đối với việc giữ gìn đạo hiếu rất quan trọng. Nếu cha mẹ tạo dựng được môi trường gia đình có nền nếp, gia phong thì cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Ngược lại, nếu cha mẹ không là tấm gương sáng cho con cháu trong ứng xử, không quan tâm chăm sóc, thậm chí ngược đãi ông bà thì sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến hành vi bất hiếu. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi con người. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ngay cả việc xây sửa lại từ đường, nhà thờ họ; viết lại gia phả, tảo mộ, thắp hương mộ chí vào ngày giáp tết đều có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đạo hiếu cho con cháu. Hiện nay, trong thời kỳ mở cửa - hội nhập, việc giáo dục những giá trị đạo đức cơ bản đặc biệt là đạo hiếu cần được thực hiện thường xuyên từ trong gia đình, thông qua những hình thức giao tiếp thường ngày.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về những giá trị đạo đức tốt đẹp, ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó trong đời sống xã hội của tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng về những giá trị tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng như loại trừ những yếu tố lạc hậu, không phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn giá trị tích cực của tín ngưỡng cũng như tham gia đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng vào mục đích xấu. Trong tuyên truyền, cùng với việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, cần chú ý phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin đại chúng để định hướng giá trị và dư luận trong bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp cũng như phê phán các hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật.

Thứ tư, xây dựng và ban hành luật pháp, chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để từng bước đổi mới đời sống xã hội, góp phần duy trì, phát huy những giá trị đạo đức tích cực trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện nay. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, việc tổ chức thờ cúng tổ tiên ở các cấp độ gia đình, nhất là họ tộc, làng xã, các lễ hội; việc sử dụng đất đai để xây dựng mồ mả, đền, chùa, các trung tâm thờ tự, nhiều lúc, nhiều nơi còn tuỳ tiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là cơ sở pháp lý còn lỏng lẻo, nhiều vấn đề quản lý, thực thi pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá vừa có biểu hiện cứng nhắc, lại vừa là có biểu hiện buông lỏng, hoặc thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với hiện thực cuộc sống. Trong tình hình đó, việc xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy và các chính sách điều chỉnh hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là cần thiết. Đồng thời, căn cứ vào luật để phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm trị các phần tử không tuân thủ pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh trục lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng nhân dân; những phần tử gây rối, lợi dụng tín ngưỡng để kích động, gây chia rẽ, phá hoại chế độ XHCN. Cần thực hiện tốt Luật Di sản văn hoá, xây dựng các quy chế, quy định về lễ hội, cúng bái, về việc giữ gìn văn hoá, trật tự, vệ sinh tại các trung tâm thờ tự. Nhà nước kết hợp với chính quyền các cấp có quy định, hướng dẫn tại các trung tâm tín ngưỡng, thờ tự; các lễ hội phải thể hiện rõ tính chất văn hoá, không gây tốn kém lãng phí, loại bỏ các nghi thức rườm rà, các hủ tục mang tính mê tín; kiên quyết phê phán, lên án các biểu hiện ganh đua, phô trương. Những việc xây mới, hoặc cơi nới các cở sở thờ tự, việc đặt hòm công đức, hay việc vận động ủng hộ xây dựng các cơ sở văn hoá, tín ngưỡng phải được sự nhất trí, cho phép của các cấp có thẩm quyền và phải đúng mục đích.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 8-2018

(1), (4) Trần Đăng Sinh (Chủ biên): Đạo lý uống nước nhớ nguồn cơ sở triết học và giá trị trong lịch sử dân tộc, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2017, tr.44, 45.

(2) Nguyễn Đăng Duy (Chủ biên): Văn hóa Việt Nam, đỉnh cao Đại Việt, Nxb Hà Nội, 2004, tr.351

(3) Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo năm 1995, 1998, 2001, 2003, 2005, 2007, Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

(5) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.

(6) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Công tác tôn giáo.

(7) Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013, tr.725.

ThS Nguyễn Thị Phương Hà

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền