Trang chủ    Thực tiễn    Mô hình và thực tiễn quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 11:19
2217 Lượt xem

Mô hình và thực tiễn quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Thực tiễn quản lý phát triển xã hội (PTXH) ở nước ta hiện nay cho thấy chúng ta mới chỉ có những yếu tố, bộ phận chủ yếu và những nguyên tắc quản lý riêng lẻ chứ chưa có một mô hình quản lý xã hội như một thiết chế ổn định, được thể chế hóa, có chức năng điều tiết bảo đảm sự PTXH ổn định, tiến bộ và có thể linh hoạt điều chỉnh trước những thay đổi trong thực tiễn. Do đó, rất cần có nhận thức rõ ràng về PTXH và quản lý PTXH;  Xác định khuôn khổ nội dung, chủ thể quản lý PTXH cũng như phương thức gắn kết các yếu tố, bộ phận cấu thành và thể chế hóa thành một mô hình quản lý PTXH hiệu quả ở cấp quốc gia.

 

1. Mô hình quản lý phát triển xã hội

Trong lĩnh vực xã hội, mô hình là tập hợp các yếu tố, trụ cột cơ bản trong một hệ thống, được điều hành, giám sát và quản lý một cách có ý thức, trên cơ sở khoa học và điều kiện thực tiễn. Các yếu tố, trụ cột như­ là những modules của một hệ thống, có tương tác qua lại xác định, có thể điều chỉnh trong nội bộ mô hình khi cần thiết để bảo đảm quá trình phát triển xã hội cân bằng, bền vững cùng với các lĩnh vực phát triển kinh tế và bảo vệ môi tr­ường.

Mô hình PTXH là sự mô hình hóa, hệ thống hóa các yếu tố của lĩnh vực PTXH trong một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất gồm: i)  Các yếu tố “thực thể” cấu thành mô hình; ii) Chức năng, vai trò và vị trí của từng yếu tố trong mô hình được xác định; iii) Cơ cấu và tư­ơng tác, liên kết giữa tất cả các yếu tố, các mối liên hệ bên trong và bên ngoài hệ thống được định hình; iv) Đ­ược lượng hóa, có thể điều khiển, giám sát, đánh giá các kết quả và hiệu quả tác động; v) Có các công cụ giám sát hiệu quả như: hệ thống chỉ báo và các tổ chức chuyên môn theo dõi và giám sát đánh giá định kỳ về tác động thực tế của các lĩnh vực, yếu tố PTXH.

Mô hình quản lý PTXH như đã xác định ở trên phải là một cấu trúc, một thiết chế tương đối ổn định, được thể chế hóa, có vai trò, chức năng điều tiết bảo đảm sự PTXH ổn định, tiến bộ và có thể linh hoạt điều chỉnh trước những thay đổi trong thực tiễn PTXH.

Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến loại “mô hình quản lý PTXH” mang tính thực tiễn - ứng dụng. Nó gắn liền, tương ứng với các lĩnh vực và các thiết chế thuộc bộ máy quản lý nhà nước hiện hành và khác với các mô hình PTXH hay quản lý PTXH mang tính lý thuyết, không có liên hệ trực tiếp với hoạt động quản lý thực tiễn của lĩnh vực PTXH.

Mô hình quản lý thực tiễn - ứng dụng sẽ tích hợp nhiều yếu tố và chiều cạnh của sự PTXH, cùng với những yếu tố của hoạt động quản lý để bảo đảm sự PTXH được vận hành hiệu quả, thông qua các cơ chế, công cụ, bộ máy quản lý hiện có; là một cấu trúc hay một thiết chế tương đối ổn định, đồng thời nó phải đủ “mở” và linh hoạt để có thể được đổi mới, hoàn thiện theo thời gian. Nó cũng gắn liền với thực trạng và những sự thay đổi hoặc hỗ trợ trên thực tế cho các hoạt động quản lý sự PTXH, thực hiện các chính sách xã hội thông qua hoạt động các bộ, ngành chủ quản các lĩnh vực xã hội.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các tiêu chí và đặc điểm như vậy thì đến nay chúng ta hầu chưa có một “mô hình PTXH” thực tiễn - quản lý cấp quốc gia đúng với nội hàm của khái niệm này. Trên thực tế chúng ta chỉ có sẵn một số yếu tố của phát triển xã hội, đã và đang được theo dõi, giám sát - đánh giá, quản lý - điều hành ở mức độ nhất định, thông qua hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Việc kết nối các yếu tố này từ phương diện khoa học quản lý là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn.

Sự thiếu vắng một mô hình quản lý PTXH thực tiễn - quản lý ở cấp quốc gia cũng như ở cấp địa phương được thấy ngay ở chiều cạnh tổ chức - thể chế của nó. Chẳng hạn: có khá nhiều lĩnh vực xã hội riêng lẻ đã có sẵn các chủ thể quản lý (ví dụ các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao - Du lịch,...). Bên cạnh đó, còn có các chiều cạnh xã hội bên trong những lĩnh vực khác (như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, v.v..) mà chưa có chủ thể chính thức để quản lý về PTXH.

Quan trọng hơn là chưa có sự kết nối mang tính chức năng, cấp quốc gia giữa các lĩnh vực và chiều cạnh này. Chưa có một cơ quan nào chính thức làm đầu mối cho toàn bộ lĩnh vực PTXH ở cấp Trung ương và cấp địa phương.

Trong số các Hội đồng Quốc gia hay Chương trình quốc gia trực thuộc Chính phủ, chưa thấy có Hội đồng Quốc gia hay Chương trình Quốc gia nào về PTXH. Trong thập niên 2000, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững (PTBV) có giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối về PTBV trong lĩnh vực xã hội. Nhưng từ năm 2012, Hội đồng này đã đổi tên thành Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh - thiên nhiều về kinh tế hơn.

Nhìn chung chưa thấy rõ một cơ chế, một đầu mối hay một thiết chế, tổ chức nào chịu trách nhiệm bao quát về toàn bộ lĩnh vực PTXH và sự kết nối với các yếu tố, bộ phận của lĩnh vực này.       

Ngay cả các lĩnh vực PTXH của Chính phủ (năm 1995) hay các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG-2015), trong chừng mực nhất định chỉ có thể được xem là một “mô hình liệt kê” về PTXH để phục vụ cho quản lý  PTXH trong một giai đoạn nhất định, chứ chưa thể gọi đó là mô hình quản lý PTXH. 

Một số lĩnh vực lại có các mô hình, nguyên tắc quản lý riêng trong nội bộ ngành, mang tính cục bộ, mà không phải cho toàn bộ lĩnh vực PTXH. Ví dụ trong lĩnh vực an sinh xã hội, ngành Bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp,...) thực hiện mô hình, nguyên tắc “có đóng -  có hưởng”, kết hợp với các trợ giúp xã hội cho các nhóm mục tiêu (đối tượng chính sách), các nhóm dễ bị tổn thương (như người nghèo, người cao tuổi 80+, người khuyết tật, nạn nhân thiên tai,...); trong lĩnh vực dịch vụ có nguyên tắc “use to pay” (sử dụng - trả tiền), hoặc trợ cấp một phần (ví dụ cho dịch vụ giao thông công cộng), hoặc miễn phí với một vài dạng các dịch vụ công ích (thư viện, công viên, vườn hoa)... Một số lĩnh vực khác thì lại tập trung vào phương châm khuyến khích, tạo điều kiện là chủ yếu.

Trong mô hình quản lý phát triển xã hội, các chủ thể quản lý PTXH thường khá đa dạng với nhiều khu vực, tổ chức, chính thức và phi chính thức. Các chủ thể đó lại có các yếu tố là công cụ trong quản lý như: mục tiêu, phương pháp và cấp độ triển khai hoạt động quản lý,...

Khách thể quản lý đa dạng hơn vì bản thân khái niệm PTXH đã bao hàm nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động hoặc xã hội hoặc nhiều chiều cạnh xã hội. Do đó, muốn quản lý được hết các chiều cạnh xã hội này thì cần phải có một đầu mối chính thức (một tổ chức hay một thiết chế) chịu trách nhiệm chung.

Đây là một “mô hình” giản đơn, ban đầu dùng để đánh giá và có cái nhìn bao quát, toàn thể về quản lý PTXH. Các ô trong bảng có tính “mở” để bổ sung các mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể quản lý. Các cột và dòng cũng có tính“mở” để có thể bổ sung thêm nhiều nội dung của PTXH và các yếu tố quản lý. Chẳng hạn, có thể bổ sung cột “chi phí, đầu tư” cho lĩnh vực PTXH.

3. Một số vấn đề đặt ra

a) Nhận thức về PTXH và quản lý PTXH

Trước hết, cần khẳng định rằng, đầu tư cho PTXH, giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho phát triển nói chung, cũng quan trọng không kém đầu tư cho tăng trưởng kinh tế. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động kinh tế hay xã hội đều nhằm phục vụ con người và cuộc sống của con người ngày một tốt hơn. Do đó, PTXH phải dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, nhưng cũng không vì thế mà phát triển xã hội luôn phải đi sau kinh tế. Thực tế quản lý phát triển hiện nay, do áp lực của kinh tế thị trường, các yếu tố kinh tế, vật chất thường được chú trọng, ưu tiên hơn các yếu tố xã hội. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ “tăng trưởng xấu” hay phát triển không bền vững nói chung.

Cần ghi nhận rằng, ngay từ Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng đã đề cập đến 4 lĩnh vực chính sách xã hội gồm: (1) Chính sách lao động, việc làm và thu nhập; (2) Bảo đảm an sinh xã hội; (3) Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; (4) Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Tiếp theo đó, Hội nghị  Trung ương 5 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 15-NQ/TW (ngày 1-6-2012) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, coi đây “vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ ra 4 định hướng lớn trong lĩnh vực chính sách xã hội và an sinh xã hội, dựa trên cơ sở lý luận về chức năng, cấu trúc, các trụ cột,... của mô hình quản lý phát triển xã hội: Một là, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động và đổi mới chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững. Hai là, tiếp tục phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm. Ba là, mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác trợ giúp xã hội. Bốn là, bảo đảm cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu, mức tối thiểu về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin(4).

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quan niệm và ý chí chính trị rất rõ ràng về sự PTXH (cho dù mới thể hiện ở các chính sách xã hội, liên quan đến một số lĩnh vực). Việc triển khai quan niệm và ý chí chính trị này thành các hoạt động dưới dạng một mô hình quản lý PTXH tổng thể đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện và hoàn thiện.

Xác định mô hình PTXH, mô hình quản lý PTXH

Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay, thế nào là một mô hình quản lý PTXH thích hợp? Đó sẽ không thể là một mô hình duy nhất, thống nhất, mà phải là những mô hình linh hoạt, phân nhánh và phân tầng để đạt được hiệu quả và công bằng tối đa trong những điều kiện có thể.

Mặc dù đã có ý chí chính trị mạnh, nhưng với nguồn ngân sách có hạn, chúng ta lại đang tập trung cho tăng trưởng kinh tế và chưa thể có đủ nguồn lực cho phát triển văn hóa - xã hội và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững về xã hội. Vì vậy, một lộ trình từng bước, phân nhánh và phân tầng sẽ là thích hợp với mô hình quản lý PTXH ở nước ta hiện nay và trong những thập niên tới. Lôgíc của nó có thể tham khảo cấu trúc của “Sàn an sinh xã hội” đã được Liên Hợp quốc phát triển năm 2009 và Việt Nam đã từng áp dụng, gồm 3 tầng cơ bản sau: 

Tầng 1: Bảo đảm y tế tối thiểu (chăm sóc sức khỏe tối thiểu và tham gia bảo hiểm y tế); thu nhập tối thiểu cho người nghèo, người thất nghiệp, người già và trẻ em và các đối tượng đặc biệt khác. Nguồn tài chính của tầng 1 do nhà nước đảm bảo là chính thông qua nguồn thu từ thuế.

Tầng 2: Bảo hiểm xã hội bắt buộc và các hình thức an sinh khác có đóng góp của người dân (hướng tới mọi đối tượng). Nguồn tài chính của tầng 2 do doanh nghiệp và người lao động đóng góp, nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho một số đối tượng.

Tầng 3: Bảo hiểm xã hội tự nguyện (cho một số đối tượng nhất định). Nguồn tài chính của tầng 3 do doanh nghiệp và người lao động đóng góp, nhà nước hỗ trợ thông qua chính sách thuế thu nhập.                                                                                                                  

Về lâu dài, ở cấp độ quốc gia, mô hình PTXH và quản lý PTXH của Việt Nam sẽ thích hợp theo những “nhà nước xã hội“ với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống an sinh xã hội.

- Cùng hỗ trợ: Nguyên tắc này hàm ý là nhà nước phải xây dựng các chính sách để cho các nhóm tự cứu phát triển, không bị ngăn cấm;

- Hỗ trợ một phần: Các hỗ trợ của nhà nước không nhằm mục tiêu thay thế các nỗ lực của cá nhân và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội;

- Hỗ trợ chức năng: Nhà nước chỉ can thiệp, tham gia vào an sinh xã hội khi cơ chế tự an sinh và hỗ trợ xã hội có sự trục trặc (không có, không hoạt động hiệu quả..);

- Giảm dần hỗ trợ: Sự hỗ trợ của nhà nước sẽ kết thúc khi cá nhân tự bảo đảm được;

- Phân cấp hỗ trợ: Nhà nước Trung ương cần kết hợp với chính quyền địa phương để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cần phải tiếp tục phân quyền   cho   địa   phương   nhằm   tăng   cường   hiệu   quả   thực   hiện   chính sách;

- Hỗ trợ pháp lý: Điều này yêu cầu phải có cơ quan cung cấp dịch vụ an sinh xã hội trung ương đồng thời có các cơ quan địa phương với quyền tự chủ tương đối để bảo đảm cho chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng nhóm đối tượng(5).                     

Đa dạng hóa các chủ thể quản lý

Đa dạng hóa chủ thể quản lý PTXH là điều kiện hết sức quan trọng để phát triển xã hội tốt hơn. Song quan trọng nhất vẫn là xây dựng và vận hành được một bộ máy chính phủ hiện đại, trong sạch và minh bạch. Cùng với đó, cần tính đến vai trò tham gia quản lý của các tổ chức xã hội và công dân. Trước đây, người dân thường không biết rằng, họ chính là một chủ thể quản lý quan trọng của xã hội. Ngày nay họ cần biết về vai trò đó, rằng sự giám sát và phản hồi ý kiến của họ có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng một chính phủ hiện đại, trong sạch và minh bạch; góp phần hoàn thiện và lành mạnh hóa xã hội. Cách chuyển dần một phần vai trò, chức năng của nhà nước sang cho khu vực phi nhà nước, khu vực tư nhân dưới sự giám sát của nhà nước, vì nhà nước không thể ôm đồm bao sân tất cả mọi lĩnh vực, khiến bộ máy cồng kềnh và kém hiệu quả. Khu vực tư nhân thông qua thị trường cung cấp các hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực PTXH, chủ yếu cho các nhóm xã hội có điều kiện kinh tế.

4. Một số khuyến nghị chính sách

Quản lý PTXH là lĩnh vực liên ngành, rất rộng lớn và phức tạp. Vì vậy cần có những cách tiếp cận, cơ chế, thể chế đặc thù để đi đến xây dựng một mô hình quản lý PTXH hiệu quả ở cấp quốc gia.

Trong điều kiện như vậy, để xây dựng một mô hình quản lý PTXH phù hợp và hiệu quả, chúng tôi xin nêu một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần vận dụng nhiều hơn mô hình lồng ghép để tích hợp nhiều hơn các yếu tố xã hội vào trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển như các Nghị quyết Đại hội X và XI của Đảng đã chỉ rõ “trong từng bước đi, trong từng chính sách phát triển”.

Thứ hai, các bộ, ngành chủ quản về các lĩnh vực xã hội như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thế thao - Du lịch, cần làm rõ hơn mối quan hệ và chức năng “kép“: vừa quản lý nhà nước, vừa tham gia quản lý PTXH của lĩnh vực này.

Thứ ba, các bộ, ngành nên có các “Báo cáo Xã hội“ hàng năm, tổng hợp những vấn đề xã hội phát sinh của ngành mình cho cơ quan đầu mối về PTXH của Chính phủ.

Thứ tư, tiến tới thể chế hóa lĩnh vực quản lý PTXH. Chẳng hạn, Chính phủ sẽ có một thành viên phụ trách về PTXH; hay thành lập một Hội đồng quốc gia về quản lý PTXH trực thuộc Chính phủ được kết nối với hoạt động của một số Hội đồng, Ủy ban, Chương trình cấp quốc gia như: Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ MDGs, UBQG về phát triển bền vững (nay là Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh), và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội,...

Thứ năm, bên cạnh các Báo cáo Kinh tế quốc gia thường niên, cần có những Báo cáo Xã hội quốc gia thường niên (thay vì các báo cáo chuyên biệt về Giảm nghèo hay về các vấn đề xã hôi cụ thể), phản ánh những vấn đề PTXH và quản lý PTXH tổng thể. Báo cáo xã hội này sẽ rà soát các lĩnh vực, các kênh, các phương pháp xây dựng, chi tiết hóa chức năng giám sát và cập nhật mô hình quản lý PTXH hiện có.

Thứ sáu, bên cạnh các số liệu thống kê xã hội, cần hình thành Bộ Chỉ số phát triển xã hội, bao gồm những chỉ tiêu, chỉ số về xã hội trong những giai đoạn nhất định (3 năm, 5 năm, 10 năm,..) mang tính thực tiễn, tính mục tiêu, và thực sự khả thi.

_________________________ 

(1) Các chủ thể quản lý gồm: Nhà nước, Thị trường (khu vực tư nhân), cộng đồng, gia đình - và các tổ hợp trong mô hình, trong đó xác định rõ hơn vai trò của nhà nước và của thị trường, tương quan giữa các chủ thể và xu hướng biến đổi, đa dạng hóa các chủ thể của lĩnh vực PTXH và quản lý lĩnh vực này.

(2) Mục tiêu PTXH: lưu ý tới tính chất bao phủ của mục tiêu: phổ cập, toàn thể, toàn bộ hay theo các nhóm mục tiêu ưu tiên (các nhóm yếu thế, các nhóm đối tượng chính sách xã hội); xu hướng vươn tới tính phổ cập và con đường đạt tới tính phổ cập trong tương lai (ví dụ: BHYT toàn dân, phổ cập trung học cơ sở hay trung học phooe thông, BHXH toàn dân,...)

(3) Cấp độ và phương thức triển khai: Thường có các loại hình công cụ thực hiện việc quản lý ở các cấp độ như: chiến lược, trung hạn, ngắn hạn và ứng phó tại chỗ,... Ngoài ra còn có nhiều phân cấp khác, theo ngành, theo địa phương, theo mức độ hoạt động, dịch vụ có phí, miền giảm phí, tự nguyện,v.v..

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

(5) MOLISA,Viện Khoa học Lao động và xã hội: Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020, GIZ.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Hà Nội, 2012. 

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.237, 237-238, 136-137, 300.      

3. Đặng Nguyên Anh: An sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất mô hình, giải pháp. Tạp chí Xã hội học, Số 1/2015

4. Đỗ Thị Hải Hà và Mai Ngọc Anh: Cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Kinh tế và Phát triển. Số 218, tháng 8-2015

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo Khung kế hoạch 5 năm 2011-2015 về Phát triển xã hội.

6. Hoàng Chí Bảo: Luận cứ và giải pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

7. Hội đồng Phát triển Bền vững Quốc gia: Dự thảo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện định hướng chiến lược Phát triển Bền vững  ở Việt Nam Lưu Văn An (2014). Lý thuyết và mô hình phát triển xã hội, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014.

8. MOLISA. Viện Khoa học Lao động và xã hội: Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020.GIZ.

9. Nguyễn Trung Kiên, Lê Ngọc Hùng: Quản lý xã hội dựa vào sự tham gia: một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Tạp chí Xã hội học, Số 1 (117)/2012, 103-112.

10. Nguyễn Văn Mạnh: Một số vấn đề lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, http://www.vusta.vn, 01-11-2010.

11. Nước CHXHCN Việt Nam: Báo cáo Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ 2010. Việt Nam - 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015.

12. Trần Đức Cường: Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học Xã hội, 2012.

13. Trịnh Duy Luân: Một số vấn đề tham gia xã hội và phản biện xã hội, Tạp chí Xã hội học. Số 2 (106), 2009.

14. Vũ Mạnh Lợi: Bàn về phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, Số 4 (120)/2012.

15. Viện Xã hội học: Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ: Một số vấn đề về mô hình phát triển xã hội và quản lý xã hội Việt Nam. Chủ nhiệm Đề tài: Trịnh Duy Luân.

 

GS, TS Trịnh Duy Luân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền