Trang chủ    Thực tiễn     Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 15:31
3671 Lượt xem

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm so với cả nước và có sự khác biệt về trình độ chuyên môn, loại hình kinh tế, vị thế việc làm, khu vực kinh tế. Điều đó đã có tác động đến thu nhập, phân tầng xã hội và quyết định di cư của lực lượng lao động ở vùng này. Do đó, cần có giải pháp thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp của vùng theo hướng tích cực.

1. Thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

Cùng với sự biến đổi chung của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những biến đổi khá rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Trong những năm qua, ĐBSCL đã phát huy thế mạnh về các mặt hàng nông sản như: lúa gạo, trái cây và thủy sản..., từ đó tạo thay đổi trong cơ cấu xã hội - nghề nghiệp. Toàn vùng đã nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, cơ cấu lao động nông, lâm và thủy sản của toàn vùng vẫn chiếm đến 47,8%(1). Sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm so với cả nước, nếu năm 2010 cả nước có 49,5% lao động hoạt động trong nông - lâm - thủy sản thì đến năm 2016 chỉ còn 41,7% (giảm 7,8%); trong khi đó cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực này của vùng chỉ giảm 4,8% trong cùng kỳ. Điều này cho thấy, sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của vùng còn khá chậm so với cả nước và có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của vùng trong tình hình hiện nay.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo khu vực kinh tế

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Mặc dù vậy, cơ cấu lao động trong nông, lâm và thủy sản của ĐBSCL 3 năm qua (2010-2016) ở vẫn chiếm gần 1/2 tổng số lực lượng lao động. Có sự chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế nhưng không nhiều. Năm 2016, lực lượng lao động trong công nghiệp tăng lên 2,6 điểm phần trăm và lao động trong ngành dịch vụ tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm 2010 (Bảng 1). Điều này cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng còn khá chậm và chưa ổn định.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do cấu trúc kinh tế của ĐBSCL vẫn chủ yếu là nông nghiệp và hiện nay một số tỉnh trong vùng đang có xu hướng phát triển các ngành du lịch sinh thái, miệt vườn. Hơn nữa, trong những năm gần đây, sức thu hút đầu tư trong và ngoài nước về phát triển công nghiệp đã có xu hướng tăng lên. Chính vì thế, lực lượng lao động vẫn còn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, một số có xu hướng chuyển sang ngành dịch vụ như du lịch, thương mại và công nghiệp.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo trình độ chuyên môn

Trong những năm gần đây (2009-2016), lực lượng lao động được đào tạo ở ĐBSCL đã có những biến đổi nhất định. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo và không có bằng cấp chuyên môn có xu hướng giảm, từ 96,4% (2009) xuống 90,8% (2012) và còn 87,9% (2016). Tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên tăng, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên tăng khá nhanh từ 0,4% (2009) lên 5,5% (2016). Sự tăng lên của đội ngũ lao động có trình độ đại học trở lên là sự thay đổi tích cực đối với chất lượng nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sự tăng lên này khá nhanh sẽ khiến tạo ra một thị trường lao động thừa thầy, thiếu thợ như các thị trường lao động lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra lao động và việc làm (2016), ĐBSCL là một trong những vùng có tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo thấp nhất (12%) trong cả nước(2). Điều này cho thấy, chất lượng đội ngũ lao động của vùng có sự chuyển biến khá tích cực, song vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Do đó đã tác động không nhỏ đến cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như thu nhập ổn định của lực lượng lao động của vùng.

Có sự biến đổi này là do người dân trong vùng đã nhận thức được tính tích cực trong việc học tập và nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình của họ nên việc đầu tư giáo dục của cha mẹ đối với việc học của con cái có sự biến đổi nhất định. Số liệu điều tra biến đổi mức sống (2014) cho thấy, so với năm 2008, việc chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng của vùng ĐBSCL tăng lên 2,14 lần, trong đó, chi cho giáo dục đại học tăng 2,04 lần; chi cho bậc học nghề tăng lên 2,46 lần(3). Ngoài ra, sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của Trung ương đã góp phần làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của toàn vùng. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục tại khu vực này trong những năm tới, Trung ương đầu tư ngân sách cho giáo dục ĐBSCL từ 17,5% lên 22%/năm, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được chú trọng. Năm học 2013 - 2014, toàn vùng có 73 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (trong đó có 39 trường trung cấp và 34 trường đại học, cao đẳng đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp) tăng 11 cơ sở so với năm học 2010 - 2011 (riêng thành phố Cần Thơ tăng 5 trường); về mạng lưới trường trung tâm công nghệ tăng 10 trường (tăng 34,5% so với năm 2010)(4). Việc đầu tư phát triển giáo dục đã góp phần tích cực vào sự thay đổi trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong vùng hiện nay.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo loại hình kinh tế

Số liệu cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo loại hình kinh tế của vùng ĐBSCL còn khá chậm và chưa ổn định. Loại hình kinh tế cá nhân/ hộ sản xuất kinh doanh cá thể còn chiếm hơn 2/3 tổng số lao động có việc làm. Điều này phản ánh trình độ phát triển kinh tế của vùng còn mang tính cá thể chưa có nhiều sự liên kết với nhau. Loại hình kinh tế tập thể có xu hướng giảm từ 0,6% (2010) xuống còn 0,2% (2011-2012) và 0,1% (2016). Loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm nhẹ, 0,1 điểm phần trăm qua các năm 2011, 2012; song lại tăng mạnh từ năm 2013 đến 2016. Có tình trạng này là do khả năng thu hút đầu tư của vùng trong những năm trước năm 2013 còn hạn chế. Bằng chứng về thu hút vốn FDI cho thấy, năm 2012, toàn vùng chỉ thu hút được 538 triệu USD từ nguồn vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, chiếm 7,4% so với tổng FDI cả nước(5). Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, ĐBSCL đã phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã tạo sức thu hút đầu tư mới đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018, vùng ĐBSCL có 4.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký 44.900 tỷ đồng, tăng 45,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh thu hút đầu tư trong nước, 6 tháng đầu năm 2018, toàn vùng có 7/13 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với 47 dự án, có vốn đăng ký hơn 800 triệu USD(6). Do đó, lực lượng lao động tham gia loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Số liệu Bảng 3 cho thấy, cơ cấu lao động trong loại hình kinh tế nhà nước tăng qua các năm (2010 - 2014) nhưng năm 2015 có giảm xuống và tăng trở lại vào năm 2016. Mặc dù biến động qua các năm nhưng loại hình kinh tế này vẫn chiếm tỷ lệ khá cao so với các loại hình kinh tế khác, thể hiện sức hút khá mạnh đối với lực lượng lao động của vùng. Phải chăng, loại hình kinh tế nhà nước thường có ưu thế hơn các loại hình kinh tế khác do có đặc thù như tính ổn định của công việc cũng như việc thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ chính sách. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với loại hình kinh tế này là doanh nghiệp nhà nước sẽ cồng kềnh hơn và làm tăng gánh nặng cho ngân sách của nhà nước.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo vị thế việc làm

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Minh Hòa (2010) nhận định rằng, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo vị thế công việc ở Việt Nam hiện nay đã thay đổi theo xu hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động việc làm cho gia đình, tăng tỷ trong lao động làm công ăn lương(7). Kết quả điều tra lao động và việc làm năm 2016 cũng thống nhất với kết luận trên rằng, so với năm 2009, tỷ trọng lao động cả nước làm công ăn lương tăng 8,7 điểm phần trăm, chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động có việc làm. Điều này phản ánh xu hướng tích cực của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế(8).

Nằm chung trong sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo vị thế việc làm của cả nước, biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở ĐBSCL diễn ra cũng theo xu hướng lao động gia đình giảm khá mạnh từ 19,6% (2010) xuống còn 9,8% (2016), chủ cơ sở cũng có xu hướng giảm xuống 1,2 điểm phần trăm so với 2010. Trong khi đó, tỷ lệ lao động tự làm của năm 2016 tăng lên không nhiều so với năm 2010 (chỉ 0,6 điểm phần trăm). Sự chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp như trên đã thể hiện trình độ phân công lao động, chuyên môn hóa lao động của vùng ngày càng cao và các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ của vùng đã có sự phát triển. Tuy nhiên, sự phân hóa và phát triển này chưa ổn định.

Như vậy, các bằng chứng từ các cuộc điều tra lao động và việc làm đã cho thấy, cơ cấu lao động của ĐBSCL có sự biến đổi, song vẫn còn khá chậm và chưa ổn định so với cả nước ở các khu vực kinh tế, vị thế việc làm và loại hình kinh tế. Sự biến đổi này đã phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng phát triển thị trường lao động của vùng trong những năm gần đây. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL hiện nay.

3. Tác động của biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp đến phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long

Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ, cơ cấu kinh tế chủ yếu là thuần nông, lực lượng lao động chưa có trình độ chuyên môn cao và môi trường đầu tư còn chậm cải tiến là những yếu tố tác động dẫn đến sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của vùng còn chậm và chưa ổn định. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nổi cộm trên một số khía cạnh như thu nhập và mức sống, phân tầng xã hội, quyết định di cư…

Tác động đến thu nhập và mức sống

Số liệu Bảng 4 cho thấy, thu nhập bình quân của 1 người/ tháng ở các lĩnh vực kinh tế tăng lên qua các năm. Điều này cho thấy, đời sống của lao động hoạt động trên các lĩnh vực đã có sự cải thiện hơn. Song, vẫn còn sự khác biệt đáng kể về thu nhập bình quân 1 người/ tháng giữa các khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân của 1 người/ tháng ở các ngành dịch vụ cao hơn nông nghiệp gấp 1,43 lần (2011) và 1,54 lần (2016); tỷ lệ này ở lĩnh vực công nghiệp cao hơn so với nông nghiệp là 1,25 lần (2011) và 1,35 lần (2016). Sự khác biệt này đã tạo khoảng cách về thu nhập giữa các lực lượng lao động hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau và có xu hướng mở rộng hơn giữa các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp. Nhìn chung, thu nhập bình quân của một người/ tháng ở ngành nông nghiệp luôn thấp hơn so với các ngành khác, đặc biệt là dịch vụ. Chính vì thế, cơ hội vươn lên làm giàu của lao động ở lĩnh vực nông nghiệp rất ít so với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Tác động đến phân tầng xã hội

Không chỉ có sự phân tầng xã hội về thu nhập ở khu vực kinh tế mà còn có sự phân tầng xã hội về thu nhập ở loại hình kinh tế. Số liệu Bảng 5 cho thấy, thu nhập bình quân 1 người/ tháng của loại hình kinh tế cá nhân là thấp nhất (3.249.000 đồng/1 người/tháng) và cao nhất là loại hình kinh tế nhà nước (5.038.000 đồng/người/tháng) và loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (4.888.000 đồng/người/tháng). Điều này có thể lý giải tại sao cơ cấu lao động ở loại hình kinh tế nhà nước tăng lên ổn định và sự tăng giảm không ổn định của loại hình kinh tế cá nhân/ hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong những năm qua.

Như vậy, sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp đã góp phần làm cho thu nhập của lao động tăng lên, song cũng đã tạo phân tầng xã hội về thu nhập ở các loại hình kinh tế, khu vực kinh tế. Do đó, cần có những giải pháp để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp một cách nhanh chóng, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các lĩnh vực kinh tế, giúp cho lực lượng lao động có thể ổn định cuộc sống tại địa phương của họ.

Tác động đến sự quyết định di cư của lao động

Kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015 cho thấy, di cư ở ĐBSCL đa số là di chuyển nội vùng (chiếm 83,0%), ngoài ra, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi quyết định di chuyển đến của một số người dân ở ĐBSCL. Trong đó, xu hướng di chuyển từ nông thôn - thành thị chiếm tỷ lệ 46,6% và thành thị - thành thị chiếm 30,9%(9).

Có nhiều nguyên nhân khiến cho người dân vùng ĐBSCL quyết định di cư, phổ biến là do ở tại địa phương, họ rất khó tìm kiếm việc làm để có thu nhập ổn định. Hơn nữa, lực lượng lao động này thường làm nông nghiệp, trình độ thấp. Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp dẫn đến thiếu đất canh tác nên họ phải di cư đến các thành phố lớn để có cơ hội tìm kiếm việc làm, giúp họ thoát nghèo. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL đã khiến nhiều lao động phải bỏ ruộng đất, bỏ quê để kiếm cơ hội mới. Trong khi đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở các khu vực kinh tế diễn ra khá chậm và lực lượng lao động chưa qua đào tạo lớn đã khiến cho lực lượng lao động của vùng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại chỗ để có thu nhập ổn định. Từ đó đã tạo lực đẩy đẩy lực lượng lao động ở địa phương di cư đến các đô thị lớn với mong muốn tìm kiếm việc làm và cơ hội được đổi đời. Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 cho thấy, toàn vùng có khoảng 145,9 nghìn người từ 15 tuổi trở lên di cư. Trong đó, có khoảng 96 nghìn người có việc làm/107,8 nghìn người di cư tham gia vào lực lượng lao động(10). Do đó, cần có những giải pháp chuyển dịch tích cực về cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo trình độ học vấn, khu vực kinh tế, nghề nghiệp để lực lượng lao động có thể tìm kiếm việc và thu nhập ở tại địa phương.

4. Một số khuyến nghị thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Như vậy, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở ĐBSCL trong những năm gần đây có sự thay đổi nhưng vẫn còn chậm và chưa ổn định. Điều đó đã tác động đến thu nhập và phân tầng xã hội về thu nhập ở các loại hình kinh tế và khu vực kinh tế; tác động đến sự quyết định di cư của lao động trong vùng. Do đó, để thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của ĐBSCL, nghiên cứu gợi mở một số khuyến nghị như sau:

(1) Thực hiện chính sách và chương trình đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong vùng, đặc biệt là lao động ở nông thôn, lao động nữ. Vì việc đào tạo này làm cho trình độ kỹ thuật chuyên môn của lao động trong vùng được nâng lên, giúp họ có thể tìm kiếm việc làm tại chỗ, tham gia hoạt động vào các loại hình kinh tế, góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực hơn và thu hẹp khoảng cách về thu nhập ở các hoạt động kinh tế. Để thực hiện được điều này, chính sách và chương trình đào tạo cần căn cứ vào nhu cầu lao động của vùng, trình độ tiếp thu của lao động… nhằm tránh sự lãng phí trong đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo hơn.

(2) Cần thúc đẩy mô hình liên kết 4 nhà cũng như liên kết vùng để phát huy thế mạnh của vùng là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Sự liên kết này sẽ tạo mô hình sản xuất khép kín từ người sản xuất ra nguồn nguyên liệu cho đến giai đoạn chế biến và vận chuyển thành phẩm. Thực hiện sự liên kết này sẽ làm tăng nhanh các khu chế xuất nông, thủy sản, góp phần làm cho sự chuyển dịch nhanh hơn về cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo khu vực kinh tế và loại hình kinh tế.

(3) Cần có chính sách khuyến khích và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào phát triển vùng. Thu hút và cải thiện môi trường đầu tư sẽ góp phần làm đa dạng hóa loại hình kinh tế ở địa phương, giúp giải quyết việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo loại hình kinh tế có hiệu quả hơn, tránh làm quá tải cho loại hình kinh tế nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo ra cạnh tranh lành mạnh về thu nhập giữa các loại hình kinh tế. Để làm được điều này, cần thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra giám sát về hoạt động của các loại hình kinh tế về thực hiện chế độ cho lao động; thực hiện thủ tục đầu tư gọn và nhanh chóng phù hợp với pháp luật; ưu đãi về đất đai, thuế… và có cam kết về đào tạo và sử dụng lao động của địa phương.

(4) Cần có sự tái cấu trúc lại nền kinh tế của vùng theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì hiện nay, cấu trúc kinh tế của vùng chủ yếu là nông nghiệp nên thu hút đầu nước ngoài là một việc làm hết sức khó khăn. Do đó, việc tái cấu trúc lại nền kinh tế của vùng là cần thiết. Để làm được điều này, cần nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương để có quy hoạch tổng thể cho vùng, nhằm thực hiện chuyên môn hóa của từng địa phương trong vùng .

___________________________

(1), (2) Tổng Cục thống kê: Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.21 và 22, 19.

(3)Tổng Cục thống kê: Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.155.

(4) Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Báo cáo về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2011- 2015, phương hướng phát triển giai đoạn 2016-2020.

(5) Bùi Quốc Dũng: Bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long từ góc nhìn đầu tư nước ngoài. Truy cập tại: http://www.nhandan.com.vn.

 (6)Thảo Ngọc: Đồng bằng sông Cửu Long: Đột phá trong thu hút đầu tư, http://kinhtevn.com.vn.

(7) Nguyễn Thị Minh Hòa: Thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp. Trong Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên) (2012), Một số vấn đề về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.302-323.

(8)Tổng Cục thống kê: Báo cáo kết quả điều tra lao động và việc làm năm 2012, Hà Nội, tr.24.

(9) Tổng Cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp quốc: Điều tra di cư nội địa năm 2015, Nxb

Thống kê.

(10) Tổng Cục Thống kê: Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016, Nxb Thống kê, tr.46-47.

ThS Phan Thuận

Học viện Chính trị Khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền