Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện các chức năng của công đoàn khi Việt Nam gia nhập CPTPP - một số vấn đề đặt ra
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 10:01
2265 Lượt xem

Thực hiện các chức năng của công đoàn khi Việt Nam gia nhập CPTPP - một số vấn đề đặt ra

(LLCT) - Ngày 8-3-2018, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng đại diện 10 quốc gia thành viên khác. Ngày 14-1-2019, CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức công đoàn. Với việc làm rõ chức năng của công đoàn, chỉ ra những khó khăn, thách thức, bài viết cũng đề cập một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong việc tập hợp, bảo vệ lợi ích của đoàn viên trong thời gian tới.

1. Địa vị chính trị, pháp lý của Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động. Công đoàn do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng cũng như phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tới Đảng nhằm thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề của giai cấp công nhân như: đời sống, việc làm, tiền lương, trình độ, kinh nghiệm... đặt ra yêu cầu mới đối với Công đoàn. V.I.Lênin khẳng định: “Đối với giai cấp vô sản công nghiệp, Công đoàn không phải chỉ là một tổ chức tất yếu về mặt lịch sử, mà còn là một tổ chức không thể không có được về mặt lịch sử, và trong điều kiện chuyên chính vô sản tổ chức đó bao gồm hầu hết giai cấp vô sản công nghiệp”(1). V.I.Lênin nhấn mạnh: “Tôi đi đến kết luận rằng, vai trò ấy là hết sức đặc biệt. Một mặt Công đoàn tập hợp, bao gồm trong hàng ngũ tổ chức của mình toàn thể công nhân công nghiệp, nó là một tổ chức của giai cấp đang cầm quyền, đang thống trị, đang chấp chính, là tổ chức của giai cấp đang thực hiện chuyên chính, giai cấp đang thực hành sự cưỡng bức nhà nước”(2).

Yêu cầu đặt ra là xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thực sự trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục giai cấp công nhân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng. Tổ chức Công đoàn vững mạnh mới thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Đó cũng là biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giai cấp công nhân và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Xây dựng Công đoàn vững mạnh là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố đóng vai trò quyết định.

Ý thức được vấn đề này, Công đoàn Việt Nam luôn xác định trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng giai cấp công nhân thực sự vững mạnh trong thời kỳ mới. Với vị trí của mình, Công đoàn đã tổ chức cho đoàn viên tham gia góp ý xây dựng và bảo vệ Đảng; Công đoàn cũng là nơi giáo dục, rèn luyện những quần chúng ưu tú để giới thiệu họ với Đảng, đồng thời chủ động đề xuất với cấp ủy Đảng các cấp đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới hệ thống chính trị, tham gia vào cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bước vào thế kỷ XXI, việc xây dựng, phát triển và tăng cường bản chất giai cấp công nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước mà còn để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện vai trò và chức năng quản lý của Nhà nước. Đối với giai cấp công nhân, việc xây dựng và phát triển giai cấp mình, trước hết và chủ yếu là nhiệm vụ, là yêu cầu nội tại của chính giai cấp công nhân, phong trào công nhân thông qua tổ chức Công đoàn và cao hơn là tổ chức Đảng. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn chủ động xây dựng lực lượng và tiềm lực phát triển của mình cùng với huy động mọi nỗ lực và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng không thể tách rời với xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh với Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị đổi mới năng động. Muốn vậy, cần phải có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội làm cơ sở cho những chuyển biến thực sự trong hành động thực tế để giai cấp công nhân cùng tổ chức Công đoàn có được sức mạnh, ảnh hưởng và uy tín trong xã hội, xứng đáng với vai trò và vị trí của giai cấp công nhân hiện nay. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng không thể giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng nếu tổ chức Công đoàn yếu kém, không được đầu tư đúng mức, đúng tầm.

Trong cơ chế mới của nền kinh tế, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Công đoàn không chỉ là cầu nối của Đảng đến giai cấp công nhân mà còn là đại diện thực sự của công nhân, là “đệm giảm sóc” cho những va chạm, xung đột phát sinh trong quan hệ xã hội giữa một bên là giai cấp công nhân với một bên là giới chủ - người sử dụng lao động. Theo quy định hiện nay, Công đoàn Việt Nam có các chức năng cơ bản sau: đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(3).

Chức năng của Công đoàn là một chỉnh thể, trong đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.

Luật Công đoàn năm 2012 ghi rõ:

Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.

4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.

6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa  án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa  án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.

9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.

10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật(4).

2. Những vấn đề đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực

Thứ nhất, sự cạnh tranh từ các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động không trực thuộc Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động khi gia nhập CPTPP, vấn đề cạnh tranh và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu. Việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động công đoàn, nhất là nguồn lực tài chính sẽ bị chia sẻ và giảm sút. Môi trường hoạt động công đoàn thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp. Người lao động và cả người sử dụng lao động sẽ đứng trước nhiều lựa chọn tổ chức để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động của Công đoàn trong thực hiện các chức năng, nhất là chức năng bảo vệ người lao động.

Trên thực tế, Công đoàn trở nên “hành chính hóa” và suy giảm uy tín mạnh mẽ trong công nhân. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội nên vẫn dùng kinh phí ngân sách và như vậy, mối quan hệ giữa công nhân, người lao động với công đoàn nhiều khi không gắn kết bởi cán bộ chuyên trách công đoàn hưởng lương thực chất chủ yếu là từ ngân sách chứ không phải từ hội phí như công đoàn của một số nước theo kinh tế thị trường. Chính vì vậy, nhiều cán bộ công đoàn tự coi mình là công chức nhà nước chứ không phải là người đại diện cho người lao động, có nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ người lao động. Điều này tạo ra khoảng cách giữa người lao động và Công đoàn. Do đó, mối quan hệ giữa hai phía nhiều khi mang tính hình thức.

Thứ ba, niềm tin của người lao động và việc gia nhập công đoàn.

Trong các chức năng của Công đoàn, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi tình hình đình công đang diễn ra phức tạp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì vai trò của Công đoàn ở đó luôn mờ nhạt, khiến nhiều công nhân giảm tin tưởng vào Công đoàn và cho rằng Công đoàn không đứng về phía họ. Ở nhiều nơi, tổ chức Công đoàn thụ động và hầu như không nắm được công nhân. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phần lớn các cuộc đình công thời gian qua rơi vào bất hợp pháp theo Luật hiện hành.

Thứ tư, sự e ngại của người sử dụng lao động đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp.       

Hầu hết các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (kể cả các doanh nghiệp có phần vốn góp của Việt Nam) có rất ít các tổ chức đảng và đảng viên do tâm lý e ngại từ phía giới chủ. Họ tìm cách cản trở hoạt động của tổ chức Đảng nên tác động, ảnh hưởng của Đảng đến công nhân là rất hạn chế. Công đoàn là tổ chức có khả năng và có thể góp phần quan trọng để khắc phục tình trạng này thông qua các hoạt động của mình để đưa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đến với giai cấp công nhân. Hoạt động của Công đoàn cũng gặp nhiều khó khăn khi người sử dụng lao động cũng không muốn hoạt động của doanh nghiệp bị giám sát bởi Công đoàn, thậm chí còn có tư tưởng cho rằng hoạt động của Công đoàn là gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt khác, vai trò của Công đoàn trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước rất mờ nhạt. Công nhân mất lòng tin vào Công đoàn với tâm lý cho rằng Công đoàn ăn lương của giới chủ và đứng về giới chủ, không bảo vệ quyền lợi của công nhân. Hệ quả là công nhân có tư tưởng bị bỏ rơi trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của mình, cho dù có nhiều trường hợp sự đấu tranh đó đã đi quá giới hạn.

Thứ năm, các quy định của pháp luật còn một số bất cập.

Khi thỏa luận sửa đổi các quy định của Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến không ủng hộ quan điểm: “lãnh đạo đình công là quyền duy nhất của tổ chức công đoàn”. Lý do là: Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng hiện nay còn tới 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có công đoàn cơ sở. Vậy khi đình công, ai đứng ra làm đại diện cho người lao động? Đình công là biện pháp tự bảo vệ cuối cùng của người lao động khi lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Tuy nhiên, ngoài việc thiếu sự có mặt của Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì tổ chức công đoàn hiện còn bị ảnh hưởng của xu hướng hành chính hóa, quan liêu hóa, một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa biết bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thực tế, hầu hết Chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp có tổ chức đảng là đảng viên. Vấn đề đặt ra là, nếu họ đứng ra lãnh đạo đình công thì có vi phạm Điều lệ Đảng hay không, hướng giải quyết ra sao?

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập CPTPP, rõ ràng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chỉ đạo, hướng dẫn cho các cấp Công đoàn thấy được việc bảo vệ lợi ích của người lao động là nhiệm vụ thiết yếu của tổ chức Công đoàn. Cần thống nhất nhận thức là phải xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp đối với khách hàng, giữa chủ doanh nghiệp với mọi thành viên trong doanh nghiệp, giữa công nhân viên chức, lao động với nhau và đặc biệt là mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng, Công đoàn và Giám đốc doanh nghiệp. Nếu xây dựng tốt các mối quan hệ này, doanh nghiệp sẽ ổn định, phát triển bền vững. Ngược lại, thống nhất, tin tưởng, phấn khởi, toàn tâm toàn ý của công nhân viên chức lao động ra sức xây dựng doanh nghiệp. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, giai cấp công nhân không còn bị áp bức, bóc lột nữa, mà trở thành giai cấp thống trị về chính trị, giai cấp lãnh đạo toàn xã hội trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Cần lưu ý rằng, một bộ phận công nhân làm thuê trong các doanh nghiệp tư nhân, vừa tham gia làm chủ cùng toàn bộ giai cấp công nhân, vừa làm thuê xét về mặt cá nhân. Điều này lý giải vì sao khi xem xét biểu hiện ý thức chính trị của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay lại xét cả thái độ của giai cấp công nhân đối với giới chủ. Giới chủ là những người tổ chức, quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp ngoài thành phần kinh tế nhà nước và tập thể. Người sử dụng lao động ở đây là nói đến người tổ chức, quản lý sản xuất trong những doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước và tập thể. Để hạn chế ngay từ đầu những hậu quả tiêu cực của các cuộc đình công, Công đoàn cần giáo dục người lao động có ý thức chính trị, thái độ đối với người sử dụng lao động, trong đó có giới chủ, phải trên cơ sở quy định của pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động. Hiểu được những điều khoản cơ bản trong Bộ luật Lao động là người lao động đã hiểu được những quyền lợi và nghĩa vụ lao động của mình. Từ đó, có cơ sở để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước. Công đoàn phải làm cho người lao động hiểu được bản chất của mối quan hệ giữa mình và người sử dụng lao động, đặc biệt là với giới chủ. Phải thấy rằng sự hợp tác với giới chủ là cần thiết nhưng phải vừa hợp tác vừa đấu tranh trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Công đoàn phải làm cho người lao động có lập trường kiên định, vững vàng trước mọi cám dỗ của lợi ích vật chất tầm thường, có thái độ rõ ràng, dứt khoát với những việc làm sai trái của giới chủ, không vì lợi ích trước mắt của mình mà đánh mất danh dự, nhân phẩm, phản bội lợi ích của giai cấp và của toàn thể nhân dân lao động. Hơn nữa, người lao động có ý thức chính trị cao phải động viên mọi người thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng đối với những biểu hiện vi phạm mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có giới chủ, trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhằm kết hợp hài hòa các lợi ích.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng công nhân ngày càng nhiều nhưng sự hiểu biết của một bộ phận không nhỏ về tổ chức Công đoàn lại không nhiều. Đa số công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn bị ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, với lối làm ăn, suy nghĩ manh mún, tùy tiện, tự do, trình độ văn hóa còn hạn chế, chưa đủ ý thức về tổ chức Công đoàn và tự bảo vệ mình. Nhiều người lo lắng tham gia Công đoàn sẽ mất lòng giới chủ và bị đuổi việc. Ngược lại, không ít chủ doanh nghiệp lại lo lắng công đoàn sẽ đối lập với doanh nghiệp, lo sợ hoạt động của Công đoàn sẽ chiếm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi gia nhập CPTPP và có sự cạnh tranh cả về tổ chức, hoạt động thu hút đoàn viên thì trách nhiệm của cán bộ công đoàn là phải tuyên truyền, vận động công nhân gia nhập tổ chức Công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, Công đoàn phải đưa cán bộ công đoàn chuyên trách có năng lực đến các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn làm nòng cốt, vận động cả những người sử dụng lao động để họ thành lập tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp khi có đủ điều kiện.

Trong nền kinh tế thị trường, lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp quan trọng nhất để phát triển xã hội. Công nhân trước khi quyết định gia nhập tổ chức Công đoàn nào thường đặt câu hỏi: vào công đoàn để làm gì? được lợi gì? Các cán bộ công đoàn phải trả lời câu hỏi này cho công nhân. Không chỉ trả lời trên lý thuyết mà còn trả lời bằng thực tế việc làm, những nội dung hoạt động của công đoàn cơ sở, những quyền lợi dễ thấy mà công nhân có được khi vào tổ chức Công đoàn. Vì vậy, Công đoàn luôn luôn phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình để công nhân thấy được công đoàn thực sự là chỗ dựa của mình khi gặp khó khăn.

Công đoàn phải nắm được đoàn viên, tổ chức cho đoàn viên hoạt động, căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của cơ sở mà phân công đoàn viên phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi người. Cán bộ công đoàn cần định kỳ nhận xét đánh giá ưu khuyết điểm của đoàn viên, đề xuất khen thưởng động viên các đoàn viên tích cực, uốn nắn kịp thời những khuyết điểm của đoàn viên. Cổ vũ lôi cuốn công nhân tham gia hoạt động công đoàn, có niềm tin về hoạt động công đoàn, về quyền lợi và mục đích sẽ đạt được nhờ có tổ chức Công đoàn. Từ đó, làm cho công nhân tự nguyện gia nhập và tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức.

___________________

(1), (2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.253, 253.

(3), (4) Điều 1 Luật Công đoàn, Luật số 12/2012/QH13

 

PGS, TS Lê Văn Cường

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền